Ngành Luật là ngành nghề được quan tâm bậc nhất hiện nay nhưng không phải ai cũng hiểu rõ được bản chất ngành học cũng như những người theo học ngành này. Bài viết dưới đây tôi xin tổng hợp lại vài quan niệm sai lầm mà mọi người thường nghĩ rồi mặc nhiên gắn mác cho dân học luật.
1. Người học luật chỉ việc học thuộc
Đa số các bạn học sinh khi theo chọn ngành luật đều học thiên về khối xã hội và nghĩ học luật là phải thuộc luật, tuy nhiên có bao giờ bạn thắc mắc tại sao các trường đại học lại tuyển sinh các tổ hợp môn đa dạng từ A, C, D mà không chỉ tuyển sinh khối C (Văn, Sử, Địa). Bởi vì học luật là học cách tư duy, suy luận. Có thể các bạn chưa biết rằng hầu hết các môn thi trong trường luật đều được sử dụng tài liệu tham khảo. Điều quan trọng ở đây là dù tài liệu ngập trên bàn cũng chưa chắc bạn làm được bài kiểm tra điểm cao đó là vấn đề mà dân luật nào cũng biết.
Nếu xác định học luật chỉ học thuộc thì đó là quan điểm sai lầm.Việc có trí nhớ tốt khác hẳn với suy nghĩ phải thuộc lòng giỏi. Sinh viên luật cần phải trang bị cho bản thân rất nhiều kiến thức và kĩ năng mới có thể hiểu hết được tất cả những gì đang được học, khả năng học thuộc lòng như vẹt cũng không giúp bạn phân tích bóc tách được các vấn đề trong quá trình học mà bạn cần phải có kỹ năng tư duy, phản biện, lập luận trình bày vấn đề, giải quyết vấn đề và 1001 kỹ năng khác nên nếu bạn chỉ giỏi học thuộc mà không có các kỹ năng cần thì việc học luật sẽ thật sự là một thử thách lớn.
2. Dân Luật phải nằm lòng và nhớ hết luật
Từ suy nghĩ học luật chỉ là học thuộc lòng nên suy ra có nhiều người nảy sinh ra nhận định người học luật là biết hết thảy tất cả luật, nắm rõ quy định pháp luật trong lòng bàn tay. Đây là 1 suy nghĩ hoàn toàn sai lệch. Trên phim ảnh khai thác nội dung luật thường có các nhân vật Luật sư đại diện cho thân chủ đọc vanh vách từng chương, điều khoản luật khi tham gia tranh tụng. Nhưng đó là hình tượng được xây dựng hoặc có xảy ra trong đời thực thì đó quá trình tôi luyện qua nhiều năm làm việc trong nghề và dĩ nhiên cũng chỉ nằm trong phạm vi hiểu biết nhất định chứ không bao quát hết được. Dân luật phải nhớ luật là điều không thể mà phụ thuộc vào kỹ năng phân tích pháp lý, nhạy bén trong suy nghĩ khi một vấn đều đặt ra bạn xác định được nó nằm trong luật nào và giải quyết nó dựa trên điều luật.
3. Dân Luật cãi rất giỏi
Ai đã và đang học luật đều sẽ ít nhất một lần nghe mấy câu đại loại: “Học luật nên cái nhau giỏi lắm đây.” “Học ngành luật làm thầy cãi” nhưng thật ra chỉ sinh viên Luật mới hiểu để trở thành “thầy cãi” phải trải qua biết bao gian nan vất vả chứ không đùa.Một sinh viên học luật không cần cãi giỏi mà cần cãi đúng vì đặc trưng của ngành luật là nhắm vào thuyết phục người khác bằng những lý lẽ hợp lý của mình. Những gì dân luật nói cần đúng căn cứ pháp luật, logic và thường mọi người gọi đó là tranh luật phản biện. Việc cãi giỏi không quan trọng bằng việc bạn có tư duy mà nếu tư duy chưa mở thì không sao bởi vì không ai sinh ra đã là người tài giỏi và những điều đó bạn sẽ được tôi luyện trong quá trình học.
4. Học luật để làm Luật sư
Hầu hết mọi người đều mặc định rằng học luật chỉ làm Luật sư nhưng sự thật không phải như vậy. Ngành Luật luôn mở ra cơ số cơ hội việc làm chứ không đơn giản là làm luật sư tranh tụng trước tòa. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Luật có thể học thêm để trở thành Luật sư, Công chứng viên. Có cơ hội làm việc trong cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát với các vị trí như: Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán, Thư ký,… hay là chuyên viên pháp lý, cố vấn pháp lý trong các doanh nghiệp hoặc có kỹ năng sư phạm thì trở thành giảng viên Luật tại các trường đại học. Vậy mới nói không phải học luật chỉ được làm Luật sư như thiên hạ đồn đâu nhé.
5. Dân Luật thường khô khan và cứng nhắc.
Nhiều người nghĩ học luật khô khan lắm, yêu dân học luật “lắm khoản nhiều điều” suốt ngày cậy mình nhiều chữ không lãng mạn khéo lại chẳng lâu bền. Điều đó lại chẳng hề đúng khô khan hay cứng nhắc là bản chất của con người dù học ngành nào đi chăng nữa chứ không riêng gì ngành Luật.Dân Luật thật ra cũng học hết sức chơi hết mình yêu hết lòng và dĩ nhiên độ hài hước có thừa. Nếu còn lăn tăn vì tính cách của người học luật thì mình xin tặng quý độc giả một câu thơ vui:
“Cầm vàng còn sợ vàng rơi
Lấy dân nhà luật đời đời ấm no”
Những phân tích trên chắc phần nào cũng giúp bạn đọc hiểu hơn về Ngành Luật và Dân Luật và nếu ai yêu thích ngành học thú vị này có thể thử sức nhé.
Nguồn: nhanlucnganhluat.vn