Khoa học luật hình sự là gì?
Khoa học Luật hình sự là một ngành khoa học luật, nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện lý luận về tội phạm, hình phạt bao gồm các quan điểm, tư tưởng, quan niệm pháp lý hình sự cơ bản về Luật hình sự. Khoa học Luật hình sự là một bộ phận hợp thành của khoa học pháp lý, là một trong những ngành khoa học xã hội.
Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của khoa học Luật hình sự bao gồm các lĩnh vực sau:
– Tội phạm và hình phạt với tư cách là những hiện tượng pháp lý – xã hội;
– Những chế định pháp lý hình sự khác có liên quan đến tội phạm và hình phạt;
– Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự của các cơ quan tư pháp hình sự;
– Các nguyên tắc của Luật hình sự;
– Đạo luật hình sự, tính quyết định xã hội và hiệu quả của nó, các quy luật và khuynh hướng phát triển của luật hình sự Việt Nam và vấn đề hoàn thiện pháp luật hình sự;
– Pháp luật hình sự của các nước trên thế giới. Qua nghiên cứu pháp luật hình sự của các nước trên thế giới, khoa học Luật hình sự Việt Nam tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm và thành tựu trong hoạt động xây dựng, nghiên cứu và áp dụng pháp luật hình sự.
Khoa học Luật hình sự Việt Nam sử dụng các phương pháp nghiên cứu dựa trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, cụ thể như: phương pháp thống kê xã hội học, phương pháp so sánh, phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích, tổng hợp…Vì vậy, không phải khoa học Luật hình sự nghiên cứu về tội phạm, hình phạt và những vấn đề có liên quan một cách trừu tượng mà trái lại, các đối tượng này được nghiên cứu với tính cách là những hiện tượng xã hội có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với các điều kiện cụ thể của xã hội.
Từ đó, khoa học Luật hình sự lý giải được các nguyên nhân, nhân tố, tiền đề quyết định việc ban hành đối với từng nội dung, chế định pháp luật hình sự trong từng điều kiện lịch sử cụ thể. Nội dung và hình thức của các khái niệm pháp lý hình sự được khoa học Luật hình sự làm sáng tỏ dựa trên các phạm trù, quy luật, luận điểm của triết học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tội phạm và hình phạt.
Khoa học Luật hình sự có mối liên quan mật thiết với nhiều ngành khoa học khác liên quan đến việc nghiên cứu các vấn đề về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Đó là các ngành khoa học sau: Tội phạm học; Thống kê hình sự; Khoa học điều tra hình sự; Giám định pháp y; Tâm thần học tư pháp; Tâm lý học tư pháp.
Có thể nói, khoa học Luật hình sự có cùng nhiệm vụ với các ngành khoa học nói trên. Tuy nhiên, khoa học Luật hình sự lại có đối tượng nghiên cứu độc lập với các ngành khoa học này. Chẳng hạn, khi nghiên cứu tội phạm, khoa học Luật hình sự nghiên cứu khái niệm, bản chất, đặc điểm pháp lý của tội phạm dựa trên các quy phạm pháp luật hình sự. Trong khi đó, tội phạm học lại nghiên cứu tội phạm ở góc độ xã hội đó là tình hình tội phạm, các nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa tội phạm. Cho nên, khi nghiên cứu đối tượng, khoa học Luật hình sự sử dụng phương pháp logic. Trong khi đó, tội phạm học sử dụng các phương pháp xã hội, như điều tra xã hội học, thống kê xã hội học…
Sưu tầm và Biên tập