Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại

[VPLUDVN] Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật TTTM (hiện là Luật TTTM năm 2010). Có hai hình thức Trọng tài là: Trọng tài quy chế (hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm Trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài đó) và Trọng tài vụ việc (hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận).

Thế nào là Trọng tài thương mại (TTTM)?

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật TTTM. Cụm từ “do các bên thoả thuận” nghĩa là TTTM chỉ giải quyết tranh chấp khi các bên trong tranh chấp thống nhất lựa chọn TTTM để giải quyết tranh chấp cho mình (mà không chọn phương thức khác). Nếu các bên không thống nhất lựa chọn TTTM thì TTTM không có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp các bên đã thống nhất lựa chọn TTTM là phương thức giải quyết tranh chấp thì các cơ quan khác (ví dụ như Tòa án) không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp đó.

Thỏa thuận Trọng tài là gì?

Thoả thuận Trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Như vậy, khi các bên giao kết hợp đồng (khi đó, tranh chấp chưa xảy ra), các bên có thể xác định phương thức giải quyết tranh chấp bằng TTTM ngay trong hợp đồng hoặc bằng một văn bản riêng. Nếu chưa xác định phương thức giải quyết tranh chấp tại hợp đồng vào thời điểm ký kết, hoặc đã xác định một phương thức khác, khi có tranh chấy xảy ra, các bên vẫn có thể thỏa thuận thống nhất chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng TTTM. Khi đó, Thỏa thuận Trọng tài này phải được lập thành một văn bản riêng.

Thông thường, các Trung tâm TTTM đều có soạn thảo mẫu điều khoản Trọng tài (được công bố trên website) để các bên có thể sử dụng đưa vào trong hợp đồng của mình nhằm đảm bảo tính thống nhất và tránh khả năng Thỏa thuận Trọng tài có thể bị vô hiệu.

Thỏa thuận Trọng tài có thể bị vô hiệu nếu: (1) Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của TTTM; (2) Người xác lập Thoả thuận Trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (3) Người xác lập Thoả thuận Trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; (4) Hình thức của Thoả thuận Trọng tài không phù hợp với quy định của Luật này (phải bằng văn bản, có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản Trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng); (5) Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập Thoả thuận Trọng tài và có yêu cầu tuyên bố Thoả thuận Trọng tài đó là vô hiệu; và (6) Thỏa thuận Trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

TTTM có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp nào?

Những tranh chấp sau đây có thể được giải quyết theo phương thức TTTM: (1) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (2) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại và (3) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

TTTM giải quyết tranh chấp dựa trên những nguyên tắc nào?

TTTM phải tuân theo các nguyên tắc sau đây khi giải quyết tranh chấp: (1) Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội; (2) Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật; (3) Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng Trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; (4) Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; và (5) Phán quyết Trọng tài là chung thẩm.

Phán quyết của TTTM có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên tranh chấp không?

Như đã nêu, một trong những nguyên tắc giải quyết tranh chấp của TTTM là Phán quyết Trọng tài là chung thẩm. Theo đó, sau khi giải quyết tranh chấp, TTTM sẽ ban hành Phán quyết, và Phán quyết này sẽ không bị kháng cáo hay kháng nghị để xét lại theo thủ tục Phúc thẩm như tố tụng Tòa án.

Tuy nhiên, lưu ý quan trọng là: Phán quyết Trọng tài có thể được Tòa án xem xét hủy nếu thuộc trường hợp luật định. Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Phán quyết Trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng Trọng tài đã ra Phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định của Luật này, thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ Phán quyết Trọng tài. Trường hợp gửi đơn quá hạn vì sự kiện bất khả kháng thì thời gian có sự kiện bất khả kháng không được tính vào thời hạn yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài.

Các trường hợp Phán quyết Trọng tài bị hủy:

  1. Không có Thoả thuận Trọng tài hoặc Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu;
  2. Thành phần Hội đồng Trọng tài, thủ tục tố tụng Trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
  3. Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài; trường hợp Phán quyết Trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
  4. Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng tài căn cứ vào đó để ra Phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của Phán quyết Trọng tài;
  5. Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Làm thế nào để đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại TTTM?

Khi có tranh chấp xảy ra, và khi đã có Thỏa thuận Trọng tài có hiệu lực, một trong các bên tranh chấp có quyền chủ động gửi đơn kiện đến Trung tâm TTTM mà các bên đã thống nhất lựa chọn. Mẫu đơn kiện, thủ tục tố tụng có thể khác nhau giữa các Trung tâm TTTM.

Thủ tục tố tụng Trọng tài thương mại như thế nào?

Thủ tục tố tụng do các bên thỏa thuận hoặc lựa chọn áp dụng theo quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài mà mình đã chọn.

       Một số đặc điểm của tố tụng TTTM:

  • Hội đồng Trọng tài: Trừ khi có thỏa thuận khác, Hội đồng Trọng tài sẽ có 03 thành viên, 01 do Nguyên đơn chọn, 01 do Bị đơn chọn và 01 do 02 Trọng tài viên này thống nhất chọn. Các bên tranh chấp cũng có thể thống nhất chọn 01 Trọng tài viên duy nhất để giải quyết vụ tranh chấp.
  • Ngôn ngữ: Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng Trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng Trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng Trọng tài do Hội đồng Trọng tài quyết định.
  • Địa điểm: Các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp; trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng Trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
  • Luật áp dụng: Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất.

Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *