1. Nhiệm vụ của tội phạm học
Nhiệm vụ của tội phạm học nói chung được xây dựng xuất phát từ nhiệm vụ, yêu cầu của công tác đấu tranh với tội phạm được đặt ra trong từng giai đoạn của từng quốc gia cũng như từ khu vực nhất định.
Đối với tội phạm học Việt Nam, nhiệm vụ của nó xuất phát từ nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra từng giai đoạn phát triển nhất định của đất nước và thể hiện trong các văn kiện quan trọng của Đảng, các kế hoạch, chính sách của Nhà nước.
Tội phạm học Việt Nam trọng giai đoạn hiện nay bao gồm các nhiệm vụ cụ thể sau:
– Xác định tình hình tội phạm. Phân tích làm sáng tỏ khuynh hướng, quy luật thay đổi của tình hình tội phạm;
– Làm sáng tỏ các nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm trong điều kiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và sự thay đổi, của các nguyên nhân, điều kiện này trong tương lai;
– Dự báo tình hình tội phạm trong tượng lai gần và xa (5 năm, 10 năm) và xây dựng kế hoạch, chương trình đấu tranh với tội phạm có căn cứ khoa học và phù hợp với thực tiễn ở nước ta hiện nay;
– Đưa ra các kiến nghị cụ thể góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng để nâng cao hiệu quả quản lí xã hội bằng pháp luật, hạn chế tiêu cực trong xã hội nói chung và tội phạm nói riêng
– Nghiên cứu tình hình nhóm loại tội phạm nguy hiểm và phổ biến hiện nay như tình hình tội phạm về ma túy. Tình hình tội phạm tham nhũng, tình hình tái phạm, tình hình buôn lậu… đồng thời đưa ra các giải pháp để phòng chống có hiệu quả với nó.
Để thực hiện nhiệm vụ trên đây đòi hỏi Đảng và Nhà nước có sự quan tâm và đầu tư cho công tác nghiên cứu những vấn đề của tội phạm học. Cần có sự phối kết hợp giữa cơ quan nghiên cứu (Bộ tư pháp, Bộ nội vụ, Viên kiểm sát nhân dân tối cao…) và cơ sở giảng dạy luật với các cơ quan thực tiễn có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm trong việc nghiên cứu những vấn đề của tội phạm học. Có như vậy tội phạm học Việt Nam mới có thể phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trước mắt cũng như lâu dài.
2. Chức năng của tội phạm học
Tội phạm học có ba chức năng sau:
– Chức năng mô tả: Tội phạm học ghi nhận, phản ánh cho chúng ta thấy được bức trạnh về tình hình tội phạm nói chung, tình hình của từng nhóm loại tội phạm xảy ra trong thực tế của đời sống xã hội.
– Chức năng giải thích: Tội phạm học không chỉ mô tả cho chúng ta thấy bức tranh sinh động về tình hình tội phạm trong xã hội mà còn giải thích, làm sáng tỏ rằng vì sao tội phạm xảy ra trong thực tế là như vậy mà không phải là khác, nghĩa là nó phải nghiên cứu làm sáng tỏ các nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm các hiện tượng, quá trình xã hội đã ảnh hưởng đến tội phạm. Chức năng này có vai trò kiểm tra kết quả của chức năng mô tả có đúng hay sai.
– Chức năng dự báo: Trên cơ sở nắm bắt được quy luật vận động, của tội phạm trong xã hội, các tài liệu về nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm và các tài liệu về các nhân tố, hiện tượng ảnh hưởng đến tội phạm. Tội phạm học dự báo tình hình tội phạm trong tương lai ở các mức độ và thời gian khác nhau.
3. Mục đích của tội phạm học
Mục đích của tội phạm học là xây dựng hệ thống các biện pháp phòng ngừa rộng lớn nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ hoàn toàn tội phạm. Để đạt được mục đích nói trên, tội phạm học xây dựng hệ thống lý luận hoàn chỉnh.
3.1. Nếu căn cứ vào nội dung thì hệ thống này gồm bốn phần (bốn bộ phận) sau:
– Tình hình tội phạm
– Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm
– Nhân thân người phạm tội
– Phòng ngừa tình hình tội phạm
3.2. Nếu căn cứ vào mức độ khái quát thì hệ thống này được chia làm hai phần là: phần chung và phần riêng (cụ thể)
– Phần chung đề cập những vấn đề cơ bản chung nhất, khái quát nhất, không có sự nhận định các đặc điểm của nhóm loại tội phạm. Phần chung bao gồm những vấn đề như khái niệm, đối tượng, phương pháp nghiên cứu, sự ra đời và phát triển của tội phạm học trong lịch sử, tìm hình tội phạm; nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm, nhân thân người phạm tội; nguyên nhân và điều kiện của tội phạm cụ thể, phòng ngừa tội phạm, dự báo tình hình tội phạm, kế hoạch đấu tranh phòng chống tình hình tội phạm.
– Phần cụ thể: Nghiên cứu các đặc điểm tội phạm học, các nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa nhóm loại tội phạm cụ thể. Cơ sở để sắp xếp theo nhóm tội có thể theo dấu hiệu của hành vi phạm tội hoặc theo dấu hiệu của chủ thể tội phạm. Phần cụ thể bao gồm:
+ Phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên thực hiện;
+ Phòng ngừa các tội xâm phạm sở hữu
+ Phòng ngừa tội phạm về ma tuý
+ Phòng ngừa tội phạm về tham nhũng
+ Phòng ngừa tội phạm về kinh tế
+ Phòng ngừa tội phạm có tổ chức
+ Phòng ngừa tội phạm chuyên nghiệp
+ Phòng ngừa tội phạm do nữ giới thực hiện
+ Phòng ngừa tội phạm tái phạm
+ Phòng ngừa tội phạm bạo lực
+ Phòng ngừa tội phạm giới tính
+ Phòng ngừa tội phạm giao thông v.v…
4. Vị trí củá tội phạm học trong hệ thống các ngành khoa học
4.1. Vị trí của tội phạm học
Việc xác định vị trí ngành khoa học trong hệ thống các ngành khoa học hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau, nhìn chung có ba loại quan điểm chính sau:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng tội phạm học là ngành khoa học pháp lý thậm chí là bộ phận của khoa học pháp lý hình sự.
– Quan điểm thứ hai cho rằng tội phạm học thuộc về xã hội học pháp lý hoặc tâm lý pháp lý.
– Quan điểm thứ ba cho rằng tội phạm học là ngành khoa học pháp lý – xã hội độc lập.
Theo chúng tôi quan điểm thứ ba là chính xác hơn cả bởi vì xuất phát từ nội dung, phạm vi, tính chất các vấn đề phụ thuộc đối tượng nghiên cứu của tội phạm học đã trình bày ở trên thì các quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ hai không bao trùm được tất cả các vấn đề mà tội phạm học nghiên cứu. Ngược lại quan điểm thứ ba lại bao trùm hết tất cả những vấn đề mà tội phạm học nghiên cứu. Điều này thể hiện ở chỗ những hiện tượng mà tội phạm học nghiên cứu vừa mang tính xã hội, vừa mang tính pháp lý. Ví dụ: Tình hình tội phạm vừa là hiện tượng xã hội vừa là hiện tượng trái pháp luật hình sự. Những nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm nhân thân người phạm tội có liên quan chặt chẽ với ý thức pháp luật, tâm lí pháp lí… Hệ thống phòng ngừa tội phạm và những biện pháp phòng ngừa cũng có cơ sở pháp luật; do đó tội phạm học nghiên cứu những vấn đề trên không chỉ nằm trong giới hạn của khoa học pháp lí, sự phân tích các quan hệ pháp luật mà nó còn nằm trong lĩnh vực của xã hội học.
4.2. Mối quan hệ giữa tội phạm học với các ngành khoa học khác
Tội phạm học có vị trí nằm tiếp giáp giữa xã hội học và luật học, do vậy nó sử dụng thành tựu của cả luật học và xã hội học.
Tội phạm học có mối quan hệ với các ngành luật học
Tội phạm học có mối quan hệ và các ngành luật học như khoa học luật hình, luật tố tụng hình sự, luật hành chính, điều tra hình sự, thống kê tư pháp và một số khoa học pháp lí khác.
– Tội phạm học với khoa học luật hình có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Điều này thể hiện ở chỗ tội phạm học sử dụng cáp khái niệm mà khoa học luật hình đưa ra như khái nhiệm tội phạm, các dạng, loại tội cụ thể; người phạm tội, tái phạm v.v. và coi hình phạt là một trong những phương pháp đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Ngược lại tội phạm học cung cấp cho khoa học luật hình, các nhà làm luật, các cán bộ áp dụng pháp luật, những tri thức về thực trạng, cơ cấu và diễn biến của tình hình tội phạm trong xã hội, quy luật vận động của tội phạm. Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa trong đó có hình phạt; những dự đoán về những thay đổi tương đối của tình hình tội phạm và các nguyên nhân, điều kiện của nó trong tương lai để giúp các nhà làm luật quy định tội mới (hình sự hóa) hoặc xóa bỏ tội phạm (phi hình sự hóa) cũng như việc đưa ra các chế tài cho phù hợp kể cả việc thay thế hình phạt bằng biện pháp tác động hình sự.
– Tội phạm học với khoa học luật tố tụng hình sự
Trách nhiệm của các cơ quan điều tra, viên kiểm soát và tòa án trong từ vụ án hình sự cụ thể là phải tìm ra nguyên nhân và điều kiện dẫn đến việc thực hiện tội phạm. Nhiệm vụ này được tiến hành trong khi thực hiện các công việc khác nhau của quá trình tố tụng hình sự qui định như hỏi cung, lấy lời khia làm chứng,…
Tội phạm học đã cung cấp cho cán bộ và cơ quan có thẩm quyền nói trên những phương pháp nói trên những phương pháp để xác định nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm cụ thể đó.
– Tội phạm học vối luật hành chính
Luật hành chính quy định những hành vi vi phạm và những biện pháp tác động hành chính được áp dụng kịp thời đối với những vi phạm đó nếu không thì có thể dẫn đến tội phạm. Tội phạm học nghiên cứu nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan tổ chức trong lĩnh vực hành chính, nghiên cứu mối tương quan của việc phòng ngừa tội phạm với các vi phạm pháp luật khác.
Tội phạm học cũng có mối quan hệ với các ngành khoa học xã hội
Tội phạm học có quan hệ với nhiều ngành khoa học xã hội trước hết phải kể đến xã hội học, tâm lý học, giáo dục học.
– Tội phạm học với xã hội học
Xã hội học nghiên cứu các quan hệ xã hội dựa trên chủ nghĩa duy vật lịch sử. Những số liệu về phân bố dân cư, lao động, thời gian nghỉ ngơi, học tập những điều kiện hình thành đặc điểm nhóm, xã hội, hình thành cá nhân, điều kiện sống, sự phát triển của đô thị,… rất có giá trị trong việc nghiên của tội phạm học về tội phạm của người chưa thành niên, nguyên nhân tái phạm, tội phạm xảy ra trong sinh hoạt…
– Tội phạm học với tâm lí học
Những tri thức của tâm lí học rất cần thiết trong việc nghiên cứu nguyên nhân, và điều kiện của tội phạm đặc biệt trong việc khám phá ra cơ chế của hành vi phạm tội cụ thể. Đồng thời những tri thức này còn giữ vai trò chủ đạo trong việc nghiên cứu nhân, thân người phạm tội và phân loại người phạm tội.
– Tội phạm học với giáo dục học
Khi nghiên cứu tội phạm của thanh thiếu niên, những tội phạm xảy ra trong sinh hoạt và đề ra các biện pháp phòng ngừa đặc biệt phải sử dụng các tri thức của ngành giáo dục học đã tích lũy được trong công tác giáo dục thanh thiếu niên v.v…
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.