Căn cứ quyết định hình phạt theo Bộ luật Hình sự năm 2015

[VPLUDVN] Về căn cứ quyết định hình phạt theo khoản 1 – Điều 50 BLHS năm 2015 quy định: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhấc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Theo quy định này, thì khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 chưa có quy định cụ thể tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, theo quan điểm của người viết thì đề cập đến một số vấn đề khi quyết định hình phạt như sau:

Thứ nhất, theo quy định của BLHS bao gồm cả phần chung và điều luật quy định hình phạt đối với tội phạm cụ thể trong phần các tội phạm của BLHS. Quá trình áp dụng pháp luật hình sự phải xác định từ khâu định tội danh, định khung hình phạt, quyết định hình phạt và lựa chọn biện pháp hình phạt cụ thể đối với người phạm tội. Đặc biệt, phải tuân thủ mức hình phạt đối với tội phạm được quy định trong điều luật, bởi vì Toà án chỉ có thể quyết định hình phạt mà Điều luật đã quy định cho tội đã vi phạm.

Thứ hai, cần phải đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi có thể dựa vào các yếu tố như: tính chất của hành vi khách quan, quan hệ xã hội bị xâm phạm, trong đó việc xác định tính chất của phương pháp, thủ đoạn, phương tiện, công cụ, đặc biệt là mức độ hậu quả gây ra cho quan hệ xã hội bị xâm hại, tội phạm thực hiện đã hoàn thành hay chưa hoàn thành. Ngoài ra, việc xác định tính chất, mức độ lỗi, cũng như động cơ, mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội đó như thế nào. Đồng thời, cần phải lưu ý đến hoàn cảnh chính trị – xã hội nơi hành vi phạm tội xảy ra.

Thứ ba, về nhân thân người phạm tội như: tiền án, tiền sự, lần phạm tội này là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, có tính chất chuyên nghiệp hay không, thái độ khai báo như thế nào, có biện pháp khắc phục hậu quả hay không, có tham gia cứu giúp người bi nạn hay không, … Ngoài ra, còn có thể lưu ý đến đối tượng phạm tội là phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, trẻ em, người già trên 70 tuổi, có đang mắc bệnh hiểm nghèo không…

Thứ tư, là xem xét đến tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cụ thể như thế nào, vai trò của người phạm tội trong đồng phạm trong vụ án…

Trên thực tế việc quyết định hình phạt của Tòa án trong thời gian qua cho thấy có nhiều vụ án không tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do người thực hiện hành vi phạm tội gây ra, có vụ án bị cáo được áp dụng mức hình phạt quá cao hoặc có vụ án bị cáo được áp dụng mức hình phạt quá thấp và chưa xem xét toàn diện nhân thân của bị cáo. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có hướng dẫn thêm về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội để làm căn cứ cho Tòa án quyết định việc áp dụng hình phạt.

Tác giả bài viết: Lê Thị Kim Loan

Nguồn tin: VKSND huyện Vĩnh Thạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *