1. Mục đích học của tôi:
1.1 Định hướng:
Học không để lấy bằng loại ưu, nghĩa là lấy bằng ưu thì “tuyệt” nhưng phải đảm bảo rằng học xong nắm được hệ thống pháp luật, hiểu được nó, biết vận dụng, biết làm những việc cơ bản. Bảng điểm đẹp mà không nắm được điều cơ bản thì đó là bảng điểm “vô hồn”.
Nếu làm được những việc cơ bản thành thạo thì dù tốt nghiệp loại trung bình cũng coi như thành công, vì khả năng có việc làm sẽ cao hơn. Ngày đó, tôi đi học để sau này nói với nhà tuyển dụng câu này: “tôi biết việc, biết chuyện, tôi làm được việc anh giao, hãy tuyển tôi đi”.
1.2 Mục tiêu:
Khi bắt đầu học luật, tôi buộc mình phải đạt được cả 03 mục tiêu này sau khi kết thúc môn:
– Nắm, hiểu được các vấn đề cơ bản về pháp lý, theo yêu cầu của chương trình học và thi qua được môn đó (5 điểm cũng được – hệ số 10, không cần học cải thiện, thời gian đi học cải thiện điểm, để học các thứ khác có ý nghĩa hơn, không làm gì thì lăn ra ngủ cho khỏe, học cái mình đã học, chỉ để lấy thêm tý điểm, thử thách nên làm một lần thôi, lần nữa thì chán lắm, học cải thiện điểm theo tôi chỉ dành cho bạn trẻ không biết việc gì khác để làm), nghĩa là không học lại, còn thi lại thì không sao(*); và
– Nắm vững hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khái quát, liên hệ, kết nối, vận dụng được chúng với nhau, cũng như nắm rõ các vấn đề, các văn bản luật quan trọng, điều chỉnh các vấn đề pháp lý cơ bản của từng ngành luật (**); và
– Biết làm được các công việc cơ bản về thủ tục, nắm được một số kỹ năng thực hành liên quan đến từng ngành luật (***).
2. Những việc cần phải làm để đạt được các mục tiêu trên:
2.1 Phải có mặt đúng giờ, đầy đủ trong buổi học đầu tiên và buổi cuối cùng, vì:
– Trong buổi đầu tiên, là buổi sẽ có phần nội dung trao đổi, giao lưu giữa giảng viên và sinh viên, theo kinh nghiệm của tôi, buổi đầu này quan trọng nhất, thông thường, tại buổi này giảng viên sẽ giới thiệu về:
(i) Yêu cầu của môn học, chương trình của môn học và đề cương bài giảng khái quát, chi tiết về nội dung môn học;
(ii) Hệ thống các tài liệu học tập: giáo trình chính, các tài liệu bổ trợ, tài liệu tham khảo…;
(iii) Hệ thống văn bản luật cần nắm, cần nghiên cứu;
(iv) Đưa ra các đề tài tiểu luận, bài tập nhóm, hệ thống câu hỏi để phục vụ tự học;
(v) Yêu cầu, phương pháp làm bài kiểm tra, làm bài thi kết thúc môn;
(vi) Yêu cầu của giảng viên đối với sinh viên về lịch học, thời gian, trật tự, thái độ …;
(vii) Và có thể có thêm các kinh nghiệm của giảng viên về học, thi, nghề nghiệp, chia sẻ khác …;
Có mặt tại buổi đầu tiên, giúp chúng ta nắm mọi vấn đề cần chuẩn bị để học tốt môn này.
– Chúng ta phải có mặt ở buổi cuối cùng, không phải để biết thầy cô sẽ cho thi cái gì, hay gợi ý đề thi. Mà có mặt là để nghe khái quát lại chương trình, để nghe lời dạy bảo và nhất là để chia tay, là dịp cảm ơn thầy cô đã dạy chúng ta trong một chặng đường. Tôi không bao giờ nhờ thầy cô giới hạn phạm vi ôn thi, và tôi không thích giới hạn … vì mai này đi làm, người sử dụng lao động, khách hàng, thị trường dịch vụ pháp lý không bao giờ giới hạn nội dung công việc cho tôi.
2.2. Chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và chu đáo ngay từ ngày bắt đầu môn học:
(i) Phải chuẩn bị đầy đủ: giáo trình, tài liệu tham khảo, văn bản pháp luật, sách chuyên khảo, hệ thống câu hỏi, tình huống, đề thi. Xin nói cụ thể là:
(+) Về giáo trình: phải có 01 cuốn giáo trình/đề cương bài giảng chính của môn đó do giảng viên ấn định hoặc của trường, khoa, bộ môn đó ấn hành; thêm 1 hoặc 1 số giáo trình, tài liệu môn đó của các trường khác để tham khảo, đối chiếu. Việc phân tích, tìm hiểu nhiều tài liệu, so sánh nhiều quan điểm với nhau giúp người học nắm rất sâu vấn đề và “khó quên”. Ví dụ, bạn học Luật tại Đại học Mở TP.HCM, môn Luật doanh nghiệp/chủ thể kinh doanh chẳng hạn, trường bạn có Giáo trình và/hoặc Đề cương bài giảng, bạn lấy nó làm tài liệu chính, sau đó mua thêm 01 đến 02 cuốn giáo trình của môn này ở các trường khác (ví dụ: ĐH Luật Hà Nội, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Kinh tế – Luật …).
(++) Tài liệu tham khảo: tùy môn học, ví dụ học môn Luật doanh nghiệp/Chủ thể kinh doanh thì có thể sưu tầm các bài viết trên mạng, trên các tạp chí khoa học liên quan đến kiến thức môn này (điện tử hoặc bản giấy), tài liệu tìm trên internet (bản án, điều lệ công khai của các doanh nghiệp, ngân hàng, tài liệu quả trị nội bộ, tài liệu về kinh doanh: báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động …); bộ thủ tục mẫu về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư trên website của các cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, … hoặc học môn Luật tố tụng dân sự có thể tìm hệ thống các Quyết định Giám đốc thẩm của HĐTPTANDTC (các quyết định này thường xem xét rất nhiều về tố tụng, đọc càng nhiều bạn càng thấu hiểu về tố tụng), tài liệu tập huấn, đúc kết kinh nghiệm xét xử của ngành Tòa án, VKS …
(+++) Sách chuyên khảo: ví dụ học Luật hợp đồng thì có thể tìm các sách về bình luận luật BLDS, sách viết về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng, nghiên cứu các bản án về hợp đồng (bản án tìm trên mạng có, có sách về hệ thống các quyết định GĐT của TANDTC, án lệ …); nếu học Luật doanh nghiệp: bạn tìm sách về bình luận luật doanh nghiệp, sách về tranh chấp nội bộ, sách về mua bán, sáp nhập, sách về quản trị, điều hành … mấy loại này hiện này trên thị trường rất nhiều, do các luật sư và chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thực hành, nến rất thực tế và dễ hiểu.
(++++) Hệ thống câu hỏi, bài tập tình huống và đề thi: Hệ thống câu hỏi, bài tập tình huống thường có sẵn trong tài liệu học tập; nếu không có thì giảng viên có thể cho bạn ở đầu chương trình, nếu giảng viên quên thì bạn có thể nhờ lớp trưởng xin giúp cho cả lớp (đừng nên xin một mình, kỳ lắm nhe – còn tại sao thấy kỳ thì bạn tự suy nghĩ). Về đề thi, giảng viên có thể cho bạn một số đề thi mẫu, hoặc nói về cấu trúc, dạng đề thi cho bạn biết. Để chủ động, bạn có thể nhờ lớp trưởng hỏi giảng viên để hướng dẫn cho các bạn. Bạn cũng có thể xin của các lớp khác cùng khóa đã học môn đó hoặc các anh/chị khóa trước.
(ii) Chi phí ăn ở, học tập của kỳ đó (nếu được trả lương đi học (có người thân chu cấp từng tháng thì bạn chủ động và ít cực khổ hơn), không thì phải có công việc làm thêm ổn định), không sống được thì chẳng thể học hành được, khó khăn quá không học được 04 năm ra trường thì đi làm thuê 1 năm, học 1 năm, cứ thể cho đến khi tốt nghiệp, ra trường muộn chẳng sao, quan trọng là ra trường chúng ta đã trưởng thành chưa, sẵn sàng làm thuê hay lập nghiệp chưa, đã có gì, làm được gì, chứ ra trường mà chỉ có bằng đại học và bảng điểm, xin việc không được, “ngồi chơi mà không có nước để xơi” thì cùng bằng không.
(iii) Phải dự kiến kế hoạch học tập từ đầu kỳ học, nên làm kế hoạch tuần và kế hoạch cho 1 kỳ học. Nói luôn là, làm việc không có kế hoạch sẽ lãng phí rất nhiều thời gian, và tạo ra một thói quen “không có tính tổ chức”, ý khác là “vô kỷ luật”. Ví dụ về kế hoạch như sau:
(+) Kế hoạch tuần:
Là kế hoạch dạng chi tiết, chi tiết đến từng giờ, phải vạch ra từ cuối tuần trước để áp cho tuần kế theo (sau này đi làm bắt buộc phải làm kế hoạch tuần, có khi phải trình quản lý phê duyệt kế hoạch, nên giờ còn là sinh viên tập dần đi cho quen).
Kế hoạch tuần phải theo thời khóa biểu (lịch học) giảng viên/khoa ấn hành, có sẵn các buổi học trên giảng đường, đây là nội dung bắt buộc phải có trong kế hoạch. Ví dụ: trong 1 ngày, nếu học trên giảng đường cả ngày (4 ca), thì chỉ còn buổi chiều tối và đêm cho tự học. Nhưng thông thường thì học 1-2 ca/ngày là nhiều rồi, thậm chí chỉ học trong 3-4 ngày một tuần, có những ngày không học trên giảng đường, nên thời gian khá thỏa mái.
Tôi giả sử, tuần này bạn có lịch học như sau: Thứ 2, bạn học buổi sáng (ca 1 và ca 2); thứ 3 học ca 2 và học thể dục buổi chiều (ca 4); thứ 4 bạn không có giờ học trên giảng đường; thứ 5 và thứ 6 học kín buổi sáng (ca 1 và ca 2); thứ 7, chủ nhật không có lịch học; buổi tối các thứ 2,4,6 học Tiếng Anh. Dựa trên lịch học đã nêu, bạn lên kế hoạch tự học, học bổ trợ và kế hoạch kiến tập/học việc/thực tập. Theo lịch ở trên, tôi gợi ý đề ra kế hoạch như sau: ngày Thứ 2, buổi sáng bạn học trên giảng đường, buổi chiều tự học ở thư viên, buổi chiều tối học anh văn theo kế hoạch và đêm về tự học; ngày Thứ 3, bạn tự học ở thư viện ca 1, ca 2 qua giảng đường nghe giảng, ca 3 có thể nghỉ ngơi, đọc sách và ca 4 thì đi học thể dục (đã bao gồm thời gian ăn trưa, đi lại), buổi tối có thể tự học; ngày thứ 4 và ngày thứ 7, bạn có thể xin đi thực tập tại một công ty luật/vpls/vp công chứng/doanh nghiệp (sẽ nói thêm về thực tập/học việc ở phần sau); ngày thứ 5 và thứ 6, bạn có thể sắp xếp cho việc học giảng đường, tự học, học Tiếng Anh như tôi đã gợi ý. Nếu bạn đi dạy thêm thì có thể chen vào các buổi chiều tối để đi dạy kèm thì chọn lớp học Tiếng Anh vào Thứ 7, Chủ Nhật và giảm buổi thực tập xuống … Tuần nào học giảng đường nhiều thì giảm tự học (tạm thời), sau đó khi giảm giờ học trên giảng đường thì tăng cường tự học (bù lại). Tùy ngày, kế hoạch cụ thể này có sự thay đổi, ví dụ đi học tin thay vì dạy thêm (vì không phải ngày nào cũng đi dạy thêm buổi tối). Gợi ý thôi, tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện mà vạch kế hoạch, vạch ra theo năng lực, và kiên trì theo nó, được điều chỉnh lại kế hoạch đã dự kiến, sao cho khoa học, theo khả năng, sức khỏe, túi tiền cho phép, nhưng không được bỏ kế hoạch.
Ngày tôi đi học, phải đi làm bán thời gian ở văn phòng luật để luyện kỹ năng, rồi đi dạy thêm, nên không còn cách nào khác, toàn phải tự học đến tận khuya, cày luôn thứ 7, chủ nhật.
Sẵn nói về kế hoạch tuần, tôi xin lưu ý rằng, tốt nhất là sinh viên đừng bỏ giờ học trên giảng đường, hãy cố gắng tận dụng các buổi học để lắng nghe giảng, để hiểu rõ các vấn đề chưa hiểu, hỏi giảng viên các vấn đề chưa rõ, có thể vấn đề được nói trong tài liệu, giáo trình, hoặc một tình huống, một vấn đề trong văn bản luật …. Thực tế, có những buổi giảng của giảng viên làm bạn buồn ngủ, bạn có cảm giác không thích học, bạn cảm thấy giảng viên đó giảng “không hay” … Về vấn đề này, tôi nghĩ phần lớn là do bạn thụ động, không có chuẩn bị trước, không tìm hiểu về môn học, không có nhu cầu học, bạn hờ hững với việc học của mình, giao phó hết vào “tính hấp dẫn, tính lôi cuốn, tính hài hước … của giảng viên). Khi giảng viên giảng không hợp với bạn, thì bạn bỏ lớp, trốn học, ở nhà ngủ … dẫn đến đã không chủ động tìm hiểu trước, lại còn bỏ lơ luôn buổi giảng, dẫn đến tình trạng “không học được gì”. Tôi cảnh báo, học thụ động, chờ ngày đến lớp, chờ giảng viên “ban phát” kiến thức là cách học cực kỳ rủi ro cho sinh viên, nhất là sinh viên ngành luật. Giảng viên có vai trò giúp chúng ta học tốt hơn, chứ không có nghĩa vụ “ban phát” kiến thức, nên đừng ngồi chờ, phải chủ động lên. Không có cách nào khác đâu, với tình trạng sinh viên đông, học một lớp từ 50 người trở lên, thì bạn phải tìm cách thích ứng với giảng viên, chứ với số lượng sinh viên đông, giảng viên không thể thích nghi với từng sinh viên được đâu. Dù mai này bạn có là “thiên hạ đệ nhất luật sư”, thì ngay tại thời điểm bạn học một môn học, giảng viên lúc đó đang giỏi hơn bạn, và là giảng viên là người bạn “phải kính” theo đạo làm người. Bạn còn trẻ, cần được người khác tôn trọng bạn, vậy nên bạn hãy tôn trọng và yêu quý giảng viên.
(++) Kế hoạch kỳ – là kế hoạch chung: hoàn thành bao nhiêu tín chỉ, đọc được những cuốn sách nào, thực tập/kiến tập được gì, học anh văn để đạt trình độ nào, tin học lấy được chứng chỉ gì, học được các khỏa kỹ năng nào … Đời sinh viên chỉ có 8 lần được lập kế hoạch kỳ và đưa ra các mục tiêu, hãy hoạch định nó từ năm thứ 1, thứ 2, đừng để quá muộn nhé.
2.3 Cách học để đạt mục tiêu thứ nhất (học để lấy kiến thức):
(i) Trước khi đến lớp:
Bạn bắt buộc phải nắm rõ các nội dung chính của môn học ngay từ đầu kỳ học. Vào mỗi buổi học, trước khi đến giảng đường, bạn phải chắc chắn rằng hôm nay giảng viên sẽ nói về vấn đề gì. Tôi ví dụ: bạn học môn Luật đất đai, thầy cô sẽ cho bạn đề cương, có 7 bài, tương ứng với số bài sẽ có số tiết, số mục. Nói về bài 6 chẳng hạn: “về nghĩa vụ của người sử dụng đất”, ví dụ bài này sẽ được giảng trong 02 ca, mỗi ca 03 tiết. Như vậy, trước các buổi học này, các bạn phải đọc đề cương, đọc giáo trình chính, so sánh với các giáo trình tham khảo, nghiên cứu luật, nghị định, thông tư … quy định về các vấn đề mà bạn sẽ được giảng viên hướng dẫn tại buổi đó, có thể gồm: tiền sử dụng đất, thuế đất, lệ phí trước bạ, lệ phí địa chính… Bạn đọc trước giáo trình xem nó là cái gì, đặc điểm ra sao, phân biệt chúng ra sao, tại sao có quy định này, quy định vậy để làm gì, tại sao phải miễn cho đối tượng này, … đọc luật để hiểu thêm các trường hợp cụ thể thu, miễn, thủ tục ra sao, thu bao nhiêu, khi nào phát sinh …? Khi đến lớp, thầy cô giảng, để ta hiểu hơn, tập trung nghe, khi được đặt vấn đề, cái nào không biết hỏi luôn, hoặc xin phép hỏi, học vậy không buồn ngủ, mà theo bài rất sát, giảng viên rất thích các em học theo kiểu như vậy.
(ii) Trong giờ lên lớp:
Phải nghe giảng, hãy cố gắng để nghe nhiều nhất. Nghe để hiểu những gì mình đọc trước, nghiên cứu trước mà chưa hiểu. Có cơ hội ngay lập tức đặt câu hỏi. Câu hỏi đó có thể hỏi ngay thì tốt. Không hỏi được ngay thì ghi lại để sau đó hỏi, có thể hỏi giảng viên, hỏi người có kinh nghiệm hơn hoặc đem ra thảo luận, mổ xẻ vấn đề hoặc tìm hiểu trong các tài liệu khác. Không ghi ra câu hỏi, sau đó sẽ dễ quên luôn lắm.
Hạn chế việc phải ghi chép. Vì có giáo trình rồi, có tài liệu học tập, đề cương bài giảng, slide … hết rồi. Đừng cắm đầu chép nữa! Chép về nhà có đọc đâu mà chép khí thế như thế làm gì. Hãy ghi những gì mà bạn thấy khác, thấy lạ so với giáo trình và tài liệu, ghi lại những điều giảng viên đúc kết, nhấn mạnh. Ghi lại những ví dụ, những tình huống và cách giải quyết tình huống. Không tập trung vào các nội dung bên lề, các câu chuyện cười, chuyện thư giãn mà giảng viêng kể, vì nó là “thuốc chống buồn ngủ”, nghe xong rồi bỏ qua ngay để lại tập trung vào bài giảng.
Học mà cắm cổ ghi chép thì giống … con vẹt, giống cái máy thu âm, thu rồi phát, lặp lại mà không suy nghĩ!
(iii) Sau giờ học trên giảng đường:
(+) Bạn dành thời gian tự học, khoảng 1 tiếng để hệ thống lại các nội dung chính, lấy tờ A4 (nếu nhiều nội dung thì A3) vẽ bằng sơ đồ, vẽ 1 cái vòng tròn ở giữa, ghi “nghĩa vụ của người sử dụng đất”, làm 4 cái nhánh ra 4 bên ghi 4 loại nghĩa vụ nêu trên. Mỗi loại nghĩa vụ làm ra thành nhiều nhánh, mỗi nhánh là các ý chính cần nắm của loại nghĩa vụ đó, mỗi ý chính có mấy ý phụ, giáo trình chia thế nào, căn cứ pháp lý ở đâu, điều nào, khoản mấy của luật, hướng dẫn ở đâu trong nghị định nào, thông tư nào …
(++) Do đã nắm nội dung, đã được nghe giảng, nên giờ tự học sau đó, bạn phải ôn bài ngay bằng cách trả lời các câu hỏi và giải bài tập tình huống. Việc học ngay như vậy, giúp bạn dễ giải quyết hơn, vì mới vừa học “lý thuyết” xong. Đây cũng là cách học thi sớm, vì sau này xem lại, nhớ rất nhanh, giảm tải cho kỳ thi.
(+++) Đối với bài học về quyền của người sử dụng đất chẳng hạn, có thể tìm hiểu thêm về tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất để hiểu sâu hơn: sách về bình luận bản án của Phó Giáo sư Đỗ Văn Đại, các bản án về tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất … Ngày tôi đi học, về môn luật hình sự, tôi đã mua và đọc đủ bộ sách bình luận BLHS của ông Đinh Văn Quế (khi đó là Chánh tòa Hình sự TANDTC, nay đã nghỉ hưu và làm luật sư).
(++++) Nếu học về doanh nghiệp, có thể nghiên cứu thêm điều lệ của các doanh nghiệp công khai trên trang website của họ, so sánh với luật, so sánh các điều lệ với nhau, có thể nghiên cứu thêm các quy định nội bộ, tài liệu họp đại hội đồng cổ đông …
Cái tài liệu, sách chuyên khảo tôi đã nói ở phần chuẩn bị rồi đó. Sách chuyên khảo cả rừng luôn đấy, chịu khó dành dụm, tiết kiệm, làm thêm mà mua học, tranh thủ tuổi thanh niên độc thân mà học đi. Đây là kinh nghiệm xương máu của tôi, sau này làm bố, làm mẹ rồi, không còn nhiều thời gian mà tự học đâu. Cầm quyển sách, vừa đưa nôi ru con, vừa đọc mới thấy thời gian của người trưởng thành dành cho tự học hiếm hoi đến thế nào.
Hãy cố gắng ngày nào xào ngày ấy, đừng để đến hôm sau. Nếu có để lại thì hãy tập trung giải quyết trong tuần đó luôn, để tuần sau thì nó quên mất hết.
(iv) Đến kỳ thi:
Nói đến đây, bạn thấy rằng, tài liệu ôn thi của bạn có gì rồi đó. Nó là: những cuốn giáo trình đã “tàn phai nhan sắc” vì bạn cày xới trong thời gian học (giáo trình khác với người yêu, giáo trình càng học nó càng hư mới tốt, người yêu càng yêu nó càng xinh mới tốt, ngược lại thì thôi rồi); là những tập văn bản luật đã cũ, đã muốn rách, đã bị hightlight, bị gạch chân, bị ghi thêm vào để giải thích, để ghi chú; đó là những tờ A4, A3 chi chít các sơ đồ về các vấn đề, ý chính, ý phụ, ghi chú; đó là “cuốn sổ tay môn học” (gọi cho oách chứ thực tế là dùng vở học trò cho rẻ tiền) ghi chép những vấn đề không có trong tài liệu, những ghi chú, những câu hỏi và câu trả lời của giảng viên, của tài liệu mà bạn tìm thấy … chứ không phải là cuốn vở mà ta cắm đầu vào chép trong một thời gian qua, bây giờ mở ra có những câu, những chữ không biết ghi gì (vì lúc đó vừa ghi vừa ngủ gật).
Bây giờ thì học thi, hãy lấy ra các sơ đồ, vốn được gìn giữ sẵn cho tất cả các bài học ra, kết hợp với đề cương, ngồi điểm lại các ý chính của chương trình môn đó, để không bỏ sót. Sau đó, ngồi xem lại nội dung cụ thể từng chuyên đề 1, theo thứ tự: nội dung trong đề cương – sơ đồ -> giáo trình/tài liệu -> văn bản luật. Tranh thủ tập trung giải quyết nhanh, nhớ phải đọc kỹ văn bản luật, sau đó thử luyện lại các đề thi cũ, trả lời các câu hỏi ôn tập và bài tập tình huống gợi ý (nếu có) để làm quen.
Làm tốt thế rồi, thì tự tin đi thi và sau đó bỏ đó, đi làm việc khác. Qua môn là vui, thi lại thì cứ từ từ mà thi lại, học lại thì buồn một chút nhưng cũng phải học. Điểm thấp cũng không có gì phải buồn, vì ta học kỹ, hiểu và nắm cơ bản rồi. Tôi thì không thích học cải thiện, lý do như tôi đã nói ở trên. Tuổi trẻ có mấy ngày, thời gian trôi nhanh lắm, mắc cớ chi đi làm lại cái việc mình đã làm, chỉ để lấy thêm tý điểm, trong khi còn bao việc khác phải làm.
Thi lại, học lại, điểm thấp không sao nhé, cuối cùng cũng qua môn. Không nên buồn, sau này làm sai, bị đuổi việc, thất nghiệp, đi xin lại việc khác mới nhục, mới đắng cay, mới đáng buồn, đáng sợ…
2.4. Cách học để đạt mục tiêu thứ 2 (nắm hệ thống pháp luật và văn bản luật)
Xin nhấn mạnh trước rằng, thực ra việc phải làm để đạt mục tiêu thứ 2 này, phải tiến hành song song với việc học ở mục tiêu thứ nhất. Tôi luôn hoàn thành việc hệ thống văn bản luật chậm nhất đến hết tuần thứ 2 khi bắt đầu môn học.
(i) Đối với từng môn/ngành luật:
Bạn phải hệ thống lại các văn bản pháp luật, đảm bảo nắm được tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của môn/ngành luật đó đang có hiệu lực và một số văn bản chính/quan trọng của môn/ngành luật đó trong quá khứ.
(+) Về các văn bản đang có hiệu lực:
Bạn bắt đầu nắm luật trước, sau đó đến văn bản hướng dẫn. Sinh viên luật phải nắm rõ về quy định pháp luật hiện hành: trong luật có mấy phần, phần nào quy định về cái gì, được hướng dẫn ở văn bản nào, phải kiếm được ngay nội dung cần tra cứu để tìm thấy ngay cái cần tìm.
Tôi ví dụ trong môn Luật lao động, chúng ta phải hệ thống mà nắm được: (-) Bộ luật lao động 2012; (–) các văn bản hướng dẫn phần chung: nghị định nào, thông tư nào, các công văn nào của BLĐTBXH hướng dẫn các trường hợp cụ thể; (—) các văn bản hướng dẫn phần hợp đồng lao động: nghị định, thông tư …; tương tự như vậy cho các phần: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn lao động, vệ sinh lao động; tiền lương; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; thanh tra, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp lao động … Nếu môn Tố tụng dân sự thì nắm BLTTDS, sau đó đến các nghị quyết hướng dẫn của HĐTPTANDTC … theo cái cách tôi vừa nói.
Bạn nên lập một danh mục (dạng bảng kê), trong đó nên có các thông tin và theo trật tự sắp xếp theo gợi ý như sau: STT, số hiệu văn bản, trích yếu, nội dung chính, cơ quan ban hành, ngày ban hành, ngày hiệu lực, các ghi chú …
(++) Về các văn bản đã hết hiệu lực:
Xin nói ngay rằng, các văn bản hết hiệu lực, đối với người hành nghề luật, không phải là cái bỏ đi. Xin lấy ví dụ như sau: Công ty A ký hợp đồng cho Công ty B thuê nhà năm 2002, thời hạn 20 năm, đến năm 2009 thì ký thêm phụ lục hợp đồng bổ sung thêm tài sản thuê do người thuê và người cho thuê thỏa thuận nâng thêm 2 tầng nhà, đến năm 2017 thì người thuê không trả tiền thuê 6 tháng liên tục, người cho thuê yêu cầu trả nhà mà người thuê không trả. Khi đó, để xử lý tranh chấp hợp đồng này, phải sử dụng đến: BLDS 1995, BLDS 2005; BLDS 2015; Nghị định 75/2000/NĐ-CP; Luật công chứng 2006; Luật công chứng 2014, luật nhà ở qua các thời kỳ … và nhiều các văn bản khác.
Do đó, ngoài việc nắm văn bản đang có hiệu lực, bạn học luật phải nắm văn bản chính/quan trọng đã bị thay thế (hết hiệu lực) để cần thì tra cứu ngay được. Đối với các văn bản này, bạn cũng nên lập một danh mục (dạng bảng kê), trong đó nên có các thông tin và theo trật tự sắp xếp theo gợi ý như sau: STT, số hiệu văn bản, trích yếu, nội dung chính, cơ quan ban hành, ngày ban hành, ngày hiệu lực, đã bị thay thế bằng văn bản, ngày hết hiệu lực và các ghi chú cần thiết.
(ii) Đối với hệ thống pháp luật:
(+) Bạn phải hiểu và nắm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể nắm hệ thống một số ngành luật điều chỉnh thường xuyên, phổ biến đời sống kinh tế, xã hội vì bạn phải tra cứu thường xuyên sau này khi đi làm. Cái này tùy vào nghề nghiệp bạn hướng tới. Ví dụ, tôi hướng tới nghề luật sư chuyên làm pháp chế doanh nghiệp, thì tôi phải nắm: ngành luật dân sự (sở hữu, thừa kế, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng), tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, doanh nghiệp, lao động, thương mại, cạnh tranh, chứng khoán, đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, xuất nhập khẩu …
(++) Ngày trước tôi đi học, tôi tập trung một số môn học mà tôi nghĩ rằng sau này tôi phải tiếp cận, vận dụng thường xuyên (cái này không phải tự nghĩ ra, mà là do các anh/chị luật sư trong VPLS Thuận An ngày xưa rút tỉa từ quá trình học, làm việc của các anh/chị rồi định hướng cho tôi). Theo cách các anh chị hướng dẫn, tôi tổng hợp quy định pháp luật và nắm luật theo 03 cái sơ đồ tư duy pháp lý mà tôi vạch ra, xin nói luôn như sau:
(x) Sơ đồ thứ nhất với đối tượng trung tâm là DOANH NGHIỆP, tôi vẽ giữa tờ A3 vòng tròn chứa chữ DOANH NGHIỆP, sau đó vẽ ra nhiều nhánh xung quanh theo hình mặt trời (cái này tôi đã chỉ cho các bạn sinh viên luật trong các buổi giao lưu): tia thứ nhất, để giải quyết việc thành lập, tổ chức, phát triển, mở rộng, quản trị điều hành nội bộ, liên doanh, thực hiện dự án đầu tư, hợp tác kinh doanh… thì tập trung học kỹ luật doanh nghiệp và luật đầu tư, tổng hợp và liên kết chúng lại với nhau để có cái nhìn thống nhất; tia thứ 2, để thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp, thì nó phải ký và thực hiện các hợp đồng, nên tôi tập trung học về hợp đồng trong luật dân sự, hợp đồng thương mại trong luật thương mại, hợp đồng đầu tư trong luật đầu tư, hợp đồng xây dựng trong luật xây dựng, hợp đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong luật đất đai … và liên kết chúng lại với nhau để có cái nhìn thống nhất; tia thứ 2, để có vốn đầu tư, thì doanh nghiệp ngoài vốn chủ sở hữu phải góp đủ, còn đi huy động vốn, thông qua hoạt động góp vốn đầu tư, vay các tổ chức tín dụng, thuê tài chính … nên tôi tập tung nghiên cứu về giao dịch đảm bảo trong luật dân sự, các loại tài sản thường được đem ra làm tài sản đảm bảo như đất đai, nhà, công trình xây dựng và điều kiện giao dịch trong các luật chuyên ngành, các hoạt động tín dụng (cho vay, cho thuê tài chính …) trong luật ngân hàng … rồi rất nhiều tia, rất nhiều ngành luật … theo hình mặt trời lớn (trung tâm), các mặt trời nhỏ xung quanh. Học kiểu này hiểu rồi sau đó “thách thức sự quên” luôn.
(xx) Sơ đồ thứ 2 với đối tượng trung tâm là một CÁ NHÂN, tôi vẽ tương tự như sơ đồ thứ nhất, tư suy theo thời gian: sinh ra người ta phải được khai sinh, được quyền thừa kế, được quyền công dân, thực hiện quyền thế nào; đến mức tuổi nào chịu trách nhiệm hình sự; đến tuổi nào thì kết hôn và kết hôn thì quyền, nghĩa vụ phát sinh thế nào;; thực hiện các giao dịch dân sự thì có quyền gì, nghĩa vị gì, làm sao đảm bảo có hiệu lực; đi làm thì ký hợp đồng lao động, thực hiện quyền, nghĩa vụ thế nào; có tài sản, định đoạt các loại tài sản của mình ra sao; khi chết thì xử lý về quan hệ thân thích, quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản thế nào … theo một vòng đời con người.
(xxx) Sơ đồ thứ 3 với đối tượng trung tâm là TÒA NHÀ là sản phẩm của một dự án đầu tư BĐS, tôi lấy hình vẽ một dự án và bắt đầu tư duy: nhà đầu tư có thể một mình hoặc hùn hợp (liên danh, liên kết hoặc thành lập pháp nhân) để thực hiện dự án, theo luật doanh nghiệp, luật đầu tư họ phải ký hợp đồng nào, thực hiện thủ tục nào; kế đến là họ phải cần có đất mới triển khai dự án được (đất có thể do nhà đầu tư có và đem hùn hợp, hoặc đi thuê của người sử dụng đất khác, có thể do nhà nước giao đất, cho thuê đất …) tùy từng trường hợp và nhà đầu tư và/hoặc pháp nhân thực hiện dự án sẽ có quyền, nghĩa vụ nào theo luật đất đai; để thực hiện dự án, nhà đầu tư/pháp nhân thực hiện dự án phải thực hiện hàng loạt thủ tục: xin chủ trương đầu tư, lập dự án, xây dựng, …; rồi huy động vốn để thực hiện dự án; rồi triển khai thực hiện phải ký và thực hiện hàng loạt các hợp đồng: thiết kế, giám sát, thi công …; rồi thực hiện hàng loạt thủ tục: an toàn lao động, bảo hiểm, phòng cháy chứa cháy; kết nối giao thông, điện, nước, hoàn công, quản lý, khai thác (cho thuê, bán, …) … đó là nói một số việc mà đã liên quan đến cả khối ngành luật, còn cả đống việc khác nữa.
Nhờ tư duy theo 03 sơ đồ này, mà tôi tổng hợp, liên kết và vận dụng các luật với nhau một cách thuần thục, phát hiện ra rất nhiều điều thú vị. Học luật mà môn nào xong xếp môn đó vào, không liên kết chúng lại thì “thôi rồi”.
2.5. Cách học để đạt được mục tiêu thứ 3 (làm được một số việc cơ bản):
Việc học để làm được một số việc cơ bản không khó, nhưng lại đòi hỏi sự chăm chỉ, chịu khó nỗ lực không ngừng và năng động. Có 02 nhóm việc bạn cần phải làm, đó là:
(i) Nghiên cứu luật, nắm cơ bản thủ tục theo theo quy định pháp luật, tư duy kết hợp các ngành luật với nhau để nắm thủ tục, tôi đưa ra mấy ví dụ sau:
(+) Khi học môn luật doanh nghiệp, bạn phải nắm được tất cả các thủ tục về đăng ký kinh doanh (đăng ký mới, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp), thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp (chuyển đổi loại hình, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập), giải thể, phá sản. Các thủ tục nhắc ở đầu, bạn nghiên cứu luật, sau đó là nghị định và thông tư hướng dẫn về đăng ký kinh doanh, rồi tìm hiểu bộ thủ tục mẫu đăng tải trên website của các sở kế hoạch và đầu tư. Thủ tục phá sản thì theo hướng dẫn của TANDTC. Khi học luật đầu tư, cũng phải làm vậy đối với thủ tục đầu tư …
(++) Khi học luật đất đai, bạn phải kết hợp được với luật công chứng, quy định về giao dịch bảo đảm để nắm được tất cả các thủ tục thực hiện các giao dịch của người sử dụng đất (chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp …), các thủ tục để xin giao đất, cho thuê đất, thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ, chuyển mục đích sử dụng đất …
(+++) Khi học luật Hôn nhân và Gia đình, bạn phải biết kết hợp với luật tố tụng dân sự để nắm thủ tục ly hôn (thuận tình hoặc đơn phương), có thể kết hợp với luật đất đai, luật công chứng để biết thủ tục thỏa thuận để phân chia tài sản chung là đất đai trong thời kỳ hôn nhân; hoặc khi học tố tụng dân sự, phải biết làm được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự, các thủ tục kèm theo, phải nắm được thủ tục tại một phiên tòa …
Tương tự với các môn luật khác, nói đến sáng không hết được đâu.
(ii) Ngoài nghiên cứu luật, bạn phải kết hợp với việc kiến tập, thực tập, học việc. Nay sẵn dịp xin nói nhiều về việc này một chút, bằng những suy nghĩ sau đây:
(+) Nếu để đến gần cuối năm thứ 4, theo chương trình bắt buộc thì mới đi thực tập thì là quá muộn và thật sự kỳ thực tập này có thể không thu được kết quả gì nhiều;
(++) Sinh viên mới ra trường thì cơ bản là không có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm; để chứng minh mình có kinh nghiệm dù mới vừa tốt nghiệp, không còn cách nào khác, ứng viên phải thể hiện một bề dạy kinh nghiệm đáng nể bằng các kỳ thực tập của mình;
(+++) Thực tập phải là thực tập chủ động, tôi khuyến khích sinh viên đi thực tập ngay từ năm thứ 1, thứ 2, thực tập liên tục cho đến ngày ra trường. Vì trước đây, tôi làm bán thời gian liên tục 4 năm tại VPLS, nên tôi thấy việc thực tập vô cùng bổ ích cho việc học, bạn thực tập theo các nguyên tắc sau đâu:
(x) Đi thực tập càng sớm càng tốt, chủ động đi thực tập;
(xx) Chọn xin tại công ty luật/vpls trước, sau đó đến doanh nghiệp, công chứng, thừa phát lại, tòa án, viện kiểm sát … Tại công ty luật/vpls, họ cung cấp dịch vụ pháp lý, nên rất nhiều loại việc, đủ tất cả các môn học, thỏa mái mà học việc. Nếu thực tập thử hết các nơi này thì cũng tốt, để tìm hiểu từng nghề, xem mình hợp nghề nào;
(xxx) Đi thực tập những năm đầu chủ yếu là kiến tập, tức là nghe, nhìn, học các công việc văn phòng như phô tô, sắp hồ sơ, đi chứng thực hồ sơ, dẫn khách đi công chứng, đánh máy các văn bản … đến năm thứ 3, 4, có kinh nghiệm rồi, thì xin những việc đơn giản, để giúp việc cho các nhân sự trong cơ quan, tự làm rồi nhờ người ta sửa, các việc như tìm văn bản pháp luật, tóm tắt hồ sơ, thảo các hợp đồng đơn giản, thảo các đơn từ, công văn, báo cáo, chuẩn bị hồ sơ, hỗ trợ khách đi thực hiện công việc …
(xxxx) Khi đến xin thực tập, phải chân thành, trung thực, siêng năng, lễ phép, biết lắng nghe và chịu khó. Không nhất thiết phải thực tập mọi ngày trong tuần, có thể xin thực tập 1-2 buổi/tuần, 1-2 ngày/tuần hoặc váo thứ 7 (nếu nơi thực tập làm việc thứ 7). Cũng xin lưu ý rằng: rất nhiều vpls/công ty luật, vào ngày cuối tuần thường là ngày họp chuyên môn, phản biện các hồ sơ để chuẩn bị tác chiến bên ngoài, đây là ngày dành cho các bạn trẻ học tập.
Việc học, siêng năng tìm hiểu về thủ tục, kết hợp với việc thực tập đã tạo ra tôi, một người mới vừa tốt nghiệp đại học đã dám nói với nhà tuyển dụng là tôi đã có 04 năm kinh nghiệm thực tập và làm bán thời gian. Chỉ có cách này mới giải quyết được vấn đề “mới ra trường sao có kinh nghiệm”. Học theo cách này, cũng giúp bạn học nhanh hiểu, dễ hiểu và sau đó biết làm việc.
Lời nhắn: hãy yêu thương cha mẹ, nhất là mấy bạn con nhà nghèo, để được đi học thì cha mẹ đã nhịn ăn, nhín mặc dành tiền cho ta đấy, học cho nó chu đáo vào, để khoản đầu tư của cha mẹ không bị lỗ, niềm tin không phí phạm!
Cách học của tôi là dành cho sinh viên nghèo, học vậy rất cực khổ, bạn không đủ đam mê, thì không nên bắt chước!!!
Luật sư Lê Văn Dụng viết cho sinh viên luật trên page Share Law
Bài viết gốc: https://www.facebook.com/sharelawvn/posts/2261695757190306