Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là gì?

1. Chế độ sở hữu toàn dân là gì?

Chế độ sở hữu toàn dân là Chế độ sở hữu gồm tổng thể các quy phạm pháp luật xác định chủ thể, khách thể, nội dung, phương thức thực hiện quyền sở hữu của toàn dân. Sở hữu toàn dân là hình thức cao nhất của sở hữu xã hội chủ nghĩa, trong đó các tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, các phương tiện và tài sản khác thuộc về nhà nước – người đại diện chính thức của nhân dân.

Bên cạnh đó, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm pháp lý gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ sở hữu đất đai trong đó xác nhận, quy định và bảo vệ quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.

Ở nước ta hiện nay việc thể chế hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong nhân dân, thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã tránh được những hậu quả do chế độ sở hữu tư nhân đất đai gây ra. Ta thấy, sở hữu toàn dân về đất đai không phải thuộc sở hữu của riêng ai mà toàn thể nhân dân là chủ sở hữu đối với đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý. Việc quy định Nhà nước ở nước ta là đại diện chủ sở hữu đất đai và thống nhất quản lý xuất phát từ bản chất của Nhà nước là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân do dân và vì dân, mọi tài sản, tư liệu sản xuất do Nhà nước đại diện cho dân là chủ sở hữu đều được sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích chung của toàn thể nhân dân.

Trong thời gian qua, ở nước ta tuy nảy sinh một số tiêu cực, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, song những hạn chế, tiêu cực đó một mặt, do sự yếu kém trong quản lý đất đai của Nhà nước ra, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, đến nay, các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp; tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai còn không ít hạn chế, yếu kém, một bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đê trục lợi, tham nhũng, mặt khác, do nước ta trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, đất đai có nguồn gốc rất phức tạp. Từ thực trạng đó, Luật đất đai năm 2013 đã có những điều chỉnh, bổ sung để việc quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả hơn, hạn chế nảy sinh những tiêu cực, hạn chế.

Thứ ba, ưu điểm và nhược điểm của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

Ở nước ta, vốn đất đai quý báu do công sức, mồ hôi, sương máu của các thế hệ người Việt Nam tạo lập nên, vì vậy nó phải thuộc về toàn dân. Hơn nữa, hiện nay trong điều kiện nước ta “mở cửa”, chủ động hội nhập từng bước vững chắc vào nền kinh tế khi vực và trên thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì việc xác lập hình thức sở hữu toàn dân về đất đai là một trong những phương thức nhằm góp phần củng cố và bảo vệ  vững chắc nền độc lập dân tộc.

Việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta hiện nay còn tránh được những hậu quả do chế độ sở hữu tư nhân đất đai gây ra. Nghiên cứu sản xuất nông nghiệp, trực tiếp là địa tô trong nền kinh tế tư bản củ nghĩa, Các Mác và sau đó là V.I.Lênin đã chỉ ra tính chất vô lý của chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất, nguồn gốc đẻ ra địa tô, làm cho giá cả nông phẩm tăng, kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, V.I.Leenin đã chủ trương phải quốc hữu hóa đất đai, xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, thay vào đó là chế độ công hữu về đất đai.

Việc xác lập đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý sẽ giúp Nhà nước có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai theo kế hoạch phát triển chung nhằm quản lý chặt chẽ và từng bước đưa diện tích đất chưa sử dụng (hơn 4,5 triệu ha đất tự nhiên) vào khai thác, sử dụng hợp lý đi đôi với việc cải tạo, bồi bổ vốn đất đai quý giá của quốc gia. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước hiện nay thì việc xác lập hình thức sở hữu toàn dân về đất đai sẽ tạo ưu thế và thuận lợi cho Nhà nước trong việc sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Các quan hệ về quản lý và sử dụng đất đai ở mức nước ta được xác lập dựa trên cơ sở đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý đã mang tính ổn định trong một thời gian khá dài (từ năm 1980 đến nay). Nay nếu thay đổi hình thức sở hữu đất đai này sẽ dẫn đến những sự xáo trộn trong lĩnh vực đất đai, làm tăng tính phức tạp của các quan hệ đất đai, thậm chí dẫn đến sự mất ổn định về chính trị-xã hội của đất nước.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, quy định Nhà nước là đại diện quyền sở hữu, thực tế trong nhiều trường hợp, không biết ai là “Nhà nước” thực sự, chính quyền trung ương hay chính quyền địa phương, do đó dẫn đến lạm quyền trong việc thu hồi đất, xâm hại, quyền lợi của người dân nhưng lại để đất đai rơi vào tay các nhóm lợi ích, khiến cả quyền lợi của người dân lẫn lợi ích quốc gia không được đảm bảo. Hậu quả là trong một số trường hợp đất đai sẽ được chuyển từ người dân nghèo sang tay “các đại gia” với giá thấp. Đồng thời, bằng động tác đầu tư trở lại, “các đại gia” với giá cao cho người dân có nhu cầu. Không ít trường hợp đất đai bị thu hồi để rồi bỏ hoang, bởi những dự án “treo” không có điểm dừng, trong khi người dân không có đất để ở hoặc canh tác. Tình trạng quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện, quy hoạch treo, thu hồi đất một cách tùy tiện của cơ quan nhà nước, tình trạng đất thu hồi bị bỏ hoang còn người mất đất lâm vào tình trạng thất nghiệp, khó khăn,…cho thấy quản lý của Nhà nước cưa tương xứng với nhu cầu cần phải có trong chế độ sở hữu toàn dân.

Quá trình phát triển kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu tư nhân hóa về quyền sử dụng một số bộ phận đất đai, điều này cũng tác động làm biến dạng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và quá trình phát triển kinh tế thị trường, chủ thế sở hữu đất đai luôn luôn tách rời khỏi người sử dụng đất. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, cố gắng duy trì quyền sở hữu của mình bằng cách can thiệp vào quá trình sử dụng, định đoạt đất đai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự can thiệp một cách chủ động của Nhà nước đã và đang dần dần bị hạn chế bởi chính các yếu tố thị trường, từ đó làm phá vỡ các quy hoạch và kế hoạch chủ động của Nhà nước về đất đai, buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên thay đổi các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã ban hành, làn cho chính sách về đất đai bất ổn, gây khó khăn cho các đối tượng được giao quyền sử dụng đất.

Việc nhận thức và vận dụng không đúng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong thời gian qua đã dẫn đến sự lãng phí về đất đai, gây thiệt hại cho người sử dụng đất, đồng thời nảy sinh những tiêu cực, mâu thuẫn gay gắt trong lĩnh vực này. Từ đó, dẫn đến sựu hoài nghi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, nảy sinh ý kiến đòi hỏi phải thay đổi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

Thứ tư, phương hướng hoàn thiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

Ở Việt Nam, đất đai là tài sản chung của quốc gia và Nhà nước đại diện cho nhân dân thực hiện quyền của chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của toàn bộ đất đai trên lãnh thổ. Điều đó được thể hiện ở Điều 53 Hiến pháp năm 2013 và Điều 4 Luật đất đai năm 2013. Vì vậy, có thể coi hoàn thiện chế độ sở hữu toàn dân chính là việc hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước, cơ chế quản lý của Nhà nước đối với đất đai.

Đối với việc hoàn thiện chế độ sở hữu toàn dân trong cơ chế thị trường hiện nay, cần đề ra một số phương hướng sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát triển các ưu điểm của chế định sở hữu toàn dân về đất đai: Chế định sở hữu toàn dân về đất đai là sự thể chế hóa những quan điểm, đường lối chủ đạo của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề đất đai, nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Việc xác lập chế định sở hữu toàn dân về đất đai góp phần vào việc giữ ổn định quan hệ đất đai, tránh gây ra những xáo trộn không cần thiết và duy trì sự ổn định chính trị, xã hội là tiền đề rất quan trọng để phát triển đất nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, pháp luật đất đai cần phải được xây dựng, bổ sung toàn diện và ổn định.

Thứ hai, công tác quy hoạch việc sử dụng đất đai phải được thực hiện có hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

Thứ ba, các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai phải nâng cao năng lực, trình độ quản lý sử dụng phối hợp có hiệu quả các công cụ quản lý.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về chế độ sở hữu toàn dân và phân tích về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Trường hợp có thắc mắc xin vui lòng liên hệ để được giải đáp cụ thể.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *