[VPLUDVN] Mặt khách quan của tội phạm là một trong 4 yếu tố cấu thành của tội phạm.
Mặt khách quan của tội phạm có các dấu hiệu sau: hành vi, hậu quả, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, các điều kiện bên ngoài.
Khái niệm mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm ra bên ngoài thế giới khách quan bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giũa hành vi và hậu quả, công cụ phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, hoàn cảnh, địa điểm phạm tội.
Những dấu hiệu trong mặt khách quan thường được mô tả chi tiết trong các điều khoản phần các tội phạm cụ thể. Một phần, vì các dấu hiệu trong mặt khách quan biểu hiện ra bên ngoài dễ nhận biết hơn các yếu tố khác. Mặt khác, giữa các tội phạm khác nhau chúng khác nhau chủ yếu ở các dấu hiệu trong mặt khách quan.
Ý nghĩa của các dấu hiệu trong mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan và một số dấu hiệu khác trong mặt khách quan của tội phạm như hậu quả, phương pháp, thủ đoạn phạm tội được phản ảnh là dấu hiệu bắt buộc. Việc nghiên cứu, xác định chúng có ý nghĩa về mặt định tội.
Trong cấu thành tội phạm tăng nặng của một số tội, một số các biểu hiện trong mặt khách quan như hậu quả, phương pháp, thủ đoạn, công cụ…được phản ảnh là dấu hiệu định khung. Việc xác định chúng có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt.
Một số tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một số biểu hiện trong mặt khách quan của tội phạm. Việc xác định chúng có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
Hành vi khách quan của tội phạm
Quan điểm truyền thống về khái niệm hành vi khách quan của tội phạm được thể hiện trong các giáo trình luật hình sự Việt Nam phần chung đó là Hành vi khách quan của tội phạm là những biểu hiện của con người ra bên ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức cụ thể nhằm đạt những mục đích có chủ định và mong muốn.
Theo khái niệm này thì hành vi khách quan của tội phạm được hiểu là hành vi của con người nói chung bao gồm cả hành vi hợp pháp và hành vi bất hợp pháp. Chỉ có xuất phát từ việc nghiên cứu, chỉ ra các đặc điểm của hành vi khách quan của tội phạm mới có thể đưa ra khái niệm này thể hiện tính khoa học.
Khi so sánh hành vi của con người là hành vi hợp pháp với hành vi vi phạm pháp luật là hành vi phạm tội với các hành vi vi phạm pháp luật khác có thể chỉ ra hành vi khách quan của tội phạm có các đặc điểm sau: Hành vi khách quan của tội phạm có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội;Hành vi khách quan của tội phạm có tính trái pháp luật hình sự (được quy định trong BLHS phần các tội phạm cụ thể);Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi có thức và có ý chí tức là có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi, và có khả năng kiềm chế không thực hiện hành vi phạm tội;Hay nói cách khác, hành vi khách quan của tội phạm phải được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển.
Một người thực hiện một hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong trường hợp bị cưỡng bức về tinh thần – bị đe doạ (bị khống chế về tư tưởng) có thể phải chịu trách nhiệm hình sự có thể không.
Trường hợp thứ nhất: nếu người thực hiện hành vi gây hậu quả thiệt hại cho xã hội khi bị khống chế toàn bộ về tư tưởng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.Ví dụ: A giơ súng dí vào đầu B và ra điều kiện phải ném lựu đạn vào nhà M, nếu không thì A bắn chết B. Sự đe doạ này đặt trong hoàn cảnh cụ thể đó sẽ là hiện thực nếu B không tuân thủ và B làm theo sự khống chế của A gây hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại về tài sản thì B không phải chịu TNHS. Trường hợp này, hành vi của B là hành vi có ý thức nhưng không có ý chí.
Trường hợp thứ hai: nếu người thực hiện hành vi gây hậu quả thiệt hại cho xã hội khi bị khống chế một phần về tư tưởng thì được miễn trách nhiệm hình sự một phần. Mức độ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ bị đe doạ.Ví dụ: A và B là đối tượng sống lang thang ở bến xe (B không còn cha mẹ và không nơi nương tựa). Vào lúc 8 giờ ngày 22/03/2005, A khống chế B cướp giật hành lý của hành khách trên xe đưa cho A, nếu không A sẽ trục xuất B ra khỏi băng nhóm. Nếu B thực hiện theo sự khống chế của A thì B vẫn phải chịu TNHS về tội cướp giật tài sản với tình tiết giảm nhẹ phạm tội do bị người khác đe doạ, cưỡng bức.
Để xác định tính chất mãnh liệt của hành vi đe doạ phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện các tình tiết như: thời gian, hoàn cảnh địa điểm, công cụ, thái độ, cường độ của sự đe doạ.
Một người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong trường hợp bị cưỡng bức thân thể không phải chịu trách nhiệm hình sự vì thực tế họ chỉ là công cụ trong tay kẻ cưỡng bức. Việc thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội hoàn toàn do sức mạnh bạo lực bên ngoài.Ví dụ: B đang đứng cạnh A xem A chặt chuối. Trong lúc A đang giơ dao hướng về phía buồng chuối để chặt thì bất ngờ M chạy tới bắt tay A chém B. Trường hợp này, A gây thương tích cho B trong trường hợp bị cưỡng bức về thể chất, A không phải chịu TNHS về hậu quả thương tích của B.
Có thể phân biệt sự khác nhau giữa cưỡng bức về thân thể và cưỡng bức về tinh thần như sau:
Cưỡng bức thân thể |
Cưỡng bức tinh thần |
– Chỉ có sự tác động lên thân thể. – Người bị cưỡng bức không có khả năng lựa chọn bất kỳ một xử sự nào. |
– Có thể tác động lên thân thể có thể không. Nếu tác động lên thân thể qua đó tác động đến tư tưởng người bị cưỡng bức. – Người bị cưỡng bức có thể lựa chọn ít nhất hai xử sự. |
Từ những nội dung đã phân tích trên có thể đưa ra khái niệm về hành vi khách quan của tội phạm như sau: Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi được quy định trong phần các tội phạm cụ thể của BLHS có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội và là hành vi có ý thức kiểm soát và có ý chí.
Các hình thức của hành vi khách quan của tội phạm
Hành động phạm tội:Hành động phạm tội là hình thức của hành vi phạm tội để làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động gây thiệt hại cho khách thể qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật hình sự cấm.
Đối với tội phạm thì hành động phạm tội thường thể hiện ở các dạng như sau:
(i) Người phạm tội có thể tác động trực tiếp vào đối tượng tác động.Ví dụ: A phạm tội giết người bằng cách dùng tay bóp cổ B cho đến khi B chết
(ii) Có thể thông qua công cụ, phương tiện.Ví dụ: A phạm tội giết người bằng cách dùng dao chặt nhiều nhát vào người B cho đến khi B chết.
(iii) Có thể bằng lời nói.Ví dụ: A làm nhục B bằng cách chửi rủa, miệt thị B trước đám đông nhằm hạ thấp danh dự của B.
(iv) Có thể sử dụng trẻ em hoặc người mắc bệnh tâm thần.Ví dụ: A thuê B 12 tuổi vận chuyển cho A 1 kg hêroin qua cửa khẩu Bờ Y
Không hành động phạm tội:Không hành động phạm tội là hình thức của hành vi phạm tội để làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động gây thiệt hại cho khách thể qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật hình sự yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.
Không hành động phạm tội phải thoả mãn các điều kiện như sau:Chủ thể phải có nghĩa vụ hành động;Trong hoàn cảnh cụ thể chủ thể có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ này.
Nghĩa vụ pháp lý phát sinh trong trường hợp sau:Do luật định: Phải cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, hoặc phải tố giác tội phạm;Do quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Như quyết định nhập ngũ;Do nghề nghiệp;Do hợp đồng;Do xử sự trước đó của chủ thể.
Trong Bộ luật Hình sự đa số các tội phạm được thực hiện bằng hành động, có một số tội phạm chỉ thực hiện bằng không hành động (như Tội trốn thuế, Tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng), có một số tội vừa thực hiện bằng hành động vừa bằng không hành động (như Tội giết người, Tội huỷ hoại tài sản).
Các dạng cấu trúc đặc biệt của hành vi khách quan
– Tội ghép:Tội ghép là loại tội phạm mà hành vi khách quan được hình thành bởi nhiều loại hành vi nguy hiểm cho xã hội, xảy ra cùng thời gian, xâm hại nhiều khách thể.
Với khái niệm trên tội ghép có 3 đặc điểm sau:Có ít nhất 2 loại hành vi khác nhau;Các hành vi này phải xảy ra cùng thời gian;Các hành vi đó xâm hại ít nhất 2 khách thể.
Phân tích các tội phạm được quy định trong BLHS thì tội cướp tài sản (Điều 133) thoả mãn đầy đủ 3 điều kiện trên. Do đó, tội cướp tài sản là tội ghép.
– Tội liên tục:Tội liên tục là loại tội phạm mà hành vi khách quan bao gồm nhiều hành vi cùng loại xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian cùng xâm hại một khách thể.
Với khái niệm trên tội liên tục có 3 đặc điểm sau:Có ít nhất 2 hành vi cùng loại;Các hành vi đó xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian;Các hành vi đó phạm xâm hại một khách thể.
Đối chiếu với các đặc điểm trên, tội liên tục được quy định trong BLHS đó là Tội bức tử, tội đầu cơ, Tội hành hạ người khác.
Về phương diện khoa học luật hình sự ngoài tội liên tục còn có phạm tội nhiều lần. Giữa 2 thuật ngữ này có rất nhiều điểm giống nhau đó là chúng đều thực hiện ít nhất 2 hành vi cùng loại, các hành vi đó xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, các hành vi đó phạm xâm hại một khách thể. Có thể phân biệt chúng dựa vào các tiêu chí sau:
– Tội kéo dài:Là loại tội phạm mà hành vi khách quan có khả năng diễn ra không gián đoạn trong một khoảng thời gian dài.Ví dụ: Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, Tội tàng trữ hàng cấm….
Đặc điểm của tội kéo dài là chúng chỉ chấm dứt khi tội phạm bị phát hiện hoặc khi người phạm tội tự thú.
Luật sư Phạm Ngọc Minh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật1900 6198
Những biểu hiện khác trong mặt khách quan của tội phạm
Công cụ, phương tiện phạm tội: Là những đối tượng vật chất được chủ thể sử dụng để tác động vào đối tượng tác động của tội phạm trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội.
Thủ đoạn phạm tội: Là cách thức thực hiện tội phạm một cách tinh vi khôn khéo, có sự tính toán.
Trong đa số các tội danh trong Bộ luật Hình sự, công cụ, phương tiện phạm tội và phương pháp, thủ đoạn phạm tội là tình tiết định khung tăng nặng. Thủ đoạn phạm tội là tình tiết định tội của tội ngược đãi, hành hạ cha mẹ vợ chồng con cái.
Thời gian phạm tội: Thời gian phạm tội là căn cứ xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tiết tăng nặng.
Địa điểm phạm tội: Là tình tiết định tội của một số tội như: Tội trốn khỏi nơi giam, tội hoạt động phỉ.
Hoàn cảnh phạm tội: Là tình tiết định tội của tội đầu cơ như phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai, chiến tranh, và là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội khác.
Sưu tầm và Biên tập