Biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

[VPLUDVN] Biện pháp cưỡng chế là việc dùng quyền lực nhà nước buộc người có liên quan trong vụ án hình sự phải tuân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Một số biện pháp cưỡng chế đã được quy định trong các văn bản pháp luật, thời kì từ năm 1945 đến năm 1954, nhưng chỉ là những quy định đơn lẻ về việc áp dụng các biện pháp đó. Thời kì từ năm 1954 đến năm 1975, pháp luật tố tụng hình sự đã đề cập các nguyên tắc chung về thủ tục bắt, giam, tha, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật và thư tín của kẻ phạm pháp. Điều 27, Điều 28 Hiến pháp năm 1959 đã quy định về bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, đồ vật, thư tín của công dân. Kế thừa và phát triển các văn bản pháp luật trước đây, Bộ luật tố tụng hình sự quy định về các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự. Theo đó, các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được chia thành ba nhóm:

1) Nhóm biện pháp ngăn chặn gồm bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh và đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm, được quy định tại Chương VI của Bộ luật tố tụng hình sự với tên gọi “Những biện pháp ngăn chặn”;

2) Nhóm biện pháp bảo đảm cho việc thu thập chứng cứ như khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể, được quy định tại các Chương XII, XIII Bộ luật tố tụng hình sự;

3) Nhóm biện pháp bảo đảm cho điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án như kê biên tài sản, áp giải bị can, bị cáo, người bị kết án, dẫn giải người làm chứng và các biện pháp áp dụng đối với người vi phạm trật tự phiên toà, được quy định rải rác tại nhiều chương khác nhau của Bộ luật tố tụng hình sự.

Tùy thuộc vào yêu cầu của việc giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp theo đúng quy định của pháp luật.

1. Áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

1.1 Áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn

Sau khi nhận hồ sơ vụ án, kiểm sát viên phải tiến hầnh xem xét, kiểm tra về biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng đối với bị can hay chưa để nếu thấy cần thiết thì đề xuất với viện trưởng viện kiểm sát áp dựng hay tiếp tục duy trì, thay đổi hoặc huỷ bỏ những biện pháp ngăn chặn.

Trong trường hợp bị can đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành cáo trạng thì viện kiểm sát có thể ra lệnh tạm giam nhưng trong thời hạn không quá 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; trường hợp thời hạn nghiên cứu hồ sơ phải kéo dài mà xét thấy vẫn phải tạm giam bị can thì viện trưởng viện kiểm sát có thể quyết định gia hạn tạm giam nhưng cũng không quá 10 ngày đối với bị can phạm tội ít nghiêm trọng và phạm tội nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với bị can phạm tội rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đối với những bị can này nếu thấy việc tiếp tục tạm giam là không còn cần thiết hoặc thời hạn tạm giam đã hết thì đề nghị viện trưởng viện kiểm sát ra lệnh trả tự do cho họ hoặc nếu xét thấy cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Đối với bị can đang tại ngoại, viện kiểm sát chỉ quyết định bắt bị can để tạm giam phục vụ cho việc truy tố trong những trường hợp nếu xét thấy bị can cóthể trốn, gây khó khăn cho việc truy tố hoặc sẽ tiếp tục phạm tội.

Đối với bị can là người dưới 18 tuổi chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong trường hợp thật cần thiết. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với bị can là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Thời hạn, điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam theo đúng quy định tại Điều 419 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

1.2 Áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp cưỡng chế

Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố do cơ quan điều tra chuyển sang, viện kiểm sát phải kiểm tra xem cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, phong toả tài khoản hay chưa. Nêu bị can phạm tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường mà cơ quan điều tra chưa áp dụng, xét thấy cần thiết thì viện kiểm sát quyết định áp dụng. Trong trường hợp các biện pháp này đã được áp dụng từ giai đoạn điều tra nhưng đến giai đoạn truy tố không còn cần thiết nữa thì viện kiểm sát quyết định huỷ bỏ. Thẩm quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hay huỷ bỏ thuộc về viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát quân sự các cấp.

Trong trường hợp cần thiết phải tiến hành việc hỏi cung bị cãn, lấy lời khai người làm chứng, bị hại mà những người này không có mặt theo giấy triệu tập không vì lí do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì kiểm sát viện có thể quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế áp giải hoặc dẫn giải. Việc áp dụng các biện pháp này theo đúng quy định tại Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

2. Biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự

2.1. Áp giải, dẫn giải

1. Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.

2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

3. Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải.

4. Quyết định áp giải, quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp giải, dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

5. Người thi hành quyết định áp giải, dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải, dẫn giải theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn giải.

6. Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

2.2. Kê biên tài sản

1. Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.

2. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

3. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

4. Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt những người:

a) Bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo;

b) Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên;

c) Người chứng kiến.

Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, đọc cho những người có mặt nghe và cùng ký tên. Ý kiến, khiếu nại của những người quy định tại điểm a khoản này liên quan đến việc kê biên được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.

Biên bản kê biên được lập thành bốn bản, trong đó một bản được giao ngay cho người được quy định tại điểm a khoản này sau khi kê biên xong, một bản giao ngay cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản đưa vào hồ sơ vụ án.

2.3 Phong tỏa tài sản

1. Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.

2. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản. Lệnh phong tỏa tài khoản của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

3. Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

4. Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị buộc tội hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản.

Biên bản về việc phong tỏa tài khoản được lập thành năm bản, trong đó một bản được giao ngay cho người bị buộc tội, một bản giao cho người khác có liên quan đến người bị buộc tội, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản lưu tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.

2.4. Hủy bỏ biện pháp phôong tỏa tài sản, kê biên tài sản

1. Biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;

b) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;

c) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội;

d) Bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy không còn cần thiết.

Đối với biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong giai đoạn điều tra, truy tố thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải thông báo cho Viện kiểm sát trước khi quyết định.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *