Chế tài trong thương mại là gì? Đặc điểm và mục đích chế tài trong thương mại

1. Khái niệm chế tài trong thương mại

Để đảm bảo khung pháp lý cho hoạt động thương mại, Nhà nước sử dụng hàng loạt các công cụ pháp lý điều chỉnh quan hệ thương mại như xây dựng các quy phạm pháp luật, quy tắc, tiêu chuẩn tiến hành các hoạt động thương mại; kiểm soát việc thực thi các quy định đó; áp dụng các hình thức chế tài đối yới người vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác… Chế tài là yếu tố không thể thiếu trong hệ thống các công cụ pháp lý điều chỉnh quan hệ kinh doanh, thương mại nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy phạm pháp luật thương mại.

Chế tài trong thương mại là một thuật ngữ được sử dụng trong Luật Thương mại hiện hành của Việt Nam. Để hiểu chế tài trong thương mại, trước hết cần hiểu bản chất của chế tài.

Trong khoa học pháp lý, chế tài là thuật ngữ có lịch sử lâu đời. Thuật ngữ chế tài bắt nguồn từ tiếng La tinh là Sanctio (phán quyết nghiêm khắc nhất), theo nghĩa nguyên thủy là hình thức trừng phạt nghiêm khắc nhất dành cho những người vi phạm luật lệ. Ngày nay, thuật ngữ chế tài được sử dụng rộng rãi trong khoa học pháp lý. Hiểu theo nghĩa rộng, chế tài là các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với việc thực thi các quy phạm pháp luật, là phản ứng của nhà nước trước các hành vi vi phạm pháp luật. Hiểu theo nghĩa hẹp, chế tài là một bộ phận cấu thành của quy phạm pháp luật, dự kiến những biện pháp được áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật.

Nếu như một số thuật ngữ pháp lý khác còn có những quan niệm không đồng nhất ở các quốc gia khác nhau, nhất là ở các quốc gia thuộc các dòng họ pháp luật khác nhau, thuật ngữ chế tài lại được hiểu một cách khá thống nhất ở các nước. Ở Hoa Kỳ, theo Từ điển pháp lý Black, chế tài là hình phạt hoặc các biện pháp thực thi khác được sử dụng để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật hoặc các quy tắc, quy định. Từ điển bách khoa toàn thư luật học của Liên bang Nga hiểu thuật ngữ chế tài theo hai nghĩa:

– Theo nghĩa rộng, là hình thức cưỡng chế nhà nước đối với việc không thực hiện các quy phạm pháp luật, phản ứng của quyền lực nhà nước trước các hành vi vi phạm pháp luật, sự đánh giá tiêu cực của nhà nước đối với hành vi ứng xử trái pháp luật;

– Theo nghĩa hẹp, là bộ phận cấu thành của quy phạm pháp luật (cùng với giả định và quy định), trong đó quy định các hậu quả pháp lý do nhà nước đặt ra về tài sản, tâm lý và các hậu quả khác đối với các hành vi ứng xử trái pháp luật, hậu quả không mong muốn đối với nhũng người vi phạm quy định của một quy phạm pháp luật. Ở Việt Nam, theo Từ điển Luật học, chế tài được hiểu theo nghĩa hẹp, là một trong ba bộ phận cấu thành một quy phạm pháp luật, theo đó, chế tài là bộ phận xác định các hình thức trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm với các quy tắc xử sự chung được ghi nhận trong phần quy định và giả định của quy phạm pháp luật.

Như vậy, theo nghĩa chung nhất, chế tài là các biện pháp cưỡng chế nhà nước dự kiến áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật để đảm bảo việc thực hiện pháp luật. Các chế tài do nhà nước đặt ra, được quy định trong các quy phạm pháp luật và mang tính cưỡng chế thi hành.

Căn cứ vào tính chất của các nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh, chế tài được chia thành chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài dân sự… Chế tài hình sự là chế tài xác định hình phạt cô thể áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Chế tài hành chính là chế tài xác định biện pháp xử lý của nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Chế tài dân sự là chế tài xác định hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật trong các quan hệ dân sự khi họ không thực hiện, thực hiện không đúng các nghĩa vụ dân sự.

Quan hệ thương mại là một dạng đặc thù của quan hệ dân sự, nên chế tài trong thương mại cũng mang những dấu hiệu của chế tài dân sự. Trước hết, chế tài thương mại là hình thức cưỡng chế của Nhà nước đối với người có hành vi vi phạm pháp luật thương mại. Chế tài thương mại xác định hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật thương mại khi họ không thực hiện, thực hiện không đúng các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động thương mại. Nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động thương mại rất đa dạng. Đó có thể là những nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng được giao kết trong hoạt động thương mại, trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, còn gọi là nghĩa vụ hợp đồng. Đó có thể là những nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng, Ví dụ, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi tàu chở hàng va đâm làm chìm tàu đánh cá. Đó cũng có thể là nghĩa vụ phát sinh theo pháp luật, Ví dụ, nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ tuân thủ chế độ báo cáo kế toán… Bên cạnh việc phải bồi thường thiệt hại (nếu có thiệt hại), tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý theo pháp luật hành chính hay hình sự.

Ví dụ, pháp luật thương mại quy định nghĩa vụ đăng ký kinh doanh khi một tổ chức, cá nhân muốn gia nhập thị trường và được pháp luật công nhận sự tồn tại hợp pháp của mình với tư cách thương nhân. Nếu không đăng ký kinh doanh thì họ sẽ phải chịu những hậu quả mà pháp luật quy định như bị xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện hoạt động thương mại phải chịu sự trừng phạt của pháp luật hình sự như buôn bán hàng giả. Vì thế, chế tài thương mại không đơn thuần là chế tài do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong thương mại mà còn là các chế tài áp dụng đối với các vi phạm pháp luật thương mại khác. .

Luật Thương mại năm 2005 sử dụng thuật ngữ “chế tài trong thương mại” ở phần đề mục của Chương VII nhưng không có giải nghĩa. Căn cứ bản chất của chế tài, đáng lẽ chế tài trong thương mại phải là chế tài áp dụng đối với những người vi phạm các quy định pháp luật thương mại khi thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động thương mại, tức là bao gồm mọi vi phạm nghĩa vụ phát sinh kể từ khi các tổ chức, cá nhân tham gia vào các quan hệ do pháp luật thương mại điều chỉnh. Tuy nhiên, xét các hình thức chế tài trong thương mại được quy định tại Điều 292 Luật Thương mại năm 2005 thì chế tài trong thương mại là những chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại, không bao gồm những chế tài do vi phạm pháp luật thương mại khác. Điều này có thể xuất phát từ lý do những chế tài khác mặc dù được nhắc tới tại khoản 1 Điều 321 Luật Thương mại năm 2005 nhưng lại thuộc các lĩnh vực luật khác như hình sự, hành chính nên Luật Thương mại năm 2005 không quy định cụ thể mà chỉ tập trung quy định chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại.

Như vậy, có thể thấy chế tài trong thương mại theo pháp luật thực định của Việt Nam là chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại, xác định những hậu quả pháp lý bất lợi của bên có hành vi vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng có thể là việc không thực hiện hợp đồng, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật (khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005). Theo cách hiểu của Luật Thương mại năm 2005, chế tài trong thương mại xác định những hậu quả pháp lý bất lợi được áp dụng đối với bên có hành vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng trong thương mại hoặc theo quy định của pháp luật. Trong khuôn khổ Chương này, dưới đây sử dụng thuật ngữ chế tài trong thương mại theo nghĩa mà Luật Thương mại năm 2005 quy định là chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại.

2. Đặc điểm của chế tài trong thương mại

Với cách hiểu là chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại, chế tài trong thương mại có đặc điểm pháp lý sau đây:

Thứ nhất, chế tài trong thương mại luôn mang tính cưỡng chế nhà nước đôi với người vi phạm pháp luật thương mại. Các chế tài thể hiện thái độ, phản ứng của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các biện pháp cưỡng chế này chỉ áp dụng đối với các nhà kinh doanh và những người có quan hệ hợp đồng với họ khi vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng và theo pháp luật.

Thứ hai, chế tài trong thương mại được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật thương mại. Những chế tài trong thương mại được luật hoá và quy định tại Luật Thương mại năm 2005 (Mục 1 Chương VII). Việc quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính cưỡng chế nhà nước của các chế tài này thông qua các thiết chế nhất định trong trường họp không được bên vi phạm hựp đồng tự nguyện thi hành. Các chế tài trong thương mại chỉ được áp dụng khi có đủ các căn cứ do pháp luật quy định. Do được quy định trong các văn bản pháp luật nên các chế tài trong thương mại được áp dụng theo mức bằng nhau đối với những vi phạm cùng loại, không phân biệt chủ thể hành vi vi phạm là ai, nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể quan hệ pháp luật thương mại.

Ví dụ, nếu đáp ứng đủ căn cứ thì có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm với mức tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, không phân biệt bên vi phạm là cá nhân hay pháp nhân, doanh nghiệp vốn trong nước hay vốn nước ngoài (Điều 301 Luật Thương mại năm 2005)…

Thứ ba, chế tài trong thương mại là hình thức trách nhiệm của một bên trong quan hệ hợp đồng trong thương mại đối với bên kia của hợp đồng, trách nhiệm của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Quan hệ hợp đồng trong thương mại được xây dựng trên nguyên tắc là quan hệ bình đẳng giữa các bên với nhau, việc vi phạm nghĩa vụ của bên này chính là vi phạm quyền của bên kia và ngược lại. Vì thế, trách nhiệm trước hết là của một bên đối với bên kia trong quan hệ hợp đồng trong thương mại, của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm. Chế tài trong thương mại chỉ có thể được áp dụng khi có yêu cầu của một bên trong hợp đông, đó là bên có quyền và lợi ích bị vi phạm. Các chế tài hình sự hay hành chính có thể được áp dụng dựa trên yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không xuất phát từ các bên nhưng đối với chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại (chế tài trong thương mại), điều kiện đầu tiên để xem xét áp dụng phải là có yêu cầu của một bên trong hợp đồng.

Thứ tư, chế tài trong thương mại chủ yếu mang tính tài sản. Vì các quan hệ được điều chỉnh bởi pháp luật thương mại là quan hệ tài sản nên chế tài trong thương mại trước hết thực hiện chức năng tác động về tài sản đối với bên vi phạm. Các chế tài tài sản áp dụng đối với bên vi phạm dưới hình thức khác nhau, đều dẫn đến việc bên vi phạm phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về tài sản. Đó có thể là những nghĩa vụ tài sản tương đương với nghĩa vụ theo hợp đồng như bồi thường thiệt hại thực tế. Đó cũng có thể là những nghĩa vụ tài sản bổ sung so với nghĩa vụ theo hợp đồng như tiền phạt, lãi suất tiền chậm thanh toán, khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ… Tuy nhiên, theo pháp luật thực định Việt Nam, có những chế tài không mang tính tài sản như tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng.

3. Mục đích của chế tài trong thương mại

Khi hợp đồng trong hoạt động thương mại được giao kết hợp pháp sẽ phát sinh nghĩa vụ ràng buộc các bên giao kết. Các bên phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên nào vi phạm, bên đó phải chịu trách nhiệm đối với bên bị vi phạm dưới những hình thức chế tài khác nhau. Như vậy, các chế tài trong thương mại trước hết thúc đẩy các nhà kinh doanh tuân thủ khung pháp lý gồm các quy định, thủ tục, tiêu chuẩn, yêu cầu đã được xác định trước và thực hiện hoạt động thương mại trong khuôn khổ đó.

Bên cạnh đó, chế tài trong thương mại có khả năng trừng phạt đối với nhà kinh doanh không thực hiện các nghĩa vụ của mình. Nếu như quy định pháp luật tạo khuôn khổ pháp lý gồm các quy tắc xử sự cho mọi tổ chức, cá nhân và được nhà nước đảm bảo thực hiện, thì trong trường hợp tổ chức, cá nhân nào vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý đó, tức là vi phạm các quy tắc xử sự chung, sẽ phải chịu sự trừng phạt, chịu những hậu quả bất lợi vì hành vi của mình. Nếu vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng thì bên vi phạm cũng phải chịu sự trừng phạt theo quy định của pháp luật và của hợp đồng. Sự trừng phạt do vi phạm hợp đồng này chủ yếu mang tính tài sản, tính bằng tiền, được áp dụng nhằm buộc bên vi phạm phải trả giá cho hành vi vi phạm hợp đồng của mình.

Chế tài trong thương mại có mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại. Nếu bên nào bị vi phạm hợp đồng, bên đó có quyền yêu cầu bên vi phạm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp hoặc bù đắp những thiệt hại mà bên vi phạm đã gây ra do hành vi vi phạm hợp đồng của mình. Đây là mục đích chủ yếu của chế tài trong thương mại vì quan hệ hợp đồng thương mại được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi của các bên; do hợp đồng bị vi phạm dẫn đến quyền và lợi ích của bên bị vi phạm không được đảm bảo nên chế tài được đặt ra chủ yếu nhằm hướng tới khôi phục các quyền và lợi ích bị vi phạm, bù đắp những thiệt hại chứ không phải nhằm mục đích chính là trừng phạt. Pháp luật sẽ can thiệp để đảm bảo những quyền và lợi ích họp pháp này của họ. Nếu bên vi phạm không tự nguyện thi hành thì sẽ có cơ chế cưỡng chế thi hành từ phía các cơ quan nhà nước trên cơ sở các quy định pháp luật.

Ngoài ra, chế tài trong thương mại còn nhằm ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng từ phía các nhà kinh doanh cũng như những người có quan hệ hợp đồng với họ. Các chủ thể hợp đồng lường trước được sự trừng phạt hay hậu quả bất lợi dự kiến sẽ được áp dụng nếu minh có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tuân thủ hợp đồng và chủ động phòng tránh vi phạm.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *