Tình thế cấp thiết là gì? Thế nào được coi là tình thế cấp thiết?

[VPLUDVN] Tình thế cấp thiết là tình thế của một người đứng trưóc sự đe doạ đến một lợi ích được pháp luật bảo vệ, đồng thời muốn bảo vệ lợi ích này, người ta không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho một lợi ích khác nhỏ hơn cũng được pháp luật bảo vệ để ngăn ngừa thiệt hại lớn hơn

Không phải trường hợp nào hành vi gây thiệt hại, xâm phạm đến những khách thể được luật hình sự bảo vệ cũng là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là một trong những trường hợp như thế. Tuy nhiên tình thế cấp thiết là gì? Thế nào được coi là tình thế cấp thiết? thì không phải ai cũng biết và hiểu rõ. Bởi vậy, thông qua bài viết này, Luật Hoàng Phi chúng tôi sẽ giúp Quý độc giả hiểu rõ hơn về tình thế cấp thiết theo quy định pháp luật hiện hành, từ đó giải đáp được những thắc mắc như trên.

Tính thế cấp thiết là gì?

Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thê cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tư vấn Tình thế cấp thiết và Thế nào được coi là tình thế cấp thiết?

Tình thế cấp thiết là tình thế của một người đứng trước sự đe doạ đến một lợi ích được pháp luật bảo vệ, đồng thời muốn bảo vệ lợi ích này, người ta không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho một lợi ích khác nhỏ hơn cũng được pháp luật bảo vệ để ngăn ngừa thiệt hại lớn hơn.

Chính vì tính hợp lý này mà về mặt xã hội, chúng ta coi việc hành động trong tình thế cấp thiết là hành động có ích. Còn về mặt hình sự hành động này không bị coi là tội phạm.

Trong xã hội, việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội, của bản thân mình cũng như của người khác luôn luôn được đặt trong mối quan hệ khăng khít giữa lợi ích chung và lợi ích riêng; giữa cái cần thiết và cái có thể và cần phải hy sinh để bảo vệ cái cần thiết đó.

Theo Luật hình sự Việt Nam thì điều kiện hợp pháp của tình thế cấp thiết được chia làm hai loại như sau:

+ Điều kiện về sự nguy hiểm đang đe doạ

Cơ sở pháp lý làm phát sinh quyền được hành động trong tình thế cấp thiết chính là sự nguy hiểm đang đe doạ những lợi ích được pháp luật bảo vệ. Sự nguy hiểm này là thực tế, đang gây ra hoặc đe doạ gây ra những thiệt hại nhất định cho lợi ích chính đáng của bản thân người hành động trong tình thế cấp thiết hoặc cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức hoặc lợi ích chính đáng của người khác.

Cần lưu ý rằng, trong phòng vệ chính đáng, nguồn nguy hiểm chỉ có thể là do con ngươi đưa lại, do con người chủ động gây ra. Còn trong tình thế cấp thiết, nguồn nguy hiểm có thể là do con người, do súc vật, do các sức mạnh tự nhiên hoặc do những nguyên nhân khác gây ra. Bộ luật Hình sự Việt Nam không quy định cụ thể nguồn phát sinh nguy hiểm. Nguồn nguy hiểm trong tình thế cấp thiết là tất cả những gì làm phát sinh gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những lợi ích được pháp luật bảo vệ.

Theo Luật hình sự Việt Nam, sự nguy hiểm đang xảy ra là sự nguy hiểm đang diễn ra một cách thực tế, đã bắt đầu và chưa kết thúc. Và cũng được coi là tình thế cấp thiết, nếu sự nguy hiểm tuy chưa xảy ra nhưng chỉ sau khoảnh khắc nhất định nó sẽ xảy ra một cách thực tế.

Tóm lại, sự nguy hiểm nói trên phải thật sự gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại trực tiếp đến những lợi ích cần được bảo vệ. Nếu sự nguy hiểm chưa xảy ra hoặc xảy ra ở mức độ không đáng kể thì không phải là tình thế cấp thiết.

Nếu sự nguy hiểm đã qua hoặc sự thiệt hại đã xảy ra thì tình thế cấp thiết cũng không còn nữa.

Nếu thực tế không có sự nguy hiểm cấp bách mà tưởng lầm là tình thế cấp thiết thì người có hành vi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự như trường hợp sai lầm về sự việc.

+ Điều kiện về hành vi khắc phục nguy hiểm

Trong tình thế cấp thiết, hành vi gây ra một thiệt hại nhỏ hơn để bảo vệ lợi ích khác lớn hơn, cần thiết và quan trọng hơn phải là biện pháp cuối cùng, duy nhất. Nếu còn có những biện pháp khác, không cần gây thiệt hại thì vẫn chưa phải là tình thế cấp thiết. Biện pháp cuối cùng, duy nhất là biện pháp mà chỉ có nó mới có thể ngăn chặn được sự cố nguy hiểm đang xảy ra.

Mục đích của chế định tình thế cấp thiết là nhằm bảo vệ một lợi ích lớn bằng cách gây ra một thiệt hại nhỏ hơn. Vì vậy, nếu gây ra một thiệt hại lớn để bảo vệ một lợi ích nhỏ thì chế định này không còn có ý nghĩa gì nữa.

Xuất phát từ lý do trên mà Luật hình sự Việt Nam cũng không coi là hợp pháp khi gây thiệt hại một lợi ích để bảo vệ một lợi ích khác tương đương. Trong thực tiễn việc so sánh và xác định mối tương quan biện chứng giữa lợi ích phải gây thiệt hại và lợi ích được bảo vệ hết sức phức tạp.

Nếu một người, vì muôn bảo vệ lợi ích được pháp luật bảo vệ, mà vượt quá giới hạn của tình thế cấp thiết, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng Luật hình sự Việt Nam coi đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *