Kết thúc điều tra và đề nghị truy tố được quy định như thế nào?

1. Kết thúc điều tra là gì?

Việc điều tra kết thúc khi cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc làm bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và người thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can. Bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án được gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp, đồng thời, Cơ quan điều tra phải báo ngay cho bị can và người bào chữa biết.

Trong các trường hợp đình chỉ điều tra theo quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra. Quyết định đình chỉ điều tra được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, đồng thời, Cơ quan điều tra báo ngay cho bị can, người bị hại biết. Khi quyết định đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quyết định hủy bỏ mọi biện pháp ngăn chặn đã áp dụng, trả lại đồ vật đã bị tạm giữ. Nếu bị can bị tạm giam thì được trả tự do ngay.

Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày tháng năm, họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận.

2. Đề nghị truy tố là gì?

Bản kết luận điều tra là văn bản tố tụng tổng kết việc điều tra và đề xuất giải quyết vụ án của cơ quan điều tra. Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng, nãm, họ tên, chức vụ, chữ kí của người ra kết luận và trình bày diễn biến của hành vi phạm tội, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những đặc điểm về nhân thân của bị can… những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án, có nêu rõ lí do và căn cứ đề nghị truy tố. Để viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát điều tra đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho toà án giải quyết đúng đắn các vấn đề dân sự, hành chính phát sinh trong quá trình tố tụng, giải quyết việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo, kèm theo bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra phải có bản kê về thời hạn điều tra, biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng, ghi rõ thời gian tạm giữ, tạm giam, vật chứng đã thu giữ, biện pháp để bảo đảm việc phạt tiền, bồi thường và tịch thu tài sản… nếu có.

Trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án đến viện kiểm sát cùng cấp, giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cho bị can hoặc đại diện của họ và gửi kết luận điều tra đề nghị truy tố cho người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Quy định về đề nghị truy tố tại các Điều 232, 233 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *