Kỳ thi sắp đến, bên cạnh việc trang bị cho bản thân một bụng kiến thức lý luận thì việc tiếp nhận thêm các “kỹ năng” trước khi bước vào phòng thi là rất cần thiết. Sau đây là một số lưu ý trong quá trình làm bài thi mà mình muốn chia sẻ với các bạn sinh viên luật!
1. Vẽ sơ đồ tóm tắt đề bài
Bài tập trong đề thi luật thông thường không hề là những bài tập “đơn giản”. Dữ kiện mà đề bài cho thường có “đặt bẫy” và tương đối rắc rối. Như vậy, đừng bao giờ chỉ ngồi “đọc đi đọc lại” đề bài, thay vào đó, hãy vẽ ra 1 sơ đồ về những dữ kiện đề bài cho một cách logic. Việc làm này vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian phải đọc đi đọc lại đề bài nhiều lần, vừa giúp bạn tránh những thiếu sót trong việc phân tích đề và quan trọng hơn cả là bạn sẽ có một cái nhìn trực quan nhất về bài tập mà mình đang phải giải quyết. Đây chính là yếu tố then chốt trong việc giải một bài tập luật.
2. Những câu hỏi dạng “Quan điểm của anh/chị…” không có đáp án đúng hoặc sai và nên để làm làm cuối cùng
Đã là một sinh viên luật thì chắc chắn rằng bạn phải từng gặp câu hỏi “Quan điểm của anh/ chị…” ít nhất 1 lần, đặc biệt trong môn Luật Dân sự và các môn có liên quan đến dân sự. Câu hỏi này là câu hỏi mang tính mở. Đây là dạng câu hỏi có thể nói rằng “vừa dễ mà vừa khó”. Thông thường loại câu hỏi này sẽ không có đáp án cuối cùng. Điểm số mà chúng ta giành được khi hoàn thành câu hỏi này được tính chủ yếu dựa trên tính chặt chẽ trong lập luận và các luận điểm được sử dụng để lập luận nhằm chứng minh cho quan điểm của chính mình. Vì thế, nếu sau khi ra khỏi phòng thi, đáp án của mỗi bạn đối với câu hỏi này là khác nhau thì cũng đừng quá bất ngờ nhé.
3. Hãy cẩn thận nếu bạn làm tất cả các câu nhận định trong bài đều là Sai
Sinh viên luật chúng ta thường “không quen” với việc một nhận định là đúng. Khi chúng ta làm một câu nhận định đúng thì mức độ tin cậy của bản thân chúng ta vào tính chính xác của nó thường không cao. Nói cách khác, chúng ta “lo sợ” khi một câu nhận định là đúng. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả các câu nhận định trong đề thi đều sai mà ngược lại, thông thường rất ít đề thi mà trong bài tập nhận định không có câu đúng. Vậy nên nếu bạn làm tất cả các câu nhận định đều sai thì bạn nên kiểm tra lại để chắc chắn nhé.
4. Văn bản pháp luật luôn cần phải sắp xếp theo một thứ tự nhất định
Đừng bao giờ nghĩ là mình chỉ cần mang toàn bộ các văn bản pháp luật liên quan đến môn thi vào phòng thi là ổn. Cho dù bạn có mang toàn bộ văn bản từ Luật, Nghị định, Thông tư…mà bạn không có sự sắp xếp một cách hợp lý thì “đống” văn bản ấy không hơn gì một đống giấy vô tác dụng cả. Hãy sử dụng bút highlight để bôi đậm những điều luật quan trọng (cam, xanh dương, xanh chuối… hãy sử dụng hết). Sau đó, các bạn sử dụng sticker phân trang để đánh dấu các Nghị định khác nhau hoặc Luật khác nhau. Lưu ý rằng để tiện tìm kiếm, không nên ghi số của Nghị định hoặc Thông tư mà nên ghi lĩnh vực mà nghị định hoặc thông tư đó điều chỉnh.
Ví dụ: Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Thông thường các bạn có thói quen chỉ ghi là NĐ 46/2016, tuy nhiên, khi vô phòng thi đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý khác nhau, bạn khó mà nhớ được chính xác NĐ 46 điều chỉnh vấn đề gì. Vậy nên, các bạn nên ghi NĐ xử lý VPHC GTĐB.
5. Hãy tập viết văn nhiều
Nếu bạn viết 1 bài mà sau đó bạn đọc lại bạn cảm thấy bài viết mình khó hiểu, lủng củng thì có thể bạn có cơ hội giành nhiều vé “học lại” đối với các môn luật rồi đấy. Cần luôn nhớ rằng bạn có thể làm không chính xác nhưng lập luận bạn chặt chẽ và tốt thì khả năng bạn vẫn sẽ không bị điểm quá thấp. Ngược lại, cho dù bạn làm đáp án đúng nhưng cách lập luận của bạn “có vấn đề” thì đừng mong đợi vào một số điểm cao sau khi thi xong.
Nguồn: Sinh Viên Trường Luật