Chủ thể của tội phạm là gì? Cho ví dụ về chủ thể của tội phạm?

[VPLUDVN] Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi được luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

1. Quy định chung về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm đòi hỏi có hai dấu hiệu. Đó là dấu hiệu về năng lực trách nhiệm hình sự và dấu hiệu về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trong đó, năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi của mình và điều khiển được hành vi theo đòi hỏi của xã hội. Năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tuy là hai dấu hiệu độc lập của chủ thể của tội phạm nhưng có quan hệ chặt chế với nhau, trong đó độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là điều kiện của năng lực trách nhiệm hình sự.

Việc quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự một mặt xuất phát từ cơ sở: Con người khi đến độ tuổi nhất định mới có được năng lực trách nhiệm hình sự – năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi theo sự nhận thức đó và chỉ khi có năng lực đó mới có thể buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình; mặt khác, việc quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự còn thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước đối với người chưa thành niên có hành vi phạm pháp. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định ở mỗi nước cũng như ở những thời điểm khác nhau của mỗi quốc gia có thể khác nhau do có sự thay đổi trong chính sách hình sự. Trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực, luật hình sự Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999, tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm là từ đủ 16 tuổi trở lên và tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là từ đủ 14 tuổi trở lên.

Hai dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đòi hỏi phải có ở chủ thể tất cả các tội phạm. Ngoài hai dấu hiệu này, chủ thể của một số tội phạm còn đòi hỏi có thêm dấu hiệu khác. Những chủ thể như vậy được gọi là chủ thể đặc biệt của tội phạm.

2. Chủ thể của tội phạm là gì?

Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể có năng lực trách nhiệm hình sự (năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi và đạt độ tuổi luật định) đã thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, ở một số tội nhất định, chủ thể còn có thêm đặc điểm khác vì chỉ khi có đặc điểm khác chủ thể mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội của các tội này.

3. Yếu tố cấu thành tội phạm

3.1 Các loại khách thể của tội phạm;

Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp tất cả các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại và được Luật hình sự bảo vệ. Theo Luật hình sự Việt Nam, khách thể chung của tội phạm là những quan hệ xã hội được xác định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều gây phương hại đến khách thể chung là một trong những quan hệ xã hội được xác định tại khoản 1 Điều 8. Chính vì vậy, thông qua khách thể chung, chúng ta có thể thấy được nhiệm vụ của Bộ luật hình sự và bản chất giai cấp của nó. Hay nói đúng hơn là thấy được chính sách hình sự của một quốc gia.

– Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất được một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ và bị một nhóm tội phạm xâm hại. Khách thể loại có vai trò quan trọng về mặt lập pháp. Nó là cơ sở để Bộ luật hình sự xây dựng các chương trong phần các tội phạm.

Tội phạm trên thực tế dù rất đa dạng về các mặt chủ thể, chủ quan, khách quan nhưng nếu xâm hại đến các quan hệ xã hội có cùng tính chất sẽ được xếp chung vào một chương. Thông qua việc xem xét các nhóm khách thể nhất định, chúng ta có thể đánh giá được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cụ thể khi trực tiếp xâm hại đến một trong số các khách thể của nhóm.

Việc sắp xếp các chương trong phần các tội phạm dựa theo khách thể loại là hết sức hợp lý và khoa học. Nếu chúng ta sắp xếp theo các cơ sở khác ( chủ quan, chủ thể…) thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiều tội phạm có bản chất rất khác nhau lại nằm cùng một chương. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của từng tội phạm và việc xử lý chúng.

Các tội phạm được quy định trong cùng một chương phần các tội phạm (có cùng khách thể loại) bao giờ cũng xâm hại đến khách thể loại của chúng. Tuy nhiên, từng tội phạm trong một chương đó không phải luôn xâm hại cùng khách thể trực tiếp. Điều đó có nghĩa là mỗi tội phạm có khách thể trực tiếp riêng của nó.

– Khách thể trực tiếp của tội phạm là một hoặc một số quan hệ xã hội cụ thể bị hành vi phạm tội cụ thể xâm hại. Thông qua việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại (xâm hại) đối với khách thể trực tiếp mà tội phạm đã gây phương hại đến khách thể chung và khách thể loại của tội phạm.

3.2 Dấu hiệu trong mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan:

Trong số các dấu hiệu của mặt khách quan, dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm. Nếu không có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không có tội phạm, vì vậy Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ có hành vi nguy hiểm cho xã hội mới gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ. Hành vi nguy hiểm cho xã hội là cách xử sự nguy hiểm của chủ thể, xâm phạm các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Hành vi ấy bị Luật Hình sự cấm.

Hậu quả của tội phạm

– Hậu quả tác hại của tội phạm là một trong các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm, là thiệt hại do hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra cho quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ, gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần.

  • Thiệt hại vật chất là những thiệt hại đo đếm, xác định được mức độ nhất định như chết người, gây thương tích với tỷ lệ % tổn hại sức khỏe, thiệt hại tài sản được quy ra bằng tiền v.v…
  • Thiệt hại tinh thần là những thiệt hại khác mà không xác định được lượng mức độ thiệt hại như tội vu khống, tội làm nhục người khác, tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội v.v. Hậu quả tác hại có ý nghĩa quan trọng để xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Hậu quả tác hại càng lớn thì mức độ nguy hiểm của tội phạm càng cao.

Hậu quả tác hại của tội phạm có ý nghĩa xác định giai đoạn hoàn thành của tội phạm. Tội có cấu thành vật chất được coi là hoàn thành khi hành vi nguy hiểm đã gây ra hậu quả tác hại. Tội có cấu thành hình thức được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội theo quy định của điều luật cụ thể trong Bộ luật Hình sự.

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm là mối quan hệ giữa các hiện tượngtrong đó một hiện tượng được gọi là nguyên nhân (là hành vi khách quan) làm phát sinh một hiện tượng khác là kết quả (là hậu quả của tội phạm).

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Các hình thức lỗi của tội phạm;

– Lỗi cố ý trực tiếp

Lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại Khoản 2, Điều 10 BLHS 2015 theo đó: Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Với khái niệm trên cho thấy lỗi cố ý trực tiếp được thể hiện như sau:

  • Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả tất yếu xẩy ra hoặc có thể xảy ra.
  • Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra.

– Lỗi cố ý gián tiếp

Lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại Khoản 2, Điều 10 BLHS 2015 theo đó: Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Với khái niệm trên cho thấy lỗi cố ý gián tiếp được thể hiện như sau:

  • Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả có thể xảy ra.
  • Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng bỏ mặc không quan tâm đến hậu quả, hậu quả xảy ra như thế nào cũng chấp nhận.

– Lỗi vô ý vì quá tự tin

Lỗi vô ý vì quá tự tin được quy định tại Khoản 1, Điều 11 BLHS 2015, theo đó: Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi của người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Với khái niệm trên cho thấy lỗi vô ý vì quá tự tin được thể hiện như sau:

  • Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả có thể xảy ra.
  • Về ý chí: Người phạm tội loại trừ khả năng hậu quả xảy ra.

– Lỗi vô ý do cẩu thả

  • Về lý trí: Người phạm tội trong lỗi vô ý do cẩu thả do cẩu thả nên không thấy trước hậu quả của hành vi nhưng trong điều kiện phải thấy trước và có thể thấy được hậu quả đó.
    Như vậy, việc người phạm tội không thấy trước hậu quả của hành vi là do nguyên nhân chủ quan từ phía người phạm tội.
  • Về ý chí: Trong lỗi vô ý do cẩu thả người phạm tội không có khả năng điều khiển được hành vi của mình (tức là người phạm tội không có ý chí). Vì về lý trí người phạm tội không nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và cũng không nhận thức được hậu quả của hành vi đó. Mà giữa lý trí và ý trí trong quan hệ tâm lý của người phạm tội là 2 yếu tố có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, lý trí có trước và làm tiền đề, ý chí phụ thuộc vào ý chí. Nếu khi hành động con người không có lý trí (không có khả năng nhận thức) thì không bao giờ có ý chí (không thể có khả năng điều khiển hành vi và hậu quả được).
    Muốn xác định người phạm tội có thể nhận thức được hoặc buộc phải nhận thức được hậu quả đó hay không? phải đặt trong từng hoàn cảnh cụ thể mới có thể đánh giá và kết luận được.

3.4. Chủ thể của tội phạm

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về chủ thể của luật hình sự bao gồm 2 loại: chủ thể của luật hình sự là cá nhân và chủ thể của luật hình sự là pháp nhân thương mại.

4. Ý nghĩa của cấu thành tội phạm

Các yếu tố cấu thành tội phạm ta thấy được ý nghĩa của nó như:

+ Cấu thành tội phạm là một trong những điều kiện quan trọng nhất để định tội danh chính xác. Nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể nào không có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong pháp luật hình sự thì không thể đặt ra vấn đề định tội danh.

+ Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý cần và đủ để truy cứu trách nhiệm người phạm tội. Các cơ quan tư pháp hình sự khi có đầy đủ cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Việc xác định đã có tội phạm được thực hiện chỉ có ý nghĩa khi hành vi nguy hiểm cho xã hội của chủ thể có đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm tương ứng.

+ Cấu thành tội phạm là căn cứ để người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn đúng loại và mức hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

+ Cấu thành tội phạm là yếu tố để đảm bảo cho các quyền con người và tự do của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự đồng thời hỗ trợ việc tuân thủ pháp luật và củng cố trật tự pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay.

5. Cho ví dụ về chủ thể của tội phạm?

Ví dụ: Chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”? Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng phải có chủ thể. Không có chủ thể của tội phạm thì không có tội phạm.

Sưu tầm và Biên tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *