[VPLUDVN] Miễn hình phạt tù là gì? Điều kiện được miễn chấp hành hình phạt tù? Miễn chấp hành hình phạt tù được quy định tại điều 57 Bộ luật hình sự đối với những trường hợp người bị kết án đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa chấp hành hoặc đã chấp hành được một phần.
1. Miễn hình phạt tù là gì?
Miễn chấp hành hình phạt tù được quy định tại điều 57 Bộ luật hình sự đối với những trường hợp người bị kết án đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa chấp hành hoặc đã chấp hành được một phần hình phạt thì có thể được Tòa xem xét cho miễn chấp hành hình phạt tù nếu đủ những điều kiện trong từng trường hợp cụ thể.
2. Điều kiện miễn chấp hành hình phạt tù
– Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt .
– Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá
– Đối với người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đã được hoãn chấp hành hình phạt theo quy định tại điều 61 Bộ luật hình sự, nếu trong thời gian được hoãn đã lập công , thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát , Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt.
– Đối với người bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt theo quy định tại điều 62 Bộ luật hình sự, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ đã lập công lớn , thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát , Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt còn lại
– Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế , nếu đã chấp hành hình phạt được một phần hai thời gian hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị đề nghị của chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt , Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại
– Trường hợp người bị kết án phạm tội nhẹ chỉ bị phạt tù từ năm năm trở xuống mà vì bệnh tật, sinh đẻ hoặc hoàn cảnh quá khó khăn được tạm hoãn thi hành án nhiều lần , thời gian tạm hoãn đã bằng thời hiệu thi hành án mà trong thời gian đó, họ không phạm tội mới , không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì Tòa án ra quyết định miễn chấp hành hình phạt tù . Trong trường hợp bản án chậm được thì hành , nhưng khi đưa rat hi hành án lại phải tạm hoãn nhiều lần thì thời gian trước khi bản án được đưa ra thi hành cũng được tính vào thời gian tạm hoãn. Trường hợp tạm đình chỉ thì phần hình phạt còn lại cũng được giải quyết như trường hợp tạm hoãn
– Theo quy định tại điểm c mục 3 Nghị quyết 32/1999/QH10 thì không xử lý người thục hiến hành vi mà Bộ luật hình sự trước đây quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự này không quy định là tội phạm. Trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án , thì họ được miễn chấp hành hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt
CHÚ Ý : Đối với người bị kết án lập công lớn có thể miễn chấp hành toàn bộ hình phạt nhưng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo chỉ được miễn chấp hành hình phạt tù giam, cài tạo không giam giữ, cài tạo ở đơn vị ký luật của quân đội , quản chế, cấm cư trú.
3. Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù
– Viện kiểm sát có thẩm quyền nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù. Hồ sơ gồm có:
+) Bản sao bản án có hiệu lực pháp luật;
+) Văn bản đề nghị của Viện kiểm sát có thẩm quyền;
+) Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người bị kết án;
+) Bản tường trình của người bị kết án về việc lập công hoặc lập công lớn có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với người bị kết án đã lập công, lập công lớn hoặc kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án đối với người bị kết án mắc bệnh hiểm nghèo.
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên họp xét miễn và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trường hợp hồ sơ cần được bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định miễn chấp hành án phạt tù, Toà án đã ra quyết định miễn chấp hành án phạt tù có trách nhiệm gửi quyết định này cho người được miễn chấp hành án, Viện kiểm sát đề nghị, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Toà án đã ra quyết định thi hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội quản lý người đó, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở.
– Ngay sau khi nhận được quyết định miễn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải làm thủ tục trả tự do cho người được miễn chấp hành án phạt tù và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp trên.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.