07 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

[VPLUDVN] Liệu có phải mọi hành vi gây hậu quả có hại cho xã hội đều phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Những trường hợp nào được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành?

1/ Sự kiện bất ngờ (Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015)

Trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi phạm tội gây nguy hại cho xã hội thì được coi là sự kiện bất ngờ.

2/ Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015)

Một người được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự khi:

– Đang mắc bệnh tâm thần

– Đang mắc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi

3/ Phòng vệ chính đáng (Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015)

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Chống trả một cách cần thiết là khi gặp hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên, chúng ta chỉ thực hiện hành vi chống trả để ngăn cản, phòng ngừa, ở mức độ phù hợp với tính chất, độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm phạm.

4/ Tình thế cấp thiết (Điều 23 Bộ luật Hình sự 2015)

Khi gặp một tình huống có thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước mà nếu không chọn gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thì sẽ không tránh được là tình thế cấp thiết.

5/ Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24 Bộ luật Hình sự 2015)

Trong khi bắt giữ người phạm tội, vì hành vi cũng như thủ đoạn của người phạm tội vượt quá khả năng bắt giữ của người thực hiện nhiệm vụ, không còn cách nào khác buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

6/ Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25 Bộ luật Hình sự 2015)

Nhiều lúc, khi thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới sẽ không tránh khỏi rủi ro không mong muốn. Tuy nhiên, một người chỉ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu rủi ro xảy ra dù đã tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà công việc yêu cầu.

7/ Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26 Bộ luật Hình sự 2015)

Trong khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, khi đang thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên, nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo nhưng vẫn buộc phải chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, người ra mệnh lệnh mới phải chịu trách nhiệm hình sự.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *