Chế độ tài sản của vợ và chồng

[VPLUDVN] Chế độ tài sản của vợ chồng là toàn bộ những quy định về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ (chồng), quyền, và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và việc phân chia tài sản.

1.1. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

a) Xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận:

Khi vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì phải lập văn bản, văn bản phải được công chứng hoặc chứng thực. Văn bản thỏa thuận về tài sản phải được lập trước khi kết hôn và chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm các bên đăng ký kết hôn. Văn bản thỏa thuận của các bên chỉ bao gồm các nội dung liên quan đến tài sản mà không liên quan đến quan hệ nhân thân của vợ chồng. Theo khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì văn bản thỏa thuận chế độ tài sản phải có các nội dung cơ bản sau:

– Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

– Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.

Sau một thời gian thực hiện, vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung toàn bộ hoặc một phần nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản. Việc sửa đổi, bổ sung này phải lập thành văn bản và phải có công chứng, chửng thực. Có thể vợ chồng thỏa thuận chọn chế độ tài sản theo quy định của pháp luật.

b) Chế độ tài sản theo thỏa thuận bị vô hiệu:

Bên cạnh việc tôn trọng quyền tự định đoạt đối với tài sản của vợ chồng, pháp luật còn phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi bên vợ, chồng, của các thành viên gia đình và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Do vậy, trong trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận nhưng sự thỏa thuận lại xâm phạm đến các lợi ích được pháp luật bảo vệ thì theo yêu cầu của những người có quyền và lợi ích liên quan, Tòa án tuyên bố chế độ tài sản theo thỏa thuận bị vô hiệu trong các trường hợp sau:

– Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan;

– Vi phạm một trong các quy định về nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản được quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình (Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Khi Tòa án quyết định tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu cần lưu ý một số trường hợp sau:

– Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng quy định tại Điều 31 và điểmb khoản 1 Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dẫn đến vợ, chồng không có chỗ ở hoặc không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.

– Nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích họp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định.

Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.

– Trường họp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

– Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

– Chế độ tài sản theo quy định của pháp luật

Trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, hoặc có lựa chọn nhưng thỏa thuận của họ bị vô hiệu thì chế độ tài sản của họ theo quy định của pháp luật (còn gọi là chế độ tài sản Luật định)., Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ và chồng có tài sản chung hợp nhất và vợ, chồng có tài sản riêng.

1.2. Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật định

a) Tài sản chung hợp nhất của vợ chồng:

*  Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung:

Vợ chồng bình đăng với nhau trong việc xây dựng, phát triển khối tài sản chung và bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung.

Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý, bảo vệ tài sản chung. Vợ chồng cùng quản lý, nắm giữ tài sản chung. Vợ chồng có thể uỷ quyền cho nhau trong việc chiếm hữu tài sản chung. Người được uỷ quyền có toàn quyền chiếm hữu tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp vì lý do nào đó mà cả vợ và chồng đều không thể chiếm hữu tài sản chung thì vợ chồng có thể ủy quyền cho người khác chiếm hữu tài sản chung theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Trên nguyên tắc bình đẳng, việc sử dụng tài sản chung để đầu tư, kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận. Nếu vợ chồng uỷ quyền cho nhau trong việc sử dụng tài sản chung thì người được uỷ quyền có toàn quyền sử dụng tài sản chung vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác công dụng của tài sản là tài sản chung của vợ chồng.

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của vợ chồng là bất động sản, là động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Văn bản phải có chữ ký của cả vợ chồng, văn bản đó có thể được công chứng, chứng thực. Neu vợ chồng ủy quyền cho nhau trong việc định đoạt tài sản chung thì người được ủy quyền có toàn quyền định đoạt tài sản chung mà không cần phải bàn bạc, thoả thuận với bên kia. Vợ, chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của vợ chồng nhằm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của gia đình.

* Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể có những khoản nợ, bồi thường thiệt hại… mà vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện, gọi là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập (như vay tài sản, thuê tài sản…);

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

– Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Ví dụ: Ngôi nhà là tài sản riêng của vợ, tiền cho thuê nhà là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Khi cần sửa chữa nhà thì chi phí sửa nhà được xác định là nghĩa vụ chung về tai sản của vợ chồng;

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cha mẹ phải bồi thường như: Bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên gây ra;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

b) Tài sản riêng của vợ, chồng:

* Xác định tài sản riêng của vợ, chồng

Tài sản riêng của vợ hoặc chồng gồm:

– Tài sản mà vợ hoặc chồng có từ trước khi kết hôn;

– Những tài sản mà vợ hoặc chồng được thừa kế riêng hoặc được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản mà vợ hoặc chồng được chia từ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó;

– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;

– Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng gồm: Quyền tài sản đối với đổi tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân cùa vợ, chồng.

* Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng:

Quyền chiếm hữu: Vợ, chồng tự quản lý tài sản riêng. Trong trường họp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó.

Quyền sử dụng: Nợ, chồng có quyền sử dụng tài sản của mình để đáp ứng các nhu cầu cá nhân hoặc thỏa thuận cùng sử dụng tài sản riêng của mỗi bên nhằm đáp ứng nhu cầu chung của gia đình. Vì lợi ích chung của gia đình, pháp luật quy định trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng không đủ để đảm bảo đời sống chung của gia đình thì người có tài sản riêng phải có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng của mình để phục vụ nhu cầu chung của gia đình. Những tài sản đã chi dùng cho gia đình thì người có tài sản không được quyền đòi lại.

Quyền định đoạt: về nguyên tắc, vợ, chồng có quyền tự mình định đoạt tài sản riêng mà không phụ thuộc vào ý chí của người kia. Tuy nhiên, quyền định đoạt tài sản riêng của vợ hoặc chồng có thể bị hạn chế trong trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì muốn định đoạt tài sản đó phải có sự thoả thuận của cả vợ và chồng.

* Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng:

Các nghĩa vụ riêng về tài sản gồm:

– Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sấn riêng (trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng mà hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình và nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình).

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ hoặc chồng.

Nghĩa vụ riêng về tài sản được thanh toán bằng tài sản riêng.

*  Nhập tài sản riêng vào tài sản chung:

Pháp luật quy định vợ, chồng có quyền nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng. Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất hoặc những tài sản có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vào tài sản chung phải được lập thành văn bản, có chữ kí của vợ và chồng, văn bản đó được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Nếu người có tài sản riêng nhập tài sản của mình vào tài sản chung nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản thì việc nhập tài sản đó vào tài sản chung là vô hiệu.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *