1. Đầu tư ra nước ngoài là gì?
Theo khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, hoạt động này được định nghĩa là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.
2. Những quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư ra nước ngoài
– Luật Đầu tư 2020.
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.
– Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
– Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại việt nam, đầu tư từ việt nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.
3. Hình thức đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư có thể đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp ra nước ngoài theo các hình thức được quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020. Cụ thể:
Hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:
– Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
– Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài.
– Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó.
– Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài:
– Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
4. Thẩm quyền quyết định đầu tư ra nước ngoài
Đối với những dự án này, Nhà nước đã đưa ra những quy định về kiểm soát dự án ngay từ giai đoạn đầu. Trong một số trường hợp, việc tiến hành dự án cần có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước. Nội dung này được quy định tại Điều 56 Luật Đầu tư 2020 như sau:
– Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án:
+ Dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên.
+ Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
– Trừ các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên.
+ Dự án đầu tư không thuộc trường hợp trên nhưng có vốn đầu tư nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
Các dự án đầu tư không thuộc các trường hợp trên không phải chấp thuận chủ trương đầu tư nước ngoài. Những yêu cầu đặt ra với các dự án thông thường được đơn giản hơn khi không phải thông qua bước chấp thuận của cơ quan nhà nước nhưng các quyết định đầu tư nước ngoài phải tuân theo pháp luật liên quan.
Theo đó, Điều 59 Luật Đầu tư 2020 về quyết định đầu tư ra nước ngoài quy định:
– Đối với hoạt động đầu tư được thực hiện bởi doanh nghiệp nhà nước, việc quyết định đầu tư nước ngoài phải thực hiện theo quy định chặt chẽ của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ quyết định đầu tư nước ngoài theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư.
– Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài khác, (không phải dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước) sẽ do nhà đầu tư quyết định theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Bản thân nhà đầu tư sẽ tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư nước ngoài của mình.
5. Điều kiện về ngành nghề đầu tư ra nước ngoài
❖ Ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài
Theo Điều 53 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư không được thực hiện các ngành, nghề bị cấm sau đây:
– Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư 2020 và các điều ước quốc tế có liên quan. Theo đó, ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh ra nước ngoài theo pháp luật đầu tư trong nước bao gồm:
+ Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020
+ Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020
+ Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020
+ Kinh doanh mại dâm.
+ Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người.
+ Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
+ Kinh doanh pháo nổ.
+ Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
– Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
– Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
❖ Ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện
Khoản 1 Điều 54 Luật Đầu tư 2020 liệt kê ra các ngành, nghề có điều kiện bao gồm:
– Ngân hàng.
– Bảo hiểm.
– Chứng khoán.
– Báo chí, phát thanh, truyền hình.
– Kinh doanh bất động sản.
Điều kiện đầu tư ra nước ngoài trong 05 ngành, nghề quy định nêu trên được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã có những quy định hướng dẫn điều kiện đối với ngành, nghề đầu tư có điều kiện. Theo đó:
+ Đối với các ngành, nghề ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán: nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
+ Đối với ngành, nghề báo chí, phát thanh, truyền hình: nhà đầu tư là tổ chức đã được cấp phép hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam và được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý bằng văn bản.
+ Đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản: nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo Luật doanh nghiệp 2020
6. Điều kiện được cấp phép đầu tư ra nước ngoài
Điều kiện được cấp phép đầu tư ra nước ngoài có thể hiểu là điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được quy định tại Điều 60 Luật Đầu tư 2020. Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, phù hợp với nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư nước ngoài.
Theo Điều 51 của Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư 2020, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) và điều ước quốc tế có liên quan; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Thứ hai, không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư nước ngoài và đáp ứng điều kiện đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư nước ngoài có điều kiện.
Thứ ba, nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép.
Thứ tư, có quyết định đầu tư nước ngoài (theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư 2020).
Thứ năm, có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.
7. Trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài
Các trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài có thể hiểu là các trường hợp chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Nội dung này được liệt kê tại khoản 1 Điều 64 Luật Đầu tư 2020, bao gồm các trường hợp:
- Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
- Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp.
- Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài.
- Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
- Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
- Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.