[VPLUDVN] Quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo Thông tư 219/2015/TT-BTC: đầu tư vốn nhà nước thành lập mới doanh doanh nghiệp nhà nước, đầu tư bổ sung vốn, chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước, phân phối lợi nhuận sau thuế trong doanh nghiệp nhà nước…
Kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2016 Thông tư 219/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực thay thế cho Thông tư số 220/2013/TT-BTC. Theo đó, những quy định mới đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp cụ thể như sau:
Đầu tư vốn nhà nước thành lập mới doanh nghiệp nhà nước
Căn cứ để ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp là:
– Đối với doanh nghiệp được thành lập mới không có dự án đầu tư xây dựng: số vốn nhà nước thực cấp.
– Đối với doanh nghiệp được thành lập mới dựa trên cơ sở bàn giao dự án đầu tư xây dựng: số vốn nhà nước đã cấp theo quyết toán công trình hoàn thành đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký điều chỉnh mức vốn điều lệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thành lập trong trường hợp vốn đầu tư thực tế của Nhà nước thấp hơn mức vốn điều lệ đã đăng ký; điều chỉnh mức vốn điều lệ thực góp trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp việc đầu tư vốn điều lệ theo mức đã được phê duyệt trong đề án thành lập được chi thành nhiều lần, nhiều giai đoạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động
Việc thực hiện ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và điều chỉnh lại mức vốn điều lệ thực góp trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động được đầu tư bằng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước (hỗ trợ di dời, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp căn cứ vào quyết định điều chuyển tài sản của cấp có thẩm quyền và biên bản bàn giao tài sản, quyết toán tiền hỗ trợ của nhà nước (phần thực hiện dự án đầu tư).
Đầu tư vốn nhà nước tại công ty cổ phẩn, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ dựa trên hồ sơ đề nghị đầu tư bổ sung thêm vốn điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thầm quyền phê duyệt và sau khi nhà nước đã thực hiện đầu tư bổ sung vốn hoặc trường hợp công ty cổ phẩn, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sử dụng các nguồn lợi nhuận sau thuế, quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần và nguồn quỹ khác.
Việc ghi tăng vốn góp của chủ sở hữu (giá trị thuộc phần vốn góp của nhà nước đầu tư tăng thêm tại công ty) phải được thông báo bằng văn bản về tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước đã đầu tư (thực góp) tại công ty và số lượng cổ phiếu do cổ đông nhà nước nắm giữ (đối với đầu tư vào công ty cổ phần) sau khi công ty tăng vốn điều lệ và gửi đến cơ quan đại diện chủ sở hữu để theo dõi quản lý.
Chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước
- Tại công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên:
Trường hợp doanh nghiệp nhà nước yêu cầu công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên mua lại phần vốn góp của mình thì thực hiện bán thỏa thuận với giá được xác định theo điểm c khoản 1 Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP
Trường hợp chuyển nhượng vốn cho thành viên khác trong công ty thì thực hiện thỏa thuận giá chuyển nhượng dựa trên cơ sở kết quả thẩm định giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo điểm c khoản 1 Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP
Trường hợp chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên trong công ty thì thực hiện phương thức bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trực tiếp.
- Tại công ty cổ phần:
Khi chuyển nhượng cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom theo phương thức thỏa thuận thì giá thỏa thuận phải đảm bảo trong biên độ giá giao dịch (giới hạn giao động giá) của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng, nhưng không thấp hơn giá cổ phiếu được xác định theo giá trị sổ sách của công ty cổ phần có mã chứng khoán niêm yết/đăng ký giao dịch, căn cứ vào tổng giá trị vốn chủ sở hữu chia cho vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm chuyển nhượng.
Về việc trích lập quỹ, phân phối lợi nhuận sau thuế trong doanh nghiệp nhà nước
Kể từ năm tài chính 2015 trở đi việc phân phối lợi nhuận sau thuế và trích lập quỹ của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.
Các quy định về mức trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi của doanh nghiệp bằng hai tháng lương thực tế thực hiện trong năm tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 178/2014/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về tài chính khi thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi bị bãi bỏ.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.