1. Khái niệm xét xử phúc thẩm vụ án hình sự?
Xét xử phúc thẩm là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lậi quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị nhằm khắc phục sai lầm của toà án cấp sơ thẩm, bảo đảm áp dụng thông nhất pháp luật, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cua cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định những biện pháp bảo đảm cho toà án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Toà án khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải ra bản án hoặc quyết định hợp pháp và có căn cứ. Mặc dù vậy, không loại trừ trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật. Để thận trọng trong việc xét xử cũng như bảo đảm quyền phản đối bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của viện kiểm sát, bị cáo, bị hại và đương sự, luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm. Theo nguyên tắc này, bản án, quyết định sơ thẩm chưa cổ hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án hoặc ra quyết định mà có thể bị kháng cáo, kháng nghị để xét xử lại hoặc xét lại ở cấp xét xử thứ hai.
Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án dưới hình thức phiên toà và xét lại quyết định sơ thẩm dưới hình thức phiên họp. Toà án cấp phúc thẩm xem xét tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm, xét xử lại vụ án về mặt nội dung. Những chủ thể liên quan đến kháng cáo, kháng nghị có quyền tham gia phiên toà hoặc phiên họp phúc thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Toà án cấp phúc thẩm ra bản án hoặc quyết định cần thiết khác để giải quyết vụ án. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án hoặc ngày ra quyết định.
2. Nhiệm vụ của xét xử phúc thẩm vụ án hình sự ?
– Xét xử lại vụ án về nội dung: Toà án cấp phúc thẩm có nhiệm vụ xem xét, đánh giá lại sự thật của vụ án trên cơ sở tất cả những chứng cứ cũ và chứng cứ mới được bổ sung trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Việc xét xử lại về nội dung vụ án có thể tiến hành đối với toàn bộ hoặc một phần của vụ án, tuỳ thuộc nội dung của kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp cần thiết, việc xét xử phúc thẩm có thể tiến hành đối với phần vụ án ngoài phạm vi kháng cáo, kháng nghị.
– Kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật: Tính hợp pháp của bản án, quyết định thể hiện ở việc bản án, quyết định phải phù hợp với quy định của pháp luật nội dung cũng như pháp luật hình thức. Những quy phạm pháp luật được viện dẫn phải được giải thích và áp dụng đúng. Tính có căn cứ của bản án, quyết định thể hiện ở việc kết luận trong bản án, quyết định phải phù hợp với những sự kiện thực tế của vụ án trên cơ sở những chứng cứ được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo quy định của pháp luật.
3. Ý nghĩa của xét xử phúc thẩm vụ án hình sự ?
Xét xử phúc thẩm sửa chữa những sai lâm trong việc giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm. Toà án cấp phúc thẩm khi kiểm tra tính họp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm và trong quá trình xét xử lại vụ án, xét lại quyết định sơ thẩm có khả năng phát hiện những sai lầm, thiếu sót trong việc giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm và khắc phục, sửa chữa những sai lầm, thiếu sót đó một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, qua đó bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của cá nhân. Mặt khác, thông qua việc thực hiện công tác giám đốc việc xét xử, phát hiện và sửa chữa sai lầm của toà án cấp dưới, toà án cấp phúc thẩm hướng dẫn toà án cấp dưới giải thích và vận dụng đúng pháp luật. Bản án phúc thẩm là một hình thức án mẫu để toà án cấp dưới học tập và rút kinh nghiệm cho việc xét xử. Vì vậy, giai đoạn xét xử phúc thẩm còn có ý nghĩa bảo đảm việc áp dụng pháp luật đúng đắn và thống nhất.
4. Thủ tục phúc thẩm và thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm
4.1 Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lí hồ sơ vụ án, toà án cấp phúc thẩm phải mở phiên họp để xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, hội đồng xét xử phúc thẩm phải mở phiên họp. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định, toà án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án kèm theo quyết định mở phiên họp cho viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho toà án (Xem: Khoản 2 Điều 362 Bộ luật tố tụng hình sự).
Khi phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, hội đồng xét xử phúc thẩm phải triệu tập người kháng cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị tham gia phiên họp. Trường hợp những người được triệu tập này vắng mặt, dù có lí do chính đáng hay không, hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành phiên họp. Kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp với toà án cấp phúc thẩm bắt buộc phải có mặt tại phiên họp. Tại phiên họp, một thành viên của hội đồng xét xử phúc thẩm trình bày tóm tắt nội dung quyết định sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có). Kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp với toà án cấp phúc thẩm phát biểu quan điểm của viện kiểm sát về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định.
4.2 Thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm
Khi phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, hội đồng xét xử phúc thẩm có các quyền sau (theo điều 361 Bộ luật tố tụng hình sự):
– Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên quyết định cùa toà án cấp sơ thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên quyết định của toà án cấp sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của toà án cấp sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật.
– Sửa quyết định của toà án cấp sơ thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định sửa quyết định của toà án cấp sơ thẩm khi xét thấy quyết định này không có căn cứ, không đúng pháp luật nhưng không cần thiết phải huỷ quyết định đó, chuyển hồ sơ vụ án cho toà án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.
– Huỷ quyết định của toà án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho toà án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định huỷ quyết định của toà án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho toà án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án khi xét thấy quyết định này không có căn cứ, không đúng pháp luật nhưng không thể sửa quyết định đó ngay tại phiên họp phúc thẩm.
Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.