Dấu hiệu (đặc điểm) chung cho tất cả những hành vi bị coi là tội phạm. Bài viết đưa ra các dấu hiệu đặc trưng của tội phạm và phân tích chi tiết từng dấu hiệu tội phạm theo luật hình sự và đưa ra các ví dụ minh họa cụ thể:
1. Tội phạm có các dấu hiệu pháp lý nào ?
Theo Luật hình sự Việt Nam, hành vi bị coi là tội phạm có 4 dấu hiệu là :
1) Nguy hiểm cho xã hội;
2) Có lỗi;
3) Được quy định trong luật hình sự.
4) Phải chịu hình phạt.
Trong bốn dấu hiệu trên, dấu hiệu thứ nhất và dấu hiệu thứ hai là dấu hiệu nội dung và cùng quy định dấu hiệu thứ ba là dấu hiệu về hình thức pháp lí. Ba dấu hiệu này quy định dấu hiệu thứ tư là dấu hiệu hậu quả pháp lí.
Ngoài quan điểm có tính phổ biến trên đây còn có quan điểm thứ hai cho rằng tội phạm chỉ có ba dấu hiệu và quan điểm thứ ba cho rằng tội phạm có năm dấu hiệu.
Theo quan điểm thứ hai và thứ ba thì tính chịu hình phạt chỉ là thuộc tính bên ngoài của tội phạm nên không được coi là một dấu hiệu của tội phạm. Quan điểm thứ ba cho rằng tội phạm còn có hai dấu hiệu khác, đó là người thực hiện phải có năng lực trách nhiệm hình sự và phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
2. Các đặc điểm (dấu hiệu) của tội phạm
Tội phạm, theo luật hình sự Việt Nam, phải là hành vi của con người. Những gì mới chỉ trong tư tưởng, chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi thì không thể là tội phạm. Chỉ qua hành vi của mình, con người mới có thể gây ra thiệt hại, gây ra sự nguy hiểm cho xã hội và những gì trong ý nghĩ, trong tư tưởng của con người cũng chỉ có thể được xác định qua chính những biểu hiện bên ngoài mà trước hết là qua chính hành vi của họ. Trong luật hình sự Việt Nam, sự xác nhận tội phạm chỉ có thể là hành vi được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản. Đó là “nguyên tắc hành vi”.
Trước khi có BLHS đầu tiên, tuy chưa có định nghĩa hoàn chỉnh về khái niệm tội phạm trong luật nhưng cũng đã có nhiều định nghĩa tội phạm trong các sách báo pháp lí. Những định nghĩa này đều đã thể hiện được “nguyên tắc hành vi”.
Ví dụ: Trong cuốn Một sổ vấn đề pháp lí phổ thông Việt Nam (xuất bản năm 1963), tội phạm đã được định nghĩa là hành vi nguy hiểm cho những quan hệ XHCN, chống đối pháp luật, tội lỗi và phải chịu hình phạt (tr. 194).
Từ khi có BLHS đầu tiên (BLHS năm 1985), nguyên tắc này đã được chính thức thể hiện trong luật.
Theo nguyên tắc hành vi, luật hình sự Việt Nam không những không đặt vấn đề TNHS đối với tư tưởng của con người mà còn không đặt vấn đề TNHS đối với cả những biểu hiện của con người ra thế giới khách quan mà không phải là hành vi.
Theo luật hình sự Việt Nam, hành vi bị coi là tội phạm được phân biệt với những hành vi không phải là tội phạm qua các dấu hiệu: Nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong luật hình sự, do người có năng lực TNHS thực hiện và phải chịu hình phạt.
2.1 Đặc điểm nguy hiếm cho xã hội
Tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm. Do có tính nguy hiểm cho xã hội nên hành vi được quy định trong luật hình sự là tội phạm và phải chịu hình phạt. Nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu về nội dung của tội phạm. Dấu hiệu này quy định dấu hiệu về hình thức của tội phạm là dấu hiệu được quy định trong luật hình sự. Những định nghĩa tội phạm có dấu hiệu nguy hiểm cho xã hội được gọi là định nghĩa tội phạm về nội dung. Trái lại, những định nghĩa tội phạm không có dấu hiệu này được gọi là định nghĩa tội phạm về hình thức.
Nguy hiểm cho xã hội bao gồm tính gây thiệt hại về khách quan và tính có lỗi về chủ quan. Trong đó, tính gây thiệt hại có nghĩa là gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đó là:
“… độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,… quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân,… những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật…” (khoản 1 Điều 8 BLHS).
Tính có lỗi tuy là bộ phận hợp thành của tính nguy hiểm cho xã hội nhưng để nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi, BLHS Việt Nam đã tách tính có lỗi thành dấu hiệu độc lập. Do vậy, nội dung về tính có lỗi được trình bày ở phần tiếp theo.
Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là thuộc tính khách quan. Một hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội hay không cũng như tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó ở mức độ nào hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan. Đó có thể là:
– Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại;
– Tính chất của hành vi khách quan, trong đó bao gồm cả thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện hành vi;
– Tính chất, mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra ;
– Tính chất, mức độ lồi;
– Tính chất của động cơ, mục đích phạm tội.
2.2 Đặc điểm có lỗi
Lỗi là thái độ chủ quan của con người đối với hành vi (có tính gây thiệt hại cho xã hội) của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Người thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu họ đã lựa chọn và thực hiện trong khi họ có đủ điều kiện lựa chọn xử sự khác không gây thiệt hại cho xã hội.
Khi xác định “có lỗi” là một dấu hiệu của tội phạm cùng với dấu hiệu “nguy hiểm cho xã hội”, BLHS muốn nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi. Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận việc quy tội khách quan, nghĩa là truy cứu TNHS chỉ căn cứ vào việc một người đã thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà không căn cứ vào lỗi của họ. Việc áp dụng hình phạt không chỉ nhằm mục đích trừng trị mà qua đó còn nhằm mục đích giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa tội phạm xảy ra. Mục đích giáo dục này chỉ có thể đạt được khi hình phạt được áp dụng cho người có lỗi. Đối với người không có lỗi, hình phạt không thể phát huy được tác dụng giáo dục. Do vậy, “có lỗi” phải được xác định là một nguyên tắc của luật hình sự và cần được coi là một dấu hiệu quan trọng của tội phạm.
2.3 Đặc điểm được quy định trong luật hình sự
Theo Điều 8 BLHS, hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ có thể bị coi là tội phạm nếu “… được quy định trong BLHS…”. Như vậy, tính được quy định trong luật hình sự là dấu hiệu đòi hỏi phải có ở hành vi bị coi là tội phạm. Việc xác định tội phạm phải được luật hình sự quy định là sự thừa nhận nguyên tắc đã được ghi nhận ttong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc:
“Không ai bị kết án vì một hành vi mà lúc họ thực hiện luật pháp quốc gia hay quốc tế không coi là tội phạm” (khoản 2 Điều 11).
Trong sự thống nhất với việc xoá bỏ nguyên tắc tương tự và cấm hồi tố, việc khẳng định dấu hiệu này của tội phạm là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc pháp chế.
Trong BLHS, dấu hiệu “được quy định trong luật hình sự” không chỉ được thể hiện ở Điều 8 mà còn được thể hiện ở Điều 2 và Điều 7. Khoản 1 Điều 2 BLHS quy định: “Chi người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu TNHS… Khoản 2 Điều 7 quy định:
“Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vỉ áp dụng án treo, miễn TNHS, loại trừ TNHS, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đổi với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Việc xác định “được quy định trong luật hình sự” là dấu hiệu của tội phạm không những là cơ sở đảm bảo cho việc chổng tội phạm được thống nhất, tránh tuỳ tiện mà còn là động lực thúc đẩy cơ quan lập pháp phải kịp thời bổ sung, sửa đổi luật theo sát sự thay đổi của tình hình tội phạm. Tính được quy định trong luật hình sự tuy chỉ là dấu hiệu về mặt hình thức pháp lí, phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội của tội phạm nhưng vẫn có tính độc lập tương đối và có ý nghĩa quan trọng. Nếu chỉ coi trọng tính nguy hiểm cho xã hội sẽ dễ dẫn đến tình trạng tuỳ tiện trong việc xác định tội phạm. Ngược lại, nếu quá coi trọng tính được quy định trong luật hình sự sẽ dễ dẫn đến tình trạng xác định tội phạm một cách hình thức, máy móc. Nhằm tránh những trường hợp như vậy, khoản 2 Điều 8 BLHS quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kế thì không phải là tội phạm…”.
Luật hình sự Việt Nam coi tính được quy định trong luật hình sự là dấu hiệu của tội phạm nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất mà chỉ là dấu hiệu biểu hiện mặt hình thức pháp lí của tính nguy hiểm cho xã hội – dấu hiệu cơ bản của tội phạm. Hai dấu hiệu – tính nguy hiểm cho xã hội và tính được quy định ttong luật hình sự có quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Dấu hiệu được quy định trong luật hình sự tuy có tính độc lập tương đối nhưng vẫn là dấu hiệu được xác định bởi tính nguy hiểm cho xã hội. Chỉ trên cơ sở thừa nhận tính nguy hiểm cho xã hội, kết hợp tính nguy hiểm cho xã hội và tính được quy định trong luật hình sự mới có thể nhận thức được một cách đầy đủ dấu hiệu được quy định trong luật hình sự.
Hiện nay, theo quy định của BLHS, dấu hiệu “được quy định trong luật hình sự” phải được hiểu là “được quy định trong BLHS” mặc dù dấu hiệu “được quy định trong luật hình sự” có nghĩa rộng hơn vì luật hình sự bao gồm BLHS và các luật khác có quy phạm pháp luật hình sự.
2.4 Đặc điểm “do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện”:
Đây là dấu hiệu về chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là người có năng lực TNHS. Đó là người đủ tuổi chịu TNHS theo quy định của luật và không thuộc trường hợp mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh. Năng lực TNHS là năng lực pháp lí được Nhà nước xác định và thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước. Do có ý nghĩa như vậy nên dấu hiệu về chủ thể cần được coi là một dấu hiệu của tội phạm, mặc dù dấu hiệu này thực ra đã được phản ánh qua dấu hiệu được quy định trong luật hình sự vì ttong nội dung “được quy định” đã có nội dung về chủ thể về dẩu hiệu chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, BLHS năm 2015 còn xác định pháp nhân thương mại cũng là một chủ thể bên cạnh chủ thể “người có năng lực trách nhiệm hình sự”, về thực chất, pháp nhấn thương mại chỉ là chủ thể của TNHS đối với tội phạm do cá nhân thực hiện nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân thương mại… như Điều 75 BLHS đã xác định. Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ có thể là cá nhân “Mọi hoạt động của pháp nhân được tiến hành (đều) thông qua hành vi của những cá nhân …”.
Tuy nhiên, khi pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện thì pháp nhân thương mại cũng có thể bị coi là đã thực hiện tội phạm và như vậy, pháp nhân thương mại cũng có thể bị coi là chủ thể thực hiện tội phạm.
2.5 Đặc điểm phải chịu hình phạt
Tính chịu hình phạt là dấu hiệu của tội phạm nhưng không phải là thuộc tính bên trong của tội phạm như các dấu hiệu trên. Do vậy, Điều 8 BLHS năm 1999 không đề cập dấu hiệu này trong định nghĩa tội phạm. Hành vi bị coi là tội phạm vì về nội dung, có tính nguy hiểm cho xã hội và về hình thức, được quy định trong luật hình sự chứ không phải vì có tính chịu hình phạt. Ngược lại, hành vi sở dĩ có tính chịu hình phạt vì là tội phạm – vì nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong luật hình sự. Như vậy, tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu kèm theo của tính nguy hiểm cho xã hội và tính được quy định trong luật hình sự. Tính nguy hiểm cho xã hội vừa là cơ sở của việc phân hoá tính chịu hình phạt trong luật vừa là cơ sở để cá thể hoá hình phạt trong áp dụng luật hình sự. Tính chịu hình phạt được coi là dấu hiệu của tội phạm vì nó được xác định bởi chính những thuộc tính khách quan bên trong của tội phạm. Chỉ có hành vi phạm tội mới phải chịu biện pháp trách nhiệm là hình phạt; không có tội phạm thì cũng không có hình phạt. Đây là lí do để coi “phải chịu hình phạt” là một đặc điểm của tội phạm. BLHS năm 2015 bổ sung đặc điểm “phải bị xử lí hình sự” trong định nghĩa khái niệm tội phạm tại Điều 8 mà không sử dụng đặc điểm “phải chịu hình phạt” vì cho rằng biện pháp xử lí hình sự không chỉ là hình phạt mà còn gồm cả các biện pháp hình sự phi hình phạt. Tuy nhiên, hình phạt vẫn là biện pháp xử lí hình sự cơ bản có tính đặc trưng. Xét về bản chất, đặc điểm “phải bị xử lí hình sự” và đặc điểm “phải chịu hình phạt” không có sự khác nhau. Đặc điểm “phải bị xử lí hình sự” phản ánh bao quát hơn còn đặc điểm “phải chịu hình phạt” phản ánh được nội dung chính có tính đặc trưng, cụ thể của biện pháp hình sự.
Nói tội phạm có tính chịu hình phạt có nghĩa là bất cứ hành vi phạm tội nào, do tính nguy hiểm cho xã hội cũng đều bị đe dọa phải chịu hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước có tính nghiêm khắc nhất trong hệ thống những biện pháp cưỡng chế nhà nước. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc áp dụng và thi hành trong thực tế hình phạt cụ thể là có tính chất bắt buộc tuyệt đối cho mọi trường hợp phạm tội. Trong thực tế vẫn có trường hợp người phạm tội không phải chịu hình phạt. Đó là những trường hợp có tội nhưng được miễn TNHS, được miễn hình phạt hoặc được miễn chấp hành hình phạt…
Vì có những trường hợp không phải chịu hình phạt như vậy nên có thể có ý kiến cho rằng không nên coi tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu của tội phạm. Quan niệm như vậy sẽ không thấy được mối liên hệ giữa tội phạm và hình phạt. Trong các hành vi của con người, chỉ có tội phạm là hành vi có thể bị áp dụng hình phạt. Có thể có tội mà không phải chịu hình phạt nhưng không thể áp dụng hình phạt khi không có tội. Nếu không coi tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu của tội phạm thì sẽ không thấy được hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất luôn gắn liền với tội phạm. Trong những trường hợp được miễn TNHS, được miễn hình phạt hoặc được miễn chấp hành hình phạt, người phạm tội tuy không phải chịu hình phạt nhưng không có nghĩa tội phạm mà họ thực hiện không có tính chịu hình phạt mà trái lại, khả năng đe dọa phải chịu hình phạt vẫn có. Người phạm tội không phải chịu hình phạt vì đã được miễn với những lí do khác nhau. Đó là những lí do đã được quy định trong các điều 29, 59, 62 và 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như vậy, nói tội phạm có tính chịu hình phạt có nghĩa là bẩt cứ hành vi phạm tội nào cũng đều bị đe dọa có thể phải chịu biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt.
Với việc thừa nhận TNHS của pháp nhân thương mại, tính chịu hình phạt không chỉ đối với chủ thể thực hiện tội phạm mà còn đối với cả pháp nhân thương mại khi pháp nhân thương mại có quan hệ nhất định với tội phạm và người phạm tội theo quy định của Điều 75 BLHS.
Sưu tầm và Biên soạn