Phân tích các chế độ ưu đãi xã hội

Khái niệm, ý nghĩa

      Ưu đãi xã hội được hiểu là sự đãi ngộ của nhà nước, cộng đồng và toàn thể xã hội về đời sống vật chất cùng như tinh thần đối với những người có công và thân nhân của họ nhằm ghi nhớ công ơn của họ đối với đất nước.

      Chế độ ưu đãi xã hội là tổng hợp các quy định của nhà nước về chính sách, chế độ đối với người có công và thân nhân của họ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.

      Các chế độ ưu đãi xã hội được ban hành nhằm bảo vệ một số đối tượng đặc biệt đã đóng góp xương máu, tuổi trẻ, công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những chế độ, ưu đãi mà Nhà nước dành cho họ không chỉ là những sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần mà nó còn tạo cho họ niềm tin vào một chế độ xã hội tốt đẹp, là động lực giúp họ tiếp tục phấn đấu; khuyến khích những thành viên khác trong xã hội cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Chính sách ưu đãi người có công không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn mang tính kinh tế. Những chế độ trợ cấp của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng, nó đảm bảo và nâng cao đời sống cho những người có công; đối với một số đối tượng đặc biệt như không còn khả năng lao động, không còn nơi nương tựa, già yếu… thì đây còn là nguồn thu nhập của họ để ổn định đời sống.

Đối tượng được hưởng ưu đãi

      Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bằng Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công quy định đối tượng hưởng ưu đãi xã hội bao gồm người có công với Cách mạng và thân nhân của họ, cụ thể: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng

Các chế độ ưu đãi

Công nhận và tôn vinh danh dự

      Đây là chế độ ưu đãi đặc biệt của Nhà nước nhằm ghi nhận và tôn vinh công trạng, thành tích của người có công và cũng là cơ sở để xác nhận, phân biệt người có công với các đối tượng khác. Tùy vào công trạng, thành tích của từng đối tượng mà pháp luật quuy định sự tôn vinh và công nhận danh dự khác nhau. Cụ thể: Tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đối với những bà mẹ có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; tổ chức trọng thể lễ truy điệu và tặng bằng “Tổ quốc ghi công”  đối với liệt sĩ, bằng “Có công với nước” đối với người có công giúp đỡ cách mạng; tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, tuyên dương “Anh hùng lao động”; tặng kỷ niệm chương đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; tặng huân chượng kháng chiến, huy chương kháng chiến đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; tặng kỉ niệm chương “Tổ quốc ghi công” đối với người có công giúp đỡ cách mạng; cấp giấy chứng nhận: “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” đối với thân nhân liệt sĩ, cấp giấy “Giấy chúng nhận thương binh”, “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”, huy hiệu thương binh đối với thương binh, cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” đối với bệnh binh,…

Chế độ trợ cấp, phụ cấp

      Trợ cấp, phụ cấp là các hình thức ưu đãi bằng tiền nhằm bảo đảm đời sống, góp phần nâng cao mức sống hàng ngày cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Đây là chế độ cơ bản, được áp dụng với mọi đối tượng ưu đãi. Mức trợ cấp, phụ cấp được quy định căn cứ vào mức độ thương tật, công lao cống hiến, hoàn cảnh sống và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kì. Hàng năm, nhà nước dành phần ngân sách để bảo đảm thực hiện các chế độ này. Pháp luật đã quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với người có công với cách mạng. Với cách tính mức trợ cấp, phụ cấp dựa trên cơ sở mức chuẩn này giúp cho mức trợ cấp, phụ cấp đã tăng cao hơn so với mức sống chung của toàn xã hội và nhu cầu chi dùng của người có công, thể hiện được mục đích đãi ngộ đối với người có công trên cơ sở những thành tích và đóng góp của họ. Ngoài ra, khắc phục được những bất hợp lí trong mối tương quan giữa các mức trợ cấp của các đối tượng: Người có đóng góp nhiều thì được hưởng mức trợ cấp, phụ cấp cao hơn và ngược lại; người không còn khả năng lao động, sống cô đơn phải đảm bảo mức hưởng trợ cấp cao hơn những người không cùng hoàn cảnh. Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi áp dụng gồm nhiều loại khác nhau như: Trợ cấp hàng tháng: trợ cấp thường xuyên, trợ cấp tiền tuất, phụ cấp hàng tháng, phụ cấp thâm niên, trợ cấp nuôi dưỡng… Trợ cấp 1 lần: trợ cấp mai táng, trợ cấp 1 lần khi báo tử, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, trợ cấp mua sách vở, đồ dùng học tập, hỗ trợ cải thiện nhà ở…

Chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo

      Trong điều kiện chiến tranh, những người con của Tổ quốc phải cầm súng ra trân hoặc sớm phải tham gia các hoạt động phục vụ cuộc chiến, do vậy họ không có điều kiện học tập. Vì thế phần lớn những người có công đều có trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ thấp. Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế họ trong quá trình hòa nhập cộng đồng, nhất là tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

      Xuất phát từ đặc điểm này mà Đảng và Nhà nước rất chú trọng trong chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo đối với những người có công. Điều 31 Nghị định 54/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC đã quy định chế độ ưu đãi về giáo dục đối với người có công và con của họ. Theo đó, những người có công là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B được hưởng ưu đãi trong giáo dục đào tạo nếu là học viên, sinh viên đang theo học hệ chính quy  tập trung có khóa học từ 1 năm trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dự bị đại học, trường phổ thông trung học nội trú, bán trú. Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, từ ngày 1/1/195 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; con của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến; con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; con bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đều được ưu đãi tại các cơ sở giáo dục đâò tạo, từ mầm non đến đại học. Các chế độ ưu đãi bao gồm: trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng và hỗ trợ học phí (nếu có). Không áp dụng với học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi trong các trường hợp đang học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên hoặc đã hưởng chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo, nay tiếp tục học thêm ở cơ sở giáo dục đào tạo khác cùng cấp và trình độ đào tạo hoặc đang học ở nước ngoài.

Chế độ chăm sóc sức khỏe

      Phần lớn những người có công với cách mạng sức khỏe đều không tốt do thương tật, bệnh tật, tuổi cao sức yếu. Chính vì vậy, Nhà nước đặc biệt quan tâm sức khỏe cho họ.

      Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 54/2006/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT, Nhà nước thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng ưu đãi xã hội bằng nhiều hình thức phong phú: Cấp thẻ BHYT; điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại các cơ sở tập trung hoặc điều dưỡng tại gia đình; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cùng các sản phẩm phụ niên theo hạn sử dụng…tùy vào mức độ suy giảm khả năng lao động và công trạng của họ. Ngoài việc dùng ngân sách để xây dựng các khu điều dưỡng, trung tâm điều dưỡng, chỉnh hình trong phạm vi cả nước, Nhà nước còn phát động phong trào toàn dân chăm sóc sức khỏe người có công. Nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong cuộc sống hàng ngày.

Chế độ về việc làm và đảm bảo việc làm

      Hiện nay, việc làm và đảm bảo việc làm là vấn đề vô cùng nan giải, nhất là với những đối tượng như thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học, người tham gia kháng chiến các thời kì… Xuất phát từ thực trạng này mà Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ bằng khả năng của mình, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống. Theo quuy định hiện hành, hầu hết các đối tượng là người có công còn sống và thân nhân liệt sĩ đều được ưu đãi về việc làm và giải quyết việc làm. Như: ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển để mở mạng phát triển sản xuất; được vay vốn với lãi suất thấp từ các quỹ giải quyết việc làm của trung ương và địa phương, quỹ giải quyết việc làm cho người tàn tật để tự tạo việc làm và giải quyết thu nhập. Trong sản xuất, kinh doanh được giảm, miễn thuế theo quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho thương binh, bệnh binh còn được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật vất ban đầu, gồm nhà xưởng, trường lớp, trang thiết bị. Đặc biệt đối với thương binh còn đủ sức khỏe, trình độ còn được tạo điều kiện làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.

Chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở

      Xuất phát từ thực tế phần lớn những người có công với cách mạng đều khó khăn về nhà ở, chế độ ưu đãi về nhà ở cho người có công thể hiện qua các hình thức như: Tặng nhà tình nghĩa cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không thể tạo lập được nhà ở mà chưa được thuê nhà của Nhà nước hoặc bị mất nhà do thiên tai, hỏa hoạn. Hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với những người có nhà dột nát, chật chội, không đảm bảo điều kiện sống trung bình. Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất…

Chế độ chăm sóc đời sống tinh thần

      Thông qua các hình thức như: cấp báo Nhân dân hàng ngày, sinh hoạt văn hóa tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú (mời tham dự các cuộc mít tinh trọng thể nhân ngày lễ lớn của dân tộc), được chính quyền địa phương chăm nom, tặng quà. Các chế độ này áp dụng đối với các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, bà mẹ Việt Nam anh hùng.

      Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật ưu đãi xã hội hiện hành là một bước tiến vượt bậc trên cơ sở kế thừa những ưu điểm trước đó. Ngoài việc mở rộng đối tượng người có công với cách mạng, các chế độ ưu đãi cũng được điều chỉnh ngày càng toàn diện hơn, mức trợ cấp cao hơn, tạo điều kiện cho người có công với cách mạng được hưởng ưu đãi xứng đáng với những công lao mà họ đã đổ ra vì dân vì nước.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *