Áp dụng pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng thương mại

[VPLUDVN] Tại Việt Nam, quan hệ hợp đồng thương mại được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống các văn bản này đã dần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các hoạt động thương mại nói chung, và cho quan hệ hợp đồng thương mại nói riêng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên.

Tuy nhiên, thực tế là, có nhiều quy định khác nhau về cùng một vấn đề được ghi nhận trong những văn bản pháp luật khác nhau. Tình trạng này có thể dẫn đến sự khó hiểu, hoang mang hoặc thiếu thống nhất giữa các bên trong quan hệ hợp đồng, thậm chí có thể dẫn đến tranh chấp trong cách hiểu về pháp luật được áp dụng. Do đó, việc hiểu biết và xác định đúng luật áp dụng trong hợp đồng thương mại là một trong những vấn đề các bên tham gia giao kết phải chú ý, nhẳm đảm bảo quyền lợi cho mình, tránh xảy ra tranh chấp sau này.

Hai văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu thường được áp dụng trong quan hệ hợp đồng thương mại là Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Ngoài hai văn bản pháp luật này, còn có nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chứng khoán … làm căn cứ điều chỉnh hợp đồng thương mại tùy từng trường hợp cụ thể.

Vậy khi nào thì áp dụng Luật Thương mại?

Thứ nhất, Luật Thương mại đương nhiên áp dụng đối với hoạt động thương mại được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam giữa các bên là thương nhân.

Cụ thể, theo Điều 1, Điều 2 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam giữa các bên là thương nhân (bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh) thì Luật Thương mại đương nhiên được áp dụng. Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định trên là hoạt động thương mại không có yếu tố nước ngoài (Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự). Đây là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Cần chú ý rằng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mai 2005, hàng hóa bao gồm tất cả các loại động sản (kể cả động sản hình thành trong tương lai) và những vật gắn liền với đất đai, điều đó có nghĩa rằng quyền sử dụng đất không phải là hàng hóa và không chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại.

Thứ hai, ngoài giao dịch giữa các thương nhân phải bắt buộc áp dụng Luật Thương mại như đã nêu trên, theo Nghị định 39/2007/NĐ-CP, các cá nhân hoạt động thương

mại một cách độc lập, thường xuyên nhưng thuộc diện không phải đăng ký kinh doanh như buôn bán rong, buôn bán vặt, buôn chuyến, đánh giày, bán vé số, chữa khóa, trông giữ xe, rửa xe, … phải tuân theo quy định của Nghị định này, tuân theo pháp luật về thương mại áp dụng đối với thương nhân và pháp luật có liên quan. Như vậy, khi những chủ thể này thực hiện các hoạt động nêu trên thì Luật Thương mại vẫn đương nhiên được áp dụng.

Cần lưu ý rằng: theo Khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại năm 2005, trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài, các bên được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Khi các bên chọn như thế thì Luật Thương mại không còn đương nhiên được áp dụng.

Các trường hợp Luật Thương mại được áp dụng khi có thỏa thuận

Ngoài các trường hợp Luật Thương mại được đương nhiên áp dụng mà không cần có sự thỏa thuận của các bên, hoặc nếu các bên thỏa thuận không áp dụng thì Luật Thương mại vẫn được áp dụng như đã nêu trên, còn có những trường hợp các bên được thỏa thuận chọn áp dụng Luật Thương mại nếu muốn.

Thứ nhất, căn cứ Khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại 2005, hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này. “Bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi” được hiểu là bên không phải thương nhân. Quyền lựa chọn Luật Thương mại có được áp dụng hay không trong trường hợp này thuộc về bên không phải thương nhân.

Thứ hai, đối với những hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam (khi đó, Luật Thương mại không được đương nhiên áp dụng), nhưng nếu các bên thoả thuận chọn áp dụng Luật Thương mại Việt Nam hoặc chọn áp dụng luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật Thương mại Việt Nam.

Trường hợp nào áp dụng Bộ luật Dân sự trong hợp đồng thương mại?

Trước hết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại thì “hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”. Do đó, đối với những trường hơp mà Luật Thương mại chưa có quy định điều chỉnh, thì Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng.

Một trường hợp nữa là, như đã nêu ở phần trên, quyền lựa chọn Luật Thương mại có được áp dụng hay không trong trường hợp có giao dịch với bên thương nhân thì thuộc về bên không phải thương nhân. Khi đó, nếu bên không phải thương nhân lựa chọn không áp dụng Luật Thương mại, khi đó, Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng.

Ngoài ra, Khoản 2 và 3 Điều 4 của Bộ luật Dân sự 2015 có nêu: “2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này” và “3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”. Như vậy, Bộ luật Dân sự vẫn được áp dụng nếu trong trường hợp Luật Thương mại (hoặc luật khác có liên quan) có quy định về một vấn đề nhưng quy định đó lại trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự.

Sau đây là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được ghi nhận trong Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Tóm lại, tùy từng trường hợp cụ thể mà Bộ luật Dân sự hoặc Luật Thương mại có thể được áp dụng. Nhằm tránh xảy ra tranh chấp từ những cách hiểu khác nhau, và để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, các bên trong hợp đồng cần phải tìm hiểu rõ quy định của pháp luật để có sự viện dẫn, áp dụng phù hợp.

Trước hết, mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại là mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng. Theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Dân sự thì quan hệ dân sự bao gồm cả quan hệ kinh doanh, thương mại. Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại thì “hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”. Các quy định này xác lập mối quan hệ luật chung, luật riêng giữa Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Do đó, trong những trường hơp Luật Thương mại chưa có quy định điều chỉnh, thì Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng.

Viện dẫn nguyên tắc này, trong trường hợp “Bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi” trong trường hợp được đề cập bên trên lựa chọn không áp dụng Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà các Bộ luật Dân sự hoặc Luật Thương mại có thể được áp dụng. Nhằm tránh xảy ra tranh chấp từ những cách hiểu khác nhau, các bên trong hợp đồng cần phải tìm hiểu rõ quy định của pháp luật để có sự viện dẫn phù hợp.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *