Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về thừa kế

[VPLUDVN] Thừa kế là một trong những chế định quan trọng của pháp luật dân sự cũng như là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi trên thực tế. Vậy khi tiến hành việc thừa kế, các chủ thể có liên quan trước hết phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về thừa kế.

Bình đẳng về thừa kế của cá nhân

Việc bình đẳng về thừa kế của cá nhân được thể hiện ở việc các hàng thừa kế có các chủ thể có đặc điểm khác nhau nhưng vẫn đứng chung hàng thừa kế và được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau

Khoản 1 điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật như sau:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

=> Điều này cho thấy pháp luật đã có sự bình đẳng trong việc nhận di sản thừa kế của vợ và chồng, theo đó vợ hoặc chồng sẽ được nhận di sản thừa kế nếu bên kia chết trước. Cha mẹ cũng được hưởng di sản bằng nhau và con cái không phân biệt con trai con gái, con đẻ con nuôi đều được nhận di sản bằng nhau.

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

=> Điều này cho thấy rằng những người thân thích khác của người để lại di sản thừa kế cũng được hưởng phần thừa kế ngang bằng nhau nếu như họ đứng cùng hàng thừa kế.

Tôn trọng quyền định đoạt tài sản của người để lại di sản

Người để lại di sản hoàn toàn có quyền chủ động đưa ra những ai có quyền được hưởng di chúc, mỗi người được hưởng bao nhiêu hoặc những ai bị truất quyền hưởng di chúc, dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản,… mà không bị phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể khác.

– Ngoài ra người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

– Nếu một người chết để lại di chúc thì phải thực hiện việc dịch chuyển tài sản đến người có quyền được hưởng di sản thừa kế theo đúng ý chí của người lập di chúc. Việc hưởng di sản thừa kế theo pháp luật chỉ xảy ra nếu không có di chúc, di chúc không hợp pháp và các nguyên do khác phát sinh từ người thừa kế.

Tôn trọng quyền của người hưởng thừa kế

Pháp luật dân sự thiết lập các quan hệ dân sự mà ở đó các chủ thể tham gia có quyền tự quyết định cao, tự do ý chí khi thực hiện các quan hệ đó. Vậy nên người thừa kế cũng có quyền từ chối nhận di sản thừa kế trừ trường hợp nguyên do nhận là để trốn tránh nghĩa vụ tài sản với người khác.

Bảo đảm quyền lợi của một số người thừa kế theo quy định của pháp luật

Pháp luật cho phép những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó với điều kiện họ không từ chối nhận di sản hoặc thuộc vào các trường hợp bị cấm nhận di sản:

– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

– Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Điều này giúp cho việc đảm bảo quyền lợi của những chủ thể chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi khi họ không được quy định hưởng di sản theo di chúc hoặc được hưởng ít hơn phần của một người thừa kế theo pháp luật.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *