Khái niệm thẩm quyền của Tòa án và cơ sở lý luận của thẩm quyền

1. Khái niệm thẩm quyền dân sự của toà án

Trong hệ thống các cơ quan tư phấp thì toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp chủ yếu. Toà án thực hiện thẩm quyền của mình trong việc xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật để bảo vệ pháp luật, bảo đảm sự công bằng xã hội. Việc nghiên cứu để đưa ra khái niệm khoa học về thẩm quyền của toà án và thẩm quyền dân sự của toà án có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng và thực hiện các quy định về thẩm quyền của toà án.

Trong tiếng Việt, thẩm quyền là quyền xem xét để kết luận và định đoạt một vấn đề theo pháp luật. Trong khoa học pháp lý, thẩm quyền được hiểu là tổng họp các quyền và nghĩa vụ hành động, quyết định của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống bộ máy nhà nước do pháp luật quy định. Ở một số nước ttên thế giới, thuật ngữ này cũng được sử dụng với nghĩa tương tự. Chăng hạn, trong từ điển luật học của Pháp, thuật ngữ thẩm quyền (competence) được hiểu là khả năng mà pháp luật trao cho cơ quan công quyền (autorite publique) hoặc cơ quan tài phán (juridiction) thực hiện công việc nhất định hoặc thẩm cứu và xét xử một vụ kiện. Trong từ điển luật học của Mỹ, thẩm quyền được hiểu là một khả năng cơ bản và tối thiểu để cơ quan công quyền xem xét và giải quyết một việc gì theo pháp luật. Điểm chung về thẩm quyền cùa toà án đều được các nước thừa nhận là quyền xem xét giải quyết các vụ việc trong phạm vi pháp luật cho phép và quyền hạn trong việc ra các quyết định khi giải quyết vụ việc đó. Quyền xẻm xét giải quyết vụ việc và quyền ra các quyết định khi giải quyết vụ việc đó là hai nội dung quan trọng có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo thành thẩm quyền của toà án.

Trên thế giới, về cơ bản các nhà lý thuyết về tố tụng của các nước theo hệ thống châu Âu lục địa và các nước theo hệ thống Anh – Mỹ đều đề cập vấn đề thẩm quyền của toà án trong tố tụng dân sự dưới hai góc độ là thẩm quyền theo loại việc và thẩm quyền theo phạm vi lãnh thổ. Theo cách tiếp cận này, thẩm quyền của toà án được hiểu là khả năng của toà án trong việc xem xét giải quyết một vụ kiện căn cứ vào bản chất của vụ việc (thẩm quyền theo loại việc) cũng như căn cứ vào phạm vi lãnh thổ (thẩm quyền theo lãnh thổ).

Ở Việt Nam, xuất phát từ những đặc thù về tổ chức hệ thông toà án cho nên quan niệm về thẩm quyền của toà án trong tố tụng dân sự cũng có những điểm khác biệt. Khái niệm về thẩm quyền của toà án được tiếp cận dưới ba góc độ là thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền của toà án các cấp và thẩm quyền của toà án theo lãnh thổ. Trên cơ sở đó, thẩm quyền dân sự của toà án được định nghĩa như sau:

Thẩm quyền dân sự của toà án là quyền xem xét giải quyết các vụ việc và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó theo thủ tục tố tụng dân sự của toà án.

Khác với thẩm quyền xét xử hành chính và thẩm quyền xét xử hình sự của toà án, thẩm quyền dân sự của toà án có những đặc trưng sau:

– Toà án nhân danh quyền lực nhà nước, độc lập trong việc xem xét giải quyết và ra các phán quyết đối với các vụ việc phát sinh từ các quan hệ mang tính tài sản, nhân thân được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận giữa các chủ thể với nhau;

– Thẩm quyền dân sự của toà án được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Do vậy, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc chung về tố tụng như toà án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đảm bảo sự vô tư, khách quan v.v. thì toà án khi xem xét giải quyết các vụ việc dân sự phải tôn trọng và đảm bảo quyền tự định đoạt của các đương sự. Phạm vi xem xét giải quyết và quyền quyết định của toà án được giới hạn bởi những yêu cầu mà đương sự đưa ra cũng như trên cơ sở sự thoả thuận của họ về những vấn đề có tranh chấp.

2. Cơ sở lý luận thẩm quyền dân sự tòa án

Thẩm quyền dân sự của tòa án theo loại việc được quy định tại Điều 102 Hiến pháp 2013, Điều 1 BLTTDS năm 2015, khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014. Theo đó tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ án và các việc về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Thẩm quyền theo loại việc của tòa án phân định thẩm quyền của tòa án với thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức khác trong việc giải quyết các vụ việc nảy sinh trong xã hội. Phân định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các loại việc theo thủ tục tố tụng dân sự voi tham quyền của tòa án trong việc giải quyết các loại việc theo thủ tục tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Việc xác định thẩm quyền của của tòa án theo loại thủ tục tố tụng nào phải căn cứ vào vào tính chất của loại quan hệ luật nội dung mà tòa án cần giải quyết.Thông thường các nhóm quan hệ pháp luậtnội dung có cùng tính chất sẽ được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật của từng ngành luật nội dung riêng biệt. Chẳng hạn các quy phạm pháp luật hình sự sẽ được điều chỉnh bởi các quan hệ pháp luật của ngành luật hình sự, các quan hệ pháp luật của ngành luật hành chính sẽ được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính,, các quan hệ pháp luật của ngành luật dân sự được điều chỉnh bởi các quan hệ pháp luật dân sự v.v.. Các vụ việc phát sinh từ các quan hệ pháp luật nội dung có cùng tính chất này sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án theo thủ tục tố tụng tương ứng.

Ở Việt Nam, các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nhau như bộ luật dân sự, bộ luật lao đông , luật thương mại , luật hôn nhân và gia đình,… tuy nhiên các quan hệ pháp luật này đều có cùng tính chất là các quan hệ tài sản,quan hệ nhân thân được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và tự định đoạt của các chủ thể. Do vậy các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật này phải thuộc thẩm quyền dân sự của toàn án , được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Xét về nguyên tắc, những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại , lao động sẽ thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Với những việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự này chưa được BLTTDS quy định thuộc thẩm quyền của tòa án thì cần được quy định bổ sung trong các các văn bản pháp luật khác để tránh tình trạng nảy sinh vụ việc trên thực tế mà không cơ quan nào giải quyết. Tuy nhiên dựa vào đặc thù của một số loại tranh chấp và yêu cầu của việc tranh chấp đó mà pháp luật có những quy định ngoại lệ trong việc xác định thẩm quyền dân sự của tòa án như: yêu cầu giải quyết phá sản doanh nghiệp, đình công không thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án. Ngoài ra, trong 1 số trường hợp, để giảm bớt áp lực xuất phát từ những yêu cầu về công việc của ngành tòa án, đồng thời xuất phát từ những yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp và tính chất của vụ việc cần đc giải quyết .vv. pháp luật quy định tòa án chỉ được giải quyết sau khi vụ việc đã được các cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước hoặc đương sự đã yêu cầu nhưng cơ quan,tổ chức có thẩm quyền không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định.

3. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự

Những loại việc dân sự thuộc thẩm quyền của tòa án bao gồm các vụ án dân sự và các việc dân sự phát sinh từ các quan hệ pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác do pháp luật quy định. Hiện nay, các vụ việc thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án được quy định tại các điều từ điều 26 đến điều 34 BLTTDS 2015 và một số điều luật tại các văn bản pháp luật khác.

Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự

Về nguyên tắc, tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với những vụ việc dân sự những vụ việc dân sự phát sinh trong quan hệ pháp luật dân sự dó pháp luật dân sự điều chỉnh.

Những tranh chấp và yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại điều 26, điều 27 BLTTDS 2015.

Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại điều 26 BLTTDS 2015 bao gồm:

– Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.

– Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.

Bao gồm tranh chấp các quyền về sở hữu, sử dụng định đoạt hoặc tranh chấp về bồi thường thiệt hại với tài sản. Trong trường hợp đối tượng của việc tranh chấp là các vật khác nhau của thế giới vật chất nhưng không phải tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì tòa án thì tòa án không có thẩm quyền thụ lý giải quyết.

– Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

Là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các bên tham gia quan hệ Hợp đồng liên quan đến việc thực hiện (hoặc không thực hiện) các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng. Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Ngoài ra tòa án cũng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như cầm cố, đặt cọ, ký ước…

– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.

Đối với tài sản là động sản và bất động sản, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền dân sự tòa án bao gồm tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghệ và quyền đối với quyền đối với giống cây trồng. Ngoài ra còn tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng thộc thẩm quyền của tòa án.

– Tranh chấp về thừa kế tài sản.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về thừa kế như yêu cầu tòa án buộc người thừa kếthực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản thừa kế. Xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Là tranh chấp xảy ra mà trước đó người bị thiệt hại và người gây thiệt hại không có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không có liên quan tới hợp đồng giữa các bên.

– Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.

– Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ nhất, về tranh chấp đất đại theo quy định của pháp luật về luật đất đai năm 2013 Theo quy định tại K24 Đ3: Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Thứ hai, tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng được quy định tại điều 84 Luật bảo vệ và phát triển rừng

Điều 84: Giải quyết tranh chấp

1. Các tranh chấp về quyền sử dụng rừng đối với các loại rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng do Toà án nhân dân giải quyết. Các tranh chấp về quyền sử dụng đất có rừng, đất trồng rừng được áp dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Khi giải quyết các tranh chấp quy định tại khoản 1 Điều này có liên quan đến quyền sử dụng đất có rừng thì Toà án nhân dân giải quyết cả quyền sử dụng đất có rừng đó

– Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.

Là nhưng tranh chấp liên quan đến hoạt động báo chí mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của tòa án như tranh chấp về việc không đăng bài cải chính, những tin tức xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân, bồi thường thiệt hại …thì được tòa án thụ lý giải quyết.

– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự quy định tại điều 102 luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014

Điều 102: Hủy kết quả bán đấu giá tài sản.

1. Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật này.
2. Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản.
3. Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy được giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được quy định tại Điều 27 BLTTDS 2015 bao gồm:

– Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

– Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.

– Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.

– Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.

– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

– Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

– Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

– Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 470 của BLTTDS 2015.

– Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

– Các yêu cầu khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

4.Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình

Về nguyên tắc, hầu hết các vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình do Luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh đều thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 28 BLTTS 2015 bao gồm:

– Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.

– Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

– Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

– Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
Đối với các yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con tự nguyện không có tranh chấp thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Trường hợp này đường sự có thể yêu cầu cơ quan hộ tịch giải quyết theo thủ tục đăng kí hộ tịch.

– Tranh chấp về cấp dưỡng.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ngoại và cháu ; giữa vợ và chồng khi ly hôn mà các bên không thỏa thuận được

– Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Tranh chấp về mang thai hộ, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được hiểu là những tranh chấp về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 97, 98 Luật hôn nhân và gia đình 2014, như bên nhờ mang thai hộ không thực hiện nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản,….

Tòa Án có thẩm quyền giải quyết ở đây sẽ là Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài theo quy định tại BLTTDS 2015.

Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại điều 29 BLTTDS 2015 bao gồm:

– Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

– Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

– Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

– Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.

– Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

– Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

– Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.

– Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

– Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

– Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

5. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật kinh doanh và thương mại

– Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại hay chính là tranh chấp kinh tế và các yêu cầu về kinh doanh thương mại.

– Tranh chấp trong kinh doanh, thương mại là một dạng tranh chấp kinh tế, được hiểu là sự bất động chính kiến hay xung đột về quyền, nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư, các doanh nghiệp với tư cách là chủ thể kinh doanh; là những phát sinh trong các khâu đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, phát sinh trong cả quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội.

– Yêu cầu trong kinh doanh, thương mại là những yêu cầu liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (trừ trường hợp khác do luật quy định)

Đặc điểm

– Các dịch vụ phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại rất đa dạng và phức tạp

– Gắn liền với hoạt động kinh doanh và chủ thể tham gia chủ yếu là các nhà doanh nghiệp

– Các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết bằng con đường trọng tài hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết ( Điều 30 Bộ luật TTDS 2015: quy định các tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền của tòa án).

Thẩm quyền của Tòa án đối với những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại

Tòa án có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh thương mại được quy định tại điều 30, 31 BL TTDS 2015 bao gồm:

* Tranh chấp về kinh doanh, thương mại

– Các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân, tổ chức có đăng kí kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận như các tranh chấp về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, phân phối, xây dựng, tài chính, ngân hàng, mua bán cổ phiếu, bảo hiểm….

– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận

– Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty

– Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty TNHH hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động,giải thể, sáp nhập, hợp nhât, chia tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty

– Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

* Yêu cầu về kinh doanh, thương mại:

– Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp

– Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại

– Yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam, trừ trường hợp bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án

– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam

– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài

– Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại. trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định pháp luật.

6. Những vụ việc pháp sinh từ quan hệ pháp luật lao động

Về nguyên tắc, tòa án có thẩm quyền giải quyết những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật lao động điều chỉnh, trừ các yêu cầu giải quyết đình công. Các vụ việc về lao động thuộc thẩm quyền của tòa án bao gồm các tranh chấp lao động cá nhân,tranh chấp lao động tập thể và các yêu cầu về lao động.

Những vụ việc pháp sinh từ quan hệ pháp luật lao động được quy định tại điều 32, điều 33 BLTTDS 2015.

Những nguyên tắc về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được quy định tại điều 32 Bộ luật tố dụng dân sự 2015 bao gồm:

– Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoà giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hoà giải không thành hoặc không hoà giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở:

– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết.

– Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định.

Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được quy định tại Điều 33 BLTTDS 2015 bao gồm:

– Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

– Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam được quy định tại Điều Điều 425 BLTTDS 2015.

– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết lao động của Trọng tài nước ngoài được quy định tại Điều Điều 424 BLTTDS 2015.

– Các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

7. Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức

Đây là một trong những quy định hoàn toàn mới về thẩm quyền của Tòa án trong Bộ luật tố tụng dân sự2015. Căn cứ Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan tổ chức như sau:

– Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

– Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.

– Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.

– Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Theo đó, quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức phải là những quyết định xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc của Tòa án đang giải quyết. Quyết định cá biệt này có thể xuất phát từ phía chính các cơ quan đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó những cũng có thể xuất phát từ chính các cơ quan nhà nước khác.

Tòa án chỉ có thể hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức khi quyết định cá biệt đó là quyết định trái pháp luật và phải xâm phạm đến quyền và lợi ích của vụ án mà Tòa án đang giải quyết vụ án đó.

Khi xem xét có đưa ra quyết định hủy hay không, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức vào người có quyền, nghĩa vụ liên quan để cơ quan, tổ chức này trình bày ý kiến, quan điểm của mình về việc Tòa án xem xét có hủy hay không quyết định cá biệt đó.

8. Ý nghĩa việc xác định thẩm quyền dân sự của toà án

Việc xác định thầm quyền giữa các toà án một cách hợp lý, khoa học tránh được sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa toà án với các cơ quan nhà nước, giữa các toà án với nhau, góp phần tạo điều kiện cần thiết cho toà án giải quyết nhanh chóng và đúng đắn các vụ việc dân sự, nâng cao được hiệu quả của việc giải quyết vụ việc dân sự. Bên cạnh đó, việc xác định thẩm quyền giữa các toà án một cách hợp lý, khoa học còn tạo thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trước toà án, giảm bớt những phiền phức cho đương sự.

Ngoài ra, việc xác định thẩm quyền của các toà án một cách hợp lý và khoa học còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định những điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết của đội ngũ cán bộ ở mỗi toà án và các điều kiện khác, trên cơ sở đó có kế hoạch đáp ứng bảo đảm cho toà án thực hiện được chức năng, nhiệm vụ.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *