Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự?

1. Đối tượng và căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Theo quy định tại điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thì:

– Đối tượng kháng nghị: khác với kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm,đối tượng của kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm không phải là những bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà là những bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật, cụ thể như sau:

+ Những bản án và quyết định của toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trinh tự phúc thẩm;

+ Những bản án và quyết định của toà án cấp phúc thẩm;

+ Những quyết định của toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẳm.

– Căn cứ kháng nghị: Căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là những tiền đề, cơ sở được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự mà dựa vào đó, những người có thẩm quyền kháng nghị tiến hành kháng nghị bản án và quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Những bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng đều phải được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được tiến hành trên cơ sở quy định tại Thông tư 06-TC ngày 23/7/1964 của Toà án nhân dân tối cao trong đó có quy định: “Những bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị là những bản án hoặc quyết định phát hiện có sai lầm”. Căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm lần đầu tiên được quy định tương đối đầy đủ trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, được quy định hoàn thiện hơn trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và tiếp tục được hoàn thiện trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Theo Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau:

+ Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù họp với những tình tiết khách quan của vụ án;

+ Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;

+ Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án là trường hợp kết luận trong bản án, quyết định của toà án không dựa trên những sự kiện có thật của vụ án và đã được các cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, làm sáng tỏ. Ví dụ: Kết luận trong bản án không phù hợp với các chứng cứ của vụ án như hành vi của bị cáo là phòng vệ chính đáng nhung kết luận của toà án là có tội hoặc cần phải ra bản án để nghiêm trị bị cáo đã thực hiện tội nghiêm trọng nhưng lại xử lí quá nhẹ hoặc việc giải quyết bồi thường không phù hợp với mức độ thiệt hại do bị cáo gây ra.

Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử (như điều tra viên trong quá trình điều tra đã áp dụng các biện pháp trái pháp luật, ép cung, bức cung hay trong trường hợp bắt buộc phải giám định mà không trưng cầu giám định, hội đồng xét xử không đúng thành phần, không yêu cầu đoàn luật sư cử người bào chữa ưong trường hợp luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa, toà án xét xử vụ án không thuộc thẩm quyền của mình…). Những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đó dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự như toà án định tội danh sai, quyết định hình phạt sai, tổng hợp hình phạt sai khi bị cáo phạm nhiều tội, toà án quyết định hình phạt cao hơn mức hình phạt được quy định trong điều luật, toà án không quyết định hình phạt bổ sung trong trường hợp bắt buộc phải áp dụng…

2. Phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giảm đốc thẩm và thủ tục thông báo bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đổc thẩm

Những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật vi phạm pháp luật nghiêm trọng có thể bị phát hiện. Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị. Toà án nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp huyện để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án toà án nhân dân cấp cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị. Toà án quân sự cấp quân khu thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án quân sự khu vực để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Toà án quân sự trung ương xem xét kháng nghị. Khi thực hiện công tác giám đốc việc xét xử, kiểm sát việc xét xử hoặc qua các nguồn thông tin khác mà toà án, viện kiểm sát phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì thông báo ngay bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị (Điều 372, 374 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp với người có thẩm quyền kháng nghị hoặc với toà án, viện kiểm sát nơi gần nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có). Văn bản thông báo có các nội dung chính:

– Ngày, tháng, năm;

– Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo;

– Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật bị phát hiện có vi phạm pháp luật;

– Nội dung vi phạm pháp luật được phát hiện;

– Kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị.

Người thông báo là cá nhân phải kí tên hoặc điểm chỉ; trường họp cơ quan, tổ chức thông báo thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải kí tên và đóng dấu.

3. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 373 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015):

– Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

– Chánh án Toà án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án quân sự cấp quân khu, toà án quân sự khu vực.

– Chánh án Toà án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp tỉnh, toà án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Những người đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền tạm đình chỉ việc thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy, đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật đang được thi hành, nếu thấy trong thời hạn chờ xét xử giám đốc thẩm, việc tiếp tục thi hành bản án hoặc quyết định đó có thể gây thiệt hại cho người phải thi hành án thì người đã kháng nghị có quyền quyết định tạm đình chỉ việc thi hành bản án, quyết định đó. Người đã kháng nghị có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành án ngay trong bản kháng nghị hoặc sau khi đã kháng nghị, không được tạm đình chỉ thi hành án trước khi kháng nghị. Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi cho toà án, viện kiểm sát noi đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm quyền (Điều 377 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

4. Thủ tục tiếp nhận thông báo, chuyển hồ sơ vụ án để xem xét và quyết định khảng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Khi nhận được thông báo bằng văn bản thì toà án, viện kiểm sát phải vào sổ nhận thông báo. Khi người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trình bày trực tiếp về vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì toà án, viện kiểm sát phải lập biên bản; nếu người thông báo cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật thì toà án, viện kiểm sát phải lập biên bản thu giữ. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng hình sự. Toà án, viện kiểm sát đã nhận thông báo, lập biên bản phải gửi ngay thông báo, biên bản kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) cho người có thẩm quyền kháng nghị và thông báo bằng văn bản cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết (Điều 374, 375, 376 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Trường hợp cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì toà án, viện kiểm sát có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản để toà án đang quản lí hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, toà án đang quản lí hồ sơ vụ án phải chuyển hồ sơ vụ án cho toà án, viện kiểm sát đã yêu cầu. Trường hợp toà án và viện kiểm sát cùng có văn bản yêu cầu thì toà án đang quản lí hồ sơ vụ án chuyển hồ sơ cho cơ quan yêu cầu trước và thông báo cho cơ quan yêu cầu sau biết.

Khi xác định có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm thì người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm có các nội dung chính:

– Số, ngày, tháng, năm của quyết định;

– Người có thẩm quyền ra quyết định;

– Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định bị kháng nghị;

– Nhận xét, phân tích những vi phạm pháp luật, sai lầm của bản án, quyết định bị kháng nghị;

– Căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị;

– Quyết định kháng nghị toàn bộ hay một phần bản án, quyết định;

0 Tên của toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm vụ án;

– Yêu cầu của người kháng nghị.

5. Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm

Đê đảm bảo tính ổn định của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Điều 278 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Việc kháng nghị theo hướng không cólợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án hoặc quyết định cóhiệu lực pháp luật”. Quy định này thường được áp dụng đối với các kháng nghị như kháng nghị yêu cầu áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn, tăng nặng hình phạt đối với người bị kết án, kháng nghị để kết tội người đã được toà án tuyên bố là không có tội.

Ngược lại, cũng theo Điều luật trên thì “Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”. Quy định này thường được áp dụng đối với các kháng nghị như kháng nghị đề nghị huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án vì người bị kết án không phạm tội, kháng nghị yêu cầu huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại theo hướng giảm hình phạt, miễn hình phạt cho người bị kết án…

Đối với vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, nếu có vi phạm mà phải kháng nghị giám đốc thẩm nhung chỉ liên quan đến nguyên đơn dân sự, bị đon dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì sẽ kháng nghị theo những quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì người có quyền kháng nghị phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lí do của việc không kháng nghị.

6. Gửi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị

Sau khi ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi ngay cho toà án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, người bị kết án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị (Điều 380, Điều 381 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Trường hợp Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị thì quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án phải gửi ngay cho toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm.

Trường hợp Chánh án Toà án nhân dân cấp cao, Chánh án Toà án quân sự trung ương kháng nghị thì quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho viện kiểm sát có thẩm quyền.

Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, viện kiểm sát phải gửi lại hồ sơ vụ án cho toà án.

Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương kháng nghị thì quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án phải gửi ngay cho toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm.

Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà giám đốc thẩm, người kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi kháng nghị nếu chưa hết thời hạn kháng nghị. Việc bổ sung, thay đổi kháng nghị trước khi mở phiên toà phải bằng quyết định và được gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 380 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc bổ sung, thay đổi kháng nghị tại phiên toà được ghi vào biên bản phiên toà.

Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà giám đốc thẩm, người kháng nghị có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị. Việc rút kháng nghị trước khi mở phiên toà phải bằng quyết định; việc rút kháng nghị tại phiên toà được ghi vào biên bản phiên toà.

Trường họp rút toàn bộ kháng nghị trước khi mở phiên toà thì chánh án toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm. Trường họp rút toàn bộ kháng nghị tại phiên toà thì hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định, toà án gửi quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm cho những người quy định tại khoản 1 Điều 380 của Bộ luật tố tụng hình sự và viện kiểm sát cùng cấp.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *