Các yếu tố của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình

[VPLUDVN] Các yếu tố của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình gồm chủ thể và khách thể của quan hệ hôn nhân. Bài viết tập trung phân tích yếu tố chủ thể và nội dung của quan hệ pháp luật hôn nhân theo quy định hiện nay:

1. Chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình

Chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

– Năng lực pháp luật hôn nhân và gia đình

Năng lực pháp luật hôn nhân và gia đình là khả năng cá nhân có quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình, các quyền và nghĩa vụ đó được Nhà nước công nhận và được ghi nhận trong pháp luật. Các quyền và nghĩa vụ đó là: Quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; quyền được xác định cha, mẹ, con; quyền được kết hôn; quyền được nhận con nuôi hoặc quyền được làm con nuôi; quyền ly hôn… Quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình của chủ thể có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào năng lực hành vi của chính chủ thể đó hoặc của chủ thể đối lập. Do đó, trong các quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình, có những quyền và nghĩa vụ chỉ phát sinh khi chủ thể thực hiện bằng chính hành vi của mình. Ví dụ: Quyền kết hôn, quyền được nuôi con nuôi… Bên cạnh đó, một số quyền của chủ thể trở thành hiện thực do chủ thể đối lập thực hiện nghĩa vụ của họ. Ví dụ: Quyền được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được nhận làm con nuôi…

– Năng lực hành vi hôn nhân và gia đình

Năng lực hành vi hôn nhân và gia đình là khả năng bằng các hành vi của mình, chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ hồn nhân và gia đình đã được pháp luật quy định. Năng lực hành vi của chủ thể phụ thuộc rất lớn vào độ tuổi và khả năng nhận thức của chủ thể. Khi chủ thệ đạt độ tuổi nhất định do pháp luật quy định và có khả năng nhận thức thì chủ thể đó có năng lực hành vi hôn nhân và gia đình, về nguyên tắc, độ tuổi có năng lực hành vi là tuổi thành niên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật quy định độ tuổi có năng lực hành vi của công dân có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Chẳng hạn, người từ đủ chín tuổi ứở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của người đó. Hoặc nam từ hai mươi tuổi trở lên mới được kết hôn…

Người chưa đến tuổi có năng lực hành vi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì một số quyền mà pháp luật quy định phải do chính chủ thể thực hiện sẽ không trở thành hiện thực như quyền kết hôn, quyền nhận con nuôi, quyền yêu cầu ly hôn… Đồng thời những chủ thể này cũng không phải thực hiện các nghĩa vụ hôn nhân và gia đình của mình. Chẳng hạn như nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ, con… Một số quyền hôn nhân và gia đình họ vẫn được hưởng do các chủ thể khác thực hiện.

2. Nội dung của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình

Nội dung của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình chính là quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi là cơ sở làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình cho mỗi chủ thể. Khi các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình thì sẽ có các quyền và nghĩa vụ nhân thân và quyền và nghĩa vụ tài sản. Quyền và nghĩa vụ nhân thân là yếu tố tinh thần, tình cảm phát sinh giữa các chủ thể. Quyền và nghĩa vụ tài sản là lợi ích vật chất phát sinh giữa các chủ thể, bao gồm quyền sở hữu tài sản giữa vợ và chồng, quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng giữa các chủ thể. Quyền và nghĩa vụ tài sản luôn gắn liền với nhân thân của mỗi chủ thể và không thể chuyển dịch cho người khác.

Quyền và nghĩa vụ nhân thân của chủ thể quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, theo bản chất pháp lý là quyền tưong đối. Quyền và nghĩa vụ tài sản của chủ thể quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình vừa mang tính tương đối, vừa mang tính tuyệt đối.

3. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình ?

Quy định của pháp luật về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình:

1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.

4. Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội; con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau.

5. Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.

6. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *