Nguồn thủy sinh và tác động của con người đến nguồn thủy sinh

[VUDPLVN] Biển và đại dương chiếm 70,8% diện tích bề mặt trái đất (361 triệu km2 so với 510 triệu km2). Khoảng 10 – 12 triệu tấn đạm động vật được khai thác hàng năm từ các sinh vật ở biển, chiếm gần 1/3 nhu cầu của loài người về nguồn đạm động vật.

Trên 1,5 tỉ người sống ở khu vực Ắn Độ Dương và Thái Bình Dương dùng các sản phẩm của biển làm nguồn cung cấp chất đạm chủ yếu. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng hợp lí nguồn thuỷ sinh là yêu cầu cấp thiết của nhiều quốc gia trên thế giới.

1. Nguồn thủy sinh và những giá trị của nó

Nguồn thuỷ sinh có vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người cũng như cho môi trường tự nhiên về giá ttị kinh tế, giá trị khoa học cũng như giá trị nội sinh. Khoảng hơn 6 tỉ người trên trái đất hiện nay đang phải sống dựa vào một diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, chỉ chiếm chừng 3% toàn bộ bề mặt hành tinh để sinh sống.

Theo Đại từ điển tiếng Việt, thuỷ sinh là những loài “sống ở dưới nước, mọc ở trong nước”. Nguồn thuỷ sinh là khái niệm khá rộng, nó bao gồm toàn bộ các loài động và thực vật sống ở trong nước. Thuỷ sinh bao gồm động vật thuỷ sinh và thực vật thuỷ sinh. Môi trường sống của nguồn thuỷ sinh bao gồm vùng nước, mặt đất ngập nước và cả phần đất mà các loài thuỷ sản sinh sống.

Xét dưới góc độ môi trường, tất cả các nguồn tài nguyên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nguồn thuỷ sinh có vai trò quan trọng đối vói các nguồn tài nguyên tự nhiên như đất, nước, đa dạng sinh học… Nó vừa là nguồn thức ăn cho các loại động thực vật, lại vừa góp phần quan trọng trong sự cân bằng sinh thái.

Nguồn lợi thủy sản có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và đã được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây, phát triển nguồn thuỷ sản đã nhanh chóng đạt được mức sản lượng tăng trưởng nhảy vọt. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản nhằm đảm bảo an ninh thực phẩm và tạo nguồn nguyên liệu chủ yếu cho xuất khẩu; góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội đất nước và an ninh ven biển. Xuất khẩu thuỷ sản góp phần tăng thu ngân sách quốc gia rất lớn. Bảo vệ và phát triển nguồn thủy sinh cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo cuộc sổng, công ăn việc làm cho cư dân và cũng nhằm bảo vệ môi trường. Nuôi trồng thuỷ sàn cũng là biện pháp quan trọng để tăng nguồn cung cấp protein đáp ứng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nguồn thuỷ sinh là nguồn nguyên liệu quan trọng cho một số ngành sản xuất, cho các nghiên cứu khoa học, góp phần đa dạng nguồn gen, có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái. Nguồn thuỷ sinh là tài nguyên tái tạo nhưng tất nhiên không phải là vô tận. Nguồn thuỷ sinh có thể bị suy thoái bởi rất nhiều các nguyên nhân khác nhau.

2. Những ảnh hưởng từ tự nhiên đối với nguồn thủy sinh

Môi trường sống của nguồn thuỷ sinh bao gồm vùng nước, mặt đất ngập nước và cả phần đất mà các loài thuỷ sinh sinh sống. Do đó, nguồn thuỷ sinh tồn tại có chất lượng hay không trước tiên phụ thuộc vào môi trường sống của chính bản thân chúng. Một số thành phàn môi trường chi phối trực tiếp số lượng và chất lượng của các loài thuỷ sinh như: Nước, đất, không khí, rừng, các yếu tố tự nhiên thuộc về thời tiết, khí hậu như nhiệt độ, gió mưa, độ ẩm, quá trình hoàn lưu của khí quyển và một số tác động khác như độ rung, biến động địa chất… Trong quá trình vận động của tự nhiên, các yếu tố này có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau ảnh hưởng đến sản lượng của các loài thuỷ sinh. Sự biến động của tự nhiên, của các nguồn tài nguyên như suy thoái rừng, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, hoạt động của núi lửa… thường làm cho nguồn thủy sinh bị suy thoái về chất lượng và giảm sút về số lượng. Bên cạnh đó, sự biến mất hoặc thoái hoá của rừng ngập mặn cũng đã làm giảm các chức năng nuôi dưỡng và bảo vệ bờ biển gây xói mòn các khu vực bờ biển, bờ sông, kênh và các cửa sông. Đây là những khu vực sinh sống và nuôi dưỡng quan trọng của các loài thuỷ sinh. Việc suy giảm sản lượng của cây đước cũng làm thay đổi chất lượng của rùng ngập mặn, kể cả những vùng rừng ngập mặn tốt nhất thuộc các tỉnh đồng bằng sông Mêkông. Sự thay đổi về cấu trúc rừng như vậy chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực đối với nguồn thuỷ sinh, thậm chí đôi với cả hệ động thực vật trên cạn.

Mặt khác, trong quá trình tiến hoá và phát triển, sự thối rữa của xác động vật và thực vật, của bản thân nguồn thuỷ sinh chết ở tự nhiên cũng thải ra các thán khí gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của các thành phần môi trường sống của nguồn thuỷ sinh. Như vậy, chính bản thân thiên nhiên cũng đã và đang góp phần vào quá trình suy giảm số lượng và chất lượng của các loài thuỷ sinh. Những ảnh hưởng từ tự nhiên này đã có khả năng gây ra những tác động xấu đến nguồn thuỷ sinh ngay cả khi chưa có mặt con người trên trái đất. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, sự tác động của thiên nhiên tạo ra những ảnh hưởng từ từ, chậm chạp. Tự nguồn thuỷ sinh có thể lấy lại được thế cân bằng nếu không có sự tác động mạnh mẽ của con người. Điều mà biện pháp pháp luật nói riêng và các biện pháp khác nói chùng được thực hiện chính là nhằm hạn chế các tác động tiêu cực từ con người.

3. Những ảnh hưởng từ hoạt động của con người

Có thể nói con người là thủ phạm chính tạo ra những tác động nghiêm trọng gây suy thoái nguồn thuỷ sinh. Ngày nay, do khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ, quá trinh tác động của con người vào môi trường sẽ ngày càng mở rộng, đa dạng và mạnh mẽ thêm, do vậy, những tác động tiêu cực đối với nguồn thuỷ sinh càng tăng.

Các hoạt động phát triển đều có nguy cơ gây tác động rất nghiêm trọng tới nguồn thuỷ sinh như phát triển nông nghiệp, hoạt động công nghiệp, các biện pháp thuỷ lợi, quá trình đô thị hoá, giao thông vận tải thuỷ, quá trình thải các loại chất thải vào môi trường… Không những thế, chính khi khai thác, đánh bắt, con người cũng góp một phần đáng kể vào quá trình suy thoái nguồn thuỷ sinh, như việc khai thác không đúng phương pháp, không đúng kĩ thuật, hoặc việc dùng những phương tiện, công cụ mang tính chất huỷ diệt hàng loạt (sử dụng chất nổ, kích điện, dùng các chất độc như lá cơi, hạt hoắt, hạt thàn mát…). Việc sử dụng nguồn sáng không hợp lí để tập trung các đối tượng khai thác có chiều hướng tăng lên, nhất là khai thác các giống loài còn nhỏ. Một số nghề rất lạ với việc sử dụng các ngư cụ tinh vi sát hại nguồn lợi thuỷ sinh đã ra đời như nghề cào điện (ở đồng bằng sông Cửu Long), nghề kéo xô (ở đồng bằng sông Hồng)… Các ngư cụ truyền thống như đáy, đăng, nghề lưới vét chài cũng được cải tiến, mắt lưới nhỏ hơn để đánh bắt được nhiều hơn các loài thuỷ sinh.

Sự nhiễm bẩn của nước do các hoạt động sản xuất nông nghiệp như phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, các loại hoá chất cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của các loài thuỷ sinh. Việc bón phân tươi trực tiếp cho các ao cá đã gây ô nhiễm nước cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng của các loài thuỷ sinh. Nguồn thuỷ sinh bị ảnh hưởng trực tiếp do nước thải sinh hoạt. Hầu hết, các hệ sinh thái ở các vùng có nước thải của các thành phố và khu đông dân đều bị ô nhiễm. Tại đây, trong nước thải có chỉ số coliíorm cao, hàm lượng oxy hoà tan thấp, chất hữu cơ trong nước cao, BOD có nơi cao hơn tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam và của châu Âu tói 10 lần.

Nước thải công nghiệp và quá trình đô thị hoá cũng tác động rất nghiêm trọng đến các loài thuỷ sinh. Nước thải từ các khu dân cư, nước thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp ở các nơi (như ở Hà Nội, khu công nghiệp Việt Trì, khu công nghiệp Thái Nguyên, Hải Dương, khu công nghiệp Bình Dương…) đưa thẳng ra các sông làm chất lượng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến các loài thuỷ sinh không thể sổng được ở các sông này.

Việc phá rừng ngập mặn và cảnh quan ven bờ để nuôi tôm, lấy gỗ, củi đun, việc khai thác san hô để làm vôi, làm đồ mĩ nghệ, việc phát triển các nghề lưới kéo sát đáy, nhất là kéo tôm ven bờ… đang trở nên phổ biến. Rừng đầu nguồn bị con người phá hoại cũng là một trong những tác động nghiêm trọng ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của các giống loài thuỷ sinh.

Đặc biệt, do các hoạt động phát triển, một số bãi sinh sản của các loài thuỷ sinh (nhất là cá) đã bị mất.

Ví dụ: Sau khi hình thành hồ Hoà Bình và hồ Thác Bà, bãi đẻ của cá Mòi, cá Cháy và các loài cá khác bị chìm sâu dưới đáy hồ. Tương tự, bãi đẻ của các loài thuỷ sinh ở khu vực sông Thao, sông Lô, hạ lưu sông Hồng, cầu Làng Giàng (Lào Cai), bến Then (Vĩnh Phúc)… đã bị mất khoảng vài chục năm nay. Kích thước của các loài thuỷ sinh ngày càng giảm do các hoạt động đánh bắt, khai thác không đúng kĩ thuật. Hiện nay, rất hiếm gặp các loài cá có trọng lượng từ 30 – 50 kg.

Các biện pháp thuỷ lợi cũng có ảnh hưởng rất lớn đến các loài thuỷ sinh như việc đắp đê lấn biển, ngăn mặn, chặt phá các khu rừng ngập mặn, dấp đê ngăn lũ làm phân cách mạng lưới các hệ sinh thái ở nước, các quần xã sinh vật không được trao đổi và bổ sung cho nhau.

Ngoài ra, việc con người đắp đập chắn ngang sông và xây dựng các hồ chứa nước cũng làm thay đổi chất lượng nước, phân tách nhiệt độ, thành phần hoá học và thành phần dinh dưỡng dẫn tới là thay đổi sinh thái quần thể động thực vật ở vùng nước đó, làm mất đi một sổ loài sống ở vùng nước chảy, nước tĩnh và nước nông. Thành phần của các loài thuỷ sinh tại các hồ chứa đều giảm rất nhiều so với các sông hình thành ra nó. Ở thượng lưu hồ, nước bị ngập ứ, úng ở đoạn sông phía trên hồ chứa làm giảm khả năng tự làm sạch của nguồn nước, tốc độ dòng chảy bị chậm lại làm thay đổi cuộc sống của thuỷ sinh vật, các loài cá nước chảy phải nhường chỗ cho các loài cá nước tĩnh do không thể thích nghi, dẫn đến sự tuyệt chủng của một số giống loài quý. Ở hạ lưu đập, việc chắn dòng chảy làm nhiều loài thuỷ sinh không thể di chuyển đến vùng cao hơn, sản lượng cũng bị giảm. Lượng phù sa, lượng muối dinh dưỡng, hàm lượng hữu cơ, sinh vật phù du ở các vùng hạ lưu cũng suy giảm nghiêm trọng.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *