[VPLUDVN] Chế định phòng vệ chính đáng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định hành vi phòng vệ của một người có phải là phòng vệ chính đáng hay không trên cơ sở đó xác định có hay không có hànhA vi phạm tội cũng như trách nhiệm hình sự của tội phạm.
Tuy nhiên, trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm còn có nhiều quan điểm nhận thức chưa đồng nhất về Chế định phòng vệ chính đáng cả lý luận cũng như thực tiễn, vì vậy mà việc áp dụng Chế định phòng vệ chính đáng trong một số trường hợp cụ thể còn có những quan điểm vận dụng khác nhau chưa đảm bảo nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, cũng như việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về phòng vệ chính đáng:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết, người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm…”
Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng phải có đủ các dấu hiệu sau:
Hành vi xâm hại các lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người bị xâm hại.
Hành vi phòng vệ chính đáng phải cần thiết với hành vi xâm hại tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không thì phải xem xét toàn diện những tình tiết liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: Khách thể cần bảo vệ, mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại đó có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra, vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng, nhân thân của người xâm hại, cường độ của người tấn công và của sự phòng vệ, hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc… đồng thời cũng phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phòng vệ khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp bị tấn công bất ngờ.
Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ khách quan tất cả các yếu tố nói trên nhận thấy rõ ràng trong hoàn cảnh xảy ra sự việc người phòng vệ đã sử dụng những phương pháp, phương tiện rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không cần thiết và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại nếu hành vi chống trả là cần thiết thì coi đó là hành vi phòng vệ chính đáng.
Như vậy để xem xét một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng phải:
Căn cứ vào sự tấn công
Sự tấn công đó phải trái pháp luật: Hành vi xâm hại tới những khách thể được luật hình sự bảo vệ , hành vi trái pháp luật phải là một hành vi nghiêm trọng. Đối với những hành vi trái pháp luật của những người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc không có năng lực hành vi thì vẫn có thể phòng vệ chính đáng được.
Sự tấn công phải đang diễn ra trong thực tế hoặc chưa xảy ra nhưng có sự đe dọa xẩy ra ngay tức khắc. Trường hợp hành vi xảy ra sau sự tấn công đã kết thúc vẫn được coi là phòng vệ chính đáng nếu sự phòng vệ đó liền ngay sau sự tấn công đã xẩy ra.
Tính chất của phòng vệ phải thỏa mãn được 3 điều kiện sau:
Sự phòng vệ chính đáng là bảo vệ lợi ích hợp pháp được Luật hình sự bảo vệ
Thiệt hại gây ra phải cho chính kẻ tấn công, có thể là thiệt hại về vật chất, (như việc gây thương tích cho kẻ xâm hại….) thậm chí có thể là tước đoạt sinh mạng của kẻ tấn công.
Sự phòng vệ không được vượt quá giới hạn cần thiết tức là nó phải tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm của sự tấn công. Sự cần thiết tương xứng phải căn cứ vào tính chất quan trọng của khách thể được bảo vệ.
Căn cứ vào sức mạnh của sự tấn công, sức mạnh khả năng chống trả của người phòng vệ nếu sự phòng vệ đó đi liền ngay sau sự tấn công gây ra.
Ví dụ như một phụ nữ bị đối tượng bóp cổ, cưỡng hiếp trong một khu đồi vắng đã dùng dao nhọn đâm chết đối tượng…trường hợp này được coi là phòng vệ chính đáng.
Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra vụ án hình sự Kiểm sát viên phải nắm và hiểu đúng bản chất các dấu hiệu cơ bản của chế định Phòng vệ chính đáng để đảm bảo cho việc khởi tố vụ án được đúng người, đúng tội, bảo vệ quyền và lợi chí chính đáng của công dân.
Dương Minh Hồng – Viện KSND thành phố Lạng Sơn
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.