[VPLUD] Hủy việc kết hôn trái pháp luật là việc Tòa án tuyên bố việc kết hôn là trái pháp luật và quyết định những người kết hôn phải chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật. và các vấn đề pháp lý khác liên quan đến hủy việc đăng ký kết hôn sẽ được luật sư tư vấn, phân tích cụ thể:
Hủy việc kết hôn trái pháp luật là biện pháp chế tài của Luật hôn nhân và gia đình đối với trường hợp nam nữ kết hôn nhưng không tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn. Do vậy, căn cứ để hủy việc kết hôn trái pháp luật là sự vi phạm một trong các điều kiện kết hôn. Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật khi có yêu cầu của các cá nhân, cơ quan, tổ chức do pháp luật quy định. Kể từ ngày Toà án ra quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật, các bên kết hôn phải chấm dứt cuộc sống chung trái pháp luật. Biện pháp huỷ việc kết hôn trái pháp luật chính là biện pháp tiêu hôn trước đây.
1. Khái niệm kết hôn trái pháp luật
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, kết hôn trải pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyển nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn.
Như vậy, chỉ coi là kết hôn trái pháp luật khi hai bên nam nữ đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật nhưng không tuân thủ một trong các điều kiện kết hôn luật định. Ví dụ như chưa đến tuổi kết hôn, hay có dấu hiệu cưỡng ép, cản trở kết hôn… Trường hợp hai bên nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn hoặc trường hợp đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền cũng là việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kết hôn nhưng không được xác định là kết hôn trái pháp luật. Việc phân biệt này có ý nghĩa trong việc lựa chọn hình thức xử lý đối với từng trường hợp vi phạm.
2. Khái niệm hủy việc kết hôn trái pháp luật
Kết hôn trái pháp luật ảnh hưởng đến lợi ích của người kết hôn, lợi ích của gia đình và xã hội. Vì thế, cần phải có những biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm góp phần đảm bảo cho các điều kiện kết hôn được tuân thủ một cách chặt chẽ. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014, kết hôn trái pháp luật sẽ bị xử hủy.
Hủy việc kết hôn trải pháp luật là biện pháp chế tài được áp dụng đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật, thể hiện thải độ của Nhà nước về việc không thừa nhận giá trị pháp lý của quan hệ hôn nhăn.
Theo quy định của pháp luật, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật. Khi Tòa án ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Giấy chứng nhận kết hôn mà hai bên được cấp trước đó không có giá trị pháp lý. Do đó, hai bên nam nữ không phải là vợ chồng của nhau, họ buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Vì vậy, Tòa án phải gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn cho hai bên nam nữ bản sao quyết định của Tòa án về hủy việc kết hôn trái pháp luật để cơ quan này ghi vào Sổ hộ tịch.
3. Căn cứ chung để xử hủy việc kết hôn trái pháp luật
Trên cơ sở yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án xem xét và xử lý việc kết hôn trái pháp luật. Khi hủy việc kết hôn trái pháp luật phải dựa trên những căn cứ sau:
– Nam, nữ kết hôn khi chưa đến tuổi kết hôn luật định;
– Việc kết hôn không đảm bảo sự tự nguyện;
– Người mất năng lực hành vi dân sự nhưng vẫn kết hôn;
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác;
– Những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc những người có họ trong phạm vi ba đời kết hôn với nhau;
– Cha mẹ nuôi kết hôn với con nuôi; những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng mà lại kết hôn với nhau;
– Hai người cùng giới tính kết hôn với nhau.
Như vậy, chỉ cần có một dấu hiệu vi phạm nêu trên thì Tòa án đã có căn cứ để xử hủy việc kết hôn trái pháp luật. Do vậy, khi nhận được đơn yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải kiểm tra, xác minh cụ thể để xử lý việc kết hôn trái pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.
4. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật. Vì vậy, về nguyên tắc, Tòa án chỉ giải quyết khi có đơn khởi kiện của các cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định có quyền khởi kiện đối với việc kết hôn trái pháp luật. Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 thì những người có quyền yêu cầu khởi kiện bao gồm:
– Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn;
– Vợ, chồng, cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người kết hôn trái pháp luật;
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ.
Như vậy, diện những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật rất rộng. Người có quyền yêu cầu không chỉ là cá nhân mà còn là các cơ quan, tổ chức thực hiện quyền yêu cầu với tư cách là người phản biện xã hội, phát hiện và yêu cầu xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kết hôn. Quy định như vậy phù hợp với thực tế, phòng ngừa tình trạng kết hôn trái pháp luật. Bởi vì, nhiều người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật sẽ hạn chế được tình trạng che giấu hành vi vi phạm, góp phần phòng ngừa vi phạm, bảo vệ quyên và lợi ích của cá nhân, gia đình và xã hội.
5. Xử lý đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014, về nguyên tắc Tòa án nhân dân có quyền hìủy việc kết hôn trái pháp luật khi có yêu cầu. Tuy nhiên, hủy việc kết hôn trái pháp luật mang lại những hậu quả bất lợi-đối với bản thân người kết hôn. Do đó, xử lý việc kết hôn trái pháp luật cần phải được cân nhắc một cách thận trọng. Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 thì tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, nếu hai bên đều đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật và yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân. Trường họp này quan hệ hôn nhân chỉ được xác lập kể từ thời điểm các bên có đủ điều kiện kết hôn. Theo quy định của pháp luật, bản sao quyết định này cũng phải gửi cho cơ quan thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào Sổ hộ tịch.
Như vậy, việc công nhận quan hệ hôn nhân chỉ được đật ra đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật khi tại thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đều đã đủ điều kiện kết hôn luật định và cả hai bên đều yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân cho họ. Có thể xác định đây là hai điều kiện cần và đủ để Tòa án công nhận hôn nhân đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật. Từ sự phân tích trên đây, có thể rút ra các trường hợp Tòa án ra quyết định xử hủy việc kết hôn trái pháp luật gồm:
– Trường hợp tại thời điểm yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà một bên hoặc cả hai bên vẫn vi phạm điều kiện kết hôn;
– Trường hợp tại thời điểm có yêu cầu cả hai bên đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng một hoặc cả hai bên không yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân.
Như vậy, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, xử lý việc kết hôn trái pháp luật mặc dù thể hiện rõ tính chất chế tài nhưng cũng có những điểm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn xử lý việc kết hôn trái pháp luật. Bởi vì, suy cho cùng khi tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm không còn nữa thì việc không áp dụng biện pháp xử hủy là phù hợp.
Xử lý việc kết hôn trái pháp luật theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 sẽ được áp dụng để xử lý đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật xác lập từ ngày 01/01/2015 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực pháp luật). Các trường hợp kết hôn trái pháp luật xảy ra trước ngày 01/01/2015 theo quy định tại Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 sẽ áp dụng pháp luật tại thời điểm xác lập để giải quyết. Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các vãn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng Luật này vẫn được áp dụng để giải quyết đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật xác lập trước ngày 01/01/2015.
6. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật
Theo Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải giải quyết các vấn đề sau:
– Về quan hệ nhân thân:
Theo quy định của pháp Luật Hôn nhân và gia đình về nguyên tắc, Nhà nước không thừa nhận hai người kết hôn trái pháp luật là vợ chồng. Vì vậy, giữa họ cũng không tồn tại quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Kể từ ngày quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật có hiệu lực pháp luật, hai bên kết hôn phải chấm dứt việc quan hệ như vợ chồng.
– Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên kết hôn trái pháp luật:
Vì việc kết hôn trái pháp luật bị xử hủy nên hai người không được thừa nhận là vợ chồng, giữa họ không phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Do vậy, khi giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và họp đồng giữa hai người kết hôn trái pháp luật được giải quyết như trường hợp các bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng.
Theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 thì quan hệ tài sản, nghĩa vụ và họp đồng được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, đối với vấn đề tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên kết hôn trái pháp luật trước tiên, Tòa án đề cao sự thỏa thuận của hai bên kết hôn trái pháp luật. Tòa án chỉ xem xét giải quyết khi hai bên không thỏa thuận được và có yêu cầu. Căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật có liên quan, Tòa án giải quyết theo nguyên tắc: Tài sản riêng của mỗi bên sẽ thuộc về người đó nhưng người có tài sản riêng phải chứng minh được đó là tài sản riêng của mình. Nếu người có tài sản riêng không chứng minh được, đó là tài sản riêng của họ thì tài sản này được xác định là tài sản chung của hai người. Tài sản chung của hai người được chia căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên. Khi chia phải đảm bảo quyền, lợi ích họp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì cuộc sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Như vậy, việc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng đối với trường họp kết hôn trái pháp luât theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thể hiện rõ tính chất chế tài trong việc xử hủy việc kết hôn trái pháp luật. Hai người kết hôn trái pháp luật phải chấp nhận những hậu quả bất lợi nhất định về việc giải quyết vấn đề tài sản bởi vì họ không được thừa nhận là vợ chồng.
– Quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ, con
Việc Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Bởi vì, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con được pháp luật quy định không phụ thuộc vào tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân giữa cha mẹ. Dù quan hệ hôn nhân của cha mẹ không được Nhà nước thừa nhận thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con vẫn được pháp luật bảo vệ như trường hợp cha mẹ có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Vì vậy, khi hủy việc kết hôn trái pháp luật, các vấn đề liên quan đến con chung của hai người kết hôn trái pháp luật được giải quyết giống như khi vợ chồng ly hôn. Do đó, Tòa án phải căn cứ vào các Điều 81, 82, 83 và 84 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 để xem xét và quyết định về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con.
7. Xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền và giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
7.1 Xử lý việc đăng kỷ kết hôn không đúng thầm quyền
Đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền là việc đăng ký kết hôn không được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn. Ví dụ, ủy ban nhân dân xã A thực hiện việc đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ nhưng cả hai bên nam, nữ đều không cư trú tại xã A.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền được xử lý như sau: Khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn trước (Điều 13).
Như vậy, khác với hủy việc kết hôn trái pháp luật, cơ quan có thẩm quyền xử lý việc kết hôn không đúng thẩm quyền không phải là Tòa án nhân dân. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kết hôn sẽ thu hồi lại Giấy chứng nhận kết hôn cấp không đúng thẩm quyền. Để xử lý linh hoạt đối với việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền, việc quy định yêu cầu hai bên kết hôn thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cần thiết. Quy định này bảo vệ được quyền, lợi ích cho người kết hôn. Tuy nhiên, nếu đăng ký kết hôn lại mà quan hệ hôn nhân lại được xác lập kể từ lần kết hôn trước theo như quy định tại Điều 13 sẽ nảy sinh điểm bất cập. Giả sử, người kết hôn không chỉ đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền mà còn vi phạm điều kiện kết hôn thì khi đăng ký kết hôn lại, quan hệ hôn nhân được thừa nhận kể từ lần đăng ký kết hôn trước là không phù hợp. Bởi vì như vậy cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận quan hệ hôn nhân ngay cả khi họ vi phạm điều kiện kết hôn. Khắc phục điểm mâu thuẫn này, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình chỉ rõ: Trường hợp nam, nữ có đăng ký kết hôn nhưng việc kết hôn đăng ký tại không đúng cơ quan có thẩm quyền (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) mà có yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng Điều 9 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ đồng thời hủy Giấy chứng nhận kết hôn và thông báo cho cơ quan hộ tịch đã đăhg ký kết hôn để xử lý theo quy định tại Điều 13 của Luật hôn nhân và gia đình. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ đối với con; tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 cùa Luật hôn nhân và gia đình (Điểm 3 Điều 3).
Như vậy, có thể thấy hướng dẫn trên đã khắc phục được điểm mâu thuẫn ưong quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc xử lý đối với trường hợp đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, hướng dẫn này lại bộc lộ điểm không phù hợp về hình thức bởi vì nếu áp dụng tinh thần của Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP để giải quyết việc kết hôn không đúng thẩm quyền thì Thông tư này đã có hiệu lực cao hơn cả Luật Hôn nhân và gia đình.
7.2 Xử lý trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kỷ kết hôn
Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Việc kết hôn không được đãng ký theo quy định của pháp luật thì không có giá trị pháp lý. Vì vậy, đối với các trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn sẽ được giải quyết như sau:
– Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
– Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Như vậy, trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, nếu có yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản và con chung thì áp dụng các Điều 15, 16 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 để giải quyết. Theo quy định này, việc giải quyết vấn đề con chung và tài sản của hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng cũng giống như trường hợp hủy việc kết hôn trái pháp luật. Bởi vì, xét về bản chất hai bên nam nữ trong hai trường hợp này đều không được thừa nhận là vợ chồng.
– Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng
ký kết hôn trước ngày 01/01/2015 thì áp dụng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng Luật này để giải quyết.
8. Xử lý theo Luật Hình sự
Xử lý theo Luật Hình sự không chỉ được đặt ra đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật mà còn đặt ra đối với cả những trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn vi phạm các điều cấm. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự chỉ được đặt ra khi hành vi vi phạm cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại Chương XV Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017,-các tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình bao gồm:
– Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181);
– Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182);
– Tội tổ chức tảo hôn (Điều 183);
– Tội loạn luân (Điều 184).
Nhìn chung, các tội trên đều thuộc nhóm tội ít nghiêm trọng. Hình phạt được áp dụng đối với các tội này không cao. Hình phạt tù áp dụng cho các tội này dao động trong khoảng 2 đến 5 năm (Mức cao nhất của khung hỉnh phạt áp dụng đối với tội loạn luân là 5 năm tù. Đây cũng là mức hình phạt cao , nhất đối với nhóm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình). Tuy nhiên, việc quy định các tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình thể hiện thái độ kiên quyết của Nhà nước ta trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng.
Như vậy, nếu hành vi vi phạm pháp luật về điều kiện kết hôn cấu thành tội phạm được nêu trên thì việc kết hôn trái pháp luật không chỉ bị xử hủy mà người kết hôn có thể còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.