I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH S
1.1. Khái niệm
Theo từ điển tiếng việt[1] khiếu nại là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại những quyết định trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tố cáo là việc cá nhân nói cho cơ quan có thẩm quyền biết một hành động, một việc làm phạm pháp nào đó.
Tại Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại xác định khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo năm 2018 thì tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tố tụng hình sự là quá trình tiến hành tiếp nhận, giải quyết vụ án hình sự theo quy định của luật tố tụng hình sự.
Từ những khái niệm trên, có thể rút ra các khái niệm về khiếu nại trong tố tụng hình sự và tố cáo trong tố tụng hình sự:
Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, giải quyết lại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tố cáo trong tố tụng hình sự là việc cá nhân báo cho cơ quan, người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, quan hệ làm phát sinh khiếu nại trong tố tụng hình sự là quan hệ giữa một bên là người chịu tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và họ khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình. Còn quan hệ làm phát sinh tố cáo trong tố tụng hình sự là giữa người không chịu tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, và họ thực hiện tố cáo có thể để bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chủ thể có quyền tố cáo là cá nhân, pháp luật không quy định cơ quan, tổ chức là chủ thể của quyền tố cáo.
Quyết định, hành vi mà khiếu nại, tố cáo hướng đến phải là quyết định, hành vi phát sinh trong quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền. Do vậy quyết định, hành vi phát sinh trong quan hệ quản lý hành chính, dù phát sinh ngay trong các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không phải là đối tượng điều chỉnh của các quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
Quyết định trái pháp luật, hành vi vi phạm pháp luật làm căn cứ phát sinh khiếu nại, tố cáo là do nhận thức chủ quan và động cơ của người khiếu nại, tố cáo. Còn căn cứ xác định hành vi, quyết định đó có trái pháp luật hay không phải có kết luận cuối cùng của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo luật định.
1.2. Ý nghĩa
Bộ luật tố tụng hình sự không chỉ có nhiệm vụ là bảo đảm ngăn chặn tội phạm, phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn nhiệm vụ quan trọng đó là bảo vệ quyền con người. Việc bảo vệ quyền con người được thể hiện ở nhiều chế định, trong đó chế định về khiếu nại, tố cáo thể hiện rõ vấn đề này, nó là phương thức bảo đảm và thực hiện quyền con người trong tố tụng hình sự; bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện đúng đắn; là biện pháp cần thiết để kịp thời phát hiện và khắc phục các vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng; là nguồn thông tin quan trọng đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự còn có ý nghĩa chính trị, xã hội, thể hiện tính dân chủ trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam..
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.