[VPLUDVN] Nghiên cứu người phạm tội với các đặc điểm thuộc về họ cũng được gọi là nghiên cứu nhân thân người phạm tội. Nhân thân người phạm tội là vấn đề quan trọng được nhiều ngành khoa học nghiên cứu như tội phạm học, khoa học luật hình sự, tâm lý học tư pháp, tâm thần học…
1. Khái niệm về nhân thân người phạm tội
Xét về mặt ngôn ngữ, khái niệm nhân thân người phạm tội được hình thành từ khái niệm “nhân thân” và khái niệm “người phạm tội”. Như vậy, khái niệm nhân thân người phạm tội được hiểu là nhân thân người có lỗi trong khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hình sự coi là tội phạm. Do vậy, khi nghiên cứu khái niệm nhân thân người phạm tội cần phải bắt đầu từ khái niệm nhân thân con người.
Bản chất của con người bao gồm những nội dung về sinh học, tâm lý và xã hội. Con người muốn tồn tại đòi hỏi phải có quá trình hoạt động để phục vụ cho cuộc sống bản thân như ăn, uống, nghỉ ngoi… Đồng thời trong bất kỳ xã hội nào. con người không bao giờ sống tách rời, riêng biệt mà bao giờ cũng có quan hệ với nhau trong quá trình sản xuất cũng như trong quá trình sinh hoạt khác. Con người luôn luôn tồn tại trong những mối quan hệ kinh tế, chính trị, tư tưởng, pháp luật, giáo dục, văn hoá và các mối quan hệ khác.
Con người không chỉ có quan hệ với những người đương thời mà còn có quan hệ với các thế hệ trước biểu hiện là thế hệ sau đã kế thừa một lực lượng sản xuất và di sản văn hoá mà các thế hệ trước tích lũy được. Hay nói cách khác lịch sử phát triển của từng cá nhân không thể tách rời lịch sử của những người đương thời và lịch sử của bậc tiền bối. Như vậy, đời sống sinh hoạt, kinh nghiệm sống của cá nhân được quy định bởi nội dung của các quan hệ xã hội cụ thể hình thành trong gia đình; môi trường bạn bè, trong tập thể lao động hay học tập… Tất cả những yếu tố đó đều có ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân thân con người. Trong quá trình đánh giá nhân thân con người cần phải chú ý đến đặc điểm sinh học và tâm lý. Con người cũng là sản phẩm của xã hội cho nên khi đánh giá con người không được bỏ qua những hiện tượng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình hình thành và phát triển của nhân thân. Các quan hệ xã hội và các đặc điểm sinh học, tâm lý luôn luôn gắn liền với nhau và tác động qua lại. Con người khi sinh ra là cơ thể sinh vật, trong quá trình sống, khi tham gia vào hoạt động thực tiễn của xã hội, con người đã trở thành cá nhân mang nhân cách nhất định. Xử sự của con người trong xã hội là biểu hiện của sự nhận thức xã hội chứ không phải do tác động của bản năng sinh vật. Do vậy, trong khi nghiên cứu nhân thân con người, chúng ta cần tránh quan điểm tâm lý hoá khái niệm nhân thân cho rằng nhân thân là tổng hợp các đặc điểm tâm lý và không có liên quan gì đến địa vị, chức năng và vai trò xã hội. Ngược lại, chúng ta cũng không được tuyệt đối hoá chức năng và vai trò xã hội mà bỏ qua các đặc điểm sinh học, tâm lý của con người.
Khái niệm nhân thân con người là khái niệm bao trùm tất cả các đặc điểm sinh học, tâm lý và xã hội của cá nhân. Nhân thân con người là tổng hợp các đặc điểm thuộc 3 nhóm sau:.
– Các đặc điểm sinh học, bao gồm giới tính, tuổi và một số đặc điểm thể chất khác.
– Các đặc điêm tâm lý, bao gồm các đặc điểm tâm lý của cá nhân thuộc về nhân cách. Đó là các thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy, như xu hướng, năng lực, tính cách. Thuộc về xu hướng có thể là các đặc điểm về nhu cầu, thiên hướng, lý tưởng hoặc thế giới quan. Thuộc về năng lực là những đặc điểm về năng lực chung hay năng lực riêng hay những đặc điểm về mức độ biểu hiện năng lực ở tư chất, thiên hướng hay năng khiếu. Thuộc về tính cách là những đặc điểm về hệ thống thái độ của cá nhân đối với xã hội, tập thể, đổi với lao động, đối với mọi người, đối với bản thân và những đặc điểm về hệ thống hành vi, cử chỉ của cá nhân. Thuộc về khí chất có thể là những đặc điểm như khí chất hăng hái, bình thản, nóng nảy hay ưu tư. Khí chất được coi là thuộc tính tâm lý gắn liền với kiểu hoạt động thần kinh tương đối bền vững của cá nhân.
– Các đặc điểm xã hội, bao gồm các đặc điểm phản ánh vị trí vai trò xã hội của cá nhân cũng như các đặc điểm phản ánh quá trình xã hội hoá của cá nhân. Đó là các đặc điểm về gia đình mà cá nhân xuất thân, tình trạng hôn nhân, hoàn cảnh gia đình của cá nhân, đặc điểm về việc làm, nghề nghiệp, địa vị xã hội… Các đặc điểm về quá trình xã hội hoá cá nhân như đặc điểm về giáo dục gia đình, đặc điểm về quá trình học tập trong trường học và trong đào tạo nghề hoặc trong đào tạo khác, đặc điểm về bạn bè cùng trang lứa, đồng nghiệp…
Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học là con người phạm tội chứ không phải là con người nói chung. Người phạm tội là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm. Thời gian một người bị coi là người có tội được tính từ khi toà án tuyên án cho đến khi xoá án tích. Tội phạm là kết quả của sự tác động qua lại rất phức tạp của nhiều yếu tố trong đó các đặc điểm của nhân thân đóng vai trò quan trọng. Các đặc điểm về nhân thân người phạm tội là kết quả của những điều kiện sống nhất định, của sự giáo dục, của những mối quan hệ và sự ảnh hưởng qua lại giữa môi trường xã hội và người phạm tội.
Tóm lại, nhân thân người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm sinh học, tâm lý và xã hội của người phạm tội và các đặc điểm này kết hợp với các điều Ai ện, hoàn cảnh khách quan bên ngoài đã dẫn đến con người đó thực hiện hành vi phạm tội.
Để hiểu rõ hơn khái niệm nhân thân người phạm tội cần phải phân biệt khái niệm này với khái niệm chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội phạm là khái niệm pháp lý hình sự, là một trong những yếu tố của cấu thành tội phạm. Chỉ có người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trái pháp luật hình sự của mình.
Khái niệm nhân thân người phạm tội bao gồm tất cả các dấu hiệu mà luật hình sự quy định về chù thể của tội phạm nói chung là tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự và cà dấu hiệu của chủ thể đặc biệt như quốc tịch, giới tính, chức vụ, … Tuy nhiên, trong khái niệm nhân thân người phạm tội thì những dấu hiệu này được thể hiện rộng hơn, chi tiết hơn.
Ví dụ: Dấu hiệu chủ thể của tội phạm chỉ để cập các dấu hiệu lý trí và ý chí là cơ sở để xác định năng lực trách nhiệm hình sự và lỗi; còn đặc điểm nhân thân người phạm tội bao gồm không chỉ dấu hiệu lý trí, ý chí mà còn gồm cả nhu cầu, sở thích, thói quen, tình cảm và đạo đức.
Ngoài ra, khái niệm nhân thân người phạm tội còn có nhiều dấu hiệu, đặc điểm mà không thuộc dấu hiệu pháp lý của chủ thể tội phạm.
Ví dụ: thái độ của người phạm tội đối với xã hội, đối với chính bản thân mình hoặc năng khiếu, tính cách, thói quen và sở thích riêng của người phạm tội.
Như vậy, toàn bộ các dấu hiệu pháp lý thuộc chủ thể của tội phạm là bộ phận không tách rời của khái niệm nhân thân người phạm tội nhưng khái niệm nhân thân người phạm tội có nội dung rộng hơn khái niệm chủ thể của tội phạm.
Nhân thân người phạm tội trong tội phạm học cũng khác vởi khái niệm nhân thân người phạm tội trong khoa học luật hình sự. Nhân thân người phạm tội trong khoa học luật hình sự được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội, có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ. Những đặc điểm riêng biệt này có thể thuộc ba nhóm cơ bản sau:
– Các đặc điểm về nhân thân được quy định là dấu hiệu định tội như đặc điểm về quốc tịch (Điều 78 Bộ luật hình sự); đặc điểm về quah hệ gia đình (Điều 150 Bộ luật hình sự); …
– Các đặc điểm về nhân thân được quy định là dấu hiệu định khung trong cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc giảm nhẹ như tái phạm nguy hiểm (điểm c khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự); phạm tội nhiều lần (điểm a khoản 2 Điều 116 Bộ luật hình sự); …
– Các đặc điểm về nhân thân được quy định là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, phạm tội có tính chất côn đồ (điểm b, điểm c, điểm d, khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự); phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, phạm tội do lạc hậu, người phạm tội là phụ nữ có thai, người phạm tội là người già (điểm h, điểm k, điểm 1, điểm m, khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự); …
2. Ý nghĩa nghiên cứu nhân thân người phạm tội
Tuy cùng nghiên cứu về nhân thân người phạm tội nhưng mỗi ngành khoa học lại có mục đích, phạm vi và nhiệm vụ nghiên cứu riêng.
Khoa học luật hình sự nghiên cứu người phạm tội với tư cách họ là chủ thể thực hiện tội phạm và là người chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội. Các đặc điểm nhân thân người phạm tội được nghiên cứu ở đây là xuất phát từ nhu cầu xác định và đánh giá hành vi phạm’tội, trách nhiệm hình sự và quyết định biện pháp xử lý hình sự đối với người phạm tội theo luật hình sự. Tâm lý học tư pháp và tâm thần học cũng coi việc nghiên cứu người phạm tội là vấn đề trung tâm nhưng lại phục vụ cho mục đích xác định năng lực trách nhiệm hình sự và xử lý những người phạm tội là người mắc các bệnh về tâm lý, tâm thần. Trong khi đó, tội phạm học nghiên cứu người phạm tội hay nhân thân người phạm tội là vì mục đích xác định nguyên nhân của tội phạm, bao gồm không chỉ các nguyên nhân từ phía người phạm tội mà cả các nguyên nhân từ phía xã hội. Nhân thân người phạm tội với tổng thể các đặc điểm có tác động chi phối hành vi phạm tội và cũng chính là kết quả của sự tác động qua lại giữa người phạm tội và môi trường xã hội của người phạm tội. Nghiên cứu nhân thân người phạm tội trong tội phạm học có thể xác định được những đặc điểm nhân thân nào của người phạm tội có tác động làm tăng nguy cơ phạm tội ở người phạm tội hay còn gọi là đặc điểm tiêu cực hay rủi ro phạm tội. Các đặc điểm này có thể là những đặc điểm từ chính người phạm tội, như các đặc điểm sinh học hay cảc đặc điểm tâm lý tiêu cực thuộc nhân cách hoặc là các đặc điểm xã hội là kết quả hoặc phản ánh sự tác động của các yếu tố tiêu cực từ môi trường xã hội đối với người phạm tội. Như vậy, dựa vào việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội trong tội phạm học có thể xác định được những yếu tố rủi ro từ phía người phạm tội và những yếu tố tác động tiêu cực từ môi trường xã hội trong sự tác động qua lại với nhau hình thành nguyên nhân của tội phạm.
Trên cơ sở nghiên cứu nhân thân người phạm tội có thể xây dựng các biện pháp phòng ngừa tội phạm bằng cách tác động làm hạn chế hoặc loại trừ các yếu tố tác động hình thành các đặc điểm nhân thân tiêu cực, mà các biện pháp này chủ yếu là các biện pháp tác động từ môi trường xã hội có tính chất phòng ngừa chung và phòng ngừa nguy cơ phạm tội, vì suy cho cùng hầu hết các đặc điểm nhân thân của con người nói chung và của người phạm tội nói riêng đều chịu sự tác động của môi trường xã hội.
3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu của nhân thân của người phạm tội trong tội phạm học?
Nhân thân người phạm tội được tội phạm học nghiên cứu bao gồm những đặc điểm đặc trưng điển hình phản ánh bản chất xã hội của người phạm tội và những đặc điểm này có vai trò quan trọng trong cơ chế của hành vi phạm tội và góp phần phát sinh 1 tội phạm cụ thể ( hòan cảnh gia đình, trình độ học vấn … )
Những đặc điểm nhân thân người phạm tội được tội phạm học nghiên cứu ở các khía cạnh:
+ Sinh học (giới tính, khí chất … )
+ Tâm lý (Ý thức, thói quen giải trí … )
+ Xã hội (nghề nghiệp, nơi cư trú … )
Pháp lý hình sự (thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội của nhân thân người phạm tội: phạm tội lần đầu, tái phạm, nhiều lần, chuyên nghiệp … )
Tội phạm học nghiên cứu nhân thân người phạm tội nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ và sự tác động qua lại của các đặc điểm sinh học, xã hội trong nhân thân người phạm tội. Từ đó xác định vai trò của từng nhóm đặc nhằm sử dụngđiểm này trong cơ chế của hành vi phạm tội biện pháp phòng ngừa tội phạm phù hợp.
Nghiên cứu nhân thân người phạm tội tạo cơ sở cho việc xác định nguyên nhân và điều kiện của tội phạm,đặc biệt là nhóm nguyên nhân và điều kiện từ phía người phạm tội.
Nghiên cứu nhân thân người phạm tội có ý nghĩa trong việc quyết định biện pháp trách nhiệm hình sự phù hợp.
Nghiên cứu nhân thân người phạm tội sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp giáo dục cải tạo người phạm tội phù hợp.
Nghiên cứu nhân thân người phạm tội tạo cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp dự báo và phòng ngừa tội phạm trong xã hội.
Sưu tầm và Biên tập