Khi trao đổi, nếu tài sản đem trao đổi có giá trị khác nhau, các bên phải thanh toán phần chênh lệch cho nhau. Trong thực tế, có Trường hợp một bên có tài sản giá trị lớn hơn tài sản của bên kia nhưng các bên trao đổi cho nhau mà không tính đền bù phần chênh lệch. Điều này phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên.

– Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng có mục đích là chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Thông thường, hợp đồng mua bán tài sản là dùng tiền để có vật; còn hợp đồng trao đổi tài sản là dùng vật đổi vật.Vật trong hợp đồng trao đổi thường là vật đặc định vì sẽ không có ý nghĩa gì nếu các bên trao đổi vật cùng loại với nhau.Liên quan đến tài sản là tiền, có quan điểm cho rằng, tiền không thể là đối tượng của hợp đồng trao đổi vì tiền luôn được coi là công cụđịnh giá các loại tài sản khác và không ai mang tiền đổi lấy tiền. Đây là quan điểm không chính xác, trên thực tế, việc mang Việt Nam đồng đi đổi ngoại tệ (chủ yếu là đổi lấy Đô la) bản chất chính là hợp đồng trao đổi tài sản mà đối tượng trao đổi là tiền (trao đổi nội tệ với ngoại tệ)

– Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng song vụ, có đền bù. Tính chất song vụ của hợp đồng trao đổi tài sản được thể hiện ở việc cả hai bên trong hợp đồng trao đổi đều có nghĩa vụ đối với nhau.Đây là hợp đồng có đền bù vì các bên đều có lợi ích vật chất phát sinh từ hợp đồng.

– Hình thức của hợp đồng trao đổi phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định. Hợp đồng trao đổi có thể được giao kết bằng hành vi, lời nói hoặc văn bản. Trong trường hợp luật quy định hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký thì phải tuân thủ theo đúng hình thức đó. Ví dụ: Điều 121 Luật nhà ở năm 2014 quy định: “Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản…”. Hợp đồng về nhà ở là thuật ngữ pháp lý chung bao gồm cả hợp đồng đổi nhà.

– Về nguyên tắc, người trao đổi tài sản phải là chủ sở hữu của tài sản hoặc người có quyền khác được thực hiện việc trao đổi với tài sản như người được chủ sở hữu ủy quyền. Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đây là những trường hợp bên trao đổi không được quyền thực hiện hành vi trao đổi tài sản với người khác nhưng vẫn tiến hành định đoạt đối với tài sản. Ví dụ: A mượn chiếc xe đạp của hàng xóm. Sau đó, A mang chiếc xe đạp này đi trao đổi với B lấy chiếc điện thoại di động. Khi B phát hiện ra chiếc xe đạp không thuộc sở hữu của A thì B có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng trao đổi.

Quy định này không thực sự triệt để vì chưa quan tâm đến ý chí của các bên trong hợp đồng trao đổi. Vì có những trường hợp bên kia biết được tài sản không thuộc sở hữu của bên trao đổi nhưng vẫn cố ý thực hiện trao đổi thì giải quyết như thế nào? Đây vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa được ghi nhận cụ thể trong điều luật này.

– Hợp đồng trao đổi được coi là hợp đồng mua bán kép. Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Do đó, hầu hết các quy định về mua bán tài sản cũng được áp dụng cho hợp đồng trao đổi tài sản, cụ thể: Các quy định về hợp đồng mua bán tài sản từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến điều 449 và điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đông trao đổi tài sản. Chỉ có các điều luật sau quy định về hợp đồng mua bán nhưng không áp dụng cho hợp đồng trao đổi tài sản: Điều 440 về Nghĩa vụ trả tiền, Điều 450 về mua bán quyền tài sản, Điều 451 về bán đấu giá tài sản, Điều 452 về mua sau khi sử dụng thử, Điều 453 về mua trả chậm, trả dần. Những quy định này không áp dụng cho hợp đồng trao đổi vì đây là những quy định mang tính chất đặc thù chỉ có thể áp dụng cho hợp đồng mua bán tài sản.

3. Đối tượng, hình thức của hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng trao đổi rất đa dạng, phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên, đối tượng có thể là vật cùng loại, vật không cùng loại. Tuy nhiên, trong thực tế, đối tượng của hợp đồng trao đổi tài sản thường là vật cùng loại, có thể là động sản hoặc bất động sản. Tuỳ thuộc vào đối tượng của hợp đồng mà hình thức của hợp đồng có thể bằng miệng, văn bản hoặc văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

4. Đặc điểm pháp lí của hợp đồng trao đổi tài sản

4.1 Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng có đền bù

Hợp đồng trao đổi là sự trao đổi tài sản và quyền sở hữu của hai bên cho nhau. Các vật đem trao đổi là các lợi ích mà các bên hướng tới. Vì vậy, nếu trao đổi không đúng đối tượng sẽ gây thiệt hại cho bên kia. Khi các bên nhận được đầy đủ tài sản trao Ổổi thì hợp đồng chấm dứt.

Có thể coi hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng “mua bán” đặc biệt. Tính chất ngang giá là bản chất của hợp đồng ttao đổi và luôn luôn đóng vai trò quyết định giữa giá trị của các vật là đối tượng của hợp đồng trao đổi tài sản. Tuy nhiên, các bên có thể trao đổi vật khác giá trị và tính đền bù chênh lệch.

4.2 Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng song vụ

Sau khi các bên giao kết hợp đồng, mỗi bên đều có quyền và có nghĩa vụ đối với bên kia. Các bên đều có quyền yêu cầu bên kia chuyển vật và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nếu tài sản phải đăng kí quyền sở hữu. Các bên đều có nghĩa vụ chuyển vật cho nhau. Ngoài ra, nếu có chênh lệch giá trị thì bên có tài sản giá trị lớn hơn có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên

Trong hợp đồng trao đổi tài sản, mỗi bên đều được coi là người bán và người mua. Do vậy, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong mỗi quan hệ được xác định theo hợp đồng mua bán tài sản.

Các bên đều có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng các tài sản của mình đúng như đã thoả thuận, phải bảo đảm quyền sở hữu về tài sản của mình cho bên kia. Quyền sở hữu của mỗi bên được xác lập đối với tài sản của bên kia kể từ khi các bên tiếp nhận tài sản của nhau. Trong Trường hợp tài sản trao đổi chênh lệch về giá trị thì các bên phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 456 Bộ luật dân sự năm 2015).

Đối tượng của hợp đồng trao đổi là bất động sản hoặc tài sản phải đăng kí quyền sở hữu thì quyền sở hữu của các bên phát sinh đối với tài sản của mỗi bên kể từ thời điểm đăng kí quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời điểm xác lập quyền sở hữu cũng chính là thơi điểm chấm dứt hợp đồng trao đổi tài sản.

Khi có tranh chấp về hợp đồng trao đổi tài sản, cần phải áp dụng các quy định về hợp đồng trao đổi tài sản. Ngoài ra, còn phải áp dụng các quy định về hợp đồng mua bán tài sản để giải quyết.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.