Lịch sử hình thành và nguồn luật chủ yếu của hoạt động trung gian thương mại

1. Lịch sử hình thành pháp luật về hoạt động trung gian thương mại

Trên thế giới, hoạt động thương mại qua trung gian đã xuất hiện từ lâu, do nhu cầu của việc mở rộng quy mô và cường độ buôn bán hàng hoá của thương nhân. Người ta cho rằng vào khoảng thế kỉ XIII, khi vận chuyển hàng hoá từ nước này sang nước khác bắt đầu được thực hiện bằng đường biển, các thương gia, những nhà đầu tư vốn khi cần phải vận chuyển hàng hoá của mình sang nước khác bằng tàu thủy thì họ đã ở lại đất nước của mình và giao hàng hoá, tiền bạc cho một người để người này theo tàu đi đến nước khác thực hiện việc giao hàng tại cảng đến và mua hàng đem về để kiếm lời. Người này được gọi là người nhận ủy thác, họ sẽ được nhận một khoản tiền là một phần lợi nhuận của bên ủy thác do việc thực hiện công việc của mình. Đó là khởi nguồn của việc sử dụng các dịch vụ trung gian thương mại.

Sau đó, cùng với sự phát triển của các hoạt động thương mại trên thế giới, các loại hình dịch vụ trung gian thương mại cũng lần lượt xuất hiện. Đặc biệt, từ nửa sau của thế kỉ XIX khi các quan hệ quốc tế gia tăng đáng kể thì việc sử dụng dịch vụ trung gian thương mại trong hoạt động kinh doanh của thương nhân càng trở nên có ý nghĩa. Đến nay, ở hầu hết các nước đều tồn tại các hoạt động thương mại qua trung gian là: Đại diện thương mại, đại lý thương mại, ủy thác mua bán hàng hoá, môi giới thương mại.

Pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại qua trung gian ở các nước không giống nhau. Các nước theo truyền thống pháp luật Anh – Mĩ không có quy định riêng điều chỉnh các dịch vụ trung gian trong hoạt động thương mại. Tất cả các giao dịch qua trung gian bất kể nhằm mục đích gì cũng được quy định chung trong “Law of agency” (luật đại diện). Luật đại diện của Anh – Mĩ dùng thuật ngữ bên đại diện (agent) để chỉ những người thực hiện một hoặc một số hành vi theo sự ủy quyền của bên ủy quyền (Principal) với danh nghĩa của bên ủy quyền hay với danh nghĩa của chính mình vì lợi ích của bên ủy quyền.

Các nước theo truyền thống luật châu Âu lục địa như: Pháp, Đức, Bỉ, Nhật Bản bên cạnh Bộ luật dân sự có ban hành bộ luật thương mại, trong đó quy định rất cụ thể về từng loại hoạt động thương mại qua trung gian. Đó là các hoạt động: đại diện thương mại; môi giới thương mại và ủy thác thương mại.

Ở châu Âu, trong số các dịch vụ trung gian thương mại, dịch vụ được sử dụng phổ biến và được coi là điển hình nhất là dịch vụ đại diện thương mại. Do đó, Hội đồng của cộng đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị 86/653/EEC ngày 18/12/1986 về sự kết hợp của luật các nước thành viên liên quan đến những người đại diện thương mại để áp dụng chung cho toàn khối EEC.

Hệ thống pháp luật Anh – Mĩ và hệ thống pháp luật châu Âu lục địa có cách quy định khác nhau để điều chỉnh các dịch vụ trung gian thương mại. Tuy nhiên, pháp luật về hoạt động dịch vụ trung gian thương mại ở các nước đều tập trung quy định về một số vấn đề như: Quyền và nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ và bên làm dịch vụ đối với nhau và đối với bên thứ ba; hình thức của loại hợp đồng dịch vụ này; trả tiền thù lao cho bên thuê dịch vụ; chấm dứt việc thực hiện dịch vụ; bồi thường thiệt hại trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm nghĩa vụ luật định.

Ở Việt Nam, trong thời kì kinh tế kế hoạch hoá tập trung, các hoạt động trung gian thương mại chủ yếu tồn tại trong lĩnh vực kinh tế quốc tế do nhu cầu giao lưu kinh tế giữa các nước, còn ở trong nước thì các hoạt động trung gian thương mại chưa có điều kiện để hình thành. Trong thời kì này, một số văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Ngoại thương dưới hình thức thông tư được ban hành để điều chỉnh các hoạt động ủy thác xuất nhập khẩu và việc đặt đại lý mua bán hàng hoá ở nước ngoài (Thông tư số 03-BNg/XNK ngày 11/4/1984 về ủy thác xuất nhập khẩu; Thông tư số 04-BNg/XNK về việc đặt đại lý mua bán hàng hoá ở nước ngoài).

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, do nhu cầu của việc trao đổi hàng hoá dịch vụ, các hoạt động trung gian thương mại đã xuất hiện và cần phải có pháp luật điều chỉnh các hoạt động này. Ngày 10/5/1997 Quốc hội nước ta thông qua Luật Thương mại, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1998. Luật Thương mại năm 1997 chỉ điều chỉnh các hành vi thương mại của thương nhân, đó là những hành vi mua bán hàng hoá, cung ứng các dịch vụ thương mại gắn với việc mua bán hàng hoá (trong đó có các dịch vụ đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hoá, đại lý mua bán hàng hoá). Luật Thương mại năm 1997 chưa đưa ra khái niệm hoạt động trung gian thương mại, tuy nhiên, các dịch vụ đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hoá, đại lý mua bán hàng hoá được quy định từ Điều 83 đến Điều 127 của Luật này chính là các dịch vụ trung gian thương mại. Các dịch vụ trung gian thương mại theo Luật Thương mại năm 1997 chỉ bó hẹp trong các hoạt động dịch vụ làm trung gian để mua bán hàng hoá (ủy thác mua bán hàng hoá, đại lý mua bán hàng hoá), cung ứng dịch vụ liên quan đến mua bán hàng hoá mà thôi. Mặt khác, phạm vi hoạt động của các dịch vụ trung gian thương mại theo Luật Thương mại năm 1997 còn bị giới hạn ở khái niệm hàng hoá (Khoản 3 Điều 5 Luật Thương mại năm 1997). Do đó, nhiều dịch vụ trung gian nhằm mục đích kiếm lời như môi giới bảo hiểm, môi giới chứng khoán, môi giới hàng hải… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Sau khi Luật Thương mại năm 1997 được thông qua, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, trong đó có một số văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về các dịch vụ trung gian thương mại như: Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài; Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP; Thông tư số 18/1998/TT-BTM ngày 28/8/1998 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/1998/NĐ-CP.

Sau gần 7 năm thi hành, Luật Thương mại năm 1997 đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện phát triển hoạt động thương mại trong nước cũng như quốc tế. Do đó, ngày 14/6/2005 Quốc hội khoá XI kì họp thứ 7 đã thông qua Luật Thương mại mới, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006 và thay thế cho Luật Thương mại năm 1997. Luật Thương mại năm 2005 đã đưa ra định nghĩa hoạt động trung gian thương mại và có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, quy định mới về các hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hoá, đại lý thương mại so với Luật Thương mại năm 1997.

Trong ngày 14/6/2005, cùng với việc thông qua Luật Thương mại, Quốc hội đã thông qua Bộ luật dân sự năm 2005 (Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 và thay thế Bộ luật dân sự năm 1995).

Ngày 24/11/2015 Quốc hội nước ta đã thông qua Bộ luật dân sự mới thay cho Bộ luật dân sự năm 2005. Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Có thể khẳng định: Bộ luật dân sự là luật “gốc” điều chỉnh các quan hệ dân sự, trong đó có quan hệ thương mại nói chung và các quan hệ phát sinh ưong hoạt động trung gian thương mại nói riêng.

2. Nguồn luật chủ yếu điều chỉnh các quan hệ trung gian thương mại

Hiện nay, ở Việt Nam pháp luật điều chỉnh hoạt động trung gian thương mại bao gồm các văn bản pháp luật chủ yếu sau:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Luật Thương mại năm 2005;

– Các luật khác có quy định về các hoạt động thương mại đặc thù như: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Du lịch năm 2017, Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014 và 2016), Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 …

– Các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Thương mại và các luật khác có liên quan đến hoạt động trung gian thương mại.

Nguyên tắc xác định thứ bậc văn bản pháp luật áp dụng điều chỉnh các hoạt động thương mại nói chung và hoạt động trung gian thương mại nói riêng, nhằm hạn chế xung đột luật đã được xác định rõ tại Điều 4 Luật Thương mại năm 2005 và Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2015 là: mọi hoạt động thương mại phải tuân theo Luật Thương mại và pháp luật có liên quan; hoạt động thương mại đặc thù được quy định ưong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của Bộ luật dân sự được áp dụng.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *