Hậu quả pháp lí của ly hôn

1.1. Quan hệ nhân thân

Quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Các bên có thể kết hôn với người khác nếu đáp ứng đủ điều kiện kết hôn. Kể từ thời điểm này, các quyền và nghĩa vụ vợ chồng đương nhiên chấm dứt.

1.2. Quan hệ tài sản

Quan hệ tài sản giữa hai vợ chồng: Khi ly hôn, tài sản riêng của bên nào thuộc sở hữu bên đó.

Về vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng:

+ Hai vợ chồng hoàn toàn có thể tự thỏa thuận về vấn đề chia tài sản chung.

+ Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản.

Theo Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

1.3. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con

1.3.1. Vấn đề giành quyền trực tiếp nuôi con

Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, nếu như hai bên không thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án căn cứ vào một số điều kiện để quyết định ai là người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng:

Thứ nhất, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Thứ hai, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Trong trường hợp của bạn, con bạn đã 8 tuổi nên Tòa cũng phả xem xét đến nguyện vọng của con muốn ở với cha hay với mẹ

Thứ ba, căn cứ vào vấn đề vật chất: Tòa án sẽ căn cứ vào các khả năng tài chính của cha, mẹ có ổn định hay khả năng có thể đáp ứng được cuộc sống tốt cho con như vấn đề về chỗ ở, đi lại, điều kiện học tập…..

Thứ tư, căn cứ vào các yếu tố tinh thần như: đạo đức,lỗi sống của cha mẹ; thời gian chăm sóc con cái; trình độ học vấn của cha,mẹ; cha mẹ có các hành vi vi phạm pháp luật hay không.

Như vậy, vấn đề trực tiếp nuôi con trước hết hai vợ chồng cần có thỏa thuận với nhau. Nếu như hai bên không thể thỏa thuận thì nếu muốn giành quyền trực tiếp nuôi con hai bên phải thực hiện việc chứng minh mình có đủ các điều kiện trên để thực hiện việc nuôi con thì Tòa sẽ ra quyết định việc trực tiếp nuôi con thuộc về ai.

1.3.2. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn

– Đối với con cái

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn:

  1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
  2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, sau khi ly hôn, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ trông mon, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi theo quy định của pháp luật.

– Đối với người không trực tiếp nuôi con :

Người không trực tiếp nuôi dưỡng con có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm:

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

– Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

1.4. Quan hệ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn

1.4.1. Trường hợp được cấp dưỡng giữa vợ và chồng

Theo khoản 24 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.”

Điều 115 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng được thực hiện trong trường hợp: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.”

Theo đó, khi ly hôn nếu một bên vợ hoặc chồng có khó khăn, túng thiếu và có lý do chính đáng thì bên còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng tùy thuộc vào khả năng của mình. Bên nào có yêu cầu nghĩa vụ cấp dưỡng thì bên đó có nghĩa vụ phải chứng minh được sự khó khăn, túng thiếu của mình.

Thực tế, Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn là một bên có khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng. Vấn đề là, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, không có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là khó khăn, túng thiếu và lý do thế nào được coi là chính đáng. Do vậy, khi giải quyết các tình huống trên thực tế, người áp dụng pháp luật sẽ gặp khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý, nên trong nhiều trường hợp, người có yêu cầu cấp dưỡng tự do yêu cầu việc cấp dưỡng và việc xét xử trong nhiều vụ án mặc dù có tình tiết tương tự nhưng lại không nhất quán. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng có thể phát sinh ngay cả khi hôn nhân đang tồn tại, khi có những điều kiện sau:

– Khi vợ, chồng không sống cùng và sống xa nhau, vì nhiều ý do như điều kiện công tác, mâu thuẫn về tình cảm nhưng không muốn ly hôn mà chỉ muốn ở riêng (hình thức ly thân), do đó, xin chia tài sản chung…

– Trong điều kiện sống xa nhau mà một bên vợ hoặc chồng lâm vào tình trạng túng thiếu, khó khăn do bị tai nạn, mất sức lao động, ốm đau, sinh đẻ… Sự túng thiếu, khó khăn đó phải có lý do chính đáng thì mới có cơ sở buộc người kia phải cấp dưỡng.

– Tài sản chung của vợ, chồng không có hoặc có nhưng không đủ để đảm bảo cuộc sống bình thường của người túng thiếu, khó khăn. Trong khi đó, người vợ hoặc người chồng có tài sản riêng. Ví dụ: Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, toàn bộ tài sản chung được chia hết, hai vợ chồng ở riêng. Người vợ bị bệnh hiểm nghèo phải sử dụng hết số tiền được chia nhưng vẫn không đủ, do phải điều trị lâu dài. Trong trường hợp này, người chồng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Do đó, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng vẫn có thể phát sinh khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân chứ không nhất thiết chỉ khi ly hôn. Tuy nhiên, trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 lại chưa quy định cụ thể. Việc cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi hôn nhân đang tồn tại tuy ít khi xảy ra vì vợ, chồng đã trực tiếp chăm sóc nhau bằng tài sản chung nhưng trong trường hợp đặc biệt như đã phân tích, sự cấp dưỡng cho một bên vợ hoặc chồng ở xa, gặp khó khăn lại là cần thiết. Do đó, khi hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cần có những quy định cụ thể và đầy đủ hơn về vấn đề này để thống nhất giải quyết trong thực tiễn xét xử.

1.4.2. Mức cấp dưỡng giữa vợ và chồng

Theo Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

1.4.3. Phương thức cấp dưỡng

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

1.4.4. Thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng 

Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn chấm dứt khi bên được cấp dưỡng kết hôn với người khác.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *