Lịch sử hình thành của luật thương mại

[VPLUDVN] Để nắm được mối liên hệ của luật thương mại với những ngành luật khác, từ đó xác định được ranh giới của luật thương mại, ta cần phải hiểu được lịch sử phát sinh và phát triển của luật thương mại.

Lịch sử chung

Điều kiện ra đời của luật thương mại

Điều kiện lịch sử cho việc ra đời của luật thương mại là khi có một khối lượng nhất định về sản xuất và trao đổi, khi quan hệ quốc tế trở nên sôi động và khi có một sự tự do vừa đủ cho các thương gia. Vì thế, nhiều chế định của luật thương mại giống với các giao dịch về ngân hàng, thương phiếu, phá sản,… ở thời kỳ Trung cổ.
Các quy tắc thương mại có các đặc tính so sánh với các quy tắc của luật dân sự: (i) Mang tính quốc tế rộng lớn hơn, (ii) đòi hỏi thủ tục đơn giản hơn và thời hiệu ngắn hơn, (iii) đảm bảo khả năng tín dụng cao hơn. Khoảng đầu thế kỷ XIII ở miền Bắc nước Ý và một trung tâm thương mại khác tại Bruges, Anwers, Amsterdam đã họp thành các phường hội từ các thợ thủ công và các thương nhân. Như vậy quy chế về phường hội phát triển.

Một số đạo luật thương mại đầu tiên

Tại Pháp, chỉ dụ năm 1563, Vua Charles IX tuyên bố trả lại đơn của các thương gia gửi từ Paris tới ông để công khai, giảm bớt chi phí và giảm bớt sự khác biệt giữa các thương gia. Từ đó, họ phải cùng nhau thương lượng dựa trên nguyên tắc thiện chí, không bị ràng buộc vào sự tinh tế của luật hay Đạo dụ – đây là nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.
Năm 1673, Bộ luật Savary ra đời; năm 1681 Đạo dụ về luật hàng hải được công bố. Cả hai Đạo dụ này đánh dấu sự ra đời của luật thương mại với tư cách là một ngành luật.
Hoạt động thương mại và công nghiệp được giải phóng từ cách mạng tư sản Pháp. Năm 1807, Bộ luật thương mại Pháp ra đời và là Bộ luật thương mại được pháp điển hoá hiện đại đầu tiên trên thế giới. Bộ luật có hiệu lực từ ngày 1/1/1808 gồm 4 quyển: Về thương mại tổng quát, Về thương mại hàng hải, Về phá sản và vỡ nợ, Về tài phán thương mại.
Tại nước Anh theo truyền thống Common Law đã tiếp nhận quy tắc của luật thương mại từ các tập quán và thực tiễn hoạt động của con người, thông qua hàng loạt các quyết định pháp lý. Từ đó các tập quán thương mại được coi là một phần của thông luật.

Lich sử của luật thương mại Việt Nam

Lược sử của luật thương mại Việt Nam được chia thành 4 giai đoạn: (i) Trước thời kỳ Pháp thuộc; (ii) Thời kỳ Pháp thuộc; (iii) Thời kỳ chống Mỹ; (iv) Thời kỳ thống nhất đất nước.

Trước thời kỳ Pháp thuộc

Lịch sử cho thấy ở Việt Nam thương mại không phát triển. Có hai nguyên nhân sau cần lưu ý:
Thứ nhất, chế độ đại gia đình và gia trưởng là một hạn chế lớn cho việc ra đời và phát triển của các hoạt động thương mại. Bắt nguồn từ cách sống của người phương Đông nói chung, người Việt Nam sinh sống trong tôn ti trật tự của các đại gia đình có nhiều thế hệ, mang tính chất họ hàng. Chế độ gia đình đã kiềm chế thực sự những tự do cá nhân về cả phương diện nhân thân và tài sản (ví dụ như Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long đều ngăn cản việc thủ đắc tài sản riêng của con cháu). Tuy nhiên, chế độ gia đình lại đem tới sự ổn định xã hội, duy trì chế độ quân chủ và mặt nào đó còn có lợi cho cá nhân các thành viên gia đình. Yếu tố gia đình cũng là một yếu tố giảm nhẹ đối với trách nhiệm hình sự có lợi cho cá nhân.
Thứ hai, trong thời kỳ phong kiến, chính sách bế quan toả cảng của Việt Nam hạn chế phần lớn sự học hỏi từ thế giới bên ngoài. Cơ sở kinh tế – xã hội cho việc phát triển luật lệ về thương mại hầu như không có. Đồng thời truyền thống pháp luật chỉ lưu ý tới các quy tắc của luật hình sự. Về cơ bản thời kỳ này chưa xuất hiện hình thức công ty hay thương hội.

Thời kỳ Pháp thuộc

Vào năm 1984, Bộ luật Thương mại Pháp được áp dụng ở Nam Kỳ và năm 1988 áp dụng tại Bắc Kỳ. Năm 1892, sắc lệnh quy định hành nghề thương mại do người Á – Đông ngoại quốc và người Việt Nam sinh ở nhượng địa pháp thuộc thẩm quyền của pháp luật Pháp được ban hành. Năm 1931, ở Bắc Kỳ có một Bộ luật Dân sự. Năm 1936 ở Trung Kỳ có một Bộ Luật Dân sự. Năm 1942, Triều đình Huế ban hành Bộ luật Thương mại.

Thời kỳ chống Mỹ

Thời kỳ này, Việt Nam bị chia thành hai miền Nam và Bắc. Ở miền Nam vẫn duy trì truyền thống pháp luật của Pháp. Năm 1972, chính quyền Sài Gòn ban hành hai bộ luật lớn là Bộ luật Dân sự và Bộ luật thương mại mang tầm cỡ quốc tế về kỹ thuật pháp lý. Từ đó, người Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận được cacs nền pháp lý hiện đại của kinh tế thị trường. Miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất đất nước. Pháp luật thương mại không còn được lưu tâm, ý tưởng xây dựng nền kinh tế, kế hoạch hoá tập trung được chú trọng.

Thời kỳ thống nhất đất nước

Ngày 21/12/1990, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Hai đoạ luật này ra đời có hiệu lực từ ngày 15/4/1991 đã thực sự thúc đẩy kinh tế khu vực tư nhân phát triển. Thành công lớn nhất của Luật công ty là đã tạo ra được thói quen tư duy kinh doanh cho người dân, gạt bỏ lối sống dựa vào nhà nước và tiến tới chỗ tôn vinh doanh nghiệp.
Ngày 10/05/1997, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 11 thông qua Luật Thương mại. Đây là sự kiện mang dấu ấn, bởi đây là lần đầu tiên một đạo luật về thương mại của Nhà nước cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời. Lần đầu tiên một đạo luật ra đời mà tập trung nhiều rắc rối, băn khoăn, trăn trở về mặt lý luận cũng như thực tiễn pháp lý. Những câu hỏi này được trả lời bằng việc sửa đổi căn bản Luật Thương mại 1997.
Luật Công ty ban hành trước đây đã sớm không đáp ứng nổi những đòi hỏi của hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy Luật Doanh nghiệp được ban hành thay thế – đây là văn bản hợp nhất của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân năm 1990.
Tại giai đoạn này, sự ra đời của pháp luật đầu tư nước nogài tại Việt Nam là một dấu ấn lớn, từ đó có các quy định chi tiết về các hình thức đầu tư. Văn bản pháp luật đầu tiên có quy định về đầu tư nước ngoài là bản điều lệ về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 115/CP ngày 18/04/1977 của Hội đồng Chỉnh phủ. Ngày 29/12/1987 Luật Đầu tư Nước ngoài tại Việt Nam được thông qua. Đạo luật này có ý nghĩa lớn thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời còn mở rộng giao lưu quốc tế. Đạo luật này được thay thế bằng một đạo luật mới do Quốc hội thông qua ngày 12/11/1996 và được sửa đổi, bổ sung vào ngày 9/6/2000. Hiện nay Việt Nam đã có một dạo luật đầu tư có tính bao quát được ban hành năm 2005. Bên cạnh các đạo luật về thương nhân, giai đoạn này cũng đã có nhiều đạo luật quy định riêng rẽ như Bộ luật Hàng hải, Luật hàng không dân dụng,…


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *