Pháp luật nói chung và Luật hình sự nói riêng luôn mang tính giai cấp sâu sắc. Chúng xuất hiện cùng với Nhà nước và là sản phẩm của xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Ngay từ khi mới ra đời, Luật hình sự đã là vũ khí sắc bén của giai cấp thống trị trong cuộc đấu tranh duy trì quyền lực Nhà nước và trật tự xã hội do giai cấp thống trị đặt ra.
Pháp luật nói chung và Luật hình sự nói riêng là công cụ để thực hiện sự thống trị giai cấp, duy trì quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền. Luật hình sự thông qua việc quy định tội phạm và hình phạt, bảo đảm việc thực hiện lợi ích của giai cấp. Trong bất kỳ xã hội có giai cấp nào cũng có quy định các hành vi phạm tội như giết người, hiếp dâm, cướp tài sản…Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong các quy định đó nhằm bảo vệ lợi ích nào, bảo vệ ai chính là vấn đề bản chất của Luật hình sự.
Trong xã hội phong kiến Việt Nam, Luật hình sự mang tính chất đàn áp dã man thông qua việc quy định những hình phạt man rợ như lăng trì, giảo hình, khiêu hình, xuy hình, trượng hình, đồ hình… Nhà vua là người có quyền lực tối thượng, là người ban hành và có quyền “đứng trên” pháp luật. Nhà nước phong kiến đã ban hành nhiều văn bản pháp luật hình sự để duy trì và bảo vệ lợi ích về mọi mặt của giai cấp thống trị.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, thực hiện chính sách chia để trị nhằm chia rẽ sự đoàn kết dân tộc, đàn áp các phong trào cách mạng, chúng đã chia nước ta ra làm Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Ở mỗi nơi chúng ban hành một bộ luật hình sự khác nhau như Bộ luật hình sự Bắc kỳ năm 1923, Bộ luật hình sự Trung kỳ năm 1933. Điều đó chính là sự thể hiện bản chất của pháp luật hình sự thông qua mục đích của giai cấp thống trị trong thời kỳ này.
Dưới thời Mỹ Nguỵ, chính quyền Nguỵ tay sai đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật hình sự mang tính phát xít cao độ nhằm khủng bố những người cộng sản Việt Nam, đàn áp phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ, vì sự thống nhất hai miền Nam – Bắc.
Luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công cụ sắc bén của nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh và có chủ quyền. Đồng thời, Luật hình sự Việt Nam cũng là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống phong kiến, chống thực dân, chống đế quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là ngành luật mang bản chất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Sưu tầm và Biên soạn