Các phương thức bảo vệ quyền sở hữu tài sản

[VPLUDVN] Bao gồm các phương thức: Kiện đòi lại tài sản, kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.

1. Kiện đòi lại tài sản (kiện vật quyền).

“Kiện đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu trái pháp luật phải trả lại tài sản cho mình. Mục đích của người khởi kiện khi thực hiện phương thức này là lấy lại được tài sản của mình đang bị người khác chiếm hữu trái pháp luật”.

Do đó, khi áp dụng phương thức này đòi hỏi phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, về chủ thể (nguyên đơn) là chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản đó như người thuê tài sản, người nhận gửi giữ tài sản, người nhận cầm đồ… Những người này yêu cầu phải chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với tài sản hoặc chứng minh được mình là người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản.

Thứ hai, người bị khởi kiện (bị đơn) phải là người đang chiếm hữu bất hợp pháp đối với tài sản. Điều này rất quan trọng vì nhiều khi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp phát hiện ra người chiếm hữu tài sản của mình lúc trước nhưng lúc này người chiếm hữu tài sản đó trở thành chủ sở hữu của tài sản do được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu được quy định theo Điều 247 Bộ luật dân sự năm 2005 hoặc do hết thời hiệu hưởng quyền dân sự trong trường hợp nhặt được tài sản đánh rơi, phát hiện gia súc, gia cầm thất lạc được quy định tại Điều 241, 242, 243 BLDS năm 2005

Thứ ba, tài sản phải còn trong sự chiếm hữu của chủ thể chiếm hữu bất hợp pháp. Nếu tài sản không còn tồn tại do thất lạc hoặc bị tiêu hủy thì lúc này không thể áp dụng phương thức kiện đòi lại tài sản mà chỉ có thể áp dụng phương thức kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, vật hiện còn có thể được hiểu là còn nguyên ở trạng thái ban đầu hoặc về cơ bản vẫn còn nhưng đã bị giảm sút hoặc đã được làm tăng giá trị.

Thứ tư, không rơi vào các trường hợp pháp luật quy định không phải trả lại tài sản được quy định ở Điều 257, 258 Bộ Luật dân sự năm 2005.

Điều 257 Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định về việc đòi lại động sản không có đăng kí quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình. Theo đó thì chủ sở hữu chỉ đòi lại được tài sản nếu người chiếm hữu ngay tình có được động sản đó thông qua giao dịch không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản hoặc trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị thất lạc hoặc trường hợp bị người khác chiếm hữu ngoài ý muốn của chủ sở hữu. Như vậy, nếu người ngay tình có được tài sản thông qua giao dịch có đền bù và tài sản đó không phải là tài sản bị mất cắp, bị chiếm hữu ngoài ý trí của chủ sở hữu thì nguyên đơn không thể kiện đòi lại tài sản.

Đối với động sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc bất động sản thì Điều 258 BLDS năm 2005 quy định như sau:

“Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.

Việc một người có được tài sản thông qua việc mua đấu giá hoặc giao dịch với người đã được cơ quan Nhà nước công nhận là chủ sở hữu của tài sản là trường hợp mà người ngay tình hoàn toàn không có lỗi và họ sẽ được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy trong trường hợp này người chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp không thể kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình mà chỉ có thể áp dụng phương thức kiện khác để bảo vệ quyền sở hữu của mình như kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.

– Hậu quả của việc áp dụng phương thức kiện đòi lại tài sản:

Khi phương thức kiện đòi lại tài sản thỏa mãn các điều kiện đặt ra thì người chiếm hữu tài sản buộc phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Tuy nhiên, hậu quả pháp lý sẽ khác nhau trong hai trường hợp sau đây:

Thứ nhất, đối với người chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì ý trí của họ hoàn toàn ngay thẳng và họ coi đó là tài sản của mình và họ cần được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, theo Điều 200 BLDS năm 2005 thì những người này được quyền sử dụng tài sản. Do đó, khi phải trả lại tài sản thì người chiếm hữu, sử dụng, được lợi không có căn cứ pháp luật ngay tình không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó Điều 601 BLDS năm 2005.

Thứ hai, đối với người đang chiếm hữu tài sản là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì người đó luôn luôn phải trả lại tài sản đồng thời phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức có được trong thời gian chiếm hữu tài sản cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.

Như vậy, sự ghi nhận của pháp luật đối với phương thức kiện đòi lại tài sản thể hiện thái độ tôn trọng và bảo vệ tuyệt đối của Nhà nước đối với quyền sở hữu hợp pháp của chủ thể trong xã hội. Thông thường, chủ sở hữu nào cũng muốn phương thức kiện đòi lại tài sản vì đó là phương thức bảo hộ thiết thực và hiệu quả mà không cần quan tâm đến khả năng tài chính của người phải thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu không thỏa mãn các điều kiện đòi lại tài sản thì chủ thể bị xâm phạm có thể áp dụng phương thức kiện đòi bồi thường thiệt hại để bảo vệ lợi ích của mình.

2. Kiện yêu cầu bồi thương thiệt hại (kiện trái quyền).

Kiện đòi bồi thường thiệt hại về tài sản là việc chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp yêu cầu tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu phải bồi thường thiệt hại cho mình.

Trong trường hợp một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại tới tài sản của người khác thì chủ sở hữu của tài sản có quyền kiện tới tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp đã không thể kiện đòi lại tài sản do tài sản đã bị hư hỏng hoặc đang nằm trong sự chiếm hữu của chủ thể khác không xác định được hoặc người chiếm hữu tài sản đó là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình và không phải trả lại tài sản.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp có thể đặt ra đối với trường hợp bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng.

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng thì các bên có thể thỏa thuận về điều kiện bồi thường, mức bồi thường, phương thức bồi thường… trong hợp đồng khi có tranh chấp xảy ra, cơ quan Nhà nước căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng để giải quyết.

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì điều kiện để có thể áp dụng biện pháp khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra, đây là điều kiện đầu tiên, cần thiết để áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại bởi lẽ trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra là nhằm khôi phục thiệt hại cho người bị thiệt hại. Do đó, nếu không có thiệt hại xảy ra thì cũng không thể buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, có hành vi trái pháp luật. Nếu hành vi gây thiệt hại là hành vi hợp pháp như trường hợp người gây thiệt hại khi đang thi hành công vụ, gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân và tất yếu dẫn tới thiệt hại xảy ra về tài sản thì người có hành vi đó mới phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu nguyên nhân không phải do hành vi đó gây ra thiệt hại về tài sản mà tài sản đó tự bị hư hỏng do hết thời gian sử dụng, chất lượng kém… thì người thực hiện hành vi đó không phải bồi thường thiệt hại mà chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp sẽ phải chịu rủi ro.

Thứ tư, có lỗi của người gây thiệt hại. Người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi gây ra thiệt hại trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu gây ra thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc thiệt hại gây ra là hoàn toàn do lỗi của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản thì người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, cần lưu ý , trong trường hợp tài sản bị gây thiệt hại không phải do hành vi của con người gây ra mà do tài sản gây ra thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra với nguyên nhân chính là do tài sản đó gây ra. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp hoặc người chiếm hữu bất hợp pháp tài sản gây ra thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp bị tài sản xâm hại.

– Hậu quả của việc áp dụng phương thức kiện đòi bồi thường thiệt hại.

Nếu các bên không có thỏa thuận về mức bồi thường, phương thức bồi thường thì thiệt hại về tài sản được bồi thường toàn bộ theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu và có thể bao gồm những thiệt hại sau đây:

– Thiệt hại do tài sản bị mất.

– Thiệt hại do tài sản bị thiệt hại hoặc bị hư hỏng.

– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản.

– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

3. Kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.

Theo Điều 259 BLDS năm 2005 có quy định:

“Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó; nếu không có sự chấm dứt tự nguyện thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”.

Theo quy định trên thì khi phát hiện hành vi xâm phạm tới việc thực hiện các quyền năng của mình thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có một trong hai quyền sau:

Thứ nhất, tự mình yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó. Ngay khi phát hiện ra hành vi xâm phạm hoặc khả năng xâm phạm quyền lợi ích chính đáng của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người xâm phạm chấm dứt hành vi mà không cần chờ bất kỳ một thủ tục nào. Biện pháp tự bảo vệ này mang tính kịp thời, tạo khả năng ngăn chặn hành vi xâm phạm ngay từ đầu, tránh được vụ việc xâm phạm trở nên nghiêm trọng hơn.

Thứ hai, yêu cầu tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm đó. Nếu biện pháp tự yêu cầu của chủ thể đạt hiệu quả không cao và bên xâm phạm không tự nguyện, thiện chí chấm dứt hành vi xâm phạm, khắc phục hậu quả đã gây ra thì pháp luật cho phép chủ sở hữu có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Khi đó các cơ quan này sẽ sử dụng quyền lực Nhà nước để buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp tài sản của người khác phải chấm dứt hành vi vi phạm.

Mục đích của phương pháp này là nhằm bảo đảm để chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp được sử dụng và khai thác công dụng của tài sản một cách bình thường. Do đó, khi phương thức kiện này được áp dụng thì sẽ mang lại hậu quả pháp lý là người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm như dừng việc xây dựng lấn chiếm sang đất nhà hàng xóm, xây bịt lối đi chung…


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *