Sau một thời gian thí điểm về áp dụng hòa giải, đối thoại[1], Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (LHGĐT). LHGĐT đã đưa ra một quy trình mới, một cách thức mới ngoài quy trình tố tụng theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) để các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp của mình.
1.Sơ lược về quy trình hòa giải đối thoại tại Tòa án theo LHGĐT
LHGĐT có 4 Chương, 42 Điều trong đó Chương III quy định chi tiết về trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải đối thoại tại Tòa án. LHGĐT cũng đã được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên (Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC); Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC) và Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên (Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC).
Quy trình hòa giải đối thoại tại Tòa án có thể chia thành 3 giai đoạn như sau:
a.Giai đoạn tiền hòa giải, bắt đầu từ khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền và kết thúc khi có quyết định chỉ định Hòa giải viên của Thẩm phán được phân công phụ trách hòa giải
Giai đoạn này được quy định cụ thể tại các điều từ Điều 16 đến Điều 19 LHGĐT, Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC và các biểu mẫu tại Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC.
Trước hết, bộ phận tiếp nhận đơn khởi kiện của Tòa án có thẩm quyền giải quyết sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, trong hai (2) ngày Chánh án sẽ thông báo cho người khởi kiện biết về quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong thời hạn ba (3) ngày, người khởi kiện phải trả lời về việc đồng ý hoặc không đồng ý hòa giải đối thoại.
Trong trường hợp nếu người khởi kiện từ chối hòa giải thì Chánh án sẽ phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS. Nếu người khởi kiện đồng ý hòa giải, tùy theo từng trường hợp Thẩm phán được phân công phụ trách hòa giải sẽ chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn hoặc sẽ tự mình chỉ định Hòa giải viên.
Sau khi đã có quyết định chỉ định Hòa giải viên và các bên không có yêu cầu thay đổi Hòa giải viên thì vụ án bắt đầu chuyển sang giai đoạn hòa giải.
b.Giai đoạn hòa giải, bắt đầu tiếp theo sau giai đoạn tiền hòa giải đến khi tổ chức thành công phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải tại Tòa án
Giai đoạn này được quy định từ Điều 20 đến Điều 31 LHGĐT. Thời gian để hòa giải viên thực hiện hòa giải là hai mươi (20) ngày.
Sau khi đã chuẩn bị các công tác cần thiết để hòa giải, Hòa giải viên tiến hành mở phiên hòa giải, nếu các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ án thì Hòa giải viên sẽ tiến hành mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải và lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải. Đến đây, việc hòa giải, đối thoại của các bên đã chấm dứt (khoản 1 Điều 40 và khoản 4 Điều 2 LHGĐT).
c.Giai đoạn sau hòa giải, các bên có thể thực hiện các thủ tục sau khi đã tổ chức xong phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại
Các bên có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành (theo quy định từ Điều 32 đến Điều 35 LHGĐT); Các bên có thể đề nghị, Viện kiểm sát có thể kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án (theo quy định tại các điều từ Điều 36 đến Điều 39 LHGĐT).
Qua nghiên cứu LHGĐT và Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC hướng dẫn cụ thể hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số vấn đề cần phải được quán triệt, làm rõ. Đặc biệt cần làm rõ mối liên hệ giữa các quy định tại LHGĐT với các quy định tại BLTTDS.
2.Mối liên hệ giữa hòa giải tại Tòa án theo LHGĐT với một số quy định của BLTTDS
a.Xác định thẩm quyền của Tòa án
Quy trình hòa giải được bắt đầu khi người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án nhưng Tòa án chưa được xem xét đơn khởi kiện để thụ lý như quy định của BLTTDS (khoản 3 Điều 191 BLTTDS) mà phải xem xét để xử lý để giải quyết hòa giải tại Tòa án theo LHGĐT trước. Tuy vậy, Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện vẫn phải xác định tranh chấp mà người khởi kiện thực hiện việc khởi kiện có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không?
Khi nghiên cứu và tham khảo ý kiến một số chuyên gia, chúng tôi nhận thấy vẫn còn có hai quan điểm khác nhau trong việc áp dụng căn cứ xác định thẩm quyền này.
Quan điểm thứ nhất. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án để tiến hành hòa giải theo LHGĐT cần tách bạch với thẩm quyền của Tòa án theo quy định của BLTTDS.
Quan điểm này cho rằng bản chất của hai quy trình trên là khác nhau. Đối với quy trình hòa giải, mục đích các bên hướng đến là việc thương lượng thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án còn đối với quy trình tố tụng, các bên nhắm đến là việc phân định đúng sai, thắng – thua. Việc quy định tách bạch về thẩm quyền giải quyết của hai quy trình sẽ tạo sự linh hoạt và thống nhất trong pháp luật.
Quan điểm thứ hai. Xác định thẩm quyền các tranh chấp để tiến hành hòa giải theo LHGĐT vẫn phải tuân theo quy định về thẩm quyền của BLTTDS.
Quan điểm này dựa vào các cơ sở cho rằng, theo quy định của LHGĐT thì việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong việc hòa giải vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của BLTTDS (khoản 2 Điều 1 và khoản 2 Điều 16 LHGĐT[2]). Đồng thời, tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC hướng dẫn cụ thể nếu đơn khởi kiện được gửi đến Tòa án không đúng thẩm quyền thì quá trình hòa giải chấm dứt và Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét giải quyết đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS năm 2015.
Điều này có nghĩa rằng quy định của LHGĐT đã xác định rõ việc xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành. Việc người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến Tòa, Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn và xác nhận việc nhận đơn đã làm phát sinh đồng thời hai quan hệ pháp luật là [1] quan hệ hòa giải, đối thoại do LHGĐT điều chỉnh và [2] quan hệ tố tụng dân sự do BTTDS điều chỉnh.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ, xuất phát điểm người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án là họ mong muốn giải quyết tranh chấp của mình bằng con đường Tòa án. Ngoài ra, hoạt động hòa giải theo LHGĐT cũng là hòa giải tại Tòa án nên việc xem xét thẩm quyền giải quyết có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là cần thiết và quan trọng.
Việc phát sinh đồng thời hai quan hệ này mặc dù không xung đột nhưng lại dễ gây nhầm lẫn giữa quy trình hòa giải theo LHGĐT với hòa giải theo BLTTDS khi mà người khởi kiện đều thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án.
Tuy vậy, để quy trình hòa giải tại Tòa án có một sự độc lập cơ bản và nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật thì nên chăng có hướng dẫn cụ thể và rõ hơn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 LHGĐT theo hướng khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án phải xác định được bộ phận tiếp nhận đơn là bộ phận nào? Bộ phận này sẽ tiếp nhận và xem xét tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và có thuộc trường hợp hòa giải được hay không. Nếu tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án và thuộc trường hợp hòa giải được thì tiếp tục công việc triển khai hòa giải đối thoại theo quy định của LHGĐT.
Nếu vụ án thuộc trường hợp không được hòa giải hoặc thuộc trường hợp được hòa giải và có thể tiến hành hòa giải theo quy định của LHGĐT nhưng các bên không đồng ý hòa giải thì phải giải quyết tranh chấp theo quy trình tố tụng quy định tại BLTTDS.
Qua các quy định trên có thể thấy rằng hòa giải theo LHGĐT vẫn có một số nội dung được dẫn chiếu và xem xét điều chỉnh bởi quy định của BLTTDS. Trong đó có việc xác định thẩm quyền của Tòa án để tiến hành hòa giải vẫn phải thực hiện theo quy định của BLTTDS và việc quy định này đồng thời cũng đã giới hạn chủ thể tham gia hòa giải theo LHGĐT chỉ có thể là người khởi kiện và người bị kiện (khi Tòa án chưa thụ lý vụ án nhưng tranh chấp đó vẫn phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của BLTTDS). Nói cách khác, các chủ thể có phát sinh tranh chấp nhưng không làm đơn khởi kiện ra Tòa án thì không thể là các bên trong quan hệ hòa giải thuộc phạm vi điều chỉnh của LHGĐT.
b.Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án và việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thực hiện theo trình tự thủ tục quy định tại LHGĐT (từ Điều 32 đến Điều 35 LHGĐT). Việc công nhận kết quả hòa giải thành chỉ được thực hiện khi các bên có yêu cầu. Nói rõ hơn, sau khi Tòa án tiến hành hòa giải theo LHGĐT mà kết quả hòa giải thành công, các bên thỏa thuận được với nhau thì các bên có thể chủ động thực hiện theo nội dung đã hòa giải được mà không cần Tòa án phải ban hành quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án.
Mặc dù vậy, theo người viết, khả năng cao là các đương sự vẫn tiếp tục lựa chọn để yêu cầu Tòa án ban hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án nhằm đảm bảo tính pháp lý cũng như giá trị thi hành của những thỏa thuận này. Do vậy, quan trọng và ý nghĩa nhất của việc xem xét và ban hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án chính là giá trị thi hành của nó.
Theo LHGĐT, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành sẽ được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 2 Điều 35 LHGĐT). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 (LTHADS) và theo quy định Điều 482 BLTTDS thì không có loại quyết định nào là Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành theo LHGĐT. Nói cách khác, phạm vi điều chỉnh của LTHADS là những bản án, quyết định dân sự được ban hành theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại BLTTDS. Việc quy định một Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được ban hành đặc thù theo LHGĐT nhưng lại có hiệu lực bắt buộc thi hành như một quyết định được ban hành theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại BLTTDS cần thiết phải có văn bản giải thích, hướng dẫn chi tiết vấn đề này để tránh khỏi sự khó khăn, lúng túng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
3.Kết luận
Mặc dù LHGĐT đã có Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC hướng dẫn cụ thể hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án tuy nhiên để triển khai trên thực tế như đã phân tích sẽ không thể tránh khỏi sự lúng túng của các chủ thể tham gia vào quá trình hòa giải theo LHGĐT và theo thủ tục tố tụng dân sự nói chung, cũng như trong việc thi hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Vì vậy, chắc chắn trong quá trình triển khai LHGĐT sẽ còn phát sinh những vấn đề chưa thống nhất còn tranh cãi như một số vấn đề đã được người viết nêu trong bài này. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể để tránh bất cập, có như vậy mới góp phần cho việc thực thi LHGĐT trong mối tương quan với BLTTDS trên thực tế được thuận lợi, thành công./.
[2] Khoản 2 Điều 1 LHGĐT “Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính”.
Khoản 2 Điều 16 LHGĐT “2. Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính”.
Nguồn: Tapchitoaan.vn