Một số vấn đề lý luận về tội tham nhũng trong Bộ luật hình sự việt nam

1. Dấu hiệu pháp lý của các tội về tham nhũng trong Bộ luật hình sự

1.1 Dấu hiệu pháp lý của Tội tham ô tài sản

Khoản 1 Điều 353 quy định:

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Từ quy định trên cho thấy Tội tham ô tài sản có những dấu pháp lý như sau:

Khách thể của tội phạm: Tội tham ô tài sản trực tiếp xâm hại hai quan hệ xã hội, đó là sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức đối với việc quản lý, sử dụng, đầu tư tài sản và quan hệ sở hữu.

Đối tượng tác động của tội phạm phải thoả mãn 2 điều kiện, đó là:

– Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý, từ đó họ có nhiều thuận lợi trong việc chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản.

– Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng phải thoả mãn 1 trong 2 điều kiện:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Mặt khách quan của tội phạm phải có các dấu hiệu đặc trưng sau:

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao để thực hiện không đúng trách nhiệm của mình hoặc làm trái các quy định về chế độ quản lý tài sản mà mình phụ trách nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức cho bản thân mình.

– Sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép nhưng có liên quan đến cương vị công tác để chiếm đoạt tài sản như: Kế toán tự lập chứng từ thanh toán khống không thông qua chủ tài khoản để chiếm đoạt…

– Hành vi chiếm đoạt tài sản có thể thực hiện công khai, có thể thực hiện bí mật. Thực tiễn cho thấy, để che giấu hành vi chiếm đoạt người phạm tội thường có hành vi sửa chữa sổ sách, chứng từ; lập chứng từ giả; cố ý nâng cao hoặc hạ thấp một cách sai trái giá trị tài sản là đối tượng trong các hợp đồng đầu tư, mua bán tài sản; lập khống các hợp đồng, chứng từ liên quan đến thu chi tài chính, mua bán tải sản; tiêu huỷ, sửa chữa hoá đơn, chứng từ liên quan đến việc thu chi tài chính… Các thủ đoạn này có thể được thực hiện trước, trong hoặc sau khi chủ thể chiếm đoạt được tài sản.

Ngoài việc chiếm đoạt tài sản, những hành vi nói trên của chủ thể còn gây thiệt hại, làm thất thoát tài sản của cơ quan, tổ chức, nhất là các vụ án liên quan đến Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước, các đối tượng đã dung nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản và đã gây ra thiệt hại, làm thất thoát tài sản trị giá hàng chục, hàng trăm lần so với trị giá tài sản chiếm đoạt. Vì vậy, khi xử lý những vụ án này, cần phải xác định làm rõ hậu quả trị giá tài sản chiếm đoạt với hậu quả bị thiệt hại, thất thoát làm cơ sở, tiêu chí để hành vi có cấu thành tội tham ô, xác định tình tiết có ý nghĩa định tội và tình tiết có ý nghĩa xác định khung tăng nặng tại Điểm d Khoản 2, Điểm a Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều 353; Đối với những thiệt hại khác phát sinh (kéo theo) từ hành vi tham ô là tình tiết tiết định khung tăng năng quy định tại Điểm e Khoản 2, Điểm b Khoản 3, 4 Điều 353.

Chủ thể của tội phạm phải thoả mãn đầy đủ 2 điều kiện, đó là: Người phạm tội phải là người có chức vụ quyền hạn và là người có trách nhiệm quản lý tài sản.

Điều 352 BLHS qui định: “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Như vậy, người có chức vụ quyền hạn phải thỏa mãn những điều kiện sau:

Thứ nhất, phải là người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước. Ở nước ta, khái niệm “công vụ” trong bộ máy Nhà nước bao gồm nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị mà Nhà nước chỉ là một cơ quan trong hệ thống đó. Người nào có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước được coi là người có chức vụ, quyền hạn. Để có được chức vụ quyền hạn này phải qua bầu cử, được bổ nhiệm, được tuyển dụng hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên trong các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Ngoài ra, người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước (như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Kế toán trưởng…) cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.

Thứ hai, người có chức vụ, quyền hạn phải được giao thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức. Không ít các trường hợp chủ thể có chức danh nhưng không hoặc chưa được giao quyền hạn trực tiếp quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức nên họ không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản. Đây là dấu hiệu rất quan trọng nhưng trong thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng không chú ý đến dấu hiệu này mà chỉ chú ý đến chức vụ, quyền hạn mà người phạm tội có, nên không ít trường hợp người phạm tội tuy có lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, nhưng tài sản đó không do họ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, thì xác định hành vi chiếm đoạt phạm tội vào tham ô là không chuẩn xác.

Mặt chủ quan của tội phạm: Các chủ thể mong muốn chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức cho thấy yếu tố lỗi trong cấu thành tội tham ô tài sản là lỗi cố ý trực tiếp; mục đích, động cơ là vụ lợi.

1.2 Dấu hiệu pháp lý của Tội nhận hối lộ

Tại Khoản 1 Điều 354 Bộ luật hình sự quy định:

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất”…

Tội nhận hối lộ có những dấu hiệu pháp lý như sau:

* Khách thể của tội phạm: Tội nhận hối lộ trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước tổ chức chính trị, xã hội hoặc các cơ quan, tổ chức khác và xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

* Mặt khách quan thể hiện qua những nội dung như sau:

+ Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã nhận hoặc sẽ nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất.

Đối với trường hợp đã nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất thì biểu hiện của nội dung khách quan này có thể người phạm tội chủ động đòi hối lộ và người đưa hối lộ trực tiếp (hoặc qua trung gian) đã đưa hối lộ. Tội phạm quy định tại Điều 354 là tội phạm có cấu thành hình thức, cho dù người phạm tội chưa thực hiện bất kỳ hoạt động nào theo thẩm quyền của mình, thì tội phạm vẫn được xem là hoàn thành.

Đối với trường hợp người phạm tội không chủ động đòi hối lộ, nhưng người đưa hối lộ trực tiếp (hoặc qua trung gian) chủ động gặp gỡ trực tiếp người phạm tội hoặc thông qua người thưa ba đề nghị được người phạm tội giúp làm hoặc không làm một việc nào đó có lợi cho người đưa hối lộ hoặc cho người khác, và người phạm tội đã đồng ý sẽ thực hiện công việc như đề nghị. Trường hợp này, người phạm tội đã đồng ý nhận tiền hoặc lợi ích vật chất để thực hiện công việc như đề nghị, thì tội phạm được xem là đã hoàn thành.

Cấu thành cơ bản của Tội nhận hối lộ theo quy định của BLHS 1999, đối tượng hối lộ là vật chất, nhưng BLHS 2015 mở rộng thêm đối tượng là lợi ích phi vật chất. Từ thực tiễn hành vi làm sai lệch công vụ của người có chức vụ, quyền hạn có thể diễn giải lợi ích phi vật chất như: người phạm tội sẽ được cân nhắc đề bạt, bổ nhiệm; hoặc nhằm tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp để được tín nhiệm; hoặc có thể là được đáp ứng về nhu cầu tình dục…

+ Một nội dung quan trọng khác thuộc mặt khách quan của Tội nhận hối lộ là giữa người phạm tội và bên đưa hối lộ phải có mối liên hệ liên quan đến công vụ mà người phạm tội được giao hoặc phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi phát sinh hoạt động công vụ nhất định, người đưa hối lộ chủ động đặt vấn đề và đưa hối lộ trực tiếp (hoặc thông qua trung gian) cho người có trách nhiệm thi hành công vụ; hoặc người có trách nhiệm thi hành công vụ chủ động trực tiếp (hoặc thông qua trung gian) đòi hối lộ với người liên quan đến hoạt động công vụ hoặc đòi hối lộ thông qua người thứ ba. Nếu như giữa người phạm tội và bên đưa hối lộ không có mối liên hệ liên quan đến công vụ mà người phạm tội có trách nhiệm thi hành, thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền (trục lợi) sẽ phạm vào tội danh khác.

+ Mục đích của việc đưa và nhận hối lộ nhằm để chủ thể làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Như vậy, trong cấu thành tội phạm trên không bắt buộc người nhận hối lộ đã thực hiện một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Như đã phân tích trên, tội phạm được xem là hoàn thành khi người phạm tội chủ động đòi hối lộ hoặc đã nhận tiền, tài sản dùng làm phương tiện phạm tội.

Từ phân tích cấu trúc và làm rõ thời điểm tội phạm hoàn thành cho thấy, nếu trong quá trình người phạm tội làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà hành vi đó cấu thành một tội độc lập khác, thì ngoài tội nhận hối lộ, họ sẽ phải chịu trách thêm về độc lập ấy.

Ví dụ: A là Điều tra viên được giao nhiệm vụ xử lý vụ tai nạn giao thông do B gây ra làm chết người khác, A đã nhận của B 100 triệu đồng, sau đó A đã sửa chữa biên bản khám nghiệm hiện trường sao cho có lợi cho B, rồi báo cáo đề nghị ra quyết định không khởi tố vụ án. Trường hợp này hành vi của A cấu thành hai tội: Tội nhận hối lộ và Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

– Chủ thể của tội phạm: là người có chức vụ, quyền hạn và được giao hoặc phải thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật liên quan đến người đưa hối lộ.

– Mặt chủ quan của tội phạm: Các chủ thể mong muốn chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức cho thấy yếu tố lỗi trong cấu thành tội tham ô tài sản là lỗi cố ý trực tiếp và có động cơ là vụ lợi.

1.3 Dấu hiệu pháp lý của Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Khoản 1 Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:

“Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

(a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

(b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chưong này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

* Khách thể của tội phạm: Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trực tiếp xâm hại sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và xâm hại đến quan hệ sở hữu (sở hữu của cá nhân).

* Mặt khách quan của tội phạmMặt khách quan của tội phạm có các dấu hiệu đặc trưng sau:

– Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm gồm hai loại hành vi: Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn biểu hiện thông qua việc người phạm tội đã thực hiện những hành động vượt quá quyền hạn của mình hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật hoặc thực hiện không đầy trách nhiệm để tạo điều kiện thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn được xem là phương thức thực hiện tội phạm này và phải xảy ra trước hành vi chiếm đoạt. Để xác định được có sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì phải tùy từng lĩnh vực, vị trí công tác khác nhau và trường hợp cụ thể…, qua đó đối chiếu với quy định của pháp luật để xác định chủ thể có thẩm quyền ra sao, từ đó xác định chủ thể có hành vi vượt quá giới hạn thẩm quyền theo luật định.

Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn là tiền đề để chủ thể thực hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng chiếm đoạt tài sản rất đa dạng, có thể là thủ đoạn uy hiếp về tinh thần người quản lý tài sản, có thể là thủ đoạn gian dối hoặc lợi dụng sự tin tưởng để chiếm đoạt. Các thủ đoạn trên sở dĩ tạo ra được điều kiện thuận lợi cho việc chiếm đoạt tài sản là nhờ người phạm tội có chức vụ, quyền hạn, nếu chủ thể không có điều kiện tiền đề này, thì rất khó thực hiện hành vi thứ hai trên thực tế.

– Hậu quả thiệt hại về tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên. Đối với thiệt hại về tài sản dưới 2.000.000 đồng thì chủ thể phải thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử lý kỹ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chưong này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đây là tội phạm có cấu thành vật chất, hành vi gây ra hậu quả trên thực tế thì tội phạm mới hoàn thành, nếu vì nguyên nhân khách quan mà người phạm tội không chiếm đoạt được tài sản của người khác thì hành vi thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Chủ thể của tội phạm: Đối với tội phạm quy định tại Điều 355 trên thì chủ thể phải thỏa mãn dấu hiệu của chủ thể đặc biệt, tức là ngoài việc đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự, phải là người có chức vụ, quyền hạn thì chủ thể mới có điều lạm dụng để tạo điều kiện cho việc chiếm đoạt tài sản của người khác.

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp,  có mục đích chiếm đoạt. Nếu chủ thể có hành vi lợi chức vụ, quyền hạn không có mục đích chiếm đoạt thì hành vi sẽ phạm vào tội phạm khác như tội phạm quy định tại Điều 356 hoặc Điều 357 BLHS.

1.4. Dấu hiệu pháp lý của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:“Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo như trên cho thấy tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có dấu hiệu pháp lý như sau:

* Khách thể của tội phạm:

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

* Mặt khách quan của tội phạm có những dấu hiệu đặc trưng sau:

Hành vi khách được mô tả trong cấu thành tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm này không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm trái công vụ như không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao. Để xác định được có sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì phải tùy từng lĩnh vực, vị trí công tác khác nhau và trường hợp cụ thể, rồi so sánh với quy định của pháp luật để xác định chủ thể có thẩm quyền ra sao…, từ đó xác định chủ thể có hành vi vượt quá thẩm quyền theo luật định.

Hành vi phạm tội quy định tại Điều 356 BLHS có sự tương đồng với hành vi có tính chất tham nhũng được quy định ở các Điều luật khác (như hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ). Đặc điểm để phân biệt hành vi có dấu hiệu của tội phạm này là về mặt pháp lý tuy chủ thể có chức vụ, quyền hạn nhất định, nhưng trong giới hạn luật định thì chủ thể không có thẩm quyền tiến hành nhiệm vụ và thực tế, không có điều kiện pháp lý làm phát sinh công vụ phải thực hiện, nhưng chủ thể đã lợi dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoạt động ngoài phạm vi pháp luật cho phép. Ví dụ như theo Luật Công xã thì lực lượng lực này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn là chính, nhưng vì có mâu thuẫn với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, Trưởng Công an xã huy động lực lượng tiến hành khám xét cơ sở kinh doanh và tiến hành thu giữ tài sản một cách trái pháp luật.

Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đối với hậu quả gây thiệt đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân đòi hỏi phải có sự đánh giá toàn diện thì mới có thể kết luận được về loại thiệt hại này. Gây thiệt đến lợi ích của Nhà nước thông thường được đánh giá thông qua phản ứng, sự lên án của dư luận, khi hành vi sai phạm được thực hiện đã làm giảm súc niềm tin của nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước; đối với thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân có thể lý giải từ hệ lụy mà hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ra làm tổn hại đến danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân, làm cho công việc sản xuất, kinh doanh của họ sau đó gặp nhiều khó khăn, cản trở và nhiều khi không thể thực hiện được… Ví dụ như trường hợp các cán bộ trong Hội đồng tuyển sinh sửa chữa điểm thi trong Kỳ thi quốc gia, việc làm trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ngành giáo dục, làm sai lệch kết quả kỳ thi quốc gia, làm cho một số học sinh bị mất quyền tham gia dự tuyển tại một số Trường Đại học theo quy định.

* Chủ thể của tội phạm: Là chủ thể đặc biệt, người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thì mới có điều kiện để thực hiện tội phạm. Từ nội dung này có thể hiểu chủ thể phải là cán bộ, công chức, khi đó hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của chủ thể mới có thể phát huy hiệu quả trên thực tế.

* Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp, động cơ phạm tội xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân. Chủ thể nhận thức được hành vi của mình là trái luật, vượt ra khỏi giới hạn về thẩm quyền của họ, nhưng vì nhằm thu lợi bất chính mà chủ thể bất chấp pháp luật; hoặc vì nhằm thỏa mãn những vấn đề cá nhân như nhằm tạo thuận lợi cho bản thân trong việc đề bạt, bổ nhiệm; hoặc nhằm làm hài lòng cấp trên; hoặc nhằm tạo ra những thuận lợi cho người thân trong sản, kinh doanh; hoặc đơn giản là nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân…

1.5. Dấu hiệu pháp lý của Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Điều 357 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi) quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt…”.

Các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này về cơ bản giống với Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356), chỉ khác là người phạm tội trong lúc thi hành công vụ đã thực hiện những việc làm vượt quá giới hạn quyền năng của mình. Đặc điểm để phân biệt hành vi có dấu hiệu của tội phạm này là về mặt pháp lý chủ thể có thẩm quyền thực hiện công vụ và thực tế, có điều kiện pháp lý làm phát sinh công vụ phải thực hiện, nhưng chủ thể đã lợi dụng để thực hiện hoạt động ngoài phạm vi pháp luật cho phép, nên đã gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ví dụ lực lượng Công an xã trong quá trình bắt quả tang A đang chứa chấp việc đánh bạc tại căn nhà của y, vì trước đó có mâu thuẫn với A, nên ngoài việc thu giữ tiền và dụng cụ sử dụng vào việc đánh bạc cùa các con bạc, Trưởng Công an xã (người đang thi hành công vụ) còn thu giữ chiếc xe ô tô tải (trên đó có hàng hóa là nông sản) và toàn bộ tài sản là động sản của gia đình A để làm rõ. Quá trình thu giữ vật chứng, tài sản, Trưởng Công an xã chỉ đạo lập hai biên bản thu giữ khác nhau, các tài sản của gia đình A thì lập một biên bản, còn tiền và dụng cụ dùng vào đánh bạc thì ghi nhận việc thu giữ trong Biên bản bắt người phạm tội quả tang. Ba ngày sau, nhiều lần A liên hệ xin nhận lại tài sản thì người có thẩm quyền mới tiến hành giao trả phương tiện và hàng hóa cho A, nhưng vì hàng hóa không được xử lý nhanh chóng nên đã hư hỏng, gây thiệt hại cho A trên 30.000.000 đồng. Việc người thi hành công vụ phát hiện hành vi phạm tội, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì chủ thể có quyền thu giữ tài sản và đồ vật liên quan đến tội phạm, nhưng phải thu giữ dựa trên quy định của pháp luật. Các đối tượng có hành vi cờ bạc, thì phương tiện, công cụ phục vụ cho việc thực hiện tội phạm đánh bạc không phải là xe ô tô và hàng nông sản, đó là tài sản riêng của A, việc thu giữ như trên là có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

* Chủ thể của tội phạm: Là chủ thể đặc biệt, người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thì mới có điều kiện để thực hiện tội phạm. Từ nội dung này có thể hiểu chủ thể phải là cán bộ, công chức, khi đó hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của chủ thể mới có thể phát huy hiệu quả trên thực tế.

* Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp, động cơ phạm tội xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân. Chủ thể nhận thức được hành vi của mình là trái luật, vượt ra khỏi giới hạn về thẩm quyền của họ, nhưng vì nhằm thu lợi bất chính mà chủ thể bất chấp pháp luật; hoặc vì nhằm thỏa mãn những vấn đề cá nhân như nhằm tạo thuận lợi cho bản thân trong việc đề bạt, bổ nhiệm hoặc nhằm làm hài lòng cấp trên; hoặc nhằm tạo ra những thuận cho người thân trong sản, kinh doanh; hoặc đơn giản là nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân mình…

1.6. Dấu hiệu pháp lý của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Điều 358 quy định:

 “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi được quy định là tội danh riêng trong luật hình sự Việt Nam kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 được sửa đổi, bổ sung lần thứ tư năm 1997. Việc tách tội này ra khỏi Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi là cần thiết nhằm tạo cơ sở phân hoá được trách nhiệm hình sự, vì hai tội phạm này có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau.

Bộ luật hình sự năm 1999, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi đã xác định các dấu hiệu như sau: 1) Chủ thể của tội này là người có chức vụ, quyền hạn và do đó có ảnh hưởng nhất định đối với người có chức vụ, quyển hạn khác; 2) Người phạm tội đã lợi dụng ảnh hưởng do có chức vụ, quyền hạn để nhận lợi ích vật chất (tiền, hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác) cho mình. Đánh đổi cho việc nhận này, người phạm tội đã phải hoặc sẽ phải tác động đến người có chức vụ, quyền hạn để người này giải quyết công việc cho người đã đưa lợi ích vật chất cho mình; 3) Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi chỉ bị coi là tội phạm khi lợi ích vật chất mà chủ thể nhận có giá trị từ 500.000 đồng trở lên hoặc đã gây hậu quả nghiêm trọng hoặc chủ thể đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm…

Đến BLHS 2015, cấu thành Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại Điều 358 như đã viện dẫn có các dấu hiệu pháp lý như sau:

* Khách thể của tội phạm:

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

* Mặt khách quan của tội phạm có những dấu hiệu đặc trưng sau:

Hành vi tiền đề được mô tả là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn nhận (hoặc sẽ nhận) lợi ích vật chất từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất, mục đích của việc đưa và nhận lợi ích là nhằm tác động đến người có chức vụ, quyền hạn khác để người này giải quyết công vụ có lợi cho bên cung cấp lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất đó.

Cấu thành cơ bản của tội phạm trên theo quy định của BLHS 1999 thì đối tượng mà người phạm tội nhận từ người thứ ba là vật chất, nhưng BLHS 2015 mở rộng thêm đối tượng là lợi ích phi vật chất. Từ thực tiễn hành vi gây ảnh hưởng đến người có chức vụ, quyền hạn để người đó làm sai lệch công vụ của họ có thể diễn giải lợi ích phi vật chất như: người phạm tội sẽ được cân nhắc đề bạt, bổ nhiệm; hoặc nhằm tạo mối quan hệ tốt với với họ hàng và những người xung quanh; hoặc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người thân của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhận những ưu đãi của Nhà nước; hoặc có thể là được đáp ứng về nhu cầu tình dục…

 Hành vi tiếp theo sau khi nhận lợi ích là người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người có trách nhiệm thực thi công vụ để trục lợi. Từ hành vi này có thể lý giải: Chủ thể phải có chức vụ, quyền hạn “đủ mạnh” để có thể gây ảnh hưởng đối với người đang thực thi công vụ nhằm làm cho công vụ được thực hiện theo ý chí của người phạm tội. Khi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội không ngang hàng với người đang thực thi công vụ, vị trí cũng không tương xứng thì việc người phạm tội nhận tiền, lợi ích từ người khác rồi dùng quan hệ quen biết, đồng nghiệp để gây ảnh hưởng làm cho người thực thi công vụ giải quyết công việc theo ý chí của họ, thì cần xem hành vi gây ảnh hưởng trong trường hợp này phạm vào tội danh khác (như Tội môi giới hối lộ hoặc Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi). Vì vậy, việc đánh giá, so sánh, xác định về mối quan hệ và sự ảnh hưởng của người phạm tội (người có chức vụ, quyền hạn) với người đang có trách nhiệm thực thi công vụ liên quan đến người cung cấp lợi là việc làm rất cần thiết để xác định đúng tội danh của hành vi.

* Chủ thể của tội phạm: Là chủ thể đặc biệt, người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thì mới có điều kiện để thực hiện tội phạm. Từ nội dung này có thể hiểu chủ thể phải là cán bộ, công chức, khi đó hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của chủ thể để gây ảnh hướng đối với người có chức vụ, quyền hạn khác mới có thể phát huy hiệu quả trên thực tế.

* Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp, động cơ phạm tội xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.

1.7. Dấu hiệu pháp lý của Tội giả mạo công tác

Theo Điều 359 quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt…

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn”.

* Khách thể của tội phạm: Tội giả mạo trong công tác xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội mà kinh phí, tài chính đảm bảo cho hoạt động có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

* Mặt khách quan: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi được nêu tại Điều luật. Cụ thể: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác (như Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức – Điều 340, Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức – Điều 341, Tội đảo chiếm đoạt tài sản – Điều 174…).

Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào dấu hiệu có chức vụ, quyền hạn của người phạm tội là chưa đủ cơ sở để làm nổi bậc sự khác biệt của tội phạm quy định tại Điều 359 và những tội phạm khác như đã liệt kê. Một dấu hiệu rất quan trọng là ngoài chức vụ, quyền hạn, thì người phạm tội còn phải là người có công vụ liên quan đến việc làm, ban hành các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức hoặc họ là người có trách nhiệm tham gia thực hiện các chỉ đạo, quyết định bằng văn bản của cấp trên… sau đó, người phạm tội lợi dụng quá trình tham gia thực thi công vụ đã sửa chữa, làm sai lệch hoặc làm giả hoặc giả chữ ký của người có thẩm quyền để đưa các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu vào thực tế, từ đó tác động và gây ra thiệt cho các quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ. Ví dụ như cán bộ Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội huyện giả chữ ký của Trưởng phòng để hợp thức hóa hồ sơ cho người thân của mình là Thương bệnh binh nhằm tạo diều kiện cho người thân được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước một cách trái pháp luật.

* Chủ thể của tội phạm: Là chủ thể đặc biệt, người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thì mới có điều kiện để thực hiện tội phạm. Từ nội dung này có thể hiểu chủ thể phải là cán bộ, công chức, khi đó chủ thể mới có điều kiện thuận lợi thực hiện hành vi phạm tội dễ dàng và khó bị phát hiện.

* Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp; động cơ phạm tội xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân. Chủ thể nhận thức được hành vi của mình là trái luật, nhưng vì nhằm thu lợi bất chính; hoặc vì nhằm thỏa mãn những vấn đề cá nhân như nhằm tạo thuận lợi cho bản thân hoặc người thân quen trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm; hoặc nhằm tạo ra những thuận cho người thân trong sản xuất, kinh doanh, hưởng chính sách trợ cấp, ưu đãi của Nhà nước; hoặc nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân mình… mà chủ thể bất chấp pháp luật.

2. Một số vấn đề về định tội danh đối với hành vi tham nhũng

Qua phân tích các cấu thành tội phạm về tham nhũng cho thấy trong các yếu tố cấu thành của từng tội danh quy định từ Điều 353-359 BLHS có vùng chồng lấn rất lớn, về mặt lý luận việc làm rõ ranh giới của từng tội danh là vấn đề rất cần thiết để tạo cơ sở cho thực tiễn áp dụng pháp luật được thống nhất. Kết hợp giữa nghiên cứu lý luận và thực tiễn xử lý các tội phạm về tham nhũng, chúng tôi nhận thấy tiêu chí hợp lý nhằm bảo đảm cho việc định tội danh được chính xác bao gồm:

2.1. Định tội danh đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Từ cấu trúc các tội phạm quy định tại Mục 1 Chương tội phạm về chức vụ có thể xác định có 02 tội danh được xem là có tính chất chiếm đoạt, đó là Tội tham ô tài sản và Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điểu 353, 355 BLHS. Khi thực tế xảy ra vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm hoặc đã chiếm đoạt tài sản, thì có thể khẳng định hành vi sẽ phạm vào một trong hai tội phạm này. Vấn đề tiếp theo trong quá trình định tội là phải làm rõ những đặc điểm giống và khác nhau của hai tội phạm trên.

– Về khách thể bị tội phạm trực tiếp xâm hại là sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức và quan hệ sở hữu. Nhưng đối với Tội tham ô tài sản, thì tài sản bị xâm hại thuộc quyền sở hữu của cơ quan, tổ chức mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý; đối với Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thì tài sản bị xâm hại có thể thuộc quyền sở hữu của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân và người phạm tội không có trách nhiệm quản lý đối với tài sản trên.

– Về chủ thể, mặt chủ quan của hai loại tội phạm quy định tại Điều 353 và 355 đều là chủ thể đặc biệt, người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn thì mới có điều kiện chiếm đoạt tài sản và phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, có mục đích chiếm đoạt.

– Đối với mặt khách quan, sự khác biệt của hai tội phạm này thể hiện ở phương pháp, thủ đoạn và đối tượng mà hành vi phạm tội hướng đến.

Đối với Tội tham ô tài sản: Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện một cách sai trái với quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính, tài sản mà mình phụ trách nhằm mục đích chiếm đoạt tài chính, tài sản của cơ quan, tổ chức cho bản thân mình; hành vi chiếm đoạt tài sản có thể thực hiện một cách công khai, có thể bí mật, quá trình thực hiện tội phạm, chủ thể có thể sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc không… Thông thường là để che giấu hành vi chiếm đoạt người phạm tội thường có hành vi sửa chữa sổ sách, chứng từ, lập chứng từ giả; cố ý nâng cao hoặc hạ thấp một cách sai trái giá trị các quyết định, hợp đồng đầu tư, mua bán tài sản; lập khống các hợp đồng, chứng từ liên quan đến thu chi tài chính, mua bán tải sản; tiêu huỷ hoá đơn, chứng từ liên đến việc thu chi tài chính; hoặc tạo ra vụ cháy, vụ mất trộm tiền…; các thủ đoạn phạm tội có thể được thực hiện trước, trong hoặc sau khi chủ thể chiếm đoạt được tài sản.

Đối với Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn biểu hiện thông qua việc người phạm tội đã thực hiện những hành động vượt quá quyền hạn của mình, thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm đoán; hoặc thực hiện không đầy trách nhiệm để tạo điều kiện thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản…; thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng chiếm đoạt tài sản rất đa dạng, có thể là thủ đoạn uy hiếp về tinh thần người quản lý tài sản, có thể là thủ đoạn gian dối hoặc lợi dụng sự tin tưởng của người đang quản lý tài sản để chiếm đoạt. Các thủ đoạn trên sở dĩ tạo ra được điều kiện thuận lợi cho việc chiếm đoạt tài sản là nhờ người phạm tội có chức vụ, quyền hạn, nếu không có điều kiện tiền đề thì rất khó thực hiện hành vi thứ hai trên thực tế; sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn phải xảy ra trước hành vi chiếm đoạt và tùy từng lĩnh vực, vị trí công tác khác nhau và trường hợp cụ thể để xác định chủ thể đã có hành vi vượt quá giới hạn thẩm quyền theo luật định nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, đã chiếm đoạt hay nhằm mục đích khác.

2.2. Định tội danh đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất

Bộ luật hình sự quy định về Tội nhận hối lộ tại Điều 354 như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…” và quy định về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi tại Điều 358 là: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm…” cho thấy, khi chủ thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào (vật chất hoặc phi vật chất) thì hành vi đó sẽ phạm vào một trong hai tội phạm này. Tuy nhiên để việc định tội được chính xác thì cần phân tích làm rõ dấu hiệu đặc trưng của hai loại tội phạm quy định tại Điều 354 và 358 BLHS.

– Về khách thể bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại là sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đối với Tội nhận hối lộ thì hành vi còn xâm hại đến hoạt động đúng đắn theo quy định của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Như vậy, khi người công tác trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào để làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa lợi ích, thì hành vi ấy có dấu hiệu của Tội nhận hối lộ.

– Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi nhận (hoặc sẽ nhận) lợi ích vật chất từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất  theo quy định của Điều 354 BLHS của người phạm tội là nhằm thực hiện hoạt động công vụ có lợi cho người đưa hối lộ; còn hành vi khách quan mô tả trong Điều 358 là nhận lợi ích rồi sau đó tác động đến người có chức vụ, quyền hạn khác để người này giải quyết công vụ có lợi cho bên cung cấp lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất đó.

Hành vi tiếp theo sau khi nhận lợi ích là người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người có trách nhiệm thực thi công vụ, như vậy chủ thể phải có chức vụ, quyền hạn “đủ mạnh”, có thể gây ảnh hưởng đối với người đang thực thi công vụ nhằm làm cho công vụ được thực hiện theo ý chí của người phạm tội; khi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội không ngang hàng với người đang thực thi công vụ, vị trí cũng không tương xứng thì việc người phạm tội nhận tiền, lợi ích từ người khác rồi dùng quan hệ quen biết, đồng nghiệp để gây ảnh hưởng làm cho người thực thi công vụ giải quyết công việc theo ý chí của họ, thì cần xem hành vi gây ảnh hưởng trong trường hợp này phạm vào tội danh khác. Đối với Tội nhận hối lộ, hành vi tiếp theo sau khi nhận hoặc thỏa thuận sẽ nhận lợi ích thì người phạm tội sự dụng việc được pháp luật hoặc được phân công thực thi nhiệm để làm hoặc không làm đúng chức trách từ đó mang lại lợi ích cho người đưa hối lộ. Như vậy, điểm khác biệt cơ bản ở mặt khách quan của hai loại tội phạm trên là một bên thì sau khi nhận lợi ích sẽ tác động vào hoạt động của người có trách nhiệm khác, một bên thì trực tiếp thực hiện công việc theo thẩm quyền nhằm làm lợi cho người cung cấp lợi ích cho người phạm tội.

– Chủ thể của hai loại tội phạm đều là chủ thể đặc biệt, người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thì mới có điều kiện để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm quy định tại Điều 354 BLHS có thể là cán bộ, công chức hoặc là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước; còn chủ thể của tội phạm quy định tại Điều 358 BLHS chỉ có thể là cán bộ, công chức.

2.3. Định tội danh đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân

Như chúng tôi đã chỉ ra, trong 07 tội phạm về tham nhũng được quy tại Mục 1 Chương XXIII BLHS, dấu hiệu khác biệt của Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355) là tội phạm có tính chất chiếm đoạt; Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358) là hai tội phạm có quy định hành vi lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất. Như vậy, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện việc làm không đúng với chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật vì động cơ vụ hoặc cá nhân, thì hành vi đó sẽ phạm vào một trong các tội quy định tại Điều 356, 357 và 359 BLHS.

Để tạo cơ sở lý luận cho việc định tội danh đúng đối với các tội phạm về tham nhũng này, nhận thấy cần so sánh làm nổi bậc nét đặc trưng của từng tội phạm.

– Về dấu hiệu khách thể, chủ thể và mặt chủ quan của 03 loại tội phạm như đã nêu về cơ bản là như nhau: Khách thể, các hành vi phạm tội mô tả trong các cấu thành tội phạm đều xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội mà kinh phí, tài chính đảm bảo cho hoạt động có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thì mới có điều kiện để thực hiện tội phạm một cách thuận lợi; mặt chủ quan của tội phạm, lỗi cố ý trực tiếp, động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân. Chủ thể nhận thức được hành vi của mình là trái luật, nhưng vì nhằm thu lợi bất chính hoặc vì nhằm thỏa mãn những vấn đề cá nhân mà chủ thể bất chấp pháp luật.

– Những nội dung khác nhau về mặt khách quan của các tội quy định tại Điều 356, 357 và 359 BLHS như sau:

Hành vi khách được mô tả trong cấu thành tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS) là trường hợp người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện tội phạm. Hành vi làm trái công vụ như không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao. Một đặc trưng của tội phạm này là hoàn cảnh thực hiện hành vi vượt quá thẩm quyền, khi đó theo luật định thì không làm phát sinh công vụ nhưng chủ thể vẫn sử dụng quyền hạn của mình để tạo ra hoạt động trái luật; hoặc có điều kiện pháp lý làm phát sinh hoạt động công vụ, nhưng chủ thể lại thực hiện một hoạt động hoàn toàn không thuộc phạm vi công vụ.

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357), dấu hiệu để phân biệt tội phạm này với tội phạm quy định tại Điều 356 BLHD là hoàn cảnh phạm tội. Theo quy định của pháp luật thì chủ thể có trách nhiệm phải thực hiện công vụ một cách đúng đắn, và thực hiện đã phát sinh những điều kiện cho việc thực hiện công vụ, nhưng chủ thể đã thực hiện những việc làm vượt quá giới hạn quyền năng cho phép, nên đã gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đối với Tội giả mạo trong công tác thì hành vi phạm tội thể hiện qua việc chủ thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi gồm, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Một dấu hiệu rất quan trọng là người phạm tội có nhiệm vụ liên quan đến việc làm, ban hành các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức hoặc họ là người có trách nhiệm tham gia thực hiện các chỉ đạo, quyết định bằng văn bản của cấp trên… sau đó, người phạm tội lợi dụng quá trình tham gia thực thi công vụ đã sửa chữa, làm sai lệch hoặc làm giả hoặc giả chữ ký của người có thẩm quyền để đưa các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu vào thực tế, từ đó tác động và gây ra thiệt cho các quan hệ xã hội mà pháp luật hình sự bảo vệ./.

Ths. Võ Văn Tài Phó Trưởng Khoa Kiểm sát hình sự

Nguồn: tkshcm.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *