Vai trò của di sản văn hóa đối với môi trường và quy định bảo vệ di sản văn hóa

[VPLUDVN] Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng trên 2,4 triệu hiện vật đang lưu giữ trong các bảo tàng và trên 40.000 di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, khảo cổ đã được xếp hạng quốc gia. Vậy, vai trò bảo vệ di sản văn hóa đối với môi trường sống là gì?

Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là bộ phận của di sản văn hoá nhân loại.

Di sản văn hoá vật thể là một bộ phận của môi trường, nó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật của các thế hệ cộng đồng Việt Nam và tạo cảnh quan môi trường, không gian cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh là thành phần của môi trường. Những giá trị về nghệ thuật và vẻ đẹp của di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh góp phần tạo nên sự đa dạng về cảnh quan môi trường, góp phần đáp ứng những nhu cầu khác nhau của con người, đặc biệt là nhu cầu tâm linh và nhu cầu nghỉ ngơi, du lịch. Trên thực tế, ở những nơi có di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh có giá trị đều là những địa chỉ du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước như Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, động Phong Nha – Kẻ Bàng… Du lịch phát triển đóng góp một phần không nhỏ cho thu nhập quốc dân. Một số danh lam thắng cảnh có những điều kiện phù hợp phục vụ cho việc điều trị và dưỡng bệnh.

1. Các yếu tố tác động tới di sản và sự cần thiết phải bảo vệ di sản

Các di sản được tạo ra bởi sự vận động của tự nhiên và công sức của nhiều thế hệ khác nhau. Theo thời gian, các di sản sẽ chịu sự tác động của thiên nhiên, làm cho di sản mất hoặc giảm dần giá trị vốn có. Mưa gió, lũ lụt, hạn hán và khí hậu nhiệt đới đã làm ảnh hưởng đến rất nhiều di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh.

Di sản văn hoá còn chịu sự tác động của những hoạt động của con người. Ví dụ như tình trạng ô nhiễm môi trường do những hoạt động khai thác tài nguyên làm ảnh hưởng tới chất lượng của di sản.

Hoạt động du lịch có tác động không nhỏ tới di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh. Môi trường ở một sô khu điểm du lịch đồng thời là di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, bị ô nhiễm do hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch gây ra. Ở hầu hết các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh đều xảy ra tình trạng kẻ vẽ, viết bừa bãi của những du khách thiếu ý thức làm ảnh hưởng tới cảnh quan cũng như giá trị của di sản.

Các giá trị của di sản cũng bị ảnh hưởng bởi những hành vi như lấn, chiếm bất hợp pháp đất di tích. Do hoàn cảnh lịch sử để lại, một số hộ gia đình, tổ chức kinh tế, thậm chí cả cơ quan nhà nước, đơn vị bộ đội, lớp mẫu giáo, uỷ ban nhân dân phường… cũng được đặt trong khu di tích. Hoạt động sinh sống, làm việc của con người trong khu di tích đã ảnh hưởng không nhỏ tói giá trị của di tích.

Việc trùng tu, tôn tạo không đúng phương pháp khoa học và không tôn trọng những yếu tố nguyên gốc của di tích, cổ vật đã làm phá vỡ cảnh quan, giảm giá frị của di tích, cổ vật. Ví dụ như cảnh quan cố đô Hoa Lư đã bị biến dạng, mất đi giá trị cảnh quan và lịch sử của di tích do quá trình “cải tạo” không căn cứ vào tính nguyên gốc của di tích. Nhiều tượng cổ trong các di tích là đình, chùa có tuổi thọ hàng trăm năm được thay thế bằng những tượng mới hoặc được phủ lên một lớp sơn mới, làm mất đi giá trị cổ kính của chính bản thân cổ vật và toàn bộ di tích. Việc sử dụng nguyên liệu không phù hợp như gạch hoa lát ở đình, chùa, di tích cũng tạo ra những phàn cảm không đáng có.

2. Các biện pháp bảo vệ di sản

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân trong thời gian tới là “bảo tồn và phát huy các dì sản văn hoá dân tộc…; tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá. Tiếp thu tỉnh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hoá của nhân loại”, “chú trọng gìn giữ, phát triển các di sản văn hoá phi vật thể, tôn tạo và quản lí tốt các di sản văn hoá vật thể, các di tích lịch sử; nâng cấp các bảo tàng”.

Những giá trị của di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có thể được bảo vệ bằng những biện pháp chủ yếu sau đây:

– Biện pháp tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ di sản

Sự thành công hay thất bại trong việc bảo vệ di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của cơ quan, tổ chức quản lí di sản mà còn phụ thuộc rất lớn vào hành vi ứng xử của cộng đồng, ý thức của con người, đặc biệt là những người có hoạt động liên quan đến di sản như du khách hoặc những người sống xung quanh di tích, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa. Khi con người ý thức được vai trò của di sản văn hoá đối với thế hệ hiện tại và tương lai và hậu quả của những hành vi có thể xâm hại đến giá trị của di sản văn hoá thì họ có thể tự mình không thực hiện những hành vi đó. Biện pháp tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ di sản có thể được thực hiện dưới những hình thức sau:

+ Thông qua các nội dung trong chương trình giáo dục, đặc biệt là trong nội dung của môn giáo dục công dân và môn lịch sử;

+ Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng;

+ Tuyên truyền tại các khu di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, tại các bảo tàng.

– Biện pháp khoa học, kĩ thuật nhằm bảo quản, tu bổ và phục hồi di sản.

Bảo quản, tu bổ và phục hồi di sản là những hoạt động nhằm phòng ngừa, hạn chế những nguy cơ làm hỏng, tu sửa, gia cố, tôn tạo và phục dựng lại những yếu tố nguyên gốc vốn có của di sản hên cơ sở những cứ liệu khoa học về di sản. Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di sản phải được thực hiện trên cơ sở khoa học chắc chắn, không làm ảnh hưởng tới giá trị nguyên gốc của di sản.

Với những di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh có kết hợp với hoạt động tham quan, du lịch, cần có cơ chế thích hợp nhằm bổ xung nguồn kinh phí để bảo vệ di sản và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động này tới di sản.

– Biện pháp pháp lý

Bảo vệ các giá trị của di sản văn hoá rất cần đến công cụ pháp luật. Tính giáo dục cũng như tính cưỡng chế nghiêm khắc của pháp luật sẽ tác động mạnh đến hành vi cách xử sự của con người trước những di sản văn hoá. Pháp luật xác định những hành vi được phép và không được phép khi có những hoạt động có liên quan đến di sàn. Tổ chức, cá nhân phải tuân thủ những quy định này.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *