[VPLUDVN] Quan hệ lao động là một trong những quan hệ chính của con người, vì đa số các hoạt động chính của con người là lao động. Trong đó, có người thuê người khác làm việc và người được thuê để làm việc. Đó chính là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Để điều chỉnh mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, luật lao động đã ra đời. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu những vấn đề cơ bản liên quan đến luật lao động như khái niệm, đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, …
1. Luật Lao động là gì?
Với vai trò là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì Luật Lao động là tổng hợp các quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động và các quan hệ khác có liên quan tới quan hệ lao động như quan hệ việc làm, quan hệ bảo hiểm xã hội, quan hệ học nghề,…
Hệ thống pháp luật lao động hiện hành bao gồm các nội dung sau: Các quy định về phạm vi điều chỉnh và các nguyên tắc cơ bản của ngành luật; giải thích thuật ngữ; Quy định về việc làm; Quy định về hợp đồng lao động; quy định học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề; quy định về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; quy định về tiền lương; quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; quy định kỉ luật lao động, trách nhiệm vật chất; quy định về bảo hộ lao động; quy định về bảo hiểm xã hội; quy định về Công đoàn; quy định về giải quyết tranh chấp lao động; quy định về đình công và giải quyết đình công; quy định về quản lý nhà nước về lao động.
2. Đối tượng điều chỉnh của Luật lao động
Đối tượng điều chỉnh của Luật lao động bao gồm
– Mối quan hệ lao động theo hợp đồng lao động giữa người lao động người sử dụng lao động, người sử dụng lao động có thể là:
+ Các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các hợp tác xã
+ Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
+ Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ hoặc tổ chức quóc tế tại Việt Nam
+ Các gia đình, cá nhân sử dụng lao động ở Việt Nam
– Mối quan hệ giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động
– Quan hệ về việc làm giữa người lao động và các chủ thể khác như nhà nước, chủ sử dụng lao động, các tổ chức và cá nhân có liên quan.
– Quan hề về học nghề giữa người lao động và người sử dụng lao động quan hệ học nghề xã hội phát sinh giữa một người với cơ sở dạy nghề mà trong đó hai bên không có mục đích tuef trước tạo lập quan hệ lao động.
– Quan hệ giữa đại diện người sử dụng lao động với đại diện của những người lao động.
– Quan hệ về bồi thường thiệt hại trong quá trình lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.
– Quan hệ về giải quyết tranh chấp lao động
– Quan hệ về đình công và giải quyết đình công giữa người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước.
– Quan hệ về quản lý lao động giữa Nhà nước và người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức của người sử dụng lao động.
3. Phương pháp điều chỉnh của Luật lao động
Phương pháp thỏa thuận
Đây là phương pháp điều chỉnh quan trọng của luật lao động, phương pháp này được sử dụng trong việc thiết lập quan hệ lao động qua việc thỏa thuận, giao kết hợp đồng lao động hay khi chấm dứt hợp đồng lao động; khi ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động… Ví dụ trong hợp đồng lao động, các bên được tự do thỏa thuận, thương lượng về nội dung hợp đồng như vấn đề việc tiền lương, vị trí việc làm, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, quyền và nghĩa vụ của các bên,..
Phương pháp mệnh lệnh
Nếu như trong một số ngành luật khác, phương pháp mệnh lệnh thể hiện quyền lực của Nhà nước với một bên chủ thể khác thì trong luật lao động, phương pháp mệnh lệnh được dùng để thể hiện quyền uy của người sử dụng lao động đối với người lao động trong khuôn khổ pháp luật quy định. Người sử dụng lao động tổ chức và quản lý lao động, xác định nghĩa vụ của người lao động, quy định quyền năng cho người sử dụng lao động như bố trí điều hành người lao động, khen thưởng, xử lý kỷ luật hay việc đặt ra những nội quy, quy chế lao động ;… khi đó người lao động bắt buộc phải chấp hành theo.
Phương pháp tác động xã hội
Phương pháp tác động xã hội hay còn gọi là phương pháp thông qua các hoạt động Công đoàn tác động vào các quan hệ phát sinh trong quá trình lao động. Phương pháp tác động xã hội để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình lao động có ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người lao động phải có sự tham gia của tổ chức công đoàn- là đại diện của người lao động.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.