Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ Dân sự

[VPLUDVN] Trách nhiệm dân sự (TNDS) do vi phạm nghĩa vụ được xem là một loại trách nhiệm pháp lý thuộc lĩnh vực về hợp đồng trong giao dịch dân sự. Hay nói cách khác, trong suốt quá trình tiến hành giao kết, thực hiện và kết thúc hợp đồng dân sự thì các bên phải thực hiện những cam kết đã thỏa thuận, đã thống nhất với nhau; bên cạnh đó cũng phải tuân thủ những nghĩa vụ pháp lý trong từng loại giao dịch nhất định theo quy định của pháp luật.

Và theo pháp luật hiện hành tại Bộ luật dân sự 2015, chúng ta có thể hiểu:

Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Trong đó, Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ. (khoản 1 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015).

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý 02 trường hợp ngoại lệ, bên có nghĩa vụ mặc dù vi phạm nghĩa vụ nhưng KHÔNG phải chịu TNDS đó là:

TH1: Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, TRỪ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

TH2: Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Nhìn chung, chúng ta có thể khẳng định rằng TNDS do vi phạm nghĩa vụ là “hậu quả bất lợi” mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu. TNDS luôn có tính tài sản, tức là phải liên quan trực tiếp đến tài sản, vì lợi ích của các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự hướng đến bao giờ cũng mang tính tài sản. Vì vậy, TNDS chính là trách nhiệm bù đắp cho bên bị vi phạm nghĩa vụ một lợi ích vật chất nhất định hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nếu không có thiệt hại xảy ra. Do đó, dựa vào căn cứ này chúng ta có thể phân chia TNDS do vi phạm nghĩa vụ thành 02 loại:

(1) Trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ;

(2) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Mình thấy rằng, trong đề thi dân sự phần hợp đồng các bài tập thường rất hay cho ra vào phần TNDS do vi phạm nghĩa vụ, dạng đề thường hỏi đại loại kiểu: nhận xét hành vi của các chủ thể trong tình huống là đúng hay sai? Trong trường hợp có vi phạm, bên có quyền được làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình và nghĩa vụ của bên vi phạm là gì?. Chính vì thế để cho các bạn tiện theo dõi thì mình có thống kê lại các loại TNDS do vi phạm nghĩa vụ theo bảng dưới đây:

Các loại trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

Nội dung trách nhiệm dân sự

TRÁCH NHIỆM PHẢI THỰC HIỆN NGHĨA VỤ

Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ

Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật

– Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.

– Trường hợp nghĩa vụ giao vật cùng loại không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao vật cùng loại khác; nếu không có vật cùng loại khác thay thế thì phải thanh toán giá trị của vật.

– Trường hợp việc vi phạm nghĩa vụ quy định trên mà gây thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

– Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

– Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền:

+ Được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

+ Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm của khoản tiền vay tại thời điểm trả nợ.

Trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc

– Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể:

Yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc

Tự mình thực hiện hoặc

Giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại.

– Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ

Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời

 điểm chậm tiếp nhận, TRỪ trường hợp luật có quy định khác.

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, TRỪ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Theo đó, có thể khẳng định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường bao gồm 03 yếu tố:
 (1) Có hành vi trái pháp luật: là loại trách nhiệm pháp lý nên nó phát sinh trên cơ sở có sự vi phạm pháp luật;
(2)  Có thiệt hại xảy ra: nếu không có thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường;
(3)  Có mối quan hệ nhân quả: chúng phải có sự liên hệ với nhau thì mới có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong đó: Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần:

– Thiệt hại về vật chất” là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

– Thiệt hại về tinh thần: là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.

Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý 02 trường hợp đặc biệt sau:

– Thứ nhất: Nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại

Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình.

– Thứ hai: Bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi

Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *