[VPLUDVN] Việc đương sự, người đại diện của đương sự chống lại bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật yêu cầu tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án dân sự được gọi là kháng cáo.
1. Khái niệm kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
Kháng cáo là hoạt động tố tụng của đương sự và các chủ thê khác theo quy định của pháp luật trong việc yêu cầu tòa án cấp trên xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm.
Để bảo đảm việc giải quyết vụ án dân sự đúng pháp luật, pháp luật quy định viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tố tụng dân sự. Khi không đồng ý với bản án, quyết định giải quyết vụ án của tòa án cấp sơ thẩm, viện kiểm sát có quyền yêu cầu tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án. Việc viện kiểm sát yêu cầu tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm được gọi là kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Kháng nghị theo thụ tục phúc thẩm là hoạt động tố tụng của viện kiểm sát theo quy định của pháp luật trong việc để nghị tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Việc kháng cáo, kháng nghị của các chủ thể hiện nay được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 271 đến Điều 284 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Kháng cáo bảo đảm cho các đương sự có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước tòa án. Kháng nghị bảo đảm cho viện kiểm sát thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án ữong việc giải quyết vụ án dân sự. Kháng cáo, kháng nghị là điều kiện để tòa án cấp phúc thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án. Những bản án, quyết định sỡ thẩm dù có sai lầm nhưng nếu không bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án cũng không được xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
2. Người có quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
Theo quy định tại Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là:
1) Các đương sự;
2) Người đại diện của đương sự;
3) Cơ quan, tổ chức đã khởi kiện vụ án dân sự.
Theo quy định tại Điều 278 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người có quyền kháng nghị là viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên trực tiếp.
Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X tỉnh Y tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Bản án sơ thẩm có thể bị viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện X hoặc viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh Y kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Do viện kiểm sát được tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất, viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo trực tiếp của viện kiểm sát cấp trên nên thông thường cả ngành kiểm sát nếu có kháng nghị sẽ chỉ ra một quyết định kháng nghị hoặc là của viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị hoặc là của viện trưởng viện kiểm sát trên một cấp kháng nghị.
3. Đối tượng kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, cụ thể:
– Các bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
– Các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Các quyết định khác của tòa án cấp sơ thẩm như quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định chuyển vụ án cho tọà án khác giải quyết, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử không phải là đối tượng của kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.