[VPLUDVN] Khách thể là một yếu tố chủ chốt trong quyền sở hữu. Đặc biệt, trong quan hệ dân sự liên quan đến quyền sở hữu thì việc xác định khách thể là rất quan trọng bởi lẽ khi xác định chính xác khách thể thì chúng ta sẽ xác định được giá trị sử dụng cũng như quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ dân sự về sở hữu.
Trong quan hệ sở hữu, thì tài sản là khách thể chủ yếu và thường gặp nhất.
Khái niệm về tài sản được pháp luật quy định tại điều 163 BLDS 2005: ” Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.”
Luật Dân sự Việt Nam thừa nhận tài sản theo nghĩa rộng, theo đó, tài sản bao gồm các vật và quyền tài sản trên các vật đó (vật quyền). Mặc dù không đưa ra định nghĩa về tài sản nhưng quy định trên đã giúp chúng ta xác định được tài sản là gì.
BLDS năm 2005 phân loại tài sản thành động sản – bất động sản, tài sản hữu hình – tài sản vô hình trong đó cặp động sản – bất động sản là cặp tài sản được pháp luật phân loại và quy định tại Điều 174 BLDS 2005:
“1. Bất động sản là các tài sản bao gồm:
a) Đất đai;
b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó;
c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai;
d) Các tài sản khác do pháp luật quy định.
2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản. “
Việc phân biệt động sản và bất động sản chủ yếu dựa trên tính chất và giá trị pháp lý cũng như giá trị kinh tế của từng loại tài sản. Trên thực tế thì những tài sản không di dời được thường là những tài sản có giá trị lớn, như ruộng vườn, nhà cửa. Việc phân biệt động sản và bất động sản nhằm mục đích qui định hai quy chế pháp lý khác nhau cho hai loại tài sản này. Hai qui chế pháp lý này ảnh hưởng trực tiếp đến những qui định của BLDS khi qui định về quyền của chủ sở hữu thực quyền đòi lại động sản, bất động sản từ người chiếm hữư không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình theo qui định tại Điều 256,257,258 của BLDS.
Theo qui định tại Điều 174 BLDS, các loại bất động sản được pháp luật quy định bao gồm:
– Bất động sản không thể di, dời được do bản chất tự nhiên vốn có của nó, như: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Cây cối, hoa màu và các tài sản khác trên đất.
– Các động sản trở thành bất động sản vì mục đích sử dụng chúng như các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đều được coi là bất động sản ( hệ thống điện được lắp đặt trong tường nhà, hệ thống đường nước trong nhà, bể cá, tủ bày các vật dụng gắn vào hốc tường một cách kiên cố ).
– Bất động sản do pháp luật quy định: Ngoài những tài sản là bất động sản kể trên, khi cần thiết, bằng các văn bản pháp luật cụ thể, pháp luật có thể quy định những tài sản khác là bất động sản. Điểm d, khoản 1 Điều 174 BLDS đã quy định “…bất động sản có thể còn là các tài sản khác do pháp luật quy định”. Ví dụ quyền sử dụng đất được xác định là bất động sản, đây chính là việc thừa nhận khái niệm quyền có tính chất bất động sản.
* Việc phân biệt động sản và bất động sản mang lại những giá trị pháp lý nhất định:
– Việc phân biệt động sản và bất động sản là cơ sở cho việc qui định về quyền của chủ sở hữu thực quyền đòi lại động sản, bất động sản từ người chiếm hữư không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình theo qui định tại Điều 256,257, 258 của BLDS
– Việc phân biệt động sản – bất động sản có giá trị trong việc qui định xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Theo Điều 247 BLDS, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm chiếm hữu, trừ trường hợp tài sản chiếm hữu là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước.
– Liên quan đến hệ thống đăng ký tài sản, trong pháp luật Dân sự Việt Nam, đối với các tài sản là bất động sản, về nguyên tắc, để được công nhận là chủ sở hữu, người có bất động sản phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu (Điều 167 BLDS). Việc đăng ký quyền sở hữu chính là yếu tố minh chứng cho việc xác định ai là chủ sở hữu của bất động sản đó. Đối với động sản thì chỉ có một số loại nhất định phải đăng ký quyền sở hữu. Ví dụ như ô tô, xe gắn máy, tàu, thuyền …
– Việc phân biệt này có giá trị quan trọng trong việc tuân thủ hình thức khi các chủ thể xác lập các giao dịch dân sự có đối tượng là bất động sản, thông thường phải xác lập thông qua giao dịch dân sự bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan Nhà Nước thẩm quyền, giao dịch loại này chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng hoặc chứng nhận hoặc thời điểm đăng ký.
– Dưới góc độ tố tụng, việc xác định một tài sản là động sản hay bất động sản có giá trị xác định thẩm quyền của Toà án nhân dân trong việc giải quyết tranh chấp. Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự, các tranh chấp về bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nơi có bất động sản.
– Ngoài ra, trong trường hợp tài sản liên quan đến yếu tố nước ngoài, việc phân biệt động sản – bất động sản sẽ tạo thuận lợi trong việc lựa chọn thẩm quyền giải quyết cũng như pháp luật áp dụng cho phù hợp.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.