Dưới đây những kinh nghiệm chính xác là những nỗi trăn trở, những điều làm tôi rất hối hận sau khi ra trường mà lẽ ra tôi phải thực hiện được thời còn đèn sách Đại học và đây cũng là những thắc mắc của không ít bạn sinh viên luật. Nay tôi xin được chia sẻ!
1. Học luật có thực sự thoải mái nếu không có đam mê?
“Em học luật vì gia đình em khuyên thế”, “Em học luật vì nhà có người làm trong ngành luật”, “Em học luật vì bố mẹ em thích em học luật”, “Em học luật vì em không đủ điểm vào trường khác”… là những câu nói quen thuộc. Còn nhiều, rất nhiều lý do để những sinh viên luật chọn lựa việc học luật, nhưng có lẽ dù lý do nào đi chăng nữa nếu như việc học của bạn không xuất phát từ đam mê, yêu thích của chính bản thân mình thì sẽ rất khó để gắn chặt, gắn bó cùng nó.
Luật cũng vậy, tôi nghĩ điều quan trọng hơn hết thảy đó là cần phải có đam mê, biến đam mê thành sở thích, niềm yêu thích và trở thành vật bất li thân. Nếu không có đam mê học luật, không yêu thích nó thì mong rằng bạn hãy thay đổi lại quyết định của mình.
2. Học luật khó à?
Nói học luật khó thì không hẳn. Có lẽ nó chỉ khó với một bộ phận người ở đây mà thôi. Nhìn chung học luật sẽ không thể khó bằng làm luật. Nhiều người cứ nghĩ cần phải học thuộc lòng các điều, khoản nhưng thực sự không cần thiết cho lắm. Thay vào đó, người biết cách học sẽ chắt lọc những nội dung liên quan để học tập cho tốt. Điều quan trọng nhất đó là học thuộc, học vẹt cũng không có giá trị gì bằng việc học chắc, học đủ lượng, chất để có thể vận dụng vào làm việc về luật liên quan đến những điều mình đã học.
Học thuộc luật mà không tư duy nổi, không hiểu vấn đề nổi và không phân tích tốt vấn đề thì cũng quá ư là uổng phí.
Chốt lại rằng, nếu bạn nghĩ việc học luật nó khó thì nó sẽ khó, nếu bạn nghĩ nó dễ chắc chắn bạn sẽ cảm thấy nó dễ và nghĩ ra cách làm nó dễ. Và nên nhớ rằng, chỉ những thiên tài, đầu óc thánh nhân mới cần học thuộc luật thôi nhé. Có luật bản cứng, có luật bản mềm thì cần gì học thuộc cho nặng đầu. Cái cần ở đây là rèn luyện kỹ năng làm nghề luật và rèn luyện tư duy pháp lý nhé.
3. Ngoại ngữ có được thì tốt quá!
Với nhiều người học Luật, biết và thành thạo một ngoại ngữ là một lợi thế khá lớn. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên luật mặc dù sau này có ước mơ làm luật, trở thành một người làm nghề luật nhưng từ năm 1 hoặc 2 đã mê man, vội vàng đi học ngoại ngữ để rồi bỏ bẵng, lãng quên đi chính cái kỹ năng chuyên môn về luật của mình. Bạn học ngoại ngữ giỏi nhưng có chắc là bạn học luật giỏi. Kiến thức luật năm 1 và 2 rất quan trọng. Đó là kiến thức tiền đề, nền tảng để bạn hình thành tư duy pháp lý về nghề luật. Nếu tập trung, mải mê học ngoại ngữ quá mà quên đi kiến thức tiền đề, nền tảng thì các bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn để hiểu luật, biết luật và vận dụng luật.
Chốt lại là, ngoại ngữ cũng quan trọng, nhưng Luật quan trọng hơn, kiến thức và kỹ năng chuyên môn quan trọng hơn. Nên suy tính cho kỹ.
4. Biết riêng một chuyên ngành luật thì quá thiếu thốn?
Bạn cần biết rằng, một người học luật cần hiểu khái quát tất cả những kiến thức của luật chứ không phải chỉ hiểu một hoặc hai kiến thức liên quan đến chuyên ngành của mình. Sau này đi làm, bạn sẽ được hỏi nhiều kiến thức khác nhau liên quan đến luật chứ không hẳn chỉ có một kiến thức mà bạn là chuyên gia kiến thức đó. Học Luật kinh tế không có nghĩa là bạn không thèm học những kiến thức liên quan đến pháp luật hình sự, dân sự, hành chính, quốc tế. Bạn thân mến, bạn là một chuyên gia về luật kinh tế tốt hơn hay bạn vẫn là chuyên gia luật kinh tế nhưng biết khái quát những mảng luật khác tốt hơn ?
Thỉnh thoảng có một vài bạn học Luật kinh tế hỏi mình rằng có nên học luật hình sự và hành chính hay không ? Mình bảo tùy bạn. Nếu bạn không muốn biết nhiều kiến thức về luật thì thôi, còn nếu bạn muốn biết và biết để liên hệ, vận dụng sau này đi làm thì tốt nhất là bạn nên học. Kiến thức không bao giờ là đủ mà.
5. Học luật mà không liên hệ thực tiễn thì vứt?
Nhiều bạn học luật chỉ chăm chăm có một cuốn giáo trình và một quyển vở để ghi, có những bạn học xong môn học rồi còn chưa ngó qua xem văn bản luật của môn học đó ở đâu. Toàn suốt ngày thuộc làu làu mấy cái lý thuyết khuôn mẫu và luôn mặc định những điều mình được học là đúng. Có nhiều bạn thì tự cao cho rằng mình học đủ, học đủ nhiều và có thể tự học đọc lý thuyết để vận dụng thực tiễn. Xin thưa với những người bạn của tôi rằng nếu bạn lười đọc sách, nếu bạn lười tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, nếu bạn cứ ỷ lại vào hướng dẫn của giáo viên, nếu bạn có học với tâm lý để qua môn, nếu bạn không biết đâu là bắt đầu, đâu là kết thúc thì cái bạn được nhận sau khi học không quá nhiều đâu. Nhiều bạn chẳng bao giờ xem thời sự, ti vi, chẳng bao giờ đọc báo về tin tức liên quan đến luật, cứ ngồi ru rú trong nhà chẳng bao giờ chịu ra ngoài giao lưu để xem xét thực tiễn nghề luật, chẳng rèn luyện cho mình nổi một kỹ năng luật.
Thế tóm lại là bạn học Luật vì cái gì ? Vì thích thì học không thích thì không học à ???
Tại sao nhiều anh chị của các bạn ra trường lại bị nhà tuyển dụng kêu gào thảm thiết vì không soạn nổi đơn từ, giấy tờ, công văn và nhận định giải quyết các tình huống pháp lý, tại sao nhiều anh chị lại bị phàn nàn rằng sử dụng ngôn ngữ pháp lý nghèo nàn, vớ vẩn. Do đâu ? Vì ai ? Này nhé, nhớ đây này, học Luật không có chuyện khuôn mẫu, chép y sì cái của người khác đâu. Muốn học tốt, muốn làm tốt hãy sử dụng cái đầu và biết suy nghĩ một chút nhé.
6. Không đúng thì sửa thôi, có sao đâu?
Học luật cố gắng nói, rèn luyện nói nhiều một chút. Vì những lời bạn nói, những thời gian bạn rèn luyện sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi ra trường, lập nghiệp về nghề luật. Bạn nói nhiều thì sau này bạn tư vấn sẽ tốt, bạn nói nhiều thì sau này bạn tranh luận, tranh tụng sẽ tốt, bạn nói nhiều thì sau này bạn sẽ có cơ hội tự tin hơn, có lập trường về quan điểm của mình hơn.
Nói có thể sai nhưng không sao cả, cứ nói đi, sai thì sửa, đừng lại ru rú ngồi thu thu một chỗ. Trông chán và ngán lắm, nếu bạn không nói bây giờ, nếu bạn không nói khi còn học luật thì bao giờ bạn mới nói đây ?
7. Phải tiếp xúc với môi trường rèn luyện kỹ năng nghề!
Bạn muốn bạn trở lên cứng cáp, bạn muốn bạn thay đổi, bạn muốn bạn trưởng thành hơn những người bạn đồng môn cùng trang lứa của bạn thì bạn can phải làm những điều khác họ. Hãy đứng dạy, nhấc mông lên mà đi tìm một nơi có thể giúp mình phát triển kiến thức, kỹ năng mà không phải khuôn sáo trường lớp, hãy tìm những người học giỏi, làm giỏi, đam mê luật gặp họ để họ chia sẻ và giúp đỡ mình.
Hãy khiến bản thân mình mạnh dạn, cởi mở và tham gia những nơi có nhiều nội dung học thuật phục vụ cho việc học luật của mình. Mỗi người bạn, mỗi một nơi sẽ giúp bạn ngộ ra nhiều điều thực tiễn của nghề mà bạn sắp phải đối mặt trong tương lai.
Thời gian thì vẫn cứ tiếp tục nghi ngờ hay nhảy vào cuộc chiến là việc của bạn, bạn có quyền quyết định tương lai của mình mà. Phải không ?
8. Học luật mà chỉ làm mỗi luật sư thôi á?
Có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nghề nghiệp liên quan đến luật chứ không chỉ riêng luật sư. Huống hồ, theo quy định của Việt Nam thì học luật xong đâu phải đã trở thành luật sư và cũng đâu phải đã làm được luật sự. Học luật xong chỉ là điều kiện cơ bản để đi học nghề luật sư tiếp mà thôi. Để trở thành luật sư còn gian nan nhiều hơn nữa đó.
Thế nên, hãy dập tan ý định làm luật sư, coi luật sư là nghề duy nhất để làm sau khi học xong luật đi. Hãy nói cho người ta hiểu triển vọng của nghề luật và các công việc mà người học luật sẽ làm và có thể làm sau khi học xong luật.
9. Khi học luật bạn là chính mình & tạo ra sự khác biệt!
Trên cuộc đời này, sợ nhất là việc đánh mất mình, hãy cố gắng là chính mình từ ngày hôm nay, ngày mai và cả mai sau nữa. Việc bạn là chính mình rất quan trọng, và càng quan trọng hơn khi bạn là con nhà luật. Bạn là chính mình khi học luật sẽ giúp bạn tránh khỏi những dung tục đời thường, sẽ giúp bạn công tâm, suy nghĩ chín chắn, thấu đáo và trưởng thành hơn bất cứ ai không học luật. Chỉ khi bạn là chính mình, bạn không bị khách quan tác động và chi phối thì bạn mới nhận được những giá trị riêng biệt của mình mà thôi.
Bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn những người khác nếu bạn có những khác biệt theo chiều hướng tích cực hơn họ. Bạn có kỹ năng tốt, bạn nhanh nhạy, bạn thấu đáo, bạn biết suy nghĩ và bạn làm quen với thực tiễn từ sớm để không khỏi bỡ ngỡ chắc hẳn bạn sẽ hơn hẳn với một số người cắm đầu vào học những lý thuyết sách vở. Điều này giúp bạn có nhiều kiến thức thực tế hơn, có nhiều điểm khác biệt hơn và chắc chắn có nhiều cơ hội hơn. Nhớ nhé, hãy tạo sự khác biệt cho mình, hãy tìm đến những nơi mình cần đến.
10. Tin vào bản thân mình đi!
Ít người học Luật mà dám và khẳng định hùng hồn rằng sẽ tin vào chính bản thân mình. Nhưng thực tế, đây là yếu tố quan trọng và sống còn giúp bạn phát triển được niềm đam mê học vấn và có cơ hội để dấn thân vào nghề nghiệp. Giá trị của lòng tin đối với bản thân mình là rất hơn. Nói cách khác, tin vào bản thân mình tức là hiểu được bản thân cần gì, muốn gì và làm như nào. Lúc đó, chính các bạn đã làm mọi giá để chiến thắng bản thân và thay đổi được giá trị của các bạn.
Nếu nghĩ rằng qua môn đối với một môn học thì quá dễ, nhưng nếu bạn tin rằng mình có thể đạt điểm cao ở môn đó là điều ngược lại. Và ắt hẳn rằng kết quả sẽ thực sự bất ngờ nếu như bạn tin rằng mình có thể làm được những điều mà trước đây mình không bao giờ nghĩ tới.
Với việc học Luật, tin vào bản thân giúp bạn chiến thắng mọi rào cản mà tư duy, suy nghĩ và hành động đang ngáng chân bạn. Và chắc chắn rằng niềm tin đó sẽ hoàn toàn bất diệt bởi bất cứ những suy nghĩ tiêu cực nào mà bạn có. Đây có thể nói rằng là thứ mà nhiều người đang thiếu. Nhưng nếu như bạn có lòng tin đối với bản thân mình thì bạn luôn đủ đầy đam mê và sức sống mãnh liệt để chinh phục con đường học vấn luật học đầy căng go.