Năm 1844, ở thị trấn Rochdale tại Vương quốc Anh, đứng trước những điều kiện sống vô cùng khó khăn, tư thương độc quyền cung cấp thực phẩm với giá đắt, quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo đảm, 28 công nhân đã thành lập hợp tác xã tiêu dùng đầu tiên để cung cấp nhu yếu phẩm với mức giá phải chăng, cung cấp cơ sở giáo dục và xã hội cho những người lao động bình thường. Sau thời điểm này, những người lao động ở Cộng hòa Pháp cũng đã tổ chức thành lập một số hợp tác xã sản xuất của công nhân. Đến cuối thế kỉ XIX, đã có khoảng 1.400 hợp tác xã được thảnh lập và hoạt động ở Vương quốc Anh. Nhiều nước trên thế giới cũng đã phát triển mạnh phong trào hợp tác xã và có nhu cầu hợp tác cũng như chia sẻ kinh nghiệm hợp tác hoá giữa các quốc gia.

Mô hình hợp tác xã được những người lao động hưởng ứng và phát triển sâu rộng vì nó là tổ chức kinh tế mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế được tổ chức và hoạt động dựa trên các giá trị tương trợ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, công bằng và đoàn kết. Tuy hợp tác xã là một tổ chức kinh tế, nhưng mục đích của hợp tác xã không phải chỉ nhằm đạt được lợi nhuận tối đa. Sứ mạng và mục đích quan trọng nhất của hợp tác xã là hỗ trợ và phục vụ nhu cầu của các thành viên bằng việc cung cấp các dịch vụ, như: tín dụng, sản xuất, tiếp thị, chế biến, cung ứng vật tư nông nghiệp, huy động các nguồn vốn tiết kiệm…

Với các quy mô và hình thức khác nhau, các hợp tác xã đã và đang thu hút đông đảo nhân dân lao động và cộng đồng địa phương tham gia. Thông qua các phương thức điều tiết phù hợp, các hợp tác xã không ngừng cải thiện những điều kiện sống và làm việc cho người dân lao động và cộng đồng dân cư ở các địa phương.

Hợp tác xã được tổ chức và hoạt động dựa trên triết lý nền tảng là sự hợp tác giữa các thành viên cho một sự nghiệp chung. Bản chất của sự họp tác này được thể hiện ở những khía cạnh sau:

– Các thành viên có những nhu cầu chung trong sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ. Việc đáp ứng những nhu cầu chung đó thông qua sự hợp tác giữa các thành viên đem lại hiệu quả lớn hơn so với việc từng thành viên đơn lẻ tự thực hiện. Nhu cầu chung của thành viên là nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ giống nhau phát sinh thường xuyên, ổn định từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của thành viên hợp tác xã. Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì nhu cầu chung của thành viên là có việc làm và có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.

– Trong quá trình hợp tác với nhau, các thành viên của hợp tác xã vẫn giữ được sự độc lập, tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của họ và gia đình họ. Các thành viên hợp tác xã và gia đình họ vẫn là những chủ thể kinh tế – xã hội độc lập với hợp tác xã. Sự hợp tác của các thành viên trong mô hình hợp tác xã không triệt tiêu các hoạt động sản xuất, kinh doanh độc lập cũng như các lợi ích chính đáng của các thành viên hợp tác xã và gia đình họ.

– Các thành viên hợp tác xã có vị trí và vai trò bình đẳng trong sự hợp tác. Họ có các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm như nhau trong quá trình hợp tác và thực hiện việc quản lý dân chủ, bình đẳng đôi với tổ chức kinh tế của họ, mặc dù họ có thể đóng góp vốn, góp sức lao động và sử dụng dịch vụ với các quy mô khác nhau trong hợp tác xã.

Cách đây gần 200 năm, các nhà tư tưởng cách mạng ở châu Âu như Robert Owen (Vương quốc Anh), Fourier, Saint Simon (Cộng hòa Pháp), Huber, Schulze Delitzsch và Reiffeisen (Đức) đã đưa ra những ý tưởng đầu tiên về mục đích và phương thức tổ chức, hoạt động của các hợp tác xã.

Các lãnh tụ của phong trào cộng sản thế giới như F. Ăng ghen, Lênin cũng đã nhiều lần nêu ra các tư tưởng và phương thức tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã. F. Ăng ghen viết:

“Nông dân trong một làng hay một giáo xứ… phải kết hợp toàn bộ ruộng đất của họ lại thành một doanh nghiệp lớn duy nhát, cùng bỏ sức cày cấy chung và chia hoa lợi theo tỉ lệ ruộng đất đã góp vào, tiền bạc đã bỏ ra và lao động đã làm được ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ giai đoạn đầu của sự nghiệp cách mạng, cũng đã nhận thức rất rõ ràng về bản chất, vai trò của hợp tác xã đối với việc cải thiện điều kiện sống và làm việc của các tầng lớp nhân dân lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó có tên là Nguyễn Ái Quốc) đã trình bày các tư tưởng, quan niệm về hợp tác xã một cách có hệ thống, từ lịch sử, mục đích đến các loại hình hợp tác xã. Người đã đúc rút lý luận và kinh nghiệm tổ chức, hoạt động của các hợp tác xã ở Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản và phổ biến một cách rất dễ hiểu cách thức tổ chức các loại hình hợp tác xã khác nhau ở Việt Nam.1

Ngày 18/8/1895, Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (International Cooperative Aliance-ICA) đã được thành lập tại thủ đô London (Vương quốc Anh) với sự tham gia của 207 đại biểu đến từ nhiều nước hên thế giới. Với lịch sử hom 100 năm qua, ICA ngày càng được củng cố và phát triển lớn mạnh về tổ chức và hoạt động. Ngày nay, ICA đã kết nạp được nhiều hội viên là hiệp hội hợp tác xã của 96 nước và vùng lãnh thổ với 238 tổ chức thành viên đại diện cho trên 800 triệu thành viên hợp tác xã.

Tại đại hội ICA lần thứ 31 tại Manchester (Vưomg quốc Anh) tháng 9/1995, ICA đã nêu rõ bản chất của hợp tác xã trong định nghĩa có tính pháp lý trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm hình thành và phát triển của các hợp tác xã trên thế giới trong gần 200 năm qua; đó là:

“Hợp tác xã là tổ chức/hiệp hội tự chủ của các cá nhân liên kết với nhau một cách tự nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyên vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hoá thông qua một doanh nghiệp được sở hữu chung và được kiểm soát một cách dân chủ”.

Luật Hợp tác xã năm 2012 của Việt Nam cũng đã định nghĩa: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã (khoản 1 Điều 3).

2. Đặc điểm của hợp tác xã

Cări cứ vào khái niệm hợp tác xã, có thể thấy hợp tác xã có các đặc điểm chủ yếu như sau:

Thứ nhất, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, có các thành viên là cá nhân hoặc tổ chức.

Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể được tổ chức và hoạt động trên cơ sở sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất và tài sản. Tài sản, vốn và tư liệu sản xuất của hợp tác xã được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của các thành viên, khi họ gia nhập hợp tác xã. Trong hợp tác xã có sự liên kết rộng rãi của những người lao động, của các hộ thành viên, của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp nhỏ và vừa… thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Sự liên kết và hợp tác này không bị giới hạn bởi số lượng thành viên, quy mô, lĩnh vực và địa bàn sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ. Ngoài các thành viên là cá nhân, các hộ gia đình, các tổ chức, các doanh nghiệp khác cũng có thể được kết nạp làm thành viên hợp tác xã. Trong trường hợp này, các hộ gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ cử ra người làm đại diện thể hiện nguyện vọng và tiếng nói của họ trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của hợp tác xã.

Thứ hai, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc.

Tính xã hội và nhân văn của hợp tác xã được thể hiện rõ trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nó, đó là tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, quản lý dân chủ. Hợp tác xã thực hiện những công việc giúp đỡ, hỗ trợ cho các thành viên và gia đình họ trong sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, trong việc cải thiện những điều kiện sống và làm việc của họ, trong việc giúp các thành viên nâng cao trình độ văn hoá và nghiệp vụ chuyên môn. Mục tiêu hoạt động của hợp tác xã không chỉ là kinh tế và lợi nhuận mà còn là việc cải thiện đời sống tinh thần, nâng cao trình độ văn hoá và năng lực, trình độ của các thành viên, là việc bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên.

Thứ ba, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân.

Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một tổ chức có tư cách pháp nhân được thể hiện ở bốn dấu hiệu. Hợp tác xã có đầy đủ bốn dấu hiệu này, đó là hợp tác xã được thành lập một cách hợp pháp khi đăng ký kinh doanh ở UBND cấp huyện và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hợp tác xã có cơ cấu tổ chức chặt chẽ khi thành lập các cơ quan quản lý, điều hành và kiểm soát (như Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc, Ban kiểm soát…); hợp tác xã có tài sản độc lập với các cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác; hợp tác xã cũng nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, CÓ thể là nguyên đơn, bị đơn trước các cơ quan tài phán như Toà án, Trọng tài thương mại.

Ngoài ra, hợp tác xã có một số đặc trưng khác với các loại hình doanh nghiệp khác ở chỗ tư cách thành viên hợp tác xã không được quyết định bởi quy mô, độ lớn của số vốn mà các thành viên góp vào hợp tác xã mà bởi chính bản thân các thành viên đó. Dù đóng góp vốn nhiều hay ít, mỗi thành viên cũng chỉ có một phiếu biểu quyết. Điều này khác hẳn cơ chế dân chủ ở đa số các loại hình doanh nghiệp khác, đó là cơ chế dân chủ theo cổ phần: Thành viên càng có nhiều cổ phần thì càng có nhiều phiếu biểu quyết, càng có cơ hội được bầu vào các cơ quan quản lý, điều hành và kiểm soát của doanh nghiệp đó.

Trong hợp tác xã cũng có một loại tài sản đặc biệt, đó là tài sản thuộc sở hữu tập thể và không được chia. Tài sản không chia là một bộ phận tài sản của hợp tác xã không được chia cho thành viên của hợp tác xã khi chấm dứt tư cách thành viên hoặc khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động, ví dụ như trụ sở, kho tàng, nhà văn hoá, hệ thống đường giao thông, đường điện, truyền thanh… Những tài sản này được hình thành từ quỹ phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi của hợp tác xã, được Nhà nước hay các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, tặng cho… hợp tác xã.

Thứ tư, hợp tác xã được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Các hợp tác xã có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc hoạch định quy hoạch, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ. Hợp tác xã có quyền chủ động trong việc huy động vốn, kết nạp, khai trừ thành viên, ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế, tự chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn và tài sản của hợp tác xã. Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho hợp tác xã về vật chất và tinh thần, nhưng không chịu trách nhiệm thay cho các hợp tác xã.

Hoạt động của hợp tác xã nhằm mục đích chủ yếu là hỗ trợ, phục vụ lợi ích kinh tế của cá nhân các thành viên và lợi ích chung của tập thể, đồng thời coi trọng các lợi ích xã hội của cộng đồng dân cư. Hiệu quả hoạt động của hợp tác xã được đánh giá không chỉ về mặt kinh tế, lợi nhuận đạt được, mà còn cả về mặt nâng cao trình độ văn hoá, khoa học kĩ thuật, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống tinh thần cho các thành viên.

Quyền tự chủ của hợp tác xã được thể hiện qua việc các hợp tác xã có các quyền cơ bản như: Thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của mình; quyết định tổ chức quản lý và hoạt động của hợp tác xã; Thuê và sử dụng lao động theo nhu cầu; tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo ngành, nghề đã đăng ký nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên hợp tác xã; cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên hợp tác xã và ra thị trường nhưng phải bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với thành viên hợp tác xã; kết nạp mới, chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã; tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã; thực hiện việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã được thể hiện qua việc các hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ:

1) Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký;

2) Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê; 3

) Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã theo quy định của pháp luật;

4) Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên khác được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật;

5) Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đỏng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật;

6) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, hợp tác xã thực hiện việc phân phối thu nhập cho các thành viên theo lao động, theo vốn góp và theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.

Nguồn vốn cơ bản và chủ yếu phục vụ hoạt động kinh doanh của hợp tác xã là do các thành viên đóng góp khi họ gia nhập hợp tác xã. Do đó, thành viên đóng góp nhiều vốn vào hợp tác xã đương nhiên được hợp tác xã phân phối thu nhập nhiều hơn thành viên đóng góp ít vốn vào hợp tác xã.

Có nhiều loại hình hợp tác xã khác nhau. Có loại hợp tác xã tạo việc làm, sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá hữu hình, bán ra thị trường và thu về lợi nhuận. Do vậy, các khoản thu nhập và lợi nhuận của hợp tác xâ được phân phối cho các thành viên trên cơ sở số lượng và chất lượng lao động mà các thành viên đã thực hiện trong hợp tác xã. Có hợp tác xã làm dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên (như bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, tưới tiêu nước, phòng trừ sâu bệnh, cung cấp điện, nước…). Có hợp tác xã huy động tiền gửi tiết kiệm từ các thành viên (hợp tác tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân). Thu nhập của các loại hình hợp tác xã này có được từ việc bán hàng hoá, sản phẩm hoặc thu phí sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Các thành viên càng mua nhiều hàng hoá, sử dụng nhiều dịch vụ của hợp tác xã thi càng tạo ra nhiều lợi nhuận cho hợp tác xã.

Do vậy, phương thức cũng như nguyên tắc phân phối thu nhập của hợp tác xã là phân phối thu nhập cho các thành viên theo lao động, theo vốn góp và theo việc sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Phương thức và nguyên tắc phân phối thu nhập này của hợp tác xã cũng phân biệt với phương thức và nguyên tắc phân phối thu nhập trong các loại hình doanh nghiệp khác, nơi mà thu nhập và lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được phân phối chủ yếu theo cổ phần mà các thành viên đã đóng góp vào doanh nghiệp.

Thứ sáu, hợp tác xã được hưởng các chính sách bảo đảm, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước.

Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế có tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Mục đích và sứ mạng của hợp tác xã là giúp đỡ, hỗ trợ cho những người lao động, các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về kinh tế, nên nhiều Nhà nước trên thế giới cũng như Nhà nước Việt Nam áp dụng các chính sách đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã có cơ hội được thành lập và phát triển. V.I. Lênin đã từng nói:

“về mặt chinh trị, cần làm thế nào để chẳng những các hợp tác xã, nói chung và luôn luôn được hưởng một số ưu đãi, mà số ưu đãi này còn phải là những ưu đãi thuần tuỷ vật chất (tỉ suất tiền lời trả cho ngân hàng).

Phải cho chế độ hợp tác xã hưởng một sổ những đặc quyền kinh tế, tài chính, ngân hàng; sự ủng hộ mà Nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta mang lại cho nguyên tắc tổ chức mới của dân cư phải là như vậy

Quán triệt quan điểm của các nhà tư tưởng về hợp tác xã, đúc kết kinh nghiệm tổ chức phong trào hợp tác xã hàng chục năm qua, Nhà nước Việt Nam đã đề ra những chính sách rất cụ thể về bảo đảm, hỗ trợ và ưu đãi đối với các hợp tác xã. Đây cũng chính là một điểm rất rõ nét để phân biệt hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường. Sự bảo đảm của Nhà nước Việt Nam đối với các hợp tác xã được thể hiện ở những điểm sau:

1) Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của hợp tác xã. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của hợp tác xã vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc lợi ích quốc gia thì được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

2) Bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng giữa hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.

3) Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn cam kết thực hiện những sự hỗ trợ hợp tác xã trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ ứng dụng khoa học, kĩ thuật và công nghệ mới; tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội…

Nhà nước còn cam kết cho các hợp tác xã được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật vê thuế, ưu đãi lệ phí đãng ký hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi như đối với tất cả các hợp tác xã khác, còn được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt của Nhà nước như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai; ưu đãi về tín dụng; vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; che biến sản phẩm.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.