[VPLUDVN] Pháp luật dân sự trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật và trách nhiệm của người gây thiệt hại trong từng trường hợp.
Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra
Điều 596 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý
Pháp luật dân sự quy định về nội dung này tại Điều 599 BLDS, cụ thể:
– Khi người dưới 15 tuổi đang trong trường học, người mất năng lực hành vi dân sự đang chịu quản lí của bệnh viện, cơ sở chữa bệnh khác thì trường học, bệnh viện cũng như các tổ chức này phải có trách nhiệm quản lí, theo dõi người mình quản lí
– Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
– Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
– Tuy nhiên, có trường hợp trường học, bệnh viện, pháp nhân khác chứng minh được mình không có lỗi thì không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.
Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường
Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.
Việc làm ô nhiễm môi trường đã gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường thiệt hại đó. Trường hợp làm ô nhiễm môi trường và không khắc phục hậu quả mà người bị thiệt hại hoặc người bị đe dọa gây thiệt hại đã bỏ ra chi phí khắc phục thì phải bồi thường chi phí đó.
Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
Súc vật là thú giữ được thuần hóa, chúng hoạt động theo bản năng và con người phải kiểm soát hoạt động của chúng. Do đó, nếu súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Theo đó, chủ sở hữu cây cối phải có ý thức trong việc đảm bảo sự an toàn của cây cối ( nếu cây cối có nguy cơ đổ, gẫy thì phải chặt, đốn,..) Nếu cây cối đổ, gẫy gây thiệt hại thì mặc nhiên chủ sở hữu bị coi là có lỗi
Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng
Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.
Khi người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc mua phải thực phẩm nhiễm độc thì có quyền yêu cầu Hội bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi cho người mua hàng hóa kém chất lượng.
Trường hợp người tiêu dùng đã sử dụng hàng hóa đó mà bị thiệt hại có quyền yêu cầu người trực tiếp bán sản phẩm cho mình bồi thường. Nếu mua hàng thông qua đại lí thì có quyền yêu cầu nhà sản xuất bồi thường và đại lí là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.