Tranh chấp môi trường và những dấu hiệu đặc trưng

[VPLUDVN] Tranh chấp môi trường phát sinh từ các quan hệ pháp luật có nội dung khác nhau, sự khác nhau giữa chúng bị chi phối bởi các quan hệ đặc trưng của các quan hệ pháp luật và thường bộc lộ những khía cạnh như: cơ sở phát sinh tranh chấp, chủ thể tham gia tranh chấp, thời điểm xảy ra tranh chấp,… So với các tranh chấp khác, tranh chấp môi trường có một số đặc thù sau:

1. Tranh chấp môi trường là xung đột mà trong đó lợi ích tư và lợi ích công thường gắn chặt với nhau.

Đây là nét đặc trưng cơ bản nhất của tranh chấp môi trường, điều này xuấ phát từ việc tham gia vào quan hệ pháp luật môi trường, lợi ích mà các bên hướng tới mang tính chất đa chiều (là lợi ích công và lợi ích tư). Lợi ích công là chất lượng môi trường sống đối với tất cả mọt người (chất lượng không khí, chất lượng nước, đất, âm thanh,..). Lợi ích tư là tài sản, tính mạng, sức khỏe do chất lượng môi trường đem lại. Hai lợi ích này luôn gắn liền với nhau hay còn được gọi là khách thể kép.

Trong lĩnh vực môi trường, dù tham gia vì lợi ích tư thì từng cá nhân vẫn hướng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội. Lợi ích của cả cộng đồng, xã hội mà mỗi người quan tâm trong lĩnh vực môi trường chính là chất lượng môi trường sống chung của con người, bao gồm: chất lượng không khí, chất lượng nước, âm thanh, hệ sinh vật,.. Khi lợi ích này bị xâm hại, thì yêu cầu trước tiên mà mọi người đưa ra là chất lượng moi trường sống của họ phải được phục hồi, cải thiện (yêu cầu chung cho cộng đồng, xã hội). Bên cạnh đó, từng cá nhân trong cộng đồng, ngoài mối quan tâm đáng kể trên còn là những lợi ích gắn liền với sức khỏe tài sản của họ bị ảnh hưởng bởi chất lượng môi trường sống giảm sút. Họ yêu cầu được đền bù những tổn thất về người và tài sản mà họ phải gánh chịu. Có thể nói đây là nét đặc trưng cơ bản nhất của tranh chấp môi trường.

2. Tranh chấp môi trường thường xảy ra với quy mô lớn, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau (tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư,…).

Xuất phát từ đặc điểm của môi trường là một thể thống nhất không thể tách rời, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian nên các tác động xấu đến thành phần môi trường này sẽ ảnh hưởng tới các thành phần môi trường khác. Các tác động đến môi trường thường diễn ra trên quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan trực tiếp đến điều kiện sống của nhiều người. Chính vì vậy, tranh chấp môi trường thường liên quan đến nhiều chủ thể: cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư thậm chí là quốc gia.

Sự đa dạng về chủ thể dẫn đến việc khó xác định số lượng cụ thể các đương sự trong một vụ tranh chấp môi trường bởi vì tranh chấp liên quan đến nhiều lợi ích, nhiều chủ thể khác nhau: như lợi ích cá nhân, cộng đồng dân cư, các cấp chính quyền, nhà sản xuất kinh doanh, người làm công tác bảo vệ môi trường,… Chẳng hạn, đối với tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, chủ thể có thể là người gây ô nhiễm; tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe do ô nhiễm môi trường gây ra; cơ quan nhà nước đòi bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường,…

3. Tranh chấp môi trường có thể nảy sinh từ khi chưa có sự xâm hại thực tế đến các quyền và lợi ích hợp pháp về môi trường.

Đối với tranh chấp kinh tế, lao động, dân sự,… quyền và lợi ích hợp pháp mà các bên yêu cầu được bảo vệ, khôi phục là những quyền và lợi ích đã bị bên kia xâm hại (có thiệt hại thực tế xảy ra). Tuy nhiên trong tranh chấp môi tường các bên còn có thể yêu cầu loại trừ trước khả năng xâm hại đến môi trường. Khả năng xâm hại đến môi trường có thể dự báo thường liên quan tới các dự án đầu tư. Do đó, nhiều mâu thuẫn, xung đột trong lĩnh môi trường đã nảy sinh ngay từ giai đoạn khi các dự án đầu tư chưa triển khai hoặc mới bắt đầu đi vào hoạt động. Ở giai đoạn này, mặc dù thiệt hại thực tế chưa xảy ra nhưng các bên cho rằng có nguy cơ sẽ xảy ra thiệt hại đối với môi trường nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

4. Giá trị thiệt hại trong tranh chấp môi trường thông thường rất lớn và khó xác định.

Sự xâm hại đến các thành phần môi trường thường mang lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, đa dạng và biến đổi ở nhiều cấp độ khác nhau: có thiệt hại trược tiếp, thiệt hại gián tiếp; thiệt hại trước mắt, thiệt hại lâu dài; thiệt hại vật chất, thiệt hại phi vật chất; thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe; thiệt hại đối với quốc gia, thiệt hại trên phạm vi quốc tế,…

Do những thiệt hại trong lĩnh vực môi trường không đơn thuần là thiệt hại trực tiếp và trước mắt nên khó có thể xác định chính xác thiệt hại. Ta có thể thấy từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Về lượng bụi phóng xạ thoát ra ngoài, tính đến ngày 12-4, nhà máy Fukushima số 1 để thoát ra ngoài môi trường tổng cộng 370.000 terabecquerel. Về phạm vi ô nhiễm, trong trường hợp nhà máy Fukushima số 1, tại các vị trí cách nhà máy hơn 60 km về phía tây bắc và khoảng 40 km về phía tây nam, mức phóng xạ đo được đều cao hơn mức giới hạn cho cả năm. Về số người phải đi sơ tán, ở Fukushima và vùng lân cận là hàng chục ngàn người Về ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người, tại Fukushima hiện chưa thể đánh giá được cụ thể. Về tình trạng nhà máy sau sự cố, các quan chức Nhật Bản cho biết, bụi phóng xạ từ nhà máy Fukushima số 1 vẫn tiếp tục thoát ra môi trường và được dự báo sẽ vượt mức bụi phóng xạ thoát ra từ nhà máy Chernobyl.

Nếu như trong các vụ tranh chấp về dân sự, kinh tế, lao động,… việc xác định thiệt hại là không quá khó khăn thì trong các vụ tranh chấp môi trường, thiệt hại thường có biểu hiện đa dạng, đan xen vào nhau và rất khó để xác định, chính xác giá trị thiệt hại.

5. Vị thế của các bên trong tranh chấp môi trường không công bằng với nhau

Trong nhiều trường hợp, người được Nhà nước ủng hộ là các doanh nghiệp. Phần lớn tranh chấp môi trường có một bên tham gia là chủ đầu tư các dự án phát triển hoặc các cơ quan quản lý, trong khi phía bên kia chỉ là những người dân với những yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng moi trường sống chung của con người. Trong những trường hợp như vậy, ưu thế thường thuộc về bên gây thiệt hại có tiềm lực lớn về kinh tế.

Ưu thế của quá trình giải quyết xung đột thường nghiêng về phía bên gây gây hại cho môi trường. Sự bất tương xứng về vị thế giữa các bên là một trong những trở ngại lớn của quá trình giải quyết tranh chấp. Trở ngại này càng bộc lộ rõ hơn ở các quốc gia phải chịu nhiều áp lực từ mục tiêu phát triển kinh tế, giảm đói nghèo do mối quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thường được đẩy lên trước mối quan tâm đến chất lượng môi trường sống.

Những vụ tranh chấp diễn ra trên thực tế như: vụ vi phạm của công ty Vedan tại lưu vực sông Thị Vải gây ô nhiễm thiệt hại lớn cho các hộ dân tại 3 tỉnh: Đông Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh (9/2008), vụ xả thải không qua xử lý của công ty TNHH Gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh,…

Dù các bên tham gia tranh chấp với 1 bên là các doang nghiệp còn bên kia là người dân, tuy địa vị pháp lý của 2 bên có khác nhau nhưng không vì thế mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết xử lý không công bằng. Cụ thể như vụ việc của công ty TNHH Gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, sự việc diễn biến như sau:

– Tháng 4 năm 2016 xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt rồi trôi dạt vào bờ biển Vũng Áng (Hà Tĩnh). Hiện tượng này sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị,Huế. Có nơi mỗi ngày ngư dân dọc bờ biển vớt được hàng tấn cá chết. Qua phân tích, cơ quan điều tra cho kết luận rằng hiện tượng cá chết ở Miền Trung do ô nhiễm nước thải.

– Sáng này 7/7, khoảng 3000 người dân thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình (địa phương cách nhà máy Formosa 50 km) đã xuống đường biểu tình, yêu cầu chính phủ dừng hoạt động của nhà máy Formosa. BBC đã tin từ các nhà hoạt động cho rằng “nhà cầm quyền đưa lực lượng đến đàn áp người dân biểu tình dẫn đến xung đột, có tiếng súng nổ, lựu đạn cay, nhiều giáo dân ném đá, tấn cong cảnh sát, một số giáo dân bị bắt và bị dánh trọng thương”.

– Sang ngày 15/8,hơn 4000 giáo dân xứ Quý Hòa đã tuần hành biểu tình từ nhà thờ xứ đi đến trụ sở Ủy ban Nhân dân thị xã Kỳ Anh để yêu cầu chính quyền minh bạch về việc hỗ trợ đền bù cho ngư dân bị tác hại bởi thảm họa môi trường do Formosa gây ra, vì đến thời điểm này chính quyền địa phương vẫn im lặng. Theo đài RFA, khoảng 200 công an, cảnh sát cơ động được điều đến để giám sát đoàn biểu tình. Công an đã lấy hết băng rôn, biểu ngữ, loa phóng thanh của giáo dân và họ lập hàng rào để không cho giáo dân bước qua.

–  Ngày 26/9 khoảng 600 giáo dân xứ Phú Yên đã vài Hà Tĩnh để nộp đơn khởi kiện Formosa trước Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh. Trong đơn khởi kiện, ngư dân yêu cầu nhà cầm quyền phải “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Bị đơn (Formosa Hà Tĩnh) tạm dừng hoạt động sản xuất cho đến khi có biện pháp khắc phục vĩnh viễn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhằm ngăn chặn không cho Bị đơn (Formosa Hà Tĩnh) tiếp tục gây thiệt hại cho Nguyên đơn”.

– Ngày 27/9 Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh nhận 506 bộ hồ sơ của các ngư dân và có biên bản xác nhận khởi kiện. Sau đó, ngày 5/10, Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh đã trả toàn bộ 506 đơn khởi kiện đã nhận vì cho rằng “không có cơ sở”.

– Ngày 18/10 có khoảng 1000 người dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đến Tòa án Thị xã Kỳ Anh để khiếu nại việc trả đơn khiếu nại của họ. Trước sự ngăn chặn và bủa vây của đông đảo nhân viên công lực cuộc khiếu nại của người dân không thể tiến hành.

–  Ngày 21/10 Ủy ban Nhân dân thị xã Kỳ Anh ra thông báo không nhận đơn khiếu nại việc trả lại 506 đơn kiện Formosa của Tòa án Thị xã Kỳ Anh vì thời gian cuối để nộp đơn khiếu nại đã hết hạn vào ngày 18/10, chính là ngày đoàn người đến Kỳ Anh khiếu nại bị ngăn chặn phải quay về.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *