Khái niệm, đặc điểm và thành phần của quan hệ pháp luật dân sự

[VPLUDVN] Trong đời sống xã hội, những quan hệ xuất hiện trong quá trình hoạt động xã hội của con người, từ việc sản xuất đến phân phối, lưu thông tài sản nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất, tinh thần của từng chủ thể thì được gọi là quan hệ xã hội. Quan hệ xã hội có thể hình thành giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, với nhà nước, giữa các tổ chức với nhau trong các lĩnh vực về tài sản, chính trị, lao động, đất đai, hôn nhân – gia đình,…

Các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi một tổng thể phức tạp các quy phạm xã hội. Đó có thể là quy phạm pháp luật, quy phạm đạo đức, quy phạm của các tổ chức, phong tục tập quán, các tín điều tôn giáo,… Các quy phạm pháp luật quy định cho các bên tham gia quan hệ xã hội có những quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định cũng như trách nhiệm áp dụng cho mỗi bên khi có hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia.

Khi đó, sẽ xuất hiện quan hệ pháp luật tương ứng với quan hệ xã hội được quy phạm pháp luật điều chỉnh. Các quy phạm pháp luật dân sự quy định cho các chủ thể tham gia quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân phải thực hiện hoặc kiềm chế không thực hiện những hành vi nhất định để thỏa mãn lợi ích của mình nhưng phải phù hợp với lợi ích nhà nước, được hưởng những quyền nhất định và gánh chịu trách nhiệm khi có hành vi vi phạm.

1. Khái niệm quan hệ pháp luật dân sự

Là quan hệ xã hội do các quan hệ pháp luật dân sự điều chỉnh, tức là quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dân sự, các quan hệ liên quan đến yếu tố nhân thân và tài sản trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại…Quan hệ pháp luật dân sự là những quan hệ xã hội phát sinh từ những lợi ích vật chất, lợi ích nhân thân được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh, trong đó các bên tham gia bình đẳng về mặt pháp lý, quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng những biện pháp mang tính cưỡng chế.

Do có sự tác động của các quy phạm pháp luật lên các quan hệ xã hội nên các bên tham gia vào các quan hệ đó có các quyền và nghĩa vụ pháp lí tương ứng. Các quyền, nghĩa vụ pháp lí này được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Sự tác động của các quy phạm pháp luật vào các quan hệ xã hội không làm mất đi tính xã hội của các quan hệ đó mà làm cho các quan hệ này mang một hình thức mới “quan hệ pháp luật”. Hậu quả của nó là các quyền và nghĩa vụ của các bên được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.

Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự, các bên đều có mục đích và lợi ích nhất định nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất hoặc tinh thần. Tuy các quan hệ dân sự hình thành một cách khách quan nhưng được thực hiện thông qua hoạt động có ý thức của con người, do vậy việc tham gia hay không tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, xác định nội dung mối quan hệ mà họ tham gia phải xuất phát từ ý chí của các bên.

Có thể nói, sự tự định đoạt, ý chí tự do thể hiện của các chủ thể được thể hiện trọn vẹn nhất, ở đỉnh cao nhất khi họ tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Quan hệ pháp luật dân sự có thể xuất hiện trên cơ sở quy phạm pháp luật hoặc trên cơ sở ý chí của các bên tham gia nhưng phải phù hợp với quy phạm pháp luật dân sự.

2. Đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự

Xuất phát từ đối tượng điều chỉnh và đặc điểm phương pháp điều chỉnh của luật dân sự mà quan hệ pháp luật dân sự có những đặc điểm riêng biệt để phân biệt với những loại quan hệ pháp luật khác.

– Địa vị pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự đều bình đẳng.

Sự bình đẳng giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự là một đặc điểm không thể tồn tại đối với các chủ thể trong quan hệ hành chính và quan hệ hình sự. Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau . Bình đẳng trong quan hệ pháp luật dân sự là bình đẳng pháp lý nghĩa là pháp luật không dành đặc quyền và không phân biệt đối xử giữa các chủ thể khi họ tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự.

– Lợi ích (trước tiên là lợi ích kinh tế) là tiền đề trong phần lớn các quan hệ dân sự. Quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa – tiền tệ và được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện cho các chủ thể thông qua các biện pháp pháp lí để thoả mãn các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Sự đền bù tương đương là đặc trưng của quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa – tiền tệ do luật dân sự điều chỉnh.

Bởi vậy, bồi thường toàn bộ thiệt hại là đặc trưng của trách nhiệm dân sự. Quan hệ dân sự chủ yếu là quan hệ tài sản, do vậy, yếu tố tài sản là cơ sở, là tiền đề phát sinh quan hệ dân sự, cho nên bảo đảm bằng tài sản là đặc trưng để buộc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của họ và bên có quyền có thể thông qua các biện pháp bảo đảm này để thoả mãn các quyền tài sản của mình.

– Các biện pháp cưỡng chế đa dạng không chỉ do pháp luật quy định mà có thể tự các bên quy định về các biện pháp cưỡng chế cụ thể về hình thức áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó. Nhưng đặc tính tài sản là đặc trưng cho các biện pháp cưỡng chế trong luật dân sự.

3. Các thành phần quan hệ pháp luật dân sự

3.1 Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự

Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là những người tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, có quyền và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật dân sự đó.

Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự bao gồm: cá nhân (công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch), pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và nhà nước CHXHCN Việt Nam tham gia quan hệ pháp luật dân sự với tư cách là chủ thể đặc biệt. Sự đa dạng về chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự được giải thích. Bởi lẽ, mọi chủ thể đều có nhu cầu tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự để nhằm thỏa mãn nhu cầu và lợi ích vật chất cũng như tinh thần của bản thân.

Để trở thành chủ thể quan hệ pháp luật thì đòi hỏi chủ thể đó phải có năng lực chủ thể, tức là khả năng trở thành chủ thể quan hệ pháp luật. Năng lực chủ thể bao gồm hai yếu tố: năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Từ đó có thể hiểu để tham gia vào một quan hệ pháp luật dân sự cụ thể, đòi hỏi chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Nếu năng lực pháp luật dân sự là khả năng của chủ thể có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định thì năng lực hành vi dân sự của chủ thể là khả năng của chủ thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

3.2. Khách thể quan hệ pháp luật dân sự

Khách thể là một trong các yếu tố để cấu thành quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật dân sự nói riêng. Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm khách thể. Có ý kiến cho rằng khách thể của quan hệ pháp luật dân sự là: “Cái” mà vì nó mà quan hệ pháp luật dân sự được hình thành. Theo quan điểm này thì chính nguyên nhân dẫn đến sự phát sinh quan hệ pháp luật dân sự được xác định là khách thể của quan hệ.

a/ Tài sản là khách thể trong quan hệ pháp luật về quyền sở hữu:

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Tài sản bao gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyề tài sản.

Tiền là loại tài sản đặc biệt có giá trị trao đổi với các loại hàng hoá khác. Tiền do Nhà nước ban hành, giá trị của tiền được xác định bằng mệnh giá ghi trên đồng tiền đó. Những đồng tiền có giá trị lưu hành mới được coi là tiền.

Giấy tờ có giá là loại tài sản đặc biệt do Nhà nước hoặc các tổ chức phát hành theo trình tự nhất định. Có nhiều loại giấy tờ có giá khác nhau với những quy chế pháp lí khác nhau như: Công trái, trái phiếu, kì phiếu, cổ phiếu, séc… Giấy tờ có giá là hàng hoá trong một thị trường đặc biệt – thị trường chứng khoán.

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền có thể chuyển giao trong lưu thông dân sự, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ, đó là: Quyền đòi nợ, yêu cầu bồi thường thiệt hại, quyền đối với tác phẩm, quyền sở hữu công nghiệp…

b/ Hành vi trong quan hệ nghĩa vụ và hợp đồng.

Nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật dân sự mà trong đó quyền và nghĩa vụ của các bên luôn đối lập nhau một cách tương ứng. Trong quan hệ nghĩa vụ lợi ích của chủ thể có quyền có được đáp ứng hay không phải thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Và muốn xem xét hành vi có thực hiện đúng hay không phải căn cứ vào kết quả của việc thực hiện hành vi đó và như vậy hành vi này được vật chất hóa. Vì vậy, có quan điểm cho rằng kết quả của hành vi là khách thể của quan hệ pháp luật dân sự. Điều này không thể giải thích được trong các quan hệ dân sự mà hành vi không được vật chất hóa như tư vấn pháp luật với hành vi tư vấn… Trong các trường hợp như vậy, căn cứ đánh giá chỉ có thể là hành vi của người phải thực hiện hành vi mà thôi.

c/ Các giá trị nhân thân trong các quan hệ nhân thân.

Giá trị nhân thân là cơ sở làm phát sinh lợi ích nhân thân. Đó là các lợi ích phi vật chất gắn liền, không thể tách rời với một chủ thể nhất định như: danh dự, nhân phẩm, hình ảnh,…. “Cái” mà các chủ thể trong quan hệ nhân thân hướng đến, mong muốn đạt được là việc được công nhận, duy trì các giá trị nhân thân của mình và các giá trị nhân thân ấy được pháp luật bảo vệ khi bị xâm phạm.

d/ Kết quả của quá trình hoạt động tinh thần sáng tạo.

Thỏa mãn các nhu cầu của con người không chỉ là của cải vật chất mà còn có các giá trị tinh thần, các sản phẩm trí tuệ để phục vụ nhu cầu tinh thần và quá trình sản xuất vật chất. Trong lao động thì lao động sáng tạo là một loại lao động đặc biệt, là cơ sở để làm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ cho một chủ thể nhất định. Kết quả của quá trình lao động tinh thần sáng tạo được thể hiện trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng mới. ý tưởng sáng tạo là “cái” mà các chủ thể hướng tới để được công nhận và bảo vệ khi bị xâm phạm.

– Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học… Đây là những hình thức biểu hiện kết quả của quá trình sáng tạo và chúng được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như viết, nói hay bằng các phương tiện kĩ thuật…

– Các đối tượng của sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… Những đối tượng này chỉ được bảo vệ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận chúng là đối tượng của sở hữu công nghiệp.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *